Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Một - Phẩm Sankappa - Chuyện Cái Giếng Cũ Tiền Thân Jarudapàna

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BA  

PHẨM MỘT

PHẨM SANKAPPA  

CHUYỆN CÁI GIẾNG CŨ

TIỀN THÂN JARUDAPÀNA  

Các lái buôn cần nước. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư kể về những người lái buôn tại Xá Vệ.

Nghe nói những người lái buôn ấy lấy hàng hóa ở Xá Vệ, chất đầy xe xong, khi đến thời ra đi đến hành nghề, họ mời Đức Thế Tôn đến và bố thí cúng dường lớn. Họ thọ Tam Quy Ngũ Giới và được an trú vào các giới.

Sau đó họ đảnh lễ Bậc Ðạo Sư và thưa: Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ lên đường dài để hành nghề. Sau đó con bán hết các hàng hóa, thành tựu được mục đích và trở về được an toàn thì chúng con sẽ đến yết kiến và đảnh lễ Thế Tôn lần nữa. Rồi họ lên đường.

Trên một đoạn đường khó khăn, họ thấy một cái giếng cũ xưa và nói: Giếng này không có nước. Chúng ta đang khát nước vậy chúng ta hãy đào sâu giếng này. Khi họ đào, họ tìm được nhiều lớp kim loại từ sắt đến lưu ly v.v... họ thỏa mãn với sự thu hoạch này, liền chở đầy châu báu trên các cỗ xe và trở về Xá Vệ an toàn.

Sau khi cất số tài sản mà họ đã đem về, họ nghĩ: Chúng ta đã được mục đích, vậy chúng ta sẽ cúng dường Tăng Chúng các món ăn. Họ mời Đức Thế Tôn đến để bố thí cúng dường, và đảnh lễ Ngài, rồi họ ngồi xuống một bên và tường thuật với Bậc Ðạo Sư cách họ tìm được tài sản như thế nào.

Bậc Ðạo Sư nói: Này các Cư Sĩ, các ông biết bằng lòng với các tài sản ấy và chấp nhận tài sản cùng nếp sống với ý thức biết đủ. Còn thời xưa, có những người không thỏa mãn, không tiết độ, không nghe lời Bậc Hiền Trí nên phải mệnh chung.

Rồi theo lời yêu cầu của họ, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra trong gia đình lái buôn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ Tát trở thành người lãnh đạo một đoàn lữ hành.

Một dịp kia, Bồ Tát lấy hàng hóa chất đầy xe, đem theo nhiều người làm thành một đoàn và tiến bước trên chính con đường khó khăn này, bỗng thấy cái giếng nước như hiện nay.

Tại đây các người đi buôn nói: Chúng ta muốn uống nước. Họ bắt đầu đào cái giếng ấy và tình cờ lấy được nhiều kim loại và châu báu v.v... họ được nhiều kho báu như vậy, nhưng vẫn không thỏa mãn. Chắc còn kho báu khác ở đây tốt đẹp hơn kho báu này.  Họ suy nghĩ và họ càng đào thêm nữa.

Bồ Tát nói với họ: Thưa các vị thương gia, tham là nguồn gốc của tai họa, chúng ta đã được nhiều tài sản rồi.

Với chừng ấy, chúng ta phải biết vừa đủ. Chớ có đào thêm nữa. Dầu có sự can ngăn của Bồ Tát, họ vẫn đào.

Bấy giờ giếng ấy là chỗ của loài rắn thần. Vua loài rắn thần ở dưới thấy cung điện của mình bị phá vỡ, đá, bụi rơi xuống, liền phẫn nộ, dùng hơi độc từ lỗ mũi phun ra, giết chết tất cả mọi người chỉ trừ Bồ Tát.

Rồi vào các cỗ xe, chất đầy mọi xe với tất cả châu báu và đặt Bồ Tát ngồi trên cỗ xe tốt đẹp nhất, rồi bảo các rắn thần trẻ đánh xe, chở Bồ Tát đến Ba La Nại. Chúng đưa vị ấy vào nhà, sắp đặt tài sản xong, lại trở về cung điện của loài rắn.

Bồ Tát tiêu dùng tài sản, làm vang danh toàn cõi Diêm Phù Đề bằng cách bố thí, giữ giới, hành trì ngày trai giới, và cuối đời, khi mệnh chung vị ấy được sanh lên Cõi Trời.

Sau khi kể câu chuyện quá khứ, Bậc Ðạo Sư đọc các bài kệ này:

Các lái buôn cần nước,

Ðào cái giếng cũ xưa,

Ở đó họ tìm được

Sắt, đồng, chì và thiếc,

Hoàng kim và bạch ngân,

Nhiều trân châu, lưu ly.

Nhưng họ không biết đủ,

Cứ đào, đào thêm mãi.

Các rắn độc điên tiết,

Phun lửa giết chết tiệt.

Vậy chớ đào quá sức,

Quá mức gây tác hại.

Do đào, được tài sản,

Ðào quá, lại mất sạch!

Khi Bậc Ðạo Sư kể xong pháp thoại này, Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, Vua loài rắn là Xá Lợi Phất và người lãnh đạo đoàn lữ hành là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần