Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bốn - Phẩm Một - Phẩm Bốn Bài Kệ Số Một - Chuyện Tiểu Vương Kàlinga Tiền Thân Cullakàlinga
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG BỐN
PHẨM MỘT
PHẨM BỐN BÀI KỆ SỐ MỘT
CHUYỆN TIỂU VƯƠNG KÀLINGA
TIỀN THÂN CULLAKÀLINGA
Hãy mở cổng cho các nàng thiếu nữ. Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên, về việc thâu nhận bốn nữ du sĩ ngoại đạo vào Giáo Đoàn.
Theo truyền thuyết dòng họ Licchavi, một gia tộc cai trị gồm tới bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy người, đều sống tại Vesàli Tỳ Xá Ly. Họ là những người rất ham thích tranh biện.
Bấy giờ có một du sĩ theo đạo Kỳ Na có thể biện thuyết trôi chảy năm trăm đề tài khác nhau. Ông ta đến Vesàli và được đón nhận nồng nhiệt.
Một nữ tu Kỳ Na khác cũng có đặc tài như vậy và cũng đến Vesàli. Những người trưởng thượng Licchavi tổ chức một cuộc tranh luận giữa hai người ấy.
Khi cả hai đều chứng tỏ là những nhà biện luận đặc tài, thì những người Licchavi nghĩ rằng cả hai người chắc chắn sẽ có những đứa con tài giỏi.
Thế rồi họ sắp đặt hôn nhân cho hai người. Bốn con gái và một con trai ra đời do sự kết hợp này. Các cô gái tên là Saccà, Lolà, Avavàdakà và Patàkàrà. Còn cậu con trai tên là Saccaka. Năm người con này, khi đến tuổi trưởng thành, đã học được một ngàn đề tài khác nhau. Năm trăm đề tài do mẹ dạy và năm trăm do cha.
Hai vợ chồng căn dặn các con gái như sau: Nếu có người tại gia nào bài bác được các đề tài của các con thì các con hãy làm vợ người ấy. Còn nếu một tu sĩ đánh bại các con thì các con hãy tôn vị ấy làm thầy.
Sau đó, hai vợ chồng chết đi. Chàng Kỳ na Saccaka tiếp tục sống tại nơi ấy ở Vesàli, học tập kiến thức của dòng họ Licchavi, còn bốn chị em chàng cầm trong tay một cành hồng đào nhàn du đây đó, từ thành phố này sang thành phố khác để tranh luận. Cuối cùng họ đến Xá Vệ.
Họ cắm cành đào ở cổng thành và bảo mấy cậu trai ở đó: Nếu có người đàn ông nào, dù là cư sĩ hay tu sĩ, tranh luận ngang ngửa với chúng tôi về một đề tài thì cứ việc đá tung đống đất này và dẫm lên cành cây này. Nói xong họ vào thành để nhận đồ bố thí.
Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất Sàriputta, sau khi đã quét tước sạch sẽ những nơi cần thiết, đổ nước vào các bình và săn sóc các người bịnh, liền đi vào Xá Vệ để khất thực. Khi trông thấy và nghe kể về cành cây kia, Tôn Giả bảo các cậu trai hạ nó xuống và dẫm lên.
Tôn Giả nói: Bảo với mấy người trồng cành cây này rằng khi họ đã dùng bữa xong, hãy đến gặp ta tại phòng có nóc nhọn trên cổng Tinh Xá Kỳ Viên.
Thế rồi, Tôn Giả vào thành. Sau khi dùng bữa xong, Tôn Giả đứng trong căn phòng phía trên cổng Tinh Xá. Các nữ tu sĩ khổ hạnh, sau khi đi khất thực về, trông thấy cành cây bị dẫm lên.
Họ hỏi ai đã làm như thế và được các cậu trai kia bảo rằng chính là Xá Lợi Phất, rằng nếu họ muốn tranh luận thì cứ đến căn phòng phía trên cổng Tinh Xá.
Họ quay trở lại thành phố, theo sau họ là một đám đông người đến tháp cổng Tinh Xá. Sau đó họ đưa ra cho Tôn Giả Xá Lợi Phất một ngàn đề tài.
Vị Tỳ Kheo giải đáp mọi khó khăn khúc mắc của các đề tài ấy và sau đó hỏi xem họ còn biết gì nữa không.
Họ trả lời: Thưa Ngài, không còn gì nữa!
Tôn Giả nói: Thế thì ta sẽ hỏi các ngươi một điều.
Họ đáp: Thưa Ngài, xin Ngài cứ hỏi. Nếu chúng tôi biết, chúng tôi sẽ trả lời. Vị Tỳ Kheo đưa ra một câu hỏi. Họ không trả lời được. Tôn Giả liền giải đáp cho họ.
Sau đó họ bảo: Chúng tôi đã thua rồi, phần thắng đã về Ngài.
Các người sẽ tính sao đây?
Tôn Giả hỏi.
Họ đáp: Cha mẹ chúng tôi có khuyên dạy như vầy: Nếu một cư sĩ đánh bại được các con tranh luận, các con hãy làm vợ người ấy. Nhưng nếu đó là một tu sĩ thì các con hãy tôn vị ấy làm thầy. Do đó Họ nói tiếp Xin Ngài nhận chúng tôi vào đời sống phạm hạnh.
Vị Tỳ Kheo chấp thuận và đưa họ vào nhà của Tỳ Kheo Ni tên gọi là Upplavannà Liên Hoa Sắc. Cả bốn người ấy chẳng bao lâu đều đạt Thánh Quả.
Thế rồi một hôm, các Tỳ Kheo bắt đầu bàn tán việc ấy trong Pháp Đường. Họ bảo rằng Tôn Giả Xá Lợi Phất đã cho bốn nữ ngoại đạo ấy chỗ an trú như thế nào, rằng nhờ Tôn Giả mà cả bốn đều đạt Thánh Quả ra sao.
Khi bậc Ðạo Sư đến và nghe họ bàn tán, Ngài dạy: Không phải chỉ ngày nay mà từ xưa kia, Xá Lợi Phất đã cho bốn người ấy chỗ an trú. Ngày nay ông đưa họ vào đời phạm hạnh, còn ngày xưa ông đưa họ lên ngôi chánh hậu.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa. Ngày xưa, khi Vua Kàlinga đang trị vì tại thành phố Dantapura trong Vương Quốc Kàlinga, Assaka làm Vua thành Potali trong xứ Assaka. Bấy giờ, Vua Kàlinga có một quân đội tinh nhuệ và chính ông cũng mạnh như con voi, nhưng ông chẳng tìm thấy ai có thể đánh nhau với ông được.
Quá khao khát được đánh nhau, ông bảo các đại thần: Ta muốn chiến đấu nhưng chẳng tìm được ai có thể chiến đấu với ta cả.
Các Đại Thần nói: Tâu Ðại Vương có một cách cho Ngài: Ngài có bốn cô con gái đẹp tuyệt trần, Ngài hãy bảo họ trang sức ngọc ngà và bảo họ ngồi trong một chiếc xe đóng kín rồi cho một đạo quan hộ tống đi từng làng, từng thành phố, từng Kinh Đô. Nếu có vị Vua nào muốn đưa họ vào hậu cung thì chúng ta sẽ đánh nhau với ông ta.
Vua nghe theo ý kiến ấy. Nhưng đoàn người đi đến xứ nào, Vua xứ ấy cũng sợ họ vào thành phố, liền gởi tặng vật và xin họ đóng quân ở bên ngoài tường thành.
Cứ thế, họ đi ngang dọc khắp nước Ấn Ðộ cho đến khi tới thành Potali trong xứ Assaka. Nhưng Vua Assaka cũng đóng chặt cửa thành và chỉ gửi cho họ một tặng vật. Bấy giờ Vua xứ này có một đại thần rất thông minh, đa năng và nhiều mưu lược, tên là Nandisena.
Nandisena tự nghĩ: Người ta bảo rằng các công chúa này đã đi khắp nước Ấn Ðộ mà không tìm được ai chịu chiến đấu để chiếm lấy họ. Nếu đúng như thế thì Ấn Ðộ chỉ là cái tên rỗng. Ta sẽ chiến đấu với Vua Kàlinga.
Thế rồi ông ta đến bảo các lính gác mở cổng thành cho họ vào và đọc vần kệ đầu:
Hãy mở cổng cho các nàng thiếu nữ,
Chúng ta đây đã giữ chắc được thành,
Nan di se na sức lực vững vàng
Sư Tử của Vua A Ru Na đó.
Nandisena nói như thế để sai mở cổng thành, rồi đưa các cô gái đến ra mắt Vua Assaka.
Ông nói với Vua: Ðại Vương chớ sợ. Nếu phải chiến đấu, thần xin lo liệu. Hãy cho các công chúa xinh đẹp này làm chánh hậu. Thế rồi ông xức nước thánh cho họ để tôn họ lên ngôi Hoàng Hậu. Ông cho các người hầu ra về, dặn họ bảo với Vua Kàlinga rằng các con gái của ông đã được làm chánh hậu.
Khi người hầu về kể lại, Vua Kàlinga bảo: Ta đoán rằng ông ấy chẳng biết ta mạnh như thế nào. Liền đó Vua đốc suất một đạo quân lớn.
Nandisena nghe ông đến gần, liền gởi sứ điệp như vầy: Kàlinga hãy dừng chân, đừng lấn vào đất của chúng ta, và trận chiến sẽ xảy ra ở biên thùy của hai nước. Vua Kàlinga nhận được sứ điệp liền dừng lại ở ranh giới nước ông. Assaka cũng giữ quân của mình ở phía bên này ranh giới.
Bấy giờ Bồ Tát đang theo đời tu khổ hạnh và sống ẩn dật trên một khoảng đất nằm giữa hai Vương Quốc.
Vua Kàlinga tự nghĩ: Những nhà tu này là những người thông tuệ. Ai bảo rằng giữa hai bên, kẻ nào sẽ thắng, kẻ nào sẽ bại?
Ta sẽ đi hỏi nhà tu kia. Thế là ông giả trang đi gặp Bồ Tát và kính cẩn ngồi một bên Ngài.
Sau khi chào hỏi chúc tụng theo thông lệ, Vua bảo: Thưa Tôn Giả, Kàlinga và Assaka, mỗi bên đều dàn quân lực ở biên thùy hai nước, chờ đánh nhau.
Giữa hai bên, ai sẽ thắng, ai sẽ thua?
Bồ Tát trả lời: Thưa Ðại Vương bên này sẽ thắng bên kia sẽ thua?
Tôi không thể nói cho Ngài biết gì hơn nữa. Nhưng Thiên Chủ Ðế Thích, Vua của Cõi Trời, sẽ đến đây.
Tôi sẽ hỏi Thiên Chủ và sẽ cho Ngài biết nếu ngày mai Ngài trở lại đây.
Khi Ðế Thích đến tham bái Bồ Tát, Ngài nêu câu hỏi kia Ðế Thích trả lời: Kính thưa Tôn Giả, Kàlinga sẽ thắng, Assaka sẽ thua. Có những triệu điềm sẽ báo trước sự việc ấy. Hôm sau, Vua Kàlinga đến và lặp lại câu hỏi ấy. Bồ Tát đưa ra câu trả lời của Ðế Thích.
Bấy giờ Vua Kàlinga chẳng cần hỏi những triệu điềm ấy sẽ là gì, tự nghĩ: Họ bảo rằng ta sẽ thắng. Rồi ông trở về, hoàn toàn thỏa mãn. Tin đồn lan ra.
Khi Vua Assaka nghe được, liền cho mời Nandisena đến và nói: Người ta bảo rằng Kàlinga sẽ thắng và chúng ta sẽ thua.
Phải làm sao đây?
Nandisena trả lời: Thưa Ðại Vương, ai biết được điều ấy?
Xin Ngài chớ lo lắng về người nào sẽ thắng người nào sẽ thua.
Ông trấn an Vua xong, liền đến gặp Bồ Tát, kính cẩn ngồi xuống một bên và hỏi: Kính thưa Tôn Giả, ai sẽ thắng, ai sẽ bại?
Bồ Tát trả lời: Kàlinga sẽ thắng và Assaka sẽ bị đánh bại.
Nandisena hỏi: Kính thưa Tôn Giả điềm gì sẽ thuộc kẻ thắng và điềm gì thuộc người bại?
Thưa Ngài Bồ Tát đáp Thần bảo hộ của kẻ thắng sẽ là một con voi đực toàn trắng, còn thần bảo hộ của người bại sẽ là một con voi đực toàn đen. Hai vị thần bảo hộ của hai vị Vua ấy sẽ đánh nhau và sẽ có bên thắng, bên bại.
Nghe thế, Nandisena đứng dậy rồi đi họp các bạn đồng minh của Vua Assaka lại. Họ gồm khoảng một ngàn người và tất cả đều là những chiến sĩ.
Ông đưa họ lên một ngọn núi gần đó và hỏi họ: Các người có chịu hy sinh đời mình cho Đức Vua không?
Thưa Ngài, chúng tôi sẵn lòng. Họ đáp.
Thế thì các người hãy gieo mình xuống dốc núi này đi.
Khi họ định làm theo lời ấy thì Nandisena ngăn họ lại và nói: Không cần phải thế. Các người tỏ ra là những người bạn trung kiên của Đức Vua và hãy dũng cảm chiến đấu vì Ngài.
Tất cả đều thề sẽ làm như thế. Khi chiến trận sắp bắt đầu, Vua Kàlinga vẫn yên chí ông sẽ thắng.
Quân lính của ông cũng nghĩ: Phần thắng sẽ về ta.
Thế là họ mặc áo giáp, sắp xếp đội hình rời rạc, rồi mạnh ai nấy tiến lên.
Ðến lúc cần phải dốc toàn lực thì họ không thể nào làm được!
Rồi cả hai Vua leo lên lưng ngựa xáp vào định đánh nhau. Còn hai vị thần bảo hộ của họ thì đánh nhau phía trước họ. Thần của Kàlinga hiện hình là một con voi đực toàn trắng, còn thần của Vua kia là một con voi đực toàn đen, cả hai cũng xáp gần nhau và đang đánh nhau.
Nhưng chỉ riêng hai Vua trông thấy hai con voi ấy, ngoài ra chẳng ai trông thấy được chúng.
Bấy giờ Nandisen hỏi Vua Assaka: Tâu Ðại Vương, Ðại Vương có trông thấy hai vị thần bảo hộ không?
Có, ta có trông thấy họ, Vua đáp.
Trông họ thế nào?
Ông hỏi. Thần bảo hộ của Kàlinga hiện hình là một con voi đực trắng, còn thần của chúng ta hiện hình một con voi đen và có vẻ đang nguy khốn.
Xin Ðại Vương đừng sợ, chúng ta sẽ thắng và Vua Kàlinga sẽ thua. Ngài chỉ cần xuống khỏi con ngựa Sindh khôn lanh của Ngài và cầm lấy cây thương này, rồi dùng tay trái đấm một cú vào sườn nó.
Thế rồi Ngài cùng với một ngàn người này xông ào lên. Ngài sẽ dùng cây thương đâm vào thần bảo hộ của Vua Kàlinga cho ngã xuống.
Trong lúc ấy, chúng tôi với một ngàn cây thương sẽ đâm vào thần ấy. Thế là thần bảo hộ của Kàlinga sẽ chết, Kàlinga sẽ thua và chúng ta sẽ thắng.
Ðược rồi! Vua trả lời. Khi Nandisena ra hiệu, Vua dùng cây thương đâm vào thần bảo hộ của Kàlinga cùng lúc với các vị triều thần đâm một ngàn cây thương kia.
Thần bảo hộ của Vua Kàlinga chết ngay tại chỗ.
Khi ấy Vua Kàlinga bị thua, phải bỏ chạy.
Thấy thế, một ngàn người kia la lớn lên: Kàlinga đã bỏ chạy.
Kàlinga sợ chết. Vừa khi chạy thoát, ông đến trách cứ nhà tu khổ hạnh và đọc bài kệ thứ hai:
Quân Kà lin ga kiên cường thắng lợi
Quân As sa ka thất bại ê chề?
Ẩn giả ơi Ngài đã nói tôi nghe.
Người chân thật chớ bao giờ nói dối.
Khi Vua Kàlinga chạy trốn, ông đến trách cứ vị ẩn sĩ như vậy, rồi từ chiến trận, ông chạy thẳng một mạch về kinh đô của mình, chẳng dám ngoảnh lại một lần.
Ít ngày sau, Ðế Thích đến thăm vị ẩn giả.
Nhà tu khổ hạnh nói với Thiên Chủ bài kệ thứ ba:
Quí nhất của thần linh là chân thật
Các vị thần chẳng chịu nói sai ngoa,
Thế mà nay, Ngài nói dối, Sak ka,
Xin Ngài nói lý do cho tôi biết.
Nghe thế, Ðế Thích đọc bài kệ thứ tư:
Bà La Môn, há chẳng nghe:
Thần linh nào chẳng yêu vì hùng anh?
Những người dũng cảm, to gan
Ở nơi chiến trận chiếm phần thắng ngay.
Kiên cường mạo hiểm dạn dày,
As sa ka thắng trận này đúng thôi.
Sau cuộc đào tẩu của Vua Kàlinga, Vua Assaka trở về Kinh Thành của mình với nhiều chiến lợi phẩm.
Nandisena gởi một sứ điệp cho Vua Kàlinga bảo Vua ấy phải gởi phần hồi môn cho bốn công chúa.
Ông còn thêm: Nếu không, ta sẽ biết cách đối xử với ông ta. Vua Kàlinga nghe thế, vội báo rằng ông sẽ gởi phần xứng đáng cho họ. Thế là từ đó về sau, hai Vua sống thân hữu với nhau.
Khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Bấy giờ, bốn nữ du sĩ trẻ tuổi kia là các con gái của Vua Kàlinga, Xá Lợi Phất là Nandisena, còn chính ta là vị ẩn sĩ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi Ba - Kinh Con Trâu đá
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Nhiều Cảm Thọ
Phật Thuyết Kinh Tứ đồng Tử Tam Muội - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Xuống Tóc Nhuộm Y - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Hai Mươi Ba - Tịnh Tâm Hành Thi
Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật - Phần Tám