Phật Thuyết Kinh ương Quật Ma La - Phần Mười Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH ƯƠNG QUẬT MA LA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN MƯỜI MỘT
Ương Quật Ma La bạch Phật: Thưa Thế Tôn là ai vậy?
Phật bảo Ương Quật Ma La: Chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, Đại Bồ Tát vì tất cả chúng sanh diễn thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, sẽ gánh bốn gánh nặng.
Những gì là bốn?
Những loại hung ác thường muốn làm hại, Bồ Tát vẫn xem thường sự tồn vong, vứt bỏ thân mạng, chỉ cần nói lên Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai.
Đây là gánh thứ nhất, nặng hơn tất cả các núi tụ lại. Những loại hung ác, như nhất xiển đề hủy nhục mắng nhiếc, Bồ Tát nghe nhưng vẫn nhẫn nhục. Đây là gánh thứ hai, nặng hơn tất cả thủy đại tụ lại. Không phải nhằm vào các hàng Quốc Vương, đại thần, đại lực dũng tướng và quyến thuộc của họ mà thuyết Như Lai tạng.
Chỉ kham nhẫn vì hạng hạ liệt tàn tật mà diễn thuyết. Đây là gánh thứ ba, nặng hơn sự tập hợp tất cả chúng sanh. Cố thủ tận nơi biên địa nhiều khổ não, y phục, thức ăn, vật dụng đều thô xấu, khổ cực trăm bề chẳng có gì vui, nam thì tà kiến báng bổ, nữ ít lòng tin, không được ở nơi thành phố phồn thịnh an vui tập trung.
Đây là gánh thứ tư, nặng hơn tất cả cây cỏ tụ lại. Ai gánh bốn gánh nặng này, gọi là Đại Bồ Tát gánh được gánh nặng. Đại Bồ Tát nào vào thời chánh pháp sắp diệt, đã hơn tám mươi năm, vứt bỏ thân mạng, diễn thuyết Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, chính là rất khó.
Ai có thể duy trì các chúng sanh kia cũng rất là khó. Các chúng sanh ấy nghe nói Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai mà phát sanh tin ưa, đó chính là rất khó.
Lại nữa, này Ương Quật Ma La, đây không phải là việc làm khó khăn đệ nhất của Như Lai, nay ta sẽ nói về việc khó khăn khác. Như có người tuổi thọ vô lượng, trải qua vô lượng trăm ngàn ức năm, lấy một giọt nước biển lớn từ nơi sợi lông, trải qua số lượng năm đó lại cứ lấy một giọt nước biển nơi trên sợi lông, cho tới khi nước biển cạn như vết nước của chân trâu.
Việc này có khó lắm không?
Ương Quật Ma La thưa: Bạch Thế Tôn, rất khó! Không thể nói được.
Phật bảo Ương Quật Ma La: Đây chưa phải là khó, lại có điều khó hơn.
Ương Quật Ma La thưa: Bạch Thế Tôn, đó là điều gì?
Phật bảo Ương Quật Ma La: Chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, nếu có Đại Bồ Tát xả bỏ thân mạng, diễn thuyết Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, điều ấy mới thật là rất khó.
Lại nữa, này Ương Quật Ma La, đây không phải là việc khó khăn đệ nhất của Như Lai, còn có việc khó nữa. Này Ương Quật Ma La, ví như có người gánh núi chúa Tu Di, quả đất và biển lớn, trải qua trăm ức năm.
Người này như thế là có sức mạnh lớn bậc nhất phải không?
Ương Quật Ma La bạch Phật: Đúng vậy, cảnh giới của Như Lai chẳng phải hàng Thanh Văn, Duyên Giác có thể sánh kịp.
Phật bảo Ương Quật Ma La: Người kia chưa phải là có sức mạnh lớn và cũng không phải làm việc khó lắm. Như đem biển lớn chia thành trăm ngàn ức phần nhỏ như hạt bụi, trải qua trăm ngàn ức kiếp, cứ mang đi một hạt bụi như thế cho đến khi nước biển cạn còn như vết nước chân trâu.
Trong thời gian ấy lại có thể gánh núi chúa Tu Di, quả đất, sông biển, trải qua trăm ngàn ức kiếp, nhưng người đó không thể ở trong thời gian chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, diễn thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai.
Chỉ có Bồ Tát là bậc hùng trong loài người, thường thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, tận lực hộ trì chánh pháp, ta nói người ấy đã làm được việc khó bậc nhất.
Lại nữa, này Ương Quật Ma La, như có người đem nước để diệt tắt lửa đang cháy rực rỡ khắp cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, hành động của người này có khó không?
Ương Quật Ma La bạch Phật: Thế Tôn, diệt tắt lửa trong một thiên hạ đã rất khó rồi, huống chi là cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Việc này rất khó.
Phật đáp: Đúng vậy! Này Ương Quật Ma La, trong đời vị lai, chúng trì giới giảm, chúng phá giới tăng, chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, Đại Bồ Tát xả bỏ thân mạng cùng những nô tỳ, trâu, dê, tài vật phi pháp, bằng vô số các sự thanh tịnh nhằm tuyên thuyết chánh pháp, diễn thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai.
Thế thì đấy là hạng người nào?
Ương Quật Ma La bạch Phật: Chỉ có Phật mới biết được, còn hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể biết. Khi ấy, hộ trì tịnh pháp thế gian cũng đã khó rồi, huống chi đối với pháp xuất thế gian thượng thượng Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai.
Như người đem nước diệt tắt lửa đang cháy rực khắp cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, việc đó là rất khó khăn. Người nào trong đời vị lai, chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, các bậc Đại Bồ Tát xả bỏ thân mạng, diễn thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, phải biết người này chính là Như Lai.
Phật bảo Ương Quật Ma La: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử, ta cũng nói như vậy, tất cả Như Lai đều nói hành động của người kia thật là khó, là không bờ bến.
Lại nữa, này thiện nam tử, như trăm sông khi chảy vào biển thì không còn dòng riêng nữa. Với người đã đạt được trí tuệ như vậy, thì tất cả những người khác đều đến hội nhập trong biển trí tuệ ấy, đều không còn hiện rõ được.
Lại nữa, thiện nam tử, như biển lớn không phải là nơi thọ nhận mọi thứ thây chết. Người như vậy là không có các hành động du hí đến nhà ưa thích, đến nhà có hại, nơi tạp loạn phi pháp, không cùng ở với kẻ phỉ báng Như Lai tạng. Người như vậy thật khó có, duy trì đông đảo những người như vậy và cùng khiến họ nghe pháp, thật là rất khó.
Ương Quật Ma La bạch Phật: Thế Tôn, bậc Đại Bồ Tát thành tựu bao nhiêu tướng được gọi là không phải hàng tân học?
Phật bảo Ương Quật Ma: Thiện Nam Tử, Đại Bồ Tát thành tựu tám tướng, không phải là hàng tân học.
Thế nào là tám?
Một, biết pháp.
Hai, biết và nhớ ân.
Ba, hiếu dưỡng cha mẹ.
Bốn, biết ân thầy.
Năm, nhàm chán các ác kiến.
Sáu, xa lìa tất cả tướng khinh mạn, không điều phục, bất thiện, vật bất tịnh.
Bảy, không nghĩ đến dục, cho đến trong mộng cũng không tưởng đến.
Tám, kính trọng giới.
Đại Bồ Tát thành tựu tám tướng như vậy, thì không phải là hàng tân học.
Lại nữa, Đại Bồ Tát thành tựu tám tướng không phải là hàng tân học.
Những gì là tám?
Một, thuyết về Ma Ha diễn.
Hai, diễn thuyết phân minh về Như Lai tạng không chán bỏ.
Ba, không tham tài vật.
Bốn, từ, bi, hỷ, xả, nhẫn.
Năm, xem tất cả chúng sanh cũng như con một.
Sáu, thân cận thiện tri thức.
Bảy, tránh xa ác tri thức.
Tám, đầy đủ thuận lợi trong thế gian.
Bồ Tát thành tựu tám tướng này, thì không phải là hàng tân học.
Lại nữa, Bồ Tát thành tựu tám tướng không phải là tân học.
Những gì là tám?
Một, khéo nói an ủi tùy thuận họ.
Hai, không đùa giỡn.
Ba, nhẫn chịu đối với các thứ phiền não vi tế.
Bốn, chịu nghe tất cả các Kinh.
Năm, hàng phục thùy miên.
Sáu, không biếng nhác.
Bảy, tinh cần không phóng dật.
Tám, thường ưa cầu giới.
Bồ Tát thành tựu tám tướng này, thì không phải là hàng tân học.
Lại nữa, Bồ Tát thành tựu tám tướng không phải là tân học.
Những gì là tám?
Một, chân thật.
Hai, thanh tịnh và ưa thích sự thanh tịnh.
Ba, trong sáng tươi tắn.
Bốn, đàng hoàng, đứng đắn.
Năm, xa lìa người nữ.
Sáu, viễn ly thân tộc.
Bảy, nghe các việc ác những sự khủng bố não loạn, thân tâm đều sợ hãi lo lắng.
Tám, nghĩ thương đến chúng sanh.
Bồ Tát thành tựu tám tướng như vậy, không phải là hàng tân học.
Lại nữa Bồ Tát thành tựu tám tướng không phải là tân học.
Thế nào là tám?
Một, biết rõ sự khác nhau giữa Phật thuyết và ma thuyết.
Hai, cung kính người biết Kinh.
Ba, biết rõ sự khác nhau về ẩn dụ giữa luật và phi luật.
Bốn, biết rõ lời nói ẩn dụ của Như Lai.
Năm, biết rõ nẻo sâu xa thâm diệu của Như Lai.
Sáu, khéo biết tùy thuận theo việc thế gian.
Bảy, biết rõ sự thường hằng bất biến của Như Lai.
Tám, biết rõ việc ghét và chẳng phải ghét của Bồ Tát, khéo biết làm đúng thời.
Bồ Tát thành tựu tám tướng như vậy, không phải là hàng tân học.
Bồ Tát thành tựu đủ bốn mươi tướng thân niệm pháp, thì không phải là hàng tân học. Nếu không có bốn mươi công đức, hay chỉ còn một nữa hoặc ít hơn một nữa, thì phải biết là thiện nam, thiện nữ này không trụ ở pháp Ma Ha Diễn, cũng không thuộc vào hàng Bồ Tát.
Thế nên nẻo hành trì của Bồ Tát là rất khó khăn, vậy những công đức nào là thù thắng?
Đó là không có dục tưởng cho đến trong mộng cũng không sanh dục tâm, nên biết người ấy có tất cả các giác chi với những công đức thù thắng.
Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi nói với Ương Quật Ma La: Như Lai tạng có nghĩa là gì?
Nếu tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng, thì tất cả chúng sanh sẽ thành Phật. Vậy tất cả chúng sanh đều sẽ làm các nghiệp bất thiện như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu.
Vì sao vậy?
Vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nên sẽ có lúc đều được hóa độ. Như người có Phật tánh thì sẽ gây nghịch tội và Nhất Xiển Đề. Nếu người có ngã và cảnh giới ngã, sẽ được vượt qua tất cả hữu. Thế nên nơi thế gian không có ngã, không có giới. Tất cả pháp vô ngã là lời dạy của Chư Phật.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Tất cả chúng sanh có Như Lai tạng bị vô lượng phiền não che đậy như đèn để trong bình. Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi, ví như có một người đã được điều phục, Như Lai Ca Diếp thọ ký cho ông ấy là bảy năm nữa sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương, trị nước bằng chánh pháp, sau bảy ngày nữa Như Lai cũng nhập Niết Bàn.
Người ấy nghe Phật thọ ký cho mình nên rất vui mừng, tự suy nghĩ: Bậc nhất thiết trí đã thọ ký cho ta sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương, ta không nghi ngờ gì cả.
Ông ta liền thưa mẹ: Hãy cho con cá, thịt, sữa, lạc, mè, đậu đủ thứ các món ăn ngon để con có sức. Người ấy ăn tạp các thức ăn với thịt, không tiêu hóa được nên chết một cách đột ngột.
Thế nào, Văn Thù, Đức Phật kia có nói dối không?
Có là Bậc nhất thiết trí không?
Vì người kia thật không có thiện căn quả báo của bậc Chuyển Luân Thánh Vương phải không?
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn, kẻ ấy vốn do nghiệp ác nên bị chết.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Đừng nói như vậy, người ấy chết không đúng lúc, không phải là do quả báo của nghiệp ác.
Này Văn Thù Sư Lợi, chẳng lẽ Đức Phật kia không biết về quả báo ác nghiệp ở đời trước, mà còn thọ ký cho ông ta hay sao?
Ông ta không phải do ác nghiệp ở trước mà do tự làm lỗi trong hiện tại nên đưa đến cái chết.
Vậy nên, Văn Thù Sư Lợi, nếu người nam hay nữ nào suy nghĩ: Trong thân ta có Như Lai tạng, tự nhiên sẽ được độ, vậy ta cứ việc làm ác.
Nếu người làm ác như vậy, vì Phật tánh nên được độ hay không được độ?
Như trên đã nói, người đã điều phục kia thật có vương tánh mà không được độ.
Vì sao?
Vì phóng dật quá độ. Có Phật tánh mà không độ được cũng lại như vậy, vì chúng sanh kia quá phóng dật.
Tất cả chúng sanh như thế là không có Phật tánh phải chăng?
Thật là có Phật tánh. Thế nhưng theo quả báo của Chuyển Luân Thánh Vương ở trên phải chăng là Phật nói dối?
Chẳng phải thế, do chúng sanh nói dối, làm nhiều điều phóng dật, vì nghe theo pháp phóng dật, tự gây ra việc ác nên không thành Phật.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thưa Thế Tôn, thế thì tất cả chúng sanh không có nghiệp gốc hay sao?
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Họ có nghiệp gốc, nhưng chỉ được nghe chút ít về Kinh này thì vô lượng A tăng kỳ tội đều tiêu trừ hết.
Vì sao?
Là vì trong vô lượng A tăng kỳ kiếp, Như Lai đã phát đại nguyện: Tất cả chúng sanh nào chưa được độ làm cho độ, chưa được giải thoát làm cho giải thoát. Với thiện căn, các thệ nguyện ấy chiếu soi bằng ánh sáng mặt trời trí tuệ của Như Lai thì vô lượng A tăng kỳ tội đều bị tiêu diệt.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi, ví như khi mặt trời chưa mọc thì mây mù che khắp thế gian. Nhưng khi ánh mặt trời vừa hé sáng, thì tất cả tối tăm trong thế gian đều bị tiêu diệt. Như vậy, với A tăng kỳ tội lớn tích tụ, khi mặt trời Kinh này chưa mọc, thì chúng sanh còn bị luân hồi trong sanh tử.
Khi mặt trời Kinh này mọc lên thì cả A tăng kỳ tội ác lớn được tích tụ, chỉ trong khoảng khắc khảy móng tay, đối với Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, hoặc nói đùa giỡn hay tùy thuận, người này và các hàng ngoại đạo, nếu phạm Ba la di hay tạo nghiệp ác vô gián và A tăng kỳ tội, chỉ trong chốc lát đều bị tiêu diệt hết.
Vì sao?
Là vì người nào nghe danh hiệu Như Lai Đức Thích Ca Mâu Ni, tuy chưa phát tâm đã là Bồ Tát.
Vì sao vậy?
Vì với hạnh nguyện thù thắng của Như Lai thì tất cả thế gian là của ta, nên dốc độ thoát cho những người chưa được độ, dùng chánh pháp giáo hóa khiến họ đều được giác ngộ. Thế nên, này Văn Thù Sư Lợi, người nghe danh hiệu của Như Lai đều là Bồ Tát, chẳng những tự mình mau chóng diệt trừ phiền não lại còn được thân mà ta đã được.
Này Văn Thù Sư Lợi, như ta nói kệ:
Ta đã giảng thuyết đạo
Nhổ gai độc ưu, bi
Các ngươi hãy thực hành
Lời dạy của Như Lai.
Ta đã giảng thuyết đạo là thuyết những đạo gì?
Đạo có hai: Đạo Thanh Văn và đạo Bồ Tát.
Đạo Thanh Văn là tám Thánh Đạo. Đạo Bồ Tát là tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng. Ta tuần tự đoạn trừ các thứ phiền não, đạt được Phật tánh, an lạc bất động, rất đáng ưa thích. Nếu ai không đoạn trừ phiền não thì luôn bị luân chuyển trong sanh tử.
Ta đã giảng thuyết đạo nhằm nhổ sạch gai độc ưu, bi. Ưu, bi nghĩa là phiền não. Người nhổ gai chính là Như Lai. Ta đã đoạn trừ vô lượng phiền não, là Bậc Đại Y Vương. Các ông phải theo ta học, ta sẽ chỉ cho các ông về Như Lai tạng. Các ngươi cần phải thực hành.
Từ những ẩn dụ theo lời Như Lai giảng nói, từ đây sanh ra dối gạt các ông. Phật xuất hiện trong thế gian như hoa Ưu Đàm Bát, người có tín tâm cũng quý như hằng hà sa số lúa bằng vàng, cũng như rùa mù gặp bông cây nổi.
Như vậy gặp được Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Kinh Như Lai tạng thì không còn bị quả sanh tử dối trá. Các ngươi phải tự mình vượt qua tất cả Hữu và tất cả bệnh phiền não.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Tám - Phẩm Na Già Thất Lợi
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Ba - đại Phẩm - Kinh Màgha
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Chánh Tri Kiến - Phần Mười Một - Xúc
Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Của Vua đảnh Sinh - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Nhất - Kinh Người Ngu ăn Muối
Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn - Phần Bảy - Biết Gần Tất địa
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Ba Mươi Bốn
Phật Thuyết Kinh Trưởng Giả đại Hoa Nghiêm Hỏi Phật Về Sức Na La Diên