Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Hai - Phẩm Kosya - Chuyện Tiểu Dục Tham Tiền Thân Culla Palobhana
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG BA
PHẨM HAI
PHẨM KOSYA
CHUYỆN TIỂU DỤC THAM
TIỀN THÂN CULLA PALOBHANA
Không phải rẽ nước biển. Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư kể về một Tỳ Kheo thối thất tinh tấn.
Khi Tỳ Kheo ấy được đưa đến chánh pháp đường, Bậc Ðạo Sư hỏi: Có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời: Sự thật là vậy.
Bậc Ðạo Sư nói: Các nữ nhân làm uế nhiễm ngay cả các Bậc thanh tịnh thuở xưa. Rồi Ngài kể chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì xứ Ba La Nại, Vua không có con trai.
Vua nói với các cung phi của mình: Hãy cầu nguyện để sanh con trai. Và họ liền cầu tự. Như vậy một thời gian dài trôi qua, Bồ Tát từ Phạm Thiên giới đi xuống và nhập thai của bà Hoàng Hậu chánh cung. Vừa sanh xong, sau khi tắm, Bồ Tát được đưa cho một người vú khác.
Khi chạm tay nữ nhân, Bồ Tát lại khóc, không giữ im lặng. Rồi Bồ Tát được đưa cho một người hầu đàn ông. Vừa được người đàn ông ấy bồng hài nhi liền im lặng.
Từ đấy trở đi, chỉ những người đàn ông ẵm hài nhi qua lại. Khi bú sữa, họ nặn sữa rồi cho Bồ Tát uống, hay đặt một cái màn giữa hài nhi và bà vú. Sau một thời gian, Bồ Tát lớn lên, nhưng vẫn không thể nhìn nữ nhân. Vua cha làm cho Bồ Tát một chỗ ngồi riêng biệt và một thiền thất riêng biệt.
Khi Bồ Tát lên mười sáu tuổi, Vua suy nghĩ: Ta không có một con trai nào khác. Còn đứa con trai này lại không hưởng thụ các dục, không muốn cai trị vương quốc.
Thật sự ta có đứa con trai như vậy để làm gì?
Bấy giờ, một kỹ nữ giỏi về múa, hát và nhạc, trẻ tuổi, có khả năng quyến rũ những người đàn ông mà nàng gần gũi.
Nàng đến hầu Vua và thưa: Tâu Thiên Tử, Ngài đang nghĩ gì vậy?
Vua kể lại sự việc ấy.
Nàng kỹ nữ thưa: Tâu Thiên Tử, hãy yên tâm!
Thiếp sẽ quyến rũ Hoàng Tử và làm cho Hoàng Tử nếm hương vị của ái tình. Nếu Nàng có thể quyến rũ con ta, một Hoàng Tử không hề biết đến hương vị đàn bà, thì khi con ta làm Vua, nàng sẽ làm Hoàng Hậu.
Nàng kỹ nữ ấy nói: Tâu Thiên Tử, trách nhiệm ấy là của thiếp.
Thiên Tử chớ lo lắng!
Nói xong, nàng kỹ nữ đi đến những người đàn ông canh gác và nói: Sáng sớm tôi sẽ đến đứng ở ngoài thiền thất gần phòng Hoàng Tử nằm và tôi sẽ hát. Nếu Hoàng Tử tức giận, hãy nói cho tôi biết, tôi sẽ bỏ đi. Nhưng nếu Hoàng Tử lắng nghe thì hãy khen ngợi tôi.
Họ bằng lòng.
Sáng hôm sau, nàng đến đứng tại chỗ ấy và cất tiếng hát với giọng ngọt lịm. Rồi tiếng đàn êm dịu trổi lên không kém gì tiếng hát ngọt ngào. Hoàng Tử nằm lắng nghe. Ngày kế đó Hoàng Tử bảo kỹ nữ ấy đứng gần và hát.
Ngày kế nữa, chàng bảo nàng đứng trong thiền thất và hát. Ngày kế nữa, chàng bảo nàng đứng gần mình và hát.
Như vậy, dần dần dục vọng khởi lên trong lòng Hoàng Tử và Hoàng Tử đi theo thói thường của người đời, biết được hương vị của ái tình, đến độ Hoàng Tử cầm gươm và dọa: Ta không cho phép một ai khác thấy nữ nhân này!
Hoàng Tử chạy ra ngoài đường, đuổi theo các người đàn ông. Vua truyền bắt Hoàng Tử và thiếu nữ kia rồi đuổi họ ra khỏi thành. Hai người đi vào rừng, xuống hạ lưu sông Hằng.
Tại đó một bên là sông Hằng, một bên là biển, họ dựng lên am thất sống với nhau. Thiếu nữ ngồi trong chòi lá nấu các củ và rau. Còn Bồ Tát mang củ quả từ rừng về.
Một hôm, trong khi Bồ Tát đi tìm quả trong rừng, một Ẩn Sĩ khổ hạnh từ một đảo trên biển đi ngang qua hư không để tìm đồ ăn khất thực, thấy khói, liền hạ xuống trước am thất.
Thiếu nữ ấy nói: Hãy ngồi chờ cho đến khi nấu xong. Nàng mời vị khổ hạnh ấy ngồi xuống, và lấy vẻ duyên dáng của phụ nữ quyến rũ vị ấy, làm vị ấy không thể thiền định và mất Phạm Hạnh.
Vị tu khổ hạnh ấy giống như con quạ gẫy cánh không thể từ bỏ nàng, trọn ngày đứng tại đấy. Khi thấy Bồ Tát đi về, vị ấy liền chạy ra hướng biển thật mau.
Bồ Tát nghĩ: Ðây chắc là một kẻ thù, liền rút kiếm đuổi theo, còn vị tu khổ hạnh làm cử chỉ như muốn bay, liền rơi xuống biển.
Bồ Tát suy nghĩ: Vị khổ hạnh này có lẽ đã đến đây ngang qua hư không, nay bị thối thất thiền định nên rơi xuống biển.
Ta phải cứu vị ấy!
Vì vậy, vừa đứng trên bờ biển, Bồ Tát đọc những bài kệ này:
Không phải rẽ nước biển,
Nhưng với thần thông lực
Ngài du hành qua đây
Vào buổi mai thật sớm,
Liên hệ ác Nữ Thần,
Ngài phải chìm xuống biển.
Làm mọi người thối thất,
Ðầy mê hoặc huyễn ảo,
Quyến rũ người thanh tịnh
Khiến họ chìm dần xuống.
Kẻ trí biết Nữ Thần,
Nên xa lánh, từ bỏ.
Nữ nhân phục vụ ai
Vì dục hay tiền tài,
Chúng đốt sạch người ấy
Như lửa thiêu hủy củi!
Nghe lời Bồ Tát nói vậy, vị tu khổ hạnh đứng giữa biển làm phát khởi thiền lực đã mất, và bay lên hư không, rồi đi về trú xứ của mình.
Bồ Tát suy nghĩ: Vị tu khổ hạnh này với gánh nặng như vậy, đã bay lên hư không như một nhúm bông. Ta cũng phải làm phát khởi thiền lực như vị ấy để có thể bay lên hư không.
Vì vậy, Bồ Tát về am dẫn nữ nhân ấy trở lại với quần chúng rồi bảo nữ nhân ấy ra đi, còn mình lui vào rừng, dựng am thất tại một nơi xinh tốt, và làm vị Ẩn Sĩ.
Ngài chọn đề tài thiền định, rồi đạt các thắng trí và các thiền chứng, về sau được sanh lên Thiên Giới. Sau khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỳ Kheo thối thất đã đắc quả Dự Lưu.
Và Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy, Hoàng Tử không hề liên hệ với Nữ Thần là ta vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Danh Phổ Mật đà La Ni
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Ba - Phẩm Phân Biệt
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Năm Mươi Chín - Phẩm Ma Ni Lâu đà
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Tám - Phẩm Uế - Kinh Tỳ Kheo Thỉnh
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Bảy - Phẩm địa Ngục