Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Bảy - Phẩm Biranatthambhaka - ðám Cỏ Thơm - Chuyện Người Lái Buôn Lừa ðảo Tiền Thân Kùtavànija

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI  

PHẨM BẢY 

PHẨM BIRANATTHAMBHAKA

ÐÁM CỎ THƠM  

CHUYỆN NGƯỜI LÁI BUÔN LỪA ÐẢO

TIỀN THÂN KÙTAVÀNIJA  

Man trá trị man trá. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư kể về một người đi buôn lừa đảo. Có hai người lái buôn ở Xá Vệ, một người lừa đảo và một người lương thiện.

Hai người này hùn vốn với nhau, chất đầy hàng hóa trên năm trăm cỗ xe, di chuyển từ đông sang tây, buôn bán thâu hoạch lợi tức nhiều, rồi đi trở về Xá Vệ.

Người lái buôn lương thiện nói với người lái buôn lừa đảo: Thưa bạn, chúng ta sẽ chia hàng hoá.

Người lái buôn lừa đảo suy nghĩ: Người này lâu ngày mệt mỏi vì thiếu ăn thiếu ngủ. Nay về nhà, được ăn uống đầy đủ các món ngon đặc biệt khác nhau sẽ chết vì không tiêu hóa được. Khi ấy tất cả hàng hóa thuộc về ta.

Vì vậy, anh ta nói: Sao các Trời hôm nay không được tốt. Ngày cũng không được lành. Mai mốt chúng ta sẽ tính việc ấy. Anh ta cố tìm cớ trì hoãn. Nhưng người lương thiện cứ thúc bách mãi nên họ cũng chia hàng hoá. Sau đó, vị ấy đem theo hương và vòng hoa đi đến cúng dường bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. 

Bậc Ðạo Sư hỏi: Ông về từ bao giờ?

Bạch Thế Tôn, con về khoảng nửa tháng.

Ngài lại hỏi: Tại sao ông chậm đến thăm Như Lai?

Vị ấy trình câu chuyện trên.

Bậc Ðạo Sư nói: Này nam Cư Sĩ, không phải chỉ nay kẻ ấy lừa đảo như vậy. Thuở xua, kẻ đó cũng là người lái buôn lừa đảo. Rồi theo lời yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại. Bồ Tát sanh ra trong gia đình của một Đại Thần. Khi đến tuổi trưởng thành, Ngài đuợc cử làm quan tư pháp. Lúc bấy giờ có hai người lái buôn, một người ở làng, một người ở thành phố làm bạn với nhau.

Người ở làng giao cho người ở thành phố năm trăm lưỡi cày. Người ở thành phố bán những lưỡi cày ấy giữ lấy tiền, và tại chỗ cất những luỡi cày ấy, anh ta rải phân chuột.

Sau một thời gian, người ở làng đến và nói: Hãy trả các lưỡi cày cho ta.

Người lái buôn lừa đảo nói: Các lưỡi cày của bạn đã bị chuột ăn hết! Và anh ta chỉ những đống phân chuột.

Người kia nói: Ôi! Những con chuột!

Chúng mày đã ăn thì ta còn làm gì được nữa?

Khi đi tắm, anh ta đem theo con trai của người lái buôn lừa đảo, gửi nó trong nhà một người bạn và dặn không cho đứa bé đi đâu cả, cứ bắt nó ngồi trong phòng. Sau khi tắm xong, anh ta đến nhà người lái buôn lừa đảo.

Người này hỏi: Con tôi đâu?

Thưa bạn, tôi để con bạn trên bờ sông. Trong khi tôi lặn dưới nước, thì một con diều hâu đến, giơ móng vuốt bắt con bạn và bay lên không rồi. Tôi cố gắng đập nước, la lớn tiếng, nhưng không thể cứu nó được.

Bạn nói láo con diều hâu không thể bắt đứa trẻ đem đi được! Này bạn sự thật là vậy.

Việc không đáng xảy ra lại xảy ra, thì tôi làm gì được?

Con bạn đã bị con diều hâu bắt đi mất rồi!

Người kia mắng nhiếc: Ôi tên lừa đảo độc ác! Ôi kẻ giết người! Nay ta sẽ đi đến quan tòa và kéo mày đến đấy!

Rồi anh ta ra đi. 

Người lái buôn ở làng nói: Hãy làm như ý bạn muốn. Và anh ta đi đến pháp đường trình quan.

Người lái buôn lừa đảo nói với Bồ Tát: Thưa quan lớn, người này dắt con tôi đi tắm. Khi tôi hỏi con tôi đâu rồi, anh ta nói nó đã bị con diều hâu bắt đi rồi. Xin Ngài xử vụ kiện này cho tôi.

Bồ Tát nói với người kia: Này ông, hãy khai sự thật. 

Thưa quan lớn, vâng đúng vậy. Tôi dẫn con nó đi, con nó bị diều hâu tha rồi. Sự thật là như vậy, thưa Ngài. Nhưng ở đời làm sao diều hâu lại tha đứa trẻ đi được.

Thưa quan lớn, tôi có một câu muốn hỏi Ngài: Nếu các con diều hâu không thể bắt đứa trẻ và bay lên không được, thì làm sao các con chuột lại ăn những lưỡi cày?

Ông muốn nói gì thế?

Thưa quan toà, tôi có cất tại nhà người này năm trăm lưỡi cày. Khi tôi hỏi, anh ta nói những lưỡi cày ấy đã bị chuột ăn. Rồi anh ta chỉ cho tôi đống phân của các con chuột đã ăn các lưỡi cày.

Thưa quan lớn, nếu các con chuột ăn được lưỡi cày thì các con diều hâu cũng có thể mang đi các đứa trẻ. Nếu các con chuột không ăn được thì các con diều hâu cũng sẽ không mang đứa trẻ đi được. Anh ta nói các con chuột đã ăn các lưỡi cày, xin Ngài hãy phán xét chúng có thể bị ăn hay không thể bị ăn.

Hãy xử vụ kiện này cho tôi.

Bồ Tát biết anh ta nghĩ ra cách man trá để đối trị với cách man trá của tên kia, nên Ngài nói:

Thật là một sự suy nghĩ khôn ngoan!

Rồi Bồ Tát đọc hai bài kệ này:

Man trá trị man trá,

Ðây thật suy tính hay,

Dùng lừa đảo phản công

Ðối trị kẻ lừa đảo

Nếu cho rằng loài chuột

Có thể ăn lưỡi cày,

Thì sao các diều hâu

Lại không mang đứa trẻ?

Có những kẻ lừa đảo,

Lừa đảo kẻ lừa đảo,

Có những kẻ lường gạt

Lường gạt kẻ lường gạt!

Mất con, ông hãy cho

Lưỡi cày kẻ đã mất.

Người đã mất lưỡi cày,

Hãy trả con người khác!

Như vậy kẻ mất con nhận lại con, và kẻ mất lưỡi cày nhận lại lưỡi cày. Và về sau, cả hai đi theo nghiệp của mình khi mạng chung.

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Người lái buôn lừa đảo thời bấy giờ và người ngày nay là một, người lái buôn lương thiện cũng là người hiện tại. Và vị quan Tư Pháp là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần