Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Dũng Mãnh - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM DŨNG MÃNH  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát mới phát tâm tu hành không gián đoạn như thế nào?

Bồ Tát tâm ý luôn luôn an ổn như thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Tối Thắng: Bồ Tát mới phát tâm nên học những pháp cần phải học, không lệ thuộc trong sinh tử. Chẳng phải lo ngại về ngã, ngã sở. Đối với quá khứ, hiện tại, vị lai cũng không hề sợ hãi.

Cho nên, Bồ Tát có thể dũng mãnh phá bỏ tà kiến, mới vừa nghe pháp liền thành tựu được tín căn, tâm ý luôn hướng đến Niết Bàn tịch diệt, xa lìa sự tạo tác thế gian, chỉ một tâm kính mộ đạo chánh chân vô thượng, dốc tâm học hỏi lắng nghe và khen ngợi Kinh Điển, giả sử có gặp điều gì khổ, vui cũng không mệt mỏi.

Sở dĩ như vậy là vì tâm của Bồ Tát rất kiên cố, không gì làm dao động được. Trải qua một đời, hai đời hoặc ba đời, đến khi đúng thời thì đạt được thiền định và tam muội chánh thọ của Như Lai, lại đạt được tam muội Tin nhận không quên và tam muội tổng trì quyết định rồi dần dần đạt đến pháp vô sinh nhẫn. Đó là sự tu hành không gián đoạn của Bồ Tát mới phát tâm.

Bồ Tát chuyên tâm nên không vướng mắc vào sắc tướng, không phân biệt thường, vô thường, khổ vui, xấu đẹp, xa gần. Lại chẳng nghĩ pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, chẳng nghĩ mình sẽ thành Phật, là bậc chí tôn trong tam thiên đại thiên Thế Giới.

Không nghĩ có tưởng, không nghĩ tưởng về sinh, tưởng chấp thủ, tưởng đắm nhiễm, tưởng trói buộc, tưởng về tâm, thọ nhận vô lượng pháp môn vi diệu, không trở lại cũng không thấy có trở lại, không nhàm chán cũng không thấy có nhàm chán, không đủ cũng không thấy là đủ, không phế bỏ cũng không thấy phế bỏ, không xả bỏ, không hư hoại, không thấy cũng chẳng có sự thấy, không tăng cũng không giảm, không sai khác cũng chẳng biến đổi, không tự nhiên hành cũng chẳng phải không có hành.

Vì sao?

Vì cho là tự nhiên, tức là bao trùm khắp cả hư không, pháp giới. Bồ Tát thành tựu thệ nguyện, rộng lớn vô lượng, vô biên, không có giới hạn như vậy, vì muốn cứu độ cho tất cả chúng sinh nên không nhàm chán, không lo sợ cũng chẳng thoái lui.

Vì sao?

Vì muốn hóa độ cho tất cả chúng sinh được vào Niết Bàn, nên Bồ Tát an trụ suốt mười bảy kiếp không hề lìa bỏ, biết rõ các pháp trong ba đời vắng lặng như hư không, là không, là vô ngã, vì sao?

Vì muốn từ chỗ này đến chỗ kia, Bồ Tát Đại Sĩ bay lên hư không, dùng thiên nhãn quán sát để xem thử có bao nhiêu chúng sinh nương nơi địa đại và có bao nhiêu chúng sinh nương nơi hư không. Nhưng khi quán sát, Bồ Tát thấy chúng sinh nơi hư không không thể tính kể, không có giới hạn.

Bồ Tát lại dùng thiên nhãn để tư duy: Hôm nay, ta đã quán sát quá xa xôi. Ta nên từ bốn châu thiên hạ chung quanh núi Tu Di để xem thử nơi hư không có bao nhiêu chúng sinh không có hình tướng và bao nhiêu chúng sinh có hình tướng.

Đức Phật bảo: Này Tối Thắng! Bồ Tát dùng thiên nhãn còn không thể biết có bao nhiêu chúng sinh không có hình tướng.

Vì sao?

Vì chẳng phải là cảnh giới của Bồ Tát. Hôm nay, ta dùng ví dụ để giải thích lại ý nghĩa này, những ai có mắt sáng sẽ nhờ đây mà hiểu rõ. Như trong một khoảng hư không bằng tám khuỷu tay trên dưới đều không có chỗ hở, số lượng chúng sinh không có hình tướng ở trong đó bằng số chúng sinh có hình tướng trong bốn châu thiên hạ.

Muốn biết được số đó thì phải lấy từ số một của số lượng chúng sinh ấy đến một ức, lấy một ức làm thành một, lại lấy từ một đó đến một ức, rồi lấy một ức này làm thành một nữa, lấy như vậy đến lần thứ bảy, muốn biết số lượng chúng sinh không có hình tướng trong khoảng hư không đó, thì số lượng ấy là như vậy.

Đức Phật dạy: Này Tối Thắng! Lúc Bồ Tát dùng thiên nhãn để xem chúng sinh không có hình tướng trong hư không, cũng giống như người đang nhìn vào một tảng đá lớn hình vuông, trên dưới đồng chất không một chỗ hở, thì cũng không biết được số lượng chúng sinh không có hình tướng hư không, Bồ Tát từ khi mới phát tam học đạo cho đến chứng quả vị Bồ Tát, nên hóa độ bao nhiêu chúng sinh mà tâm không hề lay động.

Nên biết, vị ây không bị ma quấy nhiễu, ở trong ba cõi, nương tựa thiện tri thức, hoàn toàn không còn sợ hãi, Bồ Tát an trụ như vậy rồi, chắc chắn không bao lâu sẽ được thọ ký, thực hành phương tiện quyền biến, khuyến khích giúp đỡ cho chúng sinh, truyền trao pháp Niết Bàn cho họ, nói là chắc chắn được diệt độ, lại thêm về pháp ấn bốn đế của Như Lai, phân biệt rõ để chỉ dạy đường hướng cho họ.

Có chúng sinh nào không chịu giác ngộ, Bồ Tát dùng vô số phương tiện để giáo hóa cho họ, do huân tập si mê nên tạo ra các khổ, đoạn trừ ái dục thì không còn chấp thủ, liền được chứng đắc quả vị chánh giác. Tất cả sự yên lặng của Bậc Thánh tức là giải thoát. Sở dĩ gọi là giải thoát, vì thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết. Vị ấy không chết cũng chẳng bị chết, không giải thoát cũng chẳng được giải thoát.

Giải thoát ở chỗ nào?

Nghĩa là không chấp thủ, không bị trói buộc, không có diệt, chẳng có sinh, không có thành tựu, không có chỗ hướng đến, mới là khế hợp với đạo chân chánh. Do mê lầm nên chúng sinh không thể hiểu rõ.

Vì thương xót họ nên Như Lai xuất hiện ở đời, ở những nơi Như Lai đến đều thị hiện làm bậc Đạo Sư. Chúng sinh nào nghe pháp rồi, liền đạt đến quả vị không thoái chuyển. Có người nào hoan hỷ giữ gìn chánh pháp, liền đạt đến pháp vô sinh nhẫn.

Bồ Tát phát tâm luôn tư duy về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và phân biệt sáu trần là do đâu mà sinh, do đâu mà diệt, pháp tự sinh pháp, pháp tự diệt pháp, không thấy tà, không thấy chánh, không tạo, không tác, không thấy có ngã sở hay chẳng phải ngã sở, không nương vào tánh bên trong để tự quán sát, chẳng nương vào ngoại cảnh để phân biệt.

Nên tư duy sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải là sắc trong quá khứ, sắc quá khứ không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở chặng giữa, cũng không phải là thọ, tưởng, hành, thức trong quá khứ.

Thọ, tưởng, hành, thức quá khứ thì không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa, không trụ vào sắc quá khứ, chẳng phải không trụ vào sắc quá khứ, không ở bên này, không ở bên kia. Cũng chẳng phải mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp trong quá khứ thì không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa.

Chẳng phải là sự diệt hết tưởng tri trong quá khứ. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp trong quá khứ, không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Sự diệt hết các tưởng tri về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý ở vị lai và hiện tại cũng vậy.

Lại nữa, này Tối Thắng! Bồ Tát dùng thần thông, trí tuệ để tu hành không chướng ngại.

Tất cả công đức trí tuệ của Chư Phật, nếu tổng cộng hết thì gấp mười, gấp trăm, gấp ngàn vạn lần, không phải như Bồ Tát phát tâm làm an ổn cho một chúng sinh, khiến chúng sinh ấy phát tâm vô thượng, thành tựu nhất thiết trí, đầy đủ tất cả các pháp của Chư Phật, đoạn trừ hết các vọng tưởng, không còn nghi ngờ. Trời, người đều cung kính lễ bái, thấy rõ các pháp đều huyễn hóa không chân thật.

Tất cả chúng sinh có hình tướng, khi hướng đến đạo, liền được năng lực thần thông của Như Lai. Lúc ấy, mười bốn ức chúng ở trên tòa chiêm ngưỡng oai đức thần thông của Đức Như Lai, trông thấy Đức Như Lai hiện ra các oai lực thần biến.

Biết được suy nghĩ của đại chúng, từ nơi tòa, Đức Phật liền phóng ra ánh sáng lớn, trong mỗi lỗ chân lông trên thân Ngài cũng đều phóng ra trăm ngàn ức tia sáng, trong mỗi tia sáng có trăm ngàn ức ngọc báu dạ quang, được điêu khắc hoa văn đẹp đẽ, các ngọc báu xen lẫn với các loại hoa tỏa nhiều mùi hương bao trùm ở trên.

Trên bốn góc của ngọc báu treo bốn chuỗi anh lạc, trên mỗi ngọc báu lại có trăm ngàn ức màn báu, trên mỗi màn báu tự nhiên có trăm ngàn ức tòa sen Sư tử, trên mỗi tòa sen có trăm ngàn ức màu sắc đặc biệt, trong mỗi màu có trăm ngàn ức ngọc báu ma ni ở trên hoa sen, trên mỗi hoa sen lại có trăm ngàn ức loại châu báu đặc biệt kết thành lọng.

Dưới mỗi lọng có trăm ngàn ức Đức Như Lai đang thuyết pháp, mỗi Đức Như Lai có trăm ngàn ức cõi nước, trong mỗi cõi nước có trăm ngàn ức ao tắm tự nhiên, nơi mỗi ao tắm có trăm ngàn ức các loại chim như: Chim le le, chim nhạn, chim uyên ương tự nhiên vui đùa.

Bấy giờ, ngồi nơi tòa có kết bằng nhiều loại ngọc báu, các Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác phóng ra trăm ngàn ức ánh sáng, trong mỗi ánh sáng đều có hóa Phật, mỗi hóa Phật đều diễn nói công đức tu hành của Bồ Tát mới phát tâm, mười hai nhân duyên, vô thường, khổ, không, vô ngã.

Đạt đến Niết Bàn. Trong mỗi pháp môn đều vận chuyển trăm ngàn ức pháp không thoái chuyển, trước kia chưa từng chuyển vậy hôm nay Đức Như Lai chuyển, thị hiện các oai nghi, thần thông biến hóa cúa Phật chưa từng thấy, chưa từng nghe, không thể nghĩ bàn, không thể suy lường.

Khi ấy, những người trong chúng hội đều khen ngợi là sự kỳ diệu đặc biệt chưa từng có, nhờ có phước đức nên chúng ta mới thấy được sự thần thông biến hóa này. Đức Như Lai biến hóa vô số thần thông được sáng rực rỡ, vô số Như Lai được hóa ra nhiều như kho tàng Như Lai, không trụ nơi trụ, không hình tượng.

Không nguồn gốc, đạt được những điều không thể đạt được, sâu xa vi diệu, không chân thật, không hư dối, trí tuệ rộng lớn, diệt trừ mê hoặc, cũng không hủy hoại, thành tựu pháp giới, các pháp của Đức Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều xuất hiện, phát ra năng lực của Như Lai làm lợi ích các Cõi Phật, là pháp ấn của Phật Để phát sinh đạo Bồ Tát.

Ở trong pháp hiện tại Như Lai là đấng Pháp Vương mắt thanh tịnh, mắt tuệ thanh tịnh, chủng tánh thuần thục, mắt Phật không chướng ngại, do mắt tuệ biết phân biệt ý nghĩa từng câu mà mở bày pháp môn, nhờ bậc thiện tri thức được thành tựu đạo tâm, không bỏ cảnh giới, không làm mất chủng tánh.

Che chở, giúp đỡ tất cả chúng sinh bằng cách thành tựu đời sống gia đình, ở giữa mọi người không hề sợ hãi, dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa thích hợp, danh và đức đều thanh tịnh, không mong cầu, nguồn gốc đều chân chánh, tăng trưởng trí tuệ.

Phá tan mây triền cái, trí tuệ như lửa cháy mạnh thiêu đốt nghi ngờ chồng chất, xiển dương chánh pháp vang dội nơi Đạo Tràng, bốn tâm vô lượng nắm giữ không quên, chín quán, sáu nghiệp, dũng mãnh không sợ hãi, tín, niệm, định, tuệ thực hành không cùng tận, nhập vào thiền định tam muội quán sát khắp mười phương, lễ bái, cung kính, cúng dường các Đức Phật.

Như vậy, này Tối Thắng! Đó là tâm không hư hoại của Bồ Tát.

Giống như tánh không tự nhiên của Bồ Tát, người có mắt biết đó là không, không cũng chẳng tự biết nói ta là không, Bồ Tát thực hành theo bản nguyện cũng như vậy, độ thoát cho người nhiều như cát sông Hằng, lại nhiều hơn số đó nữa, đến các cõi mà Chư Phật ở để cứu độ chúng sinh nhiều không thể đếm kể, Bồ Tát cũng không nghĩ: Hôm nay, ta đã cứu độ bao nhiêu chúng sinh, làm cho họ đạt đến Niết Bàn tịch tĩnh, vô vi.

Cũng không nói: Nhờ phước báo này, ta sẽ thành đạo chánh chân vô thượng. Bồ Tát mới phát tâm, giữ tâm kiên cố, từ khi mới phát tâm cho đến thành đạo, ngồi nơi gốc Bồ Đề, thâu phục các ma, những phước nghiệp công đức đã thực hành ấy, tất cả đều vì chúng sinh, không phải vì mình. Giống như hư không bao trùm khắp, nhưng không tự biết nói rằng ta là hư không.

Ánh sáng trí tuệ, thần thông, phước đức của Như Lai, tiếp độ chúng sinh đều thành bậc pháp nhãn, không xa lìa, không chấp thủ, tất cả các pháp không thể trở ngại, không ngã, không nhân, bằng gươm bén phương tiện thiện xảo của ánh sáng trí tuệ. Chánh Pháp của tất cả Chư Phật đã giáo hóa có vô lượng công đức, phá trừ hết các lưới nghi trong sự tu hành của Bồ Tát.

Bồ Tát tu hành ba phạm đường thanh tịnh, không có không, không có cái chẳng không, không cũng không sinh, cũng không thật có, không ngã, không nhân, không tuổi thọ, không mạng sống, không thấy sinh cũng không thấy tử, tự mình giác ngộ không thể nghĩ bàn, không bỏ cảnh giới, vô tưởng cũng không, không sinh cũng không thấy sinh, không thấy sự xuất ly, không đến, không đi, không tạo, không tác.

Thành tựu đạo quả trong vô lượng pháp giới, cảnh giới hư không không có giới hạn, không bị trói buộc, nhưng Bồ Tát vì chúng sinh mà tạo các chỗ ở, ngã sở này cũng chẳng phải ngã sở. Nếu có khởi lên các tưởng về ngã, ngã sở, Bồ Tát nương tâm ývào căn bản của điều lành, dùng vô lượng trí tuệ để thanh tịnh đạo của mình và từ bỏ những tâm ý nhơ uế.

Như vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát nhập vào tam muội tịnh quán, quán sát chúng sinh ở khắp mười phương nhiều như cát Sông Hằng, ai thích hợp pháp để tu hành, ai thích hợp trí tuệ để tu hành, ai thích hợp với hạnh thanh tịnh để tu hành. Chúng sinh nào lãnh hội chánh pháp, Bồ Tát liền nói cho họ hai mươi lăm pháp.

Hai mươi lăm pháp ấy là gì?

Đó là các pháp không tướng, các pháp không hình, các pháp nhẫn, các pháp tưởng, các pháp không nguồn gốc, các pháp về cảnh giới không phân biệt, các pháp không bị chấp thủ, các pháp không hai, các pháp không vượt qua.

Các pháp không thể gián đoạn, các pháp sâu xa không thể suy lường, các pháp giác ngộ cho người chưa giác ngộ, các pháp có năng lực không thể hủy hoại, các pháp thành tựu cho người chưa thành tựu, các pháp không hủy bỏ mà hủy bỏ.

Các pháp không thường mà thường, các pháp không nhiễm ô, các pháp thanh tịnh, các pháp quán sát về tánh, các pháp vô lậu, các pháp quá khứ đã xã bỏ, các pháo dứt trừ lưới nghi, các pháp không do trí tuệ cạn cợt quyết định, các pháp vốn không và không có tên của khổ. Đó là hai mươi lăm pháp tu hành thanh tịnh của Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần