Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Sáu - Phẩm Natamdaiha - Chuyện Tánh Nghịch Ngợm Tiền Thân Kelisìla

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI  

PHẨM SÁU

PHẨM NATAMDAIHA  

CHUYỆN TÁNH NGHỊCH NGỢM

TIỀN THÂN KELISÌLA  

Thiên nga, cò, chim công. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tôn Giả Lakuntala hiền thiện. Tôn Giả được danh tiếng trong giáo pháp của Ðức Phật là người có trí tuệ, nói lời dịu ngọt, thuyết pháp dịu ngọt, đạt được biện tài, hoàn toàn đoạn tận các phiền não.

Nhưng trong tám mươi bậc Trưởng Lão, Tôn Giả là vị nhỏ nhất về thân hình, như một người lùn. Tôn Giả Lakuntaka có dạng như một Sa Di, nhỏ bé, như được nuôi để làm trò chơi.

Một hôm Tôn Giả đi đến cổng Kỳ Viên để đảnh lễ Đức Như Lai. Lúc ấy cũng có khoảng ba mươi Tỳ Kheo ở quê lên với mục đích lễ bậc Ðạo Sư.

Khi vào Kỳ Viên, thấy Trưởng Lão ấy trong khu vực Tinh Xá, họ tưởng Tôn Giả là một Sa Di. Họ nắm góc y của Trưởng Lão, nắm tay, xoa đầu, bóp mũi, xách tai, ôm run Tôn Giả và đối xử nặng nề với Tôn Giả. Rồi các Tỳ Kheo để y bát một bên, đi đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, và ngồi xuống một bên.

Sau khi được bậc Ðạo Sư dịu dàng thân mật hỏi thăm, các Tỳ Kheo ấy hỏi: Bạch Thế Tôn, chúng con nghe nói có Tôn Giả Lakuntaka hiền thiện là đệ tử của Thế Tôn, một vị thuyết pháp rất dịu ngọt, nay Tôn Giả ở đâu?

Này các Tỳ Kheo, các ông có muốn yết kiến Tôn Giả ấy không?

Thưa có, Bạch Thế Tôn. Này các Tỳ Kheo, người mà các ông đã thấy ở gần cổng, người mà các ông đã nắm góc y, đã đối xử nặng nề, thô lỗ khi các ông đến, chính là Tôn Giả ấy!

Bạch Thế Tôn, vì sao một đệ tử đã được những gì cao thượng, thành tựu đầy đủ đại nguyện, mà không có một chút uy lực?

Ðạo Sư nói: Vì tự mình đã làm ác nghiệp. Rồi theo yêu cầu của các Tỳ Kheo ấy, Ngài kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát làm Thiên Chủ Ðế Thích Sakka. Lúc bấy giờ Vua Brahmadatta không thể chịu đựng khi nhìn thấy con voi, con ngựa hay con bò đã già yếu.

Vua có tánh nghịch ngợm, thấy người và vật như vậy liền đánh đuổi đi, thấy cỗ xe cũ kỹ liền cho đập nát, thấy các bà già, Vua gọi vào và đánh trên bụng, khiến họ ngã rồi dựng đứng họ lên và doạ nạt họ.

Thấy những ông già, Vua bắt họ lăn lộn giữa đất, và chơi đùa như những người nhào lộn. Nếu không thấy ai nhưng nghe tại một nhà nọ có một người già, Vua bèn cho gọi vào và đùa giỡn. Mọi người xấu hổ đưa cha mẹ mình ra khỏi nước. Không còn có người hầu hạ cha mẹ.

Các người hầu cận cũng nghịch ngợm như vậy. Vì tHiếu Đạo Đức nên khi họ chết, họ bị đọa vào bốn đọa xứ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A Tu La còn hội Chư Thiên bị tổn giảm.

Ðế Thích không thấy các Thiên Tử mới sanh, liền tìm hiểu nguyên nhân và quyết định: Ta sẽ nhiếp phục nhà Vua ấy.  Ðế Thích hóa thân làm một ông già, đặt hai ghè sữa bơ trên một cỗ xe gỗ cũ kỹ tồi tàn, thắng vào xe hai con bò già và đi dự ngày hội lớn.

Vua Brahmadatta cưỡi trên lưng voi được tô điểm rực rỡ, đi nhiễu xung quanh thành được trang hoàng lộng lẫy khắp nơi. Khi ấy, Ðế Thích mặc áo rách rưới, đánh cỗ xe này đi đến gặp Vua. Vua thấy cỗ xe cũ kỹ liền sai đuổi nó đi.

Quân hầu nói: Thưa Thiên Tử, cỗ xe nào, chúng con không thấy. Do thần lực của mình, Ðế Thích chỉ để riêng Vua thấy cỗ xe mà thôi. Ðế Thích đánh xe nhiều lần trên đầu Vua, rồi đập cái ghè sữa bơ trên đầu Vua, và quay xe trở lại đập vỡ ghè sữa bơ thứ hai.

Và từ trên đầu của Vua, khắp nơi mọi phía sữa bơ chảy xuống. Như vậy, Ðế Thích quấy rầy, hành hạ Vua trông thật đáng thương.

Sau khi thấy Vua khống khổ như vậy, Ðế Thích làm cỗ xe biến mất, rồi hiện thân Ðế Thích, tay cầm cái chùy kim cương, đứng trên hư không và nói: Này tên Vua ác hạnh và phi pháp kia, ngươi sẽ không già sao?

Thân của ngươi sẽ không bị tuổi già tấn công sao?

Nhưng ngươi lại thích đùa nghịch, hành hạ làm khổ nhục những người lớn tuổi. Chính do các việc của ngươi làm mà dân chúng chết đi tràn đầy bốn đọa xứ vì chúng không thể nuôi dưỡng cha mẹ.

Nếu ngươi không từ bỏ hành động này, ta sẽ đánh vỡ đầu ngươi với chùy kim cương. Bắt đầu từ nay, ngươi chớ làm như vậy nữa.

Sau khi dọa nạt, Ðế Thích nói lên công đức của cha mẹ và trình bày những lợi ích của các hành động kính trọng lớn tuổi. Giáo huấn xong, Ðế Thích trở về trú xứ của mình. Từ đấy, Vua không còn khởi tâm làm các việc như trước nữa.

Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Đạo Sư nhân danh bậc Chánh Ðẳng Giác, đọc những bài kệ này:

Thiên nga, cò, chim công

Voi và nai có đốm,

Tất cả sợ sư tử,

Dù chúng không ngang bằng.

Cũng vậy, giữa mọi người,

Còn trẻ nhưng có trí,

Vị ấy thật vĩ đại,

Kẻ ngu dầu thân lớn,

Không hề được như vậy.

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các sự thật.

Cuối bài giảng ấy, một số Tỳ Kheo đắc quả Dự Lưu, một số đắc quả Nhất Lai, một số đắc quả A La Hán và Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, Vua là Lakuntaka hiền thiện, vì tánh nghịch ngợm đối với người khác nên bị trêu ghẹo lại, còn Ðế Thích là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần