Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Chín - Phẩm Chín Bài Kệ - Chuyện Nam Tử Hàrita Tiền Thân Hàrita

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG CHÍN  

PHẨM CHÍN BÀI KỆ  

CHUYỆN NAM TỬ HÀRITA

TIỀN THÂN HÀRITA  

Hàri Hiền hữu, trẫm nghe rằng. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo bất mãn. Bấy giờ Tỳ Kheo này trở nên bất mãn sau khi nhìn thấy một nữ nhân phục sức lộng lẫy nên cứ để cho lông tóc, móng tay chân dài ra, và muốn hoàn tục.

Khi ông miễn cưỡng bị các vị Giáo Thọ và giám hộ đưa đi yết kiến bậc Ðạo Sư, và được Ngài hỏi xem có đúng là ông thối thất chăng, và tại sao như vậy, ông đáp: Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chính vì uy lực của dục tham, sau khi nhìn thấy một nữ nhân xinh đẹp.

Bậc Ðạo Sư bảo: Này Tỳ Kheo, tham dục huỷ hoại công đức, hơn nữa, rất đáng nhàm chán, nó làm cho con người tái sinh vào địa ngục.

Thế thì sao tham dục này lại không đưa đến sự suy tàn của ông?

Bởi vì trận cuồng phong vùi dập đỉnh núi Sineru Tu Di vẫn không ngần ngại cuốn đi một ngọn lá khô héo. Chính vì tham dục này, những người thực hành theo trí thức và trí tuệ, đã đắc năm thắng trí và tám thiền chứng, dẫu là Thánh Nhân vĩ đại, vẫn không đủ khả năng ổn định tâm tư nên sa đoạ đánh mất thiền lực vi diệu. Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.

Ngày xưa khi Vua Brahmadatta trị vì tại Ba La Nại, Bồ Tát được sinh ở một làng trong một gia đình Bà La Môn có tài sản đến tám triệu đồng, và do màu vàng ánh của Ngài, cha mẹ đặt tên Ngài là Harittacakumàra Nam tử Kim sắc. Khi lớn khôn, và đã được Giáo Dục tại Takkasilà, Ngài trở thành người gia chủ.

Vừa khi cha mẹ từ trần, Ngài đi thanh tra đủ các kho báu của mình và suy nghĩ: Tài sản kho báu tiếp tục tồn tại, còn những người tạo ra nó lại mất cả rồi. Ta cũng tan thành tro bụi khi chết. Như vậy do nỗi sợ chết báo động, Ngài thực hành đại bố thí, rồi vào vùng Tuyết Sơn sống đời tu hành, đến ngày thứ bảy Ngài thành tựu các thắng trí và các thiền chứng.

Ngài sống ở đó một thời gian bằng củ quả rừng, rồi xuống núi tìm muối và dấm, dần dần Ngài đến tận Ba La Nại. Ngài sống trong ngự viên và ngày hôm sau, khi khất thực Ngài đến cửa cung Vua. Vua rất hoan hỷ khi thấy Ngài nên đã truyền mời Ngài vào ngồi trên vương toạ dưới bóng mát của chiếc Lọng trắng và cúng dường Ngài đủ thứ cao lương mỹ vị.

Khi lời nói lời tuỳ hỷ công đức, Vua vô cùng đẹp ý hỏi: Bạch Tôn Giả, Ngài sắp đi đâu?

Tâu Ðại Vương, chúng tôi tìm một nơi an cư mùa mưa. Thế thì tốt lắm, bạch Tôn Giả. Vua bảo. Rồi sau buổi điểm tâm, Vua cùng đi với Ngài đến ngự viên, truyền dựng am thất ban ngày lẫn ban đêm cho Ngài ở, chỉ định người giữ ngự viên làm hầu cận của Ngài, rồi Vua kính chào Ngài ra về. Từ đó bậc Ðại Sĩ thường xuyên ăn uống ở cung Vua và sống tại nơi ấy suốt mười hai năm liền.

Một hôm, Vua đi dẹp loạn ở biên giới, nên đã giao phó Hoàng Hậu chăm sóc Bồ Tát, và bảo bà: Ðừng xao lãng việc phụng sự phước điền của chúng ta. Từ đó trở về sau, Hoàng Hậu tự tay phục vụ bậc Ðại Sĩ rất chu đáo.

Một hôm, Hoàng Hậu đã chuẩn bị thực phẩm của Ngài xong, và vì Ngài đến muộn, nên bà đi tắm nước hương thơm ngát, choàng chiếc y bằng lụa mỏng manh mềm mại, rồi mở cửa thượng lầu nằm xuống một vương sàng nhỏ để cho gió lùa trên thân thể bà.

Sau đó, Bồ Tát đắp hạ y và thượng y, cầm bình bát, du hành qua không gian đi vào cửa sổ ấy. Khi Hoàng Hậu vội vàng đứng dậy vì nghe tiếng sột soạt của các tấm y bằng vỏ cây trên thân Ngài, chiếc y bằng lụa mỏng rơi khỏi người bà. Một đối tượng lạ thường đập vào mắt bậc Ðại Sĩ.

Rồi một dục tưởng đã ẩn trong tâm Ngài từ vô lượng kiếp, chợt bừng dậy như một con rắn nằm trong hộp, xua tan thiền lực của Ngài.

Rồi không đủ khả năng ổn định tư tưởng, Ngài đến chụp lấy Hoàng Hậu bằng đôi tay và hai vị lập tức kéo màn che phủ quanh người. Sau khi đã phạm tà dục với bà, Ngài thọ thực và trở về ngự viên. Từ đó về sau, ngày nào Ngài cũng đến làm như vậy. Tà hạnh của Ngài vang dậy khắp Kinh Thành.

Các cận thần của Vua dâng sớ tâu trình Vua: Nhà khổ hạnh Hàrita đang hành động như vậy như vậy.

Vua suy nghĩ: Họ nói như vậy để ly gián chúng ta và Vua không tin chuyện ấy.

Khi Vua đã bình định vùng Biên Địa xong, liền trở về Ba La Nại và sau buổi diễn binh oai nghi khắp kinh thành, Vua đến gặp Hoàng Hậu và hỏi: Có thật Thánh Nhân khổ hạnh Hàrita đã phạm tà dục với ái hậu chăng?

Tâu Chúa Thượng, quả đúng vậy. Vua vẫn không tin lời bà và suy nghĩ. Ta sẽ hỏi chính vị ấy.

Rồi đi đến ngự viên, Vua vái chào Ngài, ngồi kính cẩn một bên và ngâm vần kệ đầu để hỏi chuyện:

Hàri Hiền hữu, trẫm nghe rằng

Tôn Giả nay đang sống lỗi lầm,

Trẫm chẳng tin lời đồn đại ấy,

Ngài không phạm tội ý, thân chăng?

Ngài suy nghĩ: Nếu ta nói ta không phạm tội lỗi, vị Vua này sẽ tin ta, nhưng trên thế gian này, không có một căn cứ nào vững chắc bằng nói sự thật. Người nào từ bỏ sự thật, dù ngồi trong Bồ Đề Đạo Tràng linh thiêng cũng không để đạt quả Phật. Vậy ta cần nói sự thật.

Trong vài trường hợp, một vị Bồ Tát có thể sát sinh, lấy của không cho, phạm tà dục và uống rượu nồng, nhưng vị ấy không được nói dối đi kèm với sự lừa phỉnh vi phạm chân lý của vạn vật.

Vì thế Ngài ngâm vần kệ thứ hai chỉ nói lên sự thật:

Ta phạm ác hành, hỡi Ðại Vương,

Ðúng như Ngài đã được nghe rằng

Mắc vào tà thuật trong trần thế,

Ta đã đi sai lạc bước đường.

Nghe vậy, Vua ngâm vần kệ thứ ba:

Trí tuệ uyên thâm của thế nhân

Hoài công vô ích, chẳng xua tan

Dục tham bùng dậy trong lòng dạ

Của bậc trí nhân đã lạc đường.

Sau đó Hàrita nêu rõ cho Vua thấy uy lực của dục tham qua vần kệ thứ tư:

Bốn ác dục này ở thế gian

Uy quyền lấn áp cứ lan tràn:

Tham, sân, vô độ và si ám,

Tri kiến không sao đứng vững vàng.

Vua nghe liền ngâm vần kệ thứ năm:

Thánh hạnh tràn đầy với trí minh

Hà ri Hiền giả đáng tôn vinh!

Hiền giả Hàrita ngâm tiếp vần kệ thứ sáu:

Ác tâm, tham dục, do liên kết,

Huỷ hoại Trí nhân hướng Thánh hành.

Sau đó Vua ngâm vần kệ thứ bảy khuyến nhủ vị ấy quẳng bỏ mọi tham dục:

Vẻ đẹp trong tâm tịnh sáng ngời

Bị hư vì ác dục sinh sôi,

Quẳng ngay, hạnh phúc đang chờ đón,

Quần chúng tuyên dương trí tuệ Ngài.

Khi ấy Bồ Tát đã phục hồi năng lực thiền định và quán sát sự đau khổ của tham dục, Ngài ngâm vần kệ thứ tám:

Vì tham dục trói buộc thân này,

Sinh sản cho ta quả đắng cay,

Ta quyết cắt sâu cho tận gốc

Mọi mầm tham dục khởi lên đây.

Nói vậy xong, Ngài xin phép Vua, rồi sau khi được chấp nhận, Ngài về tham am tập trung nhãn lực vào đề tài và nhận định, sau đó bước ra khỏi am, ngồi bắt chéo chân trên không và giảng chánh pháp cho Vua, Ngài bảo: Tâu Ðại Vương, ta đã tạo nên sự chỉ trích của quần chúng vì ta cư trú một nơi mà ta không nên cư trú. Nhưng giờ đây xin Ðại Vương hãy tỉnh giác hộ phòng. Còn ta sẽ trở về núi rừng thoát ly mọi ô nhiễm của nữ sắc.

Rồi giữa những giọt nước mắt và tiếng than khóc của Vua, Ngài trở về Tuyết Sơn, rồi không gián đoạn thiền định, Ngài lên Cõi Phạm Thiên.

Bậc Ðạo Sư biết toàn thể câu chuyện và bảo:

Như vậy, Hà ri bậc trí nhân

Ðấu tranh vì chánh pháp kiên cường,

Vừa khi rời bỏ niềm tham dục,

Hướng đến Phạm Thiên tiến thẳng đường.

Sau khi ngâm vần kệ do trí tuệ tối thắng, Ngài tuyên thuyết các sự thật. Vào lúc kết thúc các sự thật, vị Tỳ Kheo có tâm thế tục ấy đã đắc Thánh Quả.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thời bấy giờ Vua là Ànanda, và Hàrita chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần