Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP TÁM MƯƠI BỐN  

Lúc ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa lại nói cho Chư Thiên ở Trời Dạ Ma và Trời Đâu Suất Đà nghe mười một pháp mà Đức Phật Ca Ca Thôn Đà đã nói. Pháp lành này rất đáng yêu có thể giúp ta đạt được Niết Bàn.

Pháp đó là: An trụ tâm. Tỳ Kheo nào an trụ tâm thì giữ được pháp lành, được người khác khen ngợi. Pháp trụ tâm giúp ta xa lìa tất cả điều ác.

Từ vô thỉ kiếp đến nay lưới kết sử và lỗi lầm của tâm bủa vây khắp nơi, trói buộc rất chặt, không thể dùng chút ít thời gian, chút ít tinh tấn và chút ít định lực mà đoạn trừ được. Tỳ Kheo nào chỉ trụ tâm chút ít thì không thể đoạn trừ cái lưới rất dữ như vậy. Đất nơi tâm địa còn hơn là cái lưới, không có pháp nào khác có thể trừ bỏ sinh tử bằng pháp trụ tâm. Chỉ có người tu hành mới có thể an trụ tâm.

Nếu có pháp ác phát sinh ta thâu giữ điều phục nó, không thích và siêng năng trừ bỏ nghiệp ác, trừ bỏ pháp bất thiện, nếu tham dục phát sinh, ta tu quán bất tịnh là thích hợp. Pháp quán bất tịnh có thể trừ bỏ tâm tham dục xấu xa không còn ưa thích tham đắm nữa. Nếu phát sinh sân hận thì ta thâu giữ tâm quán từ bi, nếu tâm ngu si phát sinh thì ta quán mười hai nhân duyên.

Khi ấy Khổng Tước Chúa nói kệ:

Ai không thích trụ tâm

Tham ái các thú vui

Nếu bị ái trói buộc

Mất lợi ích hai đời.

Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói cho Chư Thiên ở Trời Dạ Ma và Trời Đâu Suất Đà nghe vô số lỗi lầm của việc không an trụ tâm.

Chư Thiên nghe không biết chán pháp lợi ích hai đời và thưa: Thưa Khổng Tước Chúa, chưa từng có ai diễn giảng cho chúng con nghe pháp sâu xa đầu, giữa, cuối đều thiện, có thể đạt đến Niết Bàn, làm chúng con nhàm chán đường sinh tử và được rất an ổn. Cúi xin Bồ Tát tiếp tục diễn giảng cho chúng con, chúng con sẽ chú ý lắng nghe và ghi nhớ để làm lợi mình và lợi người.

Nghe Chư Thiên nói xong, biết họ đều hoan hỷ thích nghe, Khổng Tước Chúa vui mừng nói với họ bằng âm thanh rất hay: Sa Môn, Bà La Môn và người khác nhớ nghĩ pháp rồi, lo sợ siêng năng tu tập, sợ tiếng xấu.

Tỳ Kheo nào sợ tiếng xấu liền lìa các tội lỗi, như là không đến chỗ những người nữ cười giỡn, không vào quán rượu, không gần gũi nói chuyện với người bán rượu, không gần và nói chuyện với người nghiện rượu, không gần kẻ cướp, người đã làm việc rất ác, người thích đấu tranh, người độc ác, người nhiều lần bỏ đạo, người chơi cờ, người chơi nhạc, trẻ con, người bị nữ sắc trói buộc, người chao động.

Người không giữ kín miệng, người tham lam, người mua bán lừa đảo, người mua bán xảo trá ngoài đường ngoài chợ, bị người đời khinh ghét, người ngăn lấp sông ao, không gần và cùng đi với huỳnh môn và người nữ cho đến một bước, không gần người dạy voi, người hàng thịt, người dạy ngựa, người theo đoạn kiến, người không có giới luật.

Tỳ Kheo không nên gần gũi những người ác này vì gần những người ấy thì mất pháp Tỳ Kheo, người đời sẽ nghĩ rằng: Tỳ Kheo này gần người như vậy chắc là đồng hành với họ. Gần gũi và cùng đi với những hạng người vừa nêu trên sẽ làm cho mọi người nghĩ như vậy. Do đó, Tỳ Kheo nên sợ tiếng xấu, không nên cùng đi với những người có nghiệp bất tịnh cho đến một bước.

Khi ấy, Bồ Tát khổng tước nói kệ Như Lai đã dạy:

Ai ở gần người ác

Liền thành người bất thiện

Nên phải lìa bỏ ác

Đừng gây nghiệp bất thiện.

Hễ gần gũi người nào

Thường xuyên thân cận họ

Do gần gũi, cùng đi

Thiện hoặc là bất thiện.

Hết thảy người cầu thiện

Nên gần gũi người lành

Như vậy sẽ được vui

Thiện không có nhân khổ.

Gần thiện thêm công đức

Gần ác tăng khổ não

Công đức và tướng ác

Ta nói gọn như vậy.

Thường gần gũi bạn lành

Thì được tiếng tốt đẹp

Ai gần kẻ bất thiện

Thì bị người khinh chê.

Thường gần gũi bạn lành

Và xa lìa bạn ác

Do gần gũi bạn lành

Xả bỏ các nghiệp ác.

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa lại bảo Chư Thiên: Nếu Tỳ Kheo nào có bảy công đức thì không có tiếng xấu.

Bảy công đức đó là:

1. Xa lìa mọi người.

2. Không thích của cải cúng dường.

3. Biết đủ.

4. Thích sống nơi hang núi yên tĩnh, thâu giữ các căn lành.

5. Ít nói.

6. Không tới quán rượu khi đi vào thôn xóm.

7. Không mua bán trao đổi.

Tỳ Kheo nào có công đức này thì tương ưng với chánh hạnh và không có tiếng xấu, được mọi người kính trọng. Vì vậy việc sợ tiếng xấu là hơn hết. Tỳ Kheo nào không sợ tiếng xấu thì sẽ mắc tội lỗi nhiều hơn bạch y, họ làm việc và nói năng tùy ý không biết hổ thẹn khi phạm giới. Người phá giới này khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục.

Người sợ tiếng xấu thích nơi vắng vẻ không thích ở gần xóm làng, thành ấp. Do biết đủ họ không làm mất tín tâm của người khác và xa lánh tất cả những nơi ồn ào. Họ thường sợ hãi những lỗi lầm nhỏ. Đó là Tỳ Kheo sợ tiếng xấu và đạt được điều lành ở thế gian.

Pháp thứ mười ba có thể tạo nhiều lợi ích là không say đắm. Pháp này thật đáng ưa. Nếu có Tỳ Kheo trong sạch không đắm vướng, thích ở nơi vắng vẻ, giữ mạng trong sạch, không còn buồn rầu và rất an ổn, thâu giữ tâm một chỗ, nếu gặp khổ não nguy hiểm tâm không khiếp sợ, bị người nhục mạ họ không phát sinh sân hận, gặp việc vui họ không vui, không sợ việc đáng sợ.

Không gần gũi họ hàng vì sợ mất lợi ích, làm việc gì cũng hoàn tất, không ưa thích các nghiệp ác trước đây đã gây ra, không thích xem việc vui chơi ca múa, đi từ xóm này đến xóm khác, từ thành này đến thành khác, từ ấp này đến ấp khác, từ nhà này đến nhà khác với tâm không tham đắm, thức ngủ đều yên ổn.

Do không tham đắm nên họ có chánh hạnh trong sạch giống như người già cả đức độ, ma không hại được, họ không tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, cũng không thích lợi lộc cúng dường, sau khi nhận họ liền xả bỏ.

Họ siêng năng trừ bỏ những suy nghĩ bất thiện không cho sinh trở lại. Nếu có điều ác phát sinh họ liền diệt trừ làm cho tâm không bị não loạn. Ngay cả suy nghĩ bất thiện Tỳ Kheo này còn siêng năng diệt trừ huống gì là các lỗi thô ác mà họ không trừ bỏ sao.

Có ba loại pháp nên tu hành.

Ba pháp đó là: Pháp bất thiện đã sinh làm ngăn trở tâm từ bi, để trừ bỏ nó cần phải siêng năng tinh tấn. Đối với các pháp bất thiện chưa sinh để nó không sinh cần phải siêng năng tinh tấn, khi pháp lành đã sinh cần phải siêng năng tinh tấn để làm pháp lành tăng thêm.

Nếu Tỳ Kheo nào không tham đắm, chánh ý thanh tịnh, muốn trừ sạch tham ái, nhàm chán ái dục, cầu sự an lạc thì đừng say đắm.

Tỳ Kheo nào không say đắm thì được thú vui bậc nhất.

Bấy giờ, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ:

Thường tu tập thiền định

Tâm không nơi tham đắm

Do tâm thường thanh tịnh

Tâm ý không tán loạn.

Ai nhớ nghĩ chân chánh

Việc ác không thể nhiễm

Do lìa bỏ các lỗi

Nên đạt được an ổn.

Luôn nhớ nghĩ chân chánh

Suy nghĩ không rối loạn

Do lìa suy nghĩ ác

Đó là khéo an trụ.

Ai có ý tịch tĩnh

Thường ưa thích Niết Bàn

Các căn của người đó

Lìa xa những việc ác.

Nếu có người tu hành

Được thú vui thiền định

Đều do gom tâm niệm

Tu hành mà đạt được.

Ai thích ở một mình

Thú vui sinh trong tâm

So với các thú vui

Thú vui này hơn hết.

Ai gom tâm buộc niệm

Thì tâm sẽ thanh tịnh

Thoát các lưới lỗi lầm

Tâm ý thường tịch diệt.

Thường nhất tâm buộc niệm

Thâu giữ cả năm căn

Người này nước trí tuệ

Diệt lửa độc tham ái.

Người thoát dây tham ái

Thường được vui trong sạch

Hiện tiền được Niết Bàn

Không diệt cũng không hư.

Suy nghĩ làm loạn tâm

Chịu sinh tử nơi nơi

Tương ưng với nhất niệm

Giữ gìn sức tam muội.

Con đường thù thắng này

Đến được thành Niết Bàn

Nhờ vào niệm nhất tâm

Có thể phá quân ma.

Trí sáng rỡ chắc chắn

Trói tâm ngựa phóng dật

Đến bờ bậc nhất ấy

Nơi trong sạch không dơ.

Người mạnh mẽ bậc nhất

Tu hành đến bờ kia

Nhờ nhất tâm buộc niệm

Đến được nơi bất hoại.

Bồ Tát Khổng Tước Chúa đã thuyết cho Chư Thiên nghe vô số pháp lợi ích an lạc, nay Bồ Tát lại tiếp tục thuyết pháp cho Chư Thiên ở Trời Dạ Ma và Trời Đâu Suất Đà để họ đạt được Niết Bàn.

Bồ Tát bảo Chư Thiên: Pháp chân thật nhất trong các pháp là pháp thứ mười bốn: Tỳ Kheo sống một mình. Tỳ Kheo này thích tạo nghiệp lành, đi ở trong rừng, đi ở nơi vắng vẻ. Tỳ Kheo sống một mình này là người điều phục, tịch tĩnh, không sợ sệt gì, tâm không tham đắm các thú vui ở hang núi, ở bờ cỏ. Tâm họ ngay thẳng.

Tỳ Kheo sống một mình có bảy pháp lợi ích là:

1. Biết đủ, tâm thường an vui.

2. Tâm thường trong sạch.

3. Được người đời kính trọng, Chư Thiên hộ trì.

4. Lìa bụi nhơ.

5. Tăng thêm pháp lành.

6. Nhất tâm chánh niệm, thân, khẩu, ý trong sạch, giải thoát trong hiện tại.

7. Lìa các pháp cấu uế, thành tựu pháp sạch. Nhờ sống một mình ta có thể phá trừ vô số oan gia phiền não từ vô thỉ đến nay. Tỳ Kheo sống một mình nhất tâm chánh hạnh, sợ hãi phiền não, sợ hãi các việc ác nhỏ, thường siêng năng tinh tấn, oai nghi tịch tĩnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần