Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Một - Phẩm Dalha - Chuyện Hoàng Tử Có Tâm Thâu Phục Tiền Thân Alìnacitta

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI  

PHẨM MỘT

 PHẨM DALHA  

CHUYỆN HOÀNG TỬ CÓ TÂM THÂU PHỤC

TIỀN THÂN ALÌNACITTA  

Chính nhờ tâm thâu phục. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỳ Kheo thối thất tinh tấn. Câu chuyện sẽ được nói lên trong Chương Tiền Thân Samvara.

Bậc Ðạo Sư hỏi: Có phải chăng ông đã thối thất tinh tấn?

Tỳ Kheo ấy trả lời: Có thật, bạch Thế Tôn.

Bậc Ðạo Sư nói với vị ấy: Này Tỳ Kheo, thuở xưa chính ông đã tinh tấn lấy được Vương Quốc thành Ba La Nại cách xa mười hai dặm, và đã giao Vương Quốc ấy cho một đứa trẻ như cho một miếng thịt.

Và nay, vì sao ông đã xuất gia trong giáo pháp giải thoát như vậy, lại thối thất tinh tấn?

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, có một làng thợ mộc không xa thành Ba La Nại bao nhiêu. Tại đấy, có năm trăm người thợ mộc ở.

Họ đi thuyền ngược dòng sông, đốn cây góp lại để làm sườn của những ngôi nhà một tầng, hoặc hai tầng. Họ đánh dấu tất cả khúc gỗ, kéo gỗ đến bờ sông rồi đem lên thuyền chờ về thành. Những ai muốn ngôi nhà thế nào, họ làm đúng như vậy rồi lấy tiền để sinh sống.

Trong khi họ đang làm việc như vậy, thì một con voi đạp phải một miếng dăm gỗ vụn của cây keo. Miếng dăm gỗ ấy đâm vào chân con voi làm cho nó rất đau đớn. Chân nó bị sưng lên và làm mủ.

Con voi nghe tiếng đốn suy nghĩ: Ta có thể nhờ những người thợ mộc này làm cho lành chăng?

Nghĩ vậy nó liền đi ba chân đến gần đám thợ mộc và nằm xuống. Các người thợ mộc thấy chân nó sưng, đi đến xem thì thấy miếng dăm gỗ.

Họ lấy một con dao, kéo bật miếng dăm gỗ ra, lấy hết mủ, rửa với nước nóng và xức với nước thích hợp, không bao lâu thì vết thương được lành lại.

Con voi lành mạnh suy nghĩ: Nhờ những người thợ mộc này, ta được sống lại. Nay ta cần phải trả ơn họ. Từ đấy trở đi, con voi nhổ các cây giúp những người thợ mộc, lăn tròn các khúc cây hoặc giúp họ đẽo gỗ.

Hoặc nó mang đến cho họ bất cứ dụng cụ nào họ cần và cầm mọi vật bằng chiếc vòi một cách cương quyết không sờn lòng. Vào giờ ăn, các người thợ mộc mỗi người đem đến một phần ăn và con voi được cả năm trăm phần. Bấy giờ con voi ấy có một voi con toàn trắng, một con voi thuần chủng tuyệt đẹp.

Voi cha suy nghĩ: Ta hiện tại đã lớn tuổi. Nay ta nên cho con ta làm các công việc giúp họ.

Vì vậy, không thông báo cho các người thợ mộc biết, nó đi vào rừng, dắt voi con ra, và nói với họ: Voi con này là con của tôi. Các người đã giúp tôi. Nay tôi giao nó cho các người như trả tiền chữa trị. Bắt đầu từ nay, nó sẽ làm cho các người.

Rồi nó dạy con: Bắt đầu từ nay, những việc gì cha đã làm, con hãy làm thế. Voi cha nói xong, để voi con ở với những người thợ mộc rồi đi vào rừng. Từ đó, voi con phục tùng làm theo lời nói của các người thợ mộc, kham nhẫn chịu đựng tất cả mọi công việc và họ nuôi nó với năm trăm phần ăn như họ đã nuôi voi cha.

Khi voi con làm xong công việc, nó xuống sông chơi rồi trở lại. Những đứa con của người thợ mộc thường nắm vòi nó, và chơi với nó dưới nước và trên bờ. Thời ấy, các con voi, con ngựa được loài người thuần hóa không đi đại tiện hay tiểu tiện trong nước chỉ đại tiện ở ngoài, trên bờ sông.

Một hôm trời mưa, một bãi phân khô của voi này rơi xuống sông, trôi đến bến nước của thành Ba La Nại, mắc vào một bụi cây, và đứng lại. Những người này của Vua dắt năm trăm con voi đến để tắm.

Khi các con voi ngửi mùi bãi phân của con voi thuần chủng, không một con voi nào chịu xuống sông, chúng cong đuôi lên và cắm đầu bỏ chạy. Các người giữ voi báo cáo lên các người huấn luyện voi.

Những người này nói: Chắc có gì chướng ngại trong nước. Họ ra lệnh làm cho sạch nước thì thấy bãi phân của con voi thuần chủng ở bụi cây ấy và biết được đây là nguyên nhân của sự việc. Họ đem đến một cái chum chứa đầy nước, chà nát bãi phân ấy và rưới nước sạch lên thân các con voi.

Thân các con voi trở thành có mùi thơm, lúc bấy giờ, các thuyền bè cột lại, đi ngược dòng và đến chỗ những người thợ mộc ở. Voi con chơi trên sông, nghe tiếng trống, liền đến gần các người thợ mộc.

Họ liền đi đến đón Vua và thưa: Thưa Thiên Tử, Thiên Tử cần loại gỗ nào, cần gì Ngài lại đến đây cho nhọc?

Sao không đưa tin báo cho chúng thần đem về?

Này các Khanh, ta đến đây không phải vì gỗ. Ta đến vì con voi này.

Thưa Thiên Tử, Thiên Tử hãy bắt nó đem đi. Nhưng con voi không muốn đi.

Vua hỏi: Này bạn voi, bạn muốn gì?

Thưa Thiên Tử, hãy đem tiền cho các người thợ mộc này đã nuôi dưỡng tôi. Tốt lắm, này bạn.

Vua ra lệnh đem lại trăm ngàn đồng tiền vàng và cho đặt gần bốn chân voi và đuôi con voi với đống tiền ấy, nhưng con voi vẫn không đi.

Nó đòi cho mỗi người thợ một cặp áo, cho các người vợ vải đủ để mặc, cho trẻ con tiền nuôi dưỡng. Rồi con voi quay mình lại, nhìn và chào các người thợ mộc, các người đàn bà và các đứa trẻ rồi mới ra đi với Vua.

Vua đem voi về, đi vào thành. Vua cho trang hoàng thành phố và chuồng voi, bảo con voi đi vòng quanh thành, rồi đưa con voi vào chuồng, và trang hoàng chuồng voi thật lộng lẫy.

Vua làm lễ quán đảnh cho voi, phong cho nó làm Vương Tượng, đặt voi vào hàng bạn thân của mình, cho voi nửa Vương Quốc, và lo săn sóc con voi như săn sóc chính mình. Từ khi con voi đến, toàn cõi Diêm Phù Đề Ấn Ðộ nằm trong tay trị vì của Vua.

Theo thời gian Bồ Tát nhập mẫu thai của bà chánh hậu. Khi bà Hoàng Hậu sắp sửa sanh, thì Vua mệnh chung. Sợ rằng nếu con voi biết được Vua mệnh chung, chắc quả tim nó có thể vỡ ra, nên người ta không nói gì cho con voi biết và vẫn hầu hạ nó như trước.

Nhưng ông Vua láng giềng, Vua xứ Kosala, biết được Vua kia đã băng hà, suy nghĩ: Vương Quốc đã trống không, liền đi đến với một đạo quân lớn và vây hãm thành.

Quân bảo vệ cho đóng cửa thành và đưa tin cho Vua Kosala: Hoàng Hậu của chúng tôi sắp sanh. Từ đây đến bảy ngày, bà sẽ sanh con, các người đoán tướng số đã nói như vậy. Nếu Hoàng Hậu sanh con trai vào ngày thứ bảy, chúng tôi sẽ giao chiến, không nhường Vương Quốc. Vậy hãy đợi đến ngày ấy.

Vua Kosala chấp nhận. Vào ngày thứ bảy, Hoàng Hậu sanh được một hoàng nam. Ðến ngày lễ đặt tên, Thái Tử được đặt tên Hoàng Tử có tâm thâu phục vì người ta tiên đoán hài nhi ra đời để thâu phục nhân tâm.

Bảy ngày sau, khi thái tử sanh, toàn dân giao chiến với Vua Kosala. Vì thiếu người lãnh đạo, nên khi giao chiến quân đội dù lớn cũng dần dần thất thế, và thối lui.

Các Đại Thần trình sự việc này lên Hoàng Hậu: Tình thế thật hiểm nguy, quân đội bị thất thế thối lui, chúng tôi sợ thất trận. Vua đã mệnh chung, Hoàng Tử mới sanh, nhưng Vua Kosala kéo quân đến giao tranh, còn Vương tượng bạn thân thiết của Vua chưa hay biết gì, tâu Hoàng Hậu. Chúng tôi muốn báo tin cho voi biết. Xin chờ ý kiến Hoàng Hậu.

Bà Hoàng Hậu chấp thuận, trang điểm cho Thái Tử, đặt nó nằm trên một tấm vải mịn, từ lâu đài đi xuống với các Đại Thần vây quanh, đến chuồng con voi, đặt Thái Tử nằm dưới chân voi và thưa: Thưa chúa voi, bạn của chúa voi đã mệnh chung. Chúng tôi sợ chúa voi vỡ tim nên không tin cho chúa voi biết. Ðây là con trai của bạn chúa voi.

Vua Kosala đã đến bao vây thành, giao chiến với con của bạn chúa voi và quân đội phải thối lui. Hoặc là chúa voi giết con của bạn mình, hay là lấy lại Vương Quốc cho con của bạn mình.

Ngay lúc ấy, con voi lấy cái vòi rờ Thái Tử, đỡ nó lên, đặt lên trên đầu mình và than khóc lớn tiếng, rồi đỡ Thái Tử xuống, đặt nó nằm trong tay bà Hoàng Hậu, đi ra khỏi chuồng voi và nói: Ta sẽ bắt sống Vua Kosala. Các Đại Thần mặc áo giáp cho voi, trang hoàng mình voi và mở cửa thành, vây quanh con voi và hộ tống nó ra trận.

Con voi ra khỏi thành liền rống lên, làm cho quần chúng khiếp sợ bỏ chạy, và đánh tan quân thù rồi nắm chỏm tóc của Vua Kosala, bắt Vua đặt nằm dưới chân Thái Tử. Một số người đứng dậy muốn giết Vua Kosala.

Con voi ngăn chận, và thả Vua ấy đi với lời khuyên: Bắt đầu từ nay, chớ phóng dật. Chớ kiêu ngạo vì nghĩ rằng Hoàng Tử còn trẻ. Từ đấy trở đi, toàn cõi Diêm Phù Đề đều nằm trong tay Bồ Tát, và không một kẻ thù địch nào dám nổi lên chống đối.

Vào lúc bảy tuổi, Bồ Tát được làm lễ quán đảnh, trở thành vị Vua với tên Tâm thâu phục, trị vì nước đúng chánh pháp, và khi mạng chung, được sanh lên Thiên Giới làm đông đảo hội chúng Chư Thiên.

Khi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ xong, là bậc Ðạo Sư, Ngài nói lên hai bài kệ:

Chính vì Tâm thâu phục,

Ðội quân lớn hân hoan,

Bắt Vua Kosala,

Tham lam, không biết đủ

Với những gì mình có,

Làm quân đội bằng lòng.

Cũng vậy vị Tỳ Kheo

Tinh cần, nương tựa đủ,

Tu tập theo thiện pháp,

Ðạt an ổn khổ ách,

Tuần tự chứng đạt được

Ðoạn diệt mọi kiết sử.

Sau khi bậc Ðạo Sư trình bày các sự thật tối thượng, đưa đến đỉnh cao là Niết Bàn bất tử, Ngài cho biết như sau: Khi kết thúc các sự thật, vị Tỳ Kheo thối thất đã chứng quả A La Hán.

Và Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, bà mẹ là Hoàng Hậu Ma Gia Mayà, Vua cha là Đại Vương Tịnh Phạn, con voi lấy lại Quốc Độ rồi dâng Thái Tử là Tỳ Kheo thối thất tinh cần, cha của con voi là Xá Lợi Phất, và Thái Tử có tâm thâu phục chính là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần