Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bốn - Phẩm Ba - Phẩm Bốn Bài Kệ Số Ba - Chuyện Kẻ đốt Lều Tiền Thân Kutidùsaka
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG BỐN
PHẨM BA
PHẨM BỐN BÀI KỆ SỐ BA
CHUYỆN KẺ ĐỐT LỀU
TIỀN THÂN KUTIDÙSAKA
Khỉ ạ, chân tay mặt mũi ngươi. Chuyện này do Bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên, về một chú tiểu đốt túp lều lá của Trưởng Lão Mahàkassapa Ðại Ca Diếp.
Nhân duyên đưa đến câu chuyện vốn từ Vương Xá. Bấy giờ, Trưởng Lão ấy sống trong một túp lều ở gần Vương Xá. Có hai chú tiểu lo giúp việc cho Tôn Giả, một chú rất được việc, còn chú tiểu kia có tánh hạnh xấu.
Bất cứ việc gì chú kia làm, chú này làm như thể do chính chú làm vậy.
Chẳng hạn như khi chú kia lấy nước cho Trưởng Lão súc miệng, thì chú này lại đến gặp Trưởng Lão và thưa: Bạch thầy nước đã sẵn, xin thầy súc miệng. Và khi bạn chú lo thức dậy sớm để lo quét dọn lều của Trưởng Lão, thì ngay khi Trưởng Lão xuất hiện, chú cứ đụng tay vào thứ này vật nọ, làm như là toàn túp lều được chính chú dọn dẹp vậy.
Chú tiểu lo tròn nhiện vụ kia tự nghĩ: Anh bạn xấu tính này, hễ ta làm cái gì thì anh ta cứ nói như thể chính anh ta làm. Ta sẽ phơi bày tính xấu của anh ấy mới được.
Vì thế khi anh chàng dối trá kia từ làng trở về, ăn xong liền đi ngủ, chú tiểu này nấu nước nóng rồi đem dấu trong phòng và chỉ để lại ít nước trong nồi đun.
Chú tiểu kia thức dậy, đi đến và thấy hơi bốc lên liền tự nghĩ.
Chắc chắn anh bạn ta đã đun nước và để trong buồng tắm.
Thế là chú đến gặp Trưởng Lão và thưa: Thưa thầy, nước đã sẵn trong buồng tắm, xin thầy vào tắm. Trưởng Lão theo chú đi tắm, nhưng chẳng thấy có nước trong buồng tắm, liền hỏi chú nước đâu, chú vội trở vào bếp, bỏ gáo vào nồi trống và múc nước, chiếc gáo chạm vào đáy nồi kêu lạch cạch từ đó về sau chú bị người ta gọi là gáo lạch cạch.
Vào lúc ấy chú tiểu kia vào lấy nước trong phòng sau rồi bảo: Thưa thầy, xin thầy vào tắm. Trưởng Lão tắm xong và bây giờ Tôn Giả đã biết tánh hạnh xấu của gáo lạch cạch.
Chiều hôm ấy khi chú ta đến dọn cơm, Tôn Giả khiển trách chú: Khi kẻ nào đã phát nguyện tu hành, tự mình đã làm điều gì thì kẻ ấy mới có quyền báo: Tôi đã làm điều ấy. Nếu không, thì đó chỉ là một lời nói dối có toan tính. Từ nay trở đi chớ có phạm ác hạnh như thế nữa.
Chú tiểu giận Trưởng Lão và hôm sau chú không chịu theo Tôn Giả về thành phố khất thực. Nhưng chú tiểu kia đi theo Tôn Giả.
Còn Gáo lạch cạch đến viếng một gia đình thủ hộ của Trưởng Lão. Người nhà hỏi Trưởng Lão đâu, thì chú bảo Ngài bị bệnh, phải ở nhà.
Họ hỏi chú cần gì, chú bảo: Hãy cho tôi các thứ như thế như thế. Rồi chú mang các thứ ấy đến một nơi chú thích và ăn xong trở về lều. Hôm sau, Trưởng Lão đến thăm gia đình ấy và ngồi xuống với họ.
Họ nói: Phải chăng Ngài không được khỏe?
Nghe nói hôm qua Ngài phải ở trong phòng. Chúng tôi có gởi ít thức ăn nhờ chú tiểu kia mang về, Ngài có dùng các thứ ấy không?
Trưởng Lão giữ vẽ bình thản không nói gì và sau khi dùng xong bữa. Tôn Giả trở về Tinh Xá.
Vào buổi chiều, khi chú ấy đến hầu thầy, vị Trưởng Lão bảo chú:
Này chú, chú đến xin gia đình kia, trong làng kia, chú bảo: Trưởng Lão cần phải ăn các thứ như thế như thế rồi họ nói chính chú ăn các thứ ấy. Khất thực như thế là hết sức bất chánh. Hãy giữ gìn, chớ phạm ác hạnh như vậy nữa.
Thế là chú ấy cứ mãi nuôi lòng thù hận Trưởng Lão, chú nghĩ: Hôm qua chỉ do một chút nước, ông ấy mắng xối vào mình, còn bây giờ tức giận vì ta đã ăn một nắm cơm ở nhà thủ hộ của ông, ông ta gây sự với ta nữa, ta sẽ tìm cách cư xử xứng hợp với ông ấy.
Ngày hôm sau, khi Trưởng Lão vào thành phố khất thực, chú ta lấy búa đập vỡ hết các bình bát để đựng thức ăn và châm lửa đốt túp lều lá rồi phóng chạy đi.
Lúc còn sống, chú trở thành kẻ cùng khổ đói khát giữa đời này và tàn tạ dần cho đến khi chết chú bị sinh vào đại địa ngục A tỳ avici. Mọi người đều biết đến hành vi xấu xa của chú.
Một hôm vài Tỳ Kheo từ Vương Xá đến Xá Vệ. Sau khi cất bình bát và áo ngoài vào trong phòng chung, họ đến đảnh lễ Bậc Ðạo Sư và ngồi xuống. Bậc Ðạo Sư vui vẻ trò chuyện với họ và hỏi họ từ đâu đến.
Bạch Thế Tôn, từ Vương Xá.
Thế ai là Pháp Sư ở đó?
Ngài hỏi.
Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Mahàkassapa Ðại Ca Diếp.
Này các Tỳ Kheo, Kassapa có được an lành không?
Ngài hỏi.
Bạch Thế Tôn, Trưởng Lão vẫn khỏe mạnh. Nhưng một chú tiểu giận dữ vì bị Trưởng Lão quở trách đã nổi lửa đốt túp lều của vị ấy rồi bỏ đi.
Bậc Ðạo Sư nghe thế liền bảo: Này các Tỳ Kheo, Kassapa độc cư còn tốt hơn là sống chung với một kẻ ngu dại như thế.
Nói xong Ngài đọc một bài Kệ, được ghi lại trong Kinh Pháp Cú:
Ðừng đi cùng với bọn tầm thường,
Nên tránh giao du với lũ dại cuồng,
Chọn bạn bằng ta hay vượt trội,
Hoặc là đơn độc tiến trên đường.
Sau đó Ngài lại bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo không phải bây giờ chú ấy mới phá hoại túp lều và cảm thấy căm giận người đã quở trách mình. Ngày xưa chú ấy cũng đã căm giận như thế.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa. Ngày xưa khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sinh ra là một con chim Singila loài chim có sừng. Khi trở thành một con chim lớn, Ngài đến trú tại vùng Tuyết Sơn và xây một cái tổ đúng ý thích, có thể chống chọi với mưa gió.
Bấy giờ vào mùa mưa, mưa hoài không dứt, một con Khỉ kia ngồi gần bên Bồ Tát, răng đánh lập cập vì Trời lạnh quá. Trông thấy khỉ khổ sở như vậy.
Bồ Tát nói chuyện với nó và đọc bài kệ đầu:
Khỉ ạ, tay chân mặt mũi ngươi,
Xem ra thật giống với người thôi.
Sao không xây lấy nơi cư trú
Ðể núp khi giông bảo đến nơi?
Khỉ nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:
Chim hỡi, tay chân mặt mũi ta
So cùng người thật giống, không xa
Trí khôn, lợi nhất người thừa hưởng
Phần ấy ta đây bị loại ra.
Bồ Tát nghe xong liền đọc bài kệ nữa:
Kẻ nào vẫn trơ tráo hoài,
Tâm hồn hời hợt đổi thay không ngừng.
Tỏ ra cung cách thất thường,
Thì niềm hạnh phúc chẳng đường tìm ra.
Khỉ ơi, hạnh muốn tiến xa,
Ngươi cần gắng sức thật là tinh chuyên
Ði đi, lều lá dựng lên
Ðể mà trú ẩn tránh phiền gió đông.
Khỉ tự nghĩ: Con vật này nhờ trú ẩn một nơi tránh được mưa tỏ ra khinh dễ ta. Thế rồi quyết bắt cho được Bồ Tát, nó phóng tới vồ lấy Ngài. Nhưng Bồ Tát đã bay lên không, tung cánh đi nơi khác. Còn con khỉ, sau khi đập phá tổ chim, liền bỏ đi.
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện, tiền thân: Lúc bấy giờ, chú tiểu nổi lửa đốt túp lều là con khỉ, còn ta là con chim Singila.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba