Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Ba - Phẩm Thanh Văn, Bích Chi Phật - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẨM BA
PHẨM THANH VĂN, BÍCH CHI PHẬT
TẬP HAI
Này A Nan! Đó gọi là Như Lai Đẳng Chánh Giác vì Đại Bồ Tát nên dùng phương tiện nói về Tư Đà Hàm.
Tôn Giả A Nan thưa: Vì sao gọi là Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các Đại Bồ Tát nói về A Na Hàm?
Phật bảo A Nan: Các vị Đại Bồ Tát đều ra khỏi tất cả tướng thế gian, rốt ráo hạnh Phật, tâm không hành xứ, tuy biết có đến đi, nhưng thường không chấp vào tướng đến đi, biết tất cả pháp không nương tựa, không an trụ.
Vì sao?
Vì chẳng thấy các pháp có đi không đi. Đại Bồ Tát vượt khỏi phàm phu, dứt ý tưởng phàm phu, không đắm mê Phật tưởng, đạt được pháp vô trụ.
Vì sao?
Vì rốt ráo tất cả pháp giới vắng lặng, cũng không thấy sự khác nhau giữa Phật và phàm phu. Xa lìa đường ác, dứt bỏ tham dục, không đắm các vị, xa lìa bốn thứ thực.
Đại Bồ Tát luôn chú tâm đến việc mở bày tri kiến Phật cho chúng sinh, không chấp tất cả sáu mươi hai thứ kiến chấp, không đắm vô tướng, tất cả lìa hữu, vô, đối với các thứ ngăn che đều xem là tướng của Niết Bàn.
Không lưu chuyển cũng chẳng không lưu chuyển, dứt bỏ những cấu uế của các đường ác, hàng phục các ma, xa lìa ngu si, nhổ sạch ba mũi tên vô minh, và những hạt giống vô minh, giết giặc vô minh, quán chiếu dứt bỏ tham lam giận dữ, dứt bỏ các kết sử, mở bày cho chúng sinh trong ba cõi.
Đại Bồ Tát nhổ mũi tên ái dục, dứt bỏ các kiêu mạn, hiểu rõ tướng các ấm, đạt đến rốt ráo là cõi giác ngộ trong sáng, thường ưa thích Phật thừa, là thừa không thể nghĩ bàn, đạt đến thật tướng của tất cả các pháp.
Nếu các vị Đại Bồ Tát ra khỏi được vũng bùn sinh tử như thế, lìa tất cả trói buộc tham đắm, được kho báu bản nguyện, cũng được kho báu của các Đức Phật quá khứ, vị lai, đều nằm trong tất cả kho báu, cũng là chỗ xây dựng của các Phật quá khứ. Tâm luôn bình đẳng, không phân biệt cao thấp. Đạt được thừa như vậy, đối với các chúng sinh là Bậc Tối tôn Tối thắng bậc nhất không gì hơn được.
Đại Bồ Tát luôn nhằm đạt đến Phật thừa rốt ráo, đối với tất cả các pháp đều đạt đến diệu lý vô tướng. Đại Bồ Tát đối với các pháp dứt trừ được lưới nghi, chứng quả Bất hoàn.
Lại nữa, này A Nan! Đại Bồ Tát thường dùng bốn thệ nguyện lớn để che chở, giúp đỡ tất cả chúng sinh, dẫn dắt họ đến chánh pháp và đứng vững trong chánh pháp, tất cả đều đến được Phật thừa, sống trong đạo bồ đề.
Làm thế nào ở an trụ trong bồ đề?
Cái gọi là tướng chúng sinh, thì giác ngộ như thật, an trụ trong Thế Giới chúng sinh.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát đã khéo biết, không giới là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, lìa các vọng tưởng về chúng sinh.
Vì sao?
Vì cảnh giới Hiền Thánh tức là cảnh giới chúng sinh, cảnh giới không thể nghĩ bàn tức là không tướng, cũng không có chúng sinh, lìa các kết sử, giống như hư không, không hình không tướng, không thật có, không nhiễm không đắm, biết tất cả chúng sinh đều bình đẳng, chẳng hiện chẳng mất, giác ngộ rốt ráo, lìa tướng chúng sinh, cũng như hư không, không có nơi chốn giác ngộ.
Vì sao?
Vì không có pháp nào có thể đạt được. Vô đắc như vậy chính là tướng tất cả pháp và tướng chúng sinh, điều tâm giác tỏ ngộ tức là chẳng phải tỏ ngộ.
Vì sao?
Vì không có pháp nào thật có. Vô đắc như thế tức là vô chứng, cho nên gọi là A Na Hàm. Tất cả chúng sinh, tất cả pháp, Phật, Pháp, Tăng… đều hiện ra các tướng như vậy, gọi là A Na Hàm.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Chẳng hề trở lại
Dứt pháp phàm phu
Bỏ hành thế gian
Gọi A Na Hàm.
Biết không đến, đi
Không trụ, không nương
Không có nơi chốn
Nên gọi bất lai
Lìa bỏ phàm phu
Được Phật cứu giúp
Không còn trở lại
Gọi A Na Hàm.
Pháp không có đến
Cũng chẳng có đi
Chẳng đến chẳng đi
Gọi A Na Hàm.
Dứt các tham dục
Không đắm bốn thực
Chẳng rời Đạo Tràng
Gọi A Na Hàm.
Dứt bỏ tất cả
Sáu mươi hai kiến
Mà không chốn đi
Gọi A Na Hàm.
Lìa tất cả cõi
Tướng vô thường tâm
Tỏ ngộ như thật
Nên gọi bất lai
Niết Bàn vắng lặng
Dứt cac phiền não
Lìa tướng đến, đi
Đó là bất lai.
Dứt các đường ác
Bỏ tất cả cấu
Chứng đắc Niết Bàn
Đó là bất lai.
Hàng phục kẻ thù
Cùng các ma quân
Vượt các giả danh
Đó là bất lai.
Nhổ tên vô minh
Dứt tất cả ái
Dứt mọi hỷ, dục
Đó là bất lai.
Lìa các kết sử
Mở bày tướng ấm
Được trí quyết định
Là A Na Hàm.
Nhổ gai ưu não
Xô núi kiêu mạn
Khéo hiểu năm ấm
Gọi A Na Hàm.
Rốt ráo chiếu sáng
Trang nghiêm Phật thừa
Ra khỏi bùn dục
Gọi A Na Hàm.
Đều biết kho kín
Trên các kho kín
Chỗ Phật đặt để
Gọi là bất lai.
An trụ tối thắng
Phật thừa vô thượng
Dứt bỏ các kết
Gọi A Na Hàm.
Dùng bốn nguyện rộng
Tạo dựng bồ đề
Trụ bồ đề rồi
Nên gọi bất lai.
Biết các cõi không
Rất khó nghĩ bàn
Dứt bỏ các tưởng
Nên gọi bất lai.
Đối với chúng sinh
Và tướng pháp giới
Đều không thật có
Nên gọi bất lai.
Tâm không chấp đắm
Chẳng chạy theo tướng
An trụ bồ đề
Gọi A Na Hàm.
Cõi chúng sinh không
Chẳng thể nghĩ bàn
Biết pháp như vậy
Nên gọi bất lai.
Như thế A Nan
Hiển bày Na hàm
Các tướng vô ngại
An lập Phật Pháp.
A Nan nên biết! Như Lai Đẳng Chánh Giác đã vì các Đại Bồ Tát dùng phương tiện thích hợp để nói về A Na Hàm.
Phật bảo A Nan: Ta nay lại nói Đại Bồ Tát là A La Hán. Là vì Bồ Tát đã dứt bỏ tất cả các hành, tu tập theo những điều Phật đã thực hanh, lìa các pháp hữu vi, có khả năng thành thục tất cả chúng sinh, cũng dứt bỏ tất cả khổ não cho chúng sinh nên gọi là A La Hán.
Không vướng vào tướng chúng sinh, cũng không vướng vào tướng khổ não, đó gọi là A La Hán.
Dứt các chấp đắm, an trụ vô tướng, biết các pháp không, lìa tất cả tướng, đều không thật có, trừ sạch tất cả vọng tưởng điên đảo si mê lầm lạc của chúng sinh, hiểu rõ các pháp là không, không thể nghĩ bàn, đó là A La Hán được bồ đề không thể nghĩ bàn, nhờ thành tựu pháp như thế nên gọi là A La Hán.
Như pháp mà các Đức Phật quá khứ nên nói thì tất cả các Đức Phật hiện tại, vị lai cũng nên nói như vậy. Dứt những đùa bỡn, đầy đủ thanh tịnh, giảng nói pháp bồ đề chân thật, đó là A La Hán.
Khiến cho chúng sinh được an trụ trong đạo bồ đề, không hề chấp đắm gọi là A La Hán.
Nên thực hành các Ba La Mật, từ đạt đến tâm đại từ của Phật, cứu độ đầy đủ đối với chúng sinh, đó là tâm từ vô tướng, cũng khiến cho tất cả chúng sinh được an lập nơi tâm từ ấy, tu tập theo tâm từ ấy không có sự phân biệt, chẳng chấp chúng sinh và tướng của tâm từ, đó là A La Hán.
Nói pháp cho tất cả chúng sinh nghe, nhưng đối với các pháp đều không có chỗ chấp đắm. Nếu được như vậy thì gọi là A La Hán.
Nhận rõ, hiển bày căn lực, giác đạo, đối với các chúng sinh không nhiễm không đắm, gọi là A La Hán.
Khéo biết tâm hành của tất cả chúng sinh, khiến họ phát tâm bồ đề, nếu được như vậy gọi là A La Hán.
Giảng nói tất cả các hành pháp hữu vi mà không chấp đắm gọi là A La Hán.
Cũng nói hạnh không chấp, hạnh không đắm cho tất cả chúng sinh khác nghe, làm được như vậy gọi là A La Hán.
Đến được các Cõi Phật mà tâm không có tướng đến được các Cõi Phật, dùng trí vô tướng nhìn các pháp như Phật gọi là A La Hán.
Nếu thành tựu đầy đủ các công đức của Cõi Phật như thế cũng gọi là ruộng phước thanh tịnh bình đẳng không cấu nhiễm, chẳng thể nghĩ bàn. Đó chính là ruộng phước không hạnh, là ruộng phước không còn thoái chuyển, là ruộng phước thanh tịnh bậc nhất không còn tướng người nữ, là ruộng phước lìa hết các kết sử tham dục, là ruộng phước như các Đức Phật chứng tri dứt hết các thứ chướng ngại che phủ, là ruộng phước hàng phục các ma phiền não, là ruộng phước chế ngự tà kiến của ngoại đạo.
Đó là ruộng phước của tất cả, ruộng phước trang nghiêm, ruộng phước lìa tất cả sợ hãi, ruộng phước không có tranh chấp, ruộng phước vắng lặng, ruong phước Thần Thông, ruộng phước tối thắng, ruộng phước không có hang hốc, ruộng phước vô tận, ruộng phước đầy đủ những việc mà Bồ Tát thực hành, ruộng phước được sự tự tại trên hết của Phật.
Ruộng phước được Phật che chở, ruộng phước biến hóa, ruộng phước dùng ấn pháp này để ấn vào tâm chúng sinh giúp họ được an vui, nói năng khéo léo, ruộng phước gồm tất cả những châu báu trang nghiêm Cõi Phật, quyết định Niết Bàn vắng lặng.
Đối với tất cả ruộng phước mà thành tựu ruộng phước như thế, biết được tất cả các pháp là bất sinh bất diệt, gọi là A La Hán.
Dứt các đắm nhiễm, thấy người đến tức giận mà tâm không buồn bực, đó là A La Hán. Đối với tất cả các pháp không chấp tướng của nó, đó là A La Hán.
Dùng tâm Bi dứt trừ những tri thức đầy phiền não để tu hành trí tuệ trên hết, chứng đắc nhanh chóng, gọi là A La Hán. Dùng oai nghi này để xây dựng bồ đề, nhờ thế lực của bồ đề nên gọi là ALa Hán. bồ đề như vậy cũng gọi là chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể nghĩ bàn ấy cũng gọi là Bất động.
Bất động như thế có công năng khiến cho vô số ức loài chúng sinh được an lập trong bồ đề, không hề chấp đắm, đều trụ trong bình đẳng, đồng với tướng hoại, tường không thật có, biết tất cả pháp đều trở về giác ngộ, trụ nơi vô trụ, đó là A La Hán.
Đã nhận thức như thế, thì có khả năng nói pháp như thế cho chúng sinh nghe mà không đắm nhiễm. Tuy có nói năng nhưng không có tướng nói. Độ các chúng sinh nhưng không có ý tưởng chấp vào các chúng sinh. Thân bất động đối với hai bên đoạn, thường chẳng dứt phiền não và lìa kiêu mạn.
Đối với tất cả pháp vô sinh, vắng lặng, vô hành, không hoại tướng sắc, không hoại tướng thọ, tưởng, hành, thức và các pháp tướng của phàm phu. Tâm được bất động để cầu giải thoát. An trụ Phật Pháp, cũng chẳng phải an trụ vào quả tướng giải thoát của Tu Đà Hoàn, quả tướng giải thoát của Tu Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Vọng kiến tất cả sinh khởi các điên đảo, chấp vào trí tuệ giải thoát của Phật. Vọng kiến chấp vào tâm bồ đề giải thoát. Vọng kiến tu bồ đề thì giải thoát. Vọng kiến tu giới bồ đề giải thoát. Vọng kiến não hại nhẫn nhục giải thoát, vọng kiến biếng nhác tinh tấn giải thoát.
Vọng kiến loạn tưởng thiền định giải thoát. Vọng kiến ngu si trí tuệ giải thoát. Vọng kiến Thanh Văn phàm phu giải thoát, vọng kiến cha mẹ, vợ con, gái trai, quyến thuộc. Tất cả các giải thoát như thế, vọng kiến tham đắm các dục, vô lượng khổ não, sinh ra thân ai, sinh ra đắm nhiễm.
Pháp kết sử này là nơi não hại, đối với pháp này sinh ra hai thứ tướng: Một là dứt bỏ vọng tưởng, độ thoát chúng sinh, đó là A La Hán. Hai là dứt bỏ vọng tưởng tham cầu lợi dưỡng và ý tưởng xuất gia, tại gia.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bảy Mươi Năm - Phẩm Vô Kiên Yếu
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Năm - Phẩm đốc Tín - Thí Dụ Mười Năm
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Một - Phẩm Bảy Pháp - Kinh Trú đạc Thọ
Phật Thuyết Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Ba - An Lạc Hạnh
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Mười Chín - Phẩm Công đức Sâu Xa