Phật Thuyết Kinh đại Phương Tiện Phật Báo ân - Phẩm Bốn - Phẩm Phát Tâm Bồ đề

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

PHẨM BỐN

PHẨM PHÁT TÂM BỒ ĐỀ  

Bấy giờ ở trong hội, có một vị Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, tên là Hỷ Vương, liền từ tòa ngồi đứng dậy, để hở vai áo bên phải, gối bên phải quỳ xuống đất, chấp tay ngưỡng bạch Đức Như Lai rằng: Bồ Tát phải tri ân báo ân như thế nào?

Phật bảo Bồ Tát Hỷ Vương: Thiện nam tử! Ông hãy nghe cho kỹ: Bồ Tát muốn tri ân báo ân nên phải phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, và dạy bảo tất cả chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Hỷ Vương hỏi: Nếu phát tâm bồ đề, sẽ phải phát như thế nào?

Và nhân đâu mà có thể phát được?

Phật nói: Thiện nam tử! Bồ Tát Ma Ha Tát, khi thoạt mới phát tâm bồ đề phải lập đại nguyện, và nói như thế này: Nếu tôi chứng được đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tôi sẽ làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh được an trụ trong cảnh đại Niết Bàn, lại sẽ giáo hóa tất cả chúng sinh, thảy đều được đầy đủ bát nhã Ba la mật. Như thế gọi là tự lợi cũng gọi là lợi tha.

Cho nên Bồ Tát khi thoạt mới phát tâm bồ đề, thời được gọi là bồ đề nhân duyên, chúng sinh nhân duyên, chánh nghĩa nhân duyên, ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp nhân duyên, thâu nhiếp tất cả cỗi gốc thiện pháp.

Cho nên Bồ Tát được gọi là bậc Đại Thiện, cũng gọi là cỗi gốc lành của tất cả chúng sinh, vì vậy mà Bồ Tát có thể phá trừ ba nghiệp ác ở nơi thân, khẩu, ý v.v… cho tất cả chúng sinh.

Tất cả những thệ nguyện của thế gian, tất cả thệ nguyện của xuất thế gian, không có thệ nguyện nào bằng được thệ nguyện Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Thệ nguyện như thế, thực không gì hơn được, không gì trên được nữa.

Bồ Tát khi thoạt mới phát tâm bồ đề, có năm việc:

Một là tính.

Hai là hạnh.

Ba là cảnh giới.

Bốn là công đức.

Năm là tăng tưởng.

Bồ Tát nếu hay phát được tâm bồ đề, thì được gọi là Ma Ha Tát, quyết định sẽ chứng được đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác, trọn đại thừa hạnh.

Cho nên khi thoạt mới phát tâm bồ đề, tức hay thâu nhiếp được tất cả thiện pháp. Bồ Tát Ma Ha Tát phát tâm bồ đề, tu hành mong được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nếu không phát tâm quyết không thể nào thành được, cho nên phát tâm, là cỗi gốc của quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Ma Ha Tát coi thấy chúng sinh phải chịu những sự khổ não, thì lòng sinh thương xót, nên Bồ Tát, nhân tâm từ bi, mà phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nhân phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mà hay tu tập ba mươi bảy trợ đạo pháp.

Nhân tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp, mà chứng được đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cho nên phát tâm là cỗi gốc của đạo Vô Thượng bồ đề, do phát tâm bồ đề, mới hay hành trì được Bồ Tát giới. Cho nên phát tâm gọi là gốc, gọi là nhân, gọi là nhành, gọi là lá, cũng gọi là hoa, lần lượt gọi là quả, cũng gọi là hạt.

Bồ Tát phát tâm, cũng có người thì được rốt ráo, có người thì không được rốt ráo, người được rốt ráo thì mãi mãi cho đến khi chứng được đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác, trọn không bao giờ thoái chuyển. Còn người không được rốt ráo, là trong tâm đã có sự thoái chuyển.

Thoái chuyển có hai thứ: Một là thoái chuyển rốt ráo, hai là thoái chuyển không rốt ráo. Người thoái chuyển rốt ráo, là người trọn không thể phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, không thể suy tìm, tu tập pháp đó được. Người thoái chuyển không rốt ráo, là người thường cầu phát tâm bồ đề, thường tu tập pháp đó.

Phát tâm bồ đề có bốn thứ: Một là, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, hoặc được coi thấy, nghe thấy những việc bất khả tư nghị của Chư Phật, Bồ Tát, liền sinh tâm cung kính, và nghĩ rằng: Những sự của Phật, Bồ Tát là bất khả tư nghị, nếu Phật, Bồ Tát chứng được sự bất khả tư nghị ấy, thì ta đây cũng quyết sẽ chứng được đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cho nên ta dốc lòng, nhớ nghĩ đạo bồ đề, và phát tâm Vô Thượng bồ đề.

Hai là, lại có người không được coi thấy những sự bất tư nghị của Chư Phật, Bồ Tát mà chỉ nghe thấy cái tạng bí mật của Chư Phật, Bồ Tát liền sinh tâm cung kính tin tưởng, cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, và Ma Ha Bát Nhã, cho nên phát tâm bồ đề.

Ba là, lại có người không được coi thấy những việc bất tư nghị của Chư Phật, Bồ Tát cũng không được nghe pháp, mà do vì khi coi thấy pháp diệt, rồi trong lòng nghĩ rằng: Vô Thượng Phật Pháp, hay diệt trừ được vô lượng khổ não cho chúng sinh, làm ích lợi lớn lao cho chúng sinh, chỉ có Chư Phật, Bồ Tát, mới hay làm cho Phật Pháp được trường tồn bất diệt, ta ngày nay cũng nên phải phát tâm bồ đề.

Khiến cho các chúng sinh, xa lìa phiền não, thệ nguyện thân này của ta, dầu cho phải chịu mọi sự đại khổ não đi chăng nữa, ta quyết giữ gìn Phật Pháp, khiến cho Phật Pháp được trường tồn mãi mãi ở thế gian, cho nên ta phát tâm bồ đề.

Bốn là, lại có người không được coi thấy Chư Phật, Bồ Tát, không được nghe pháp, khi pháp diệt cũng không được thấy, mà chỉ thấy tất cả chúng sinh ở trong đời ác trược, đủ mọi thứ phiền não, tham dục, giận tức, ngu si, không thẹn, không hổ, bỏn xẻn, tật đố, ganh ghét, nghi ngờ, lười biến v.v… thấy như thế rồi, liền nghĩ rằng: 

Trong đời ác trược này, chúng sinh chẳng chịu tu thiện, tâm Nhị Thừa còn không phát, nữa là tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, ta nay phải nên phát tâm bồ đề, phát tâm bồ đề rồi, liền dạy bảo tất cả chúng sinh đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ Ngài Hỷ Vương Bồ Tát, lại bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn! Bồ Tát tri ân báo ân bằng cách tự phát tâm bồ đề và dạy bảo tất cả chúng sinh đều phát tâm bồ đề.

Song Đức Như Lai thuở xưa khi còn phải sinh tử, thoạt mới phát tâm bồ đề, là do nhân duyên gì?

Phật dạy: Thiện nam tử! Về đời quá khứ lâu xa, kiếp số nhiều không thể kể tính được, khi ta còn ở trong vòng sinh tử, do phiền não trọng chướng, tạo nên những nghiệp ác ở nơi thân, khẩu, ý, nên phải đọa lạc vào các Địa Ngục như: Địa Ngục A Ha Ha, Địa Ngục A Ba Ba, Địa Ngục A Đạt Đa, Địa Ngục Đồng Phủ, Địa Ngục Đại Đồng Phủ, Địa Ngục Hắc Thạch, Địa Ngục Đại Hắc Thạch, cho đến Địa Ngục Hỏa Xa.

Ta nhớ khi ta phải đọa vào Địa Ngục Hỏa Xa, ta cùng với hai người bạn phải kéo một cái xe lửa, bốc cháy ngùn ngụt, quỷ đầu trâu tên là A Bàng, ngồi ở trên xe, mắm miệng, nghiến răng, trợn mắt, miệng, mắt, tai, mũi đều phun ra khói lửa, thân thể to lớn, tay chân gân guốc, hình sắc tía đen, tay cầm gậy sắt, đánh đập luôn luôn.

Mặc dầu ta bị đánh đập đau đớn, nhưng vẫn cố sức kéo, lúc đó hai người bạn của ta, vì hơi sức yếu đuối, kéo không nổi, nên bị quỷ đầu trâu A Bàng, lấy đinh ba bằng sắt, đâm vào bụng, lấy gậy bằng sắt đập vào lưng, máu phun ra như suối chảy, đau đớn khó nhẫn, những người ấy cất tiếng kêu gào rất thảm thiết, người thì kêu cha mẹ, người thì kêu vợ con.

Nhưng dầu có kêu gào như thế, cũng chẳng ích lợi gì đối với mình. Lúc ấy, ta thấy những người bạn của ta chịu sự khổ não như vậy, lòng ta sinh ra thương xót.

Nhân lòng sinh tưởng thương xót ấy, cho nên ta phát tâm bồ đề, vì những người chịu tội ấy, mà khuyên bảo quỷ đầu trâu A Bàng rằng: Những người phải chịu tội đây, thực đáng thương xót, xin ông hãy rũ lòng nới tay, đừng nên đánh đập họ tội nghiệp.

Lúc ấy quỷ đầu trâu A Bàng, nghe ta nói như thế, lòng sinh giận tức, dùng đinh ba bằng sắt đâm vào cổ ta, chết liền tại chỗ, ta liền được thoát khỏi cái tội trăm kiếp phải đọa lạc ở nơi địa ngục Hỏa Xa, chánh vì lúc đó ta phát được tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác vậy.

Phật bảo Ngài Bồ Tát Hỷ Vương: Người kéo xe lửa tức là thân ta ngày nay, nhân phát tâm bồ đề, mà chóng được thành Phật.

Thế nên biết: Tất cả chúng sinh phát tâm bồ đề, sự đó chẳng phải một, hoặc nhân lòng từ bi, hoặc nhân lòng giận tức, hoặc nhân lòng bố thí, hoặc nhân lòng bỏn xẻn, hoặc nhân lòng vui mừng, hoặc nhân phiền não, hoặc nhân ân ái ly biệt, hoặc nhân sự oán ghét gặp gỡ, hoặc nhân gần gũi bạn lành, hoặc nhân bạn ác, hoặc nhân được coi thấy Phật, hoặc nhân được nghe pháp… cho nên biết tất cả chúng sinh, phát tâm bồ đề, mỗi mỗi chẳng phải đồng nhất.

Hỷ Vương nên biết! Bồ Tát Ma Ha Tát, tri ân báo ân, sự đó như thế.

Khi Phật nói pháp ấy rồi, có một vạn tám trăm ngàn người đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Trong tất cả đại chúng, có người được chứng quả Tu Đà Hoàn, cho đến A La Hán, Thiên Địa Quỷ Thần, Nhân và Phi Nhân cũng phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Sau khi được nghe Phật nói pháp, ai nấy đều vui mừng, đầu mặt làm lễ Phật, rồi quanh về phía bên phải mà lui trở ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần