Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Hai - Phẩm Ubbarì - Chuyện ðại Vương Kanha Kanha

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP BẢY

NGẠ QUỶ SỰ  

PHẨM HAI

PHẨM UBBARÌ  

CHUYỆN ÐẠI VƯƠNG KANHA KANHA  

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana. Ở thành Sàvatthi, con trai của một vị đệ tử tại gia từ trần. Người cha đau buồn không thể tắm rửa ăn uống hay quan tâm đến công việc của mình, mà cũng không đi phụng sự Đức Phật.

Vị ấy thường nói lảm nhảm: Con yêu quý của ta đã bỏ đi đâu rồi!

Tại sao nó ra đi trước ta?

Trong lúc bậc Ðạo Sư đang quán sát thế gian vào lúc rạng đông. Ngài thấy người kia có đủ cơ duyên đắc đạo quả. Ngày hôm sau, được chúng Tỳ Kheo vây quanh, Ngài đi vào Sàvatthi để khất thực.

Sau khi thọ trai, Ngài cùng thị giả Ananda đến cửa nhà người ấy. Lập tức các gia nhân báo cho vị đệ tử cư sĩ kia và đưa vị ấy đến tiếp kiến bậc Ðạo Sư.

Khi Ngài thấy vị ấy ngồi một bên, Ngài bảo: Này cư sĩ, ông đang phiền muộn điều gì chăng?

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Này cư sĩ, các bậc Trí nhân ngày xưa không còn than khóc đứa con yêu từ trần sau khi đã nghe chuyện của các Bậc Hiền Trí. Rồi theo lời thỉnh cầu của người gia chủ, Ngài kể chuyện cổ tích này.

Thời xưa trong thành Dvàravati, có mười huynh đệ hoàng gia: Vàsudeva, Baladeva, Candadeva, Suriyadeva, Aggideva, Varunadeva, Ajjuna, Pajjuna, Ghatapandita và Ankura. Trong số này, có con trai của Ðại Vương Vàsudeva từ trần.

Vị Vua ấy tràn ngập nỗi sầu bi, xao lãng mọi phận sự quân Vương, cứ nằm dài trên giường, chắp tay lên đầu và nói lảm nhảm.

Lúc ấy Ghatapandita Trí giả Ghata suy nghĩ: Không ai ngoài ta có thể xua tan nỗi ưu phiền của Hoàng huynh. Ta sẽ dùng mưu kế dẹp bỏ nỗi sầu của Hoàng huynh.

Vì thế vị ấy làm ra vẻ điên khùng vừa nhìn lên Trời, vừa lang thang khắp Kinh Thành, bảo: Cho ta con thỏ! Cho ta con thỏ!

Lúc ấy dân chúng toàn thành suy nghĩ: Ghatapandita đã phát điên rồi!

Lúc ấy vị Quốc Sư tên là Rohineyya đi đến Ðại Vương Vàsudeva và mở đầu câu chuyện với vần kệ này:

Ðứng lên! Tâu Ðại đến Kan ha,

Sao Ðại đế nằm mãi thế kia?

Ích lợi gì khi Ngài ngủ thiếp?

Chàng là bào đệ của Ngài mà,

Là tim, mắt phải Ngài yêu quý,

Gió cuốn Ghata hóa dại khờ!

Bậc Ðạo Sư tiếp tục câu chuyện với vần Kệ này:

Khi nghe lời của Rohiya,

Ðại Đế Kesa, dáng xót xa,

Nặng trĩu sầu tư, liền đứng dậy

Chỉ vì bào đệ của Nhà Vua.

Sau đó Nhà Vua từ lầu thượng bước xuống và đi đến gặp Ghatapandita.

Nhà Vua ôm chặt bào đệ với đôi tay và nói chuyện với chàng:

Sao dáng điên rồ, đệ thẩn thơ

Khắp Kinh Thành đất nước Dvàra,

Thì thầm: Thỏ! Thỏ! luôn mồm ấy,

Loại thỏ gì kia đệ ước mơ?

Thỏ dầu bằng ngọc hoặc vàng ròng,

Hoặc bạc hay là loại thỏ đồng,

Bảo ngọc, san hô, loài đá quý,

Ta làm cho đệ thỏa cầu mong.

Còn có nhiều loài thỏ biết bao

Vẫn thường chạy nhảy chốn rừng sâu,

Loại này ta cũng mang cho đệ,

Loại thỏ nào đâu đệ ước ao?

Ghatapandita đáp:

Những loại thỏ này đệ chẳng ham,

Những loài cư trú khắp trần gian,

Ke sa va, hãy mau đem xuống

Cho đệ thỏ kia chốn Quảng Hàn!

Khi nghe chàng nói, Nhà Vua đau buồn suy nghĩ:

Chắc chắn em ta đã hóa điên rồi, và bảo:

Bào đệ, chắc em sẽ bỏ đời,

Vì em mơ ước chuyện xa vời,

Chuyện mà không có ai mơ ước:

Con thỏ cung trăng ở Cõi Trời!

Khi đã nghe những lời của Nhà Vua xong, Ghatapandita đứng yên và đáp: Này Hoàng huynh, Hoàng huynh cũng đã hủy hoại cuộc đời của mình nhưng không đạt được con thỏ trên cung trăng mà Hoàng huynh mơ ước.

Rồi vị ấy ngâm vần Kệ này:

Nếu Kanha quả thật trí cao

Dạy cho người khác khỏi ưu sầu,

Giờ đây sao vẫn còn than khóc

Nam tử từ trần đã bấy lâu?

Trong khi đang đứng giữa đường cái, vị ấy nói như sau: Quả thật đệ ước mơ một điều rõ ràng, có thể hiểu được, nhưng Hoàng huynh lại than khóc về một điều không thể hiểu được như thế kia.

Rồi vị ấy ngâm kệ thuyết pháp với Nhà Vua:

Mong con ta sống chẳng từ trần!

Không một người hay một vị Thần

Có thể đạt điều không thể đạt,

Sao điều không thể lại cầu mong?

Không có bùa thiêng hoặc thuốc thang,

Chẳng loài dược thảo hoặc tiền vàng

Ðủ công năng để làm hồi phục

Người chết Hoàng huynh vẫn khóc than.

Chính đám phú gia lắm bạc vàng,

Quốc Vương, quý tộc có giang san,

Những người phong phú bao tiền của

Cũng chẳng thoát tay lão tử thần.

Sát Ly, Sa Môn với Thủ Đà,

Puk ku sa, Vệ Xá, Chiên Đà,

Những người này với toàn gia tộc

Cũng chẳng thoát tay lão tử ma.

Những kẻ chuyên trì tụng Chú Thần

Sáu phần sáng tạo bởi La Môn,

Bọn này, bọn khác dùng tà thuật

Cũng chẳng thoát tay lão tử vong.

Ngay các trí nhân thật chánh chân,

Các nhà khổ hạnh đã điều thân,

Sa Môn, Ẩn Sĩ, dù tu luyện,

Ðến đúng thời cơ cũng mạng vong.

Những bậc suốt đời tu tập tâm,

Những người phận sự đã làm xong,

Những người giải thoát, ly tham dục,

Ðoạn thiện ác hành, cũng bỏ thân.

Như vậy Ghatapandita thuyết pháp với Nhà Vua.

Khi Nhà Vua đã nghe xong, nỗi đau buồn liền tan biến và tâm trí trở nên thanh thản.

Nhà Vua ngâm kệ để tán thán Ghatapandita:

Lòng ta quả thực nóng bừng,

Khác nào sữa lạc đổ trong lửa đào,

Em vừa tưới nước lạnh vào,

Giờ đây ta dứt hết bao khổ sầu.

Quả em nhổ mũi tên đau

Nỗi ưu phiền đã cắm sâu vào lòng,

Xua tan mọi nỗi thương tâm,

Sầu tư nặng trĩu, khóc thầm vì con.

Giờ đây trút bỏ đau buồn,

Lòng ta lắng dịu, trí thường khinh an,

Ta không còn phải khóc than,

Từ khi nghe những lời vàng của em.

Vậy là những bậc Trí Hiền,

Ðầy lòng bi mẫn, ưu phiền xóa ngay,

Như Ghata tiểu đệ này

Ðã làm huynh trưởng từ rày an tâm.

Kẻ nào bầu bạn Hiền Nhân

Vẫn thường hầu cận thiết thân bên mình,

Với lời khuyên nhủ chí tình

Như Ghata với trưởng huynh của chàng.

Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này và bảo: Như vậy, này cư sĩ, những người trí tuệ ngày xưa dứt bỏ ưu phiền vì con sau khi đã nghe chuyện của các Bậc Hiền Nhân. Sau đó vừa thuyết giảng các Thánh đế, Ngài vừa đưa chuyện Tiền Thân này vào cơ hội trên. Khi pháp thoại chấm dứt, vị cư sĩ ấy đã được an trú vào quả vị Dự Lưu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần