Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Bảy - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán

 

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM BẢY  

CHUYỆN BẬC ĐẠI TRÍ VÔ SONG

TIỀN THÂN VIDHURAPANDITA  

PHẦN BỐN  

Khi bậc Ðại Sĩ nghe vậy, Ngài suy nghĩ: Vương hậu Vimàla không cần trái tim của ta đâu. Vua Varuna sau khi nghe pháp thoại, đã tán thán ta và ban ta châu báu. Có lẽ khi Ngài về cung đã tả lại năng lực thuyết pháp của ta nên Vimalà cũng mong muốn nghe ta thuyết giảng.

Punnaka có lẽ đã nhận được lệnh của Varuna qua một sự hiểu lầm và chàng ta cũng chịu tác động của sự lầm tưởng riêng nên mới gây ra tai họa này. Vậy nay đặc tính của một bậc trí như ta là có khả năng đưa ra ánh sáng và khám phá mọi chân lý.

Nếu Punnaka giết ta thì có ích gì?

Nay ta sẽ bảo chàng: Này thiếu sinh, ta biết chánh pháp mà thiện nhân phải tuân theo, vậy trước khi ta chết, hãy đặt ta trên đỉnh núi và nghe ta nói pháp lành của thiện nhân, sau đó chàng muốn làm gì tùy ý, rồi sau khi thuyết pháp thiện nhân cho chàng, ta hãy để chàng giết đi.

Thế là Ngài ngâm kệ trong khi lơ lửng giữa Trời, đầu dốc ngược xuống dưới:

Hãy đặt ta ngay thẳng tức thì,

Nếu chàng cần có trái tim kia,

Hôm nay ta thuyết cho chàng rõ

Pháp của thiện nhân, hãy lắng nghe.

Punnaka suy nghĩ: Pháp lành chưa hề được tuyên thuyết trước Chư Thiên và loài người. Vậy ta phải lập tức đặt Ngài đứng xuống và nghe Pháp thiện nhân mới được. Thế là chàng nhấc bậc Ðại Sĩ lên và đặt Ngài trên đỉnh núi.

Bậc Ðạo Sư miêu tả cảnh ấy như sau: Punnaka, sau khi vội vàng đặt vị đệ nhất thiện nhân của xứ Câu Lâu xuống đỉnh núi, liền hỏi bậc Ðạo Sư đại trí, trong khi Ngài ngồi nhìn cây pipul cây đa.

Ta đã đưa Ngài lên từ vực thẳm, ta cần quả tim Ngài hôm nay, vậy hãy giảng cho ta nghe Pháp lành của thiện nhân.

Bậc Ðại Sĩ đáp lại: Ta đã được chàng cứu khỏi vực thẳm, nếu chàng cần trái tim ta, ta nguyện thuyết pháp lành của thiện nhân cho chàng nghe hôm nay.

Rồi bậc Ðại Sĩ bảo: Thân thể ta nhơ uế, cho ta tắm rửa ngay. Thần Dạ Xoa ưng thuận, mang nước đến và khi Ngài đang tắm rửa, chàng liền đem thiên y cùng dầu thơm cho Ngài. Sau khi Ngài đã mặc y phục, trang điểm xong, chàng lại đem vật thực trên Thiên Giới cho Ngài.

Sau bữa ăn, bậc Ðại Sĩ trang hoàng đỉnh Hắc Sơn thật tràn trề hoa lá, lại bài trí một sàng tọa lộng lẫy xong, Ngài ngồi xuống ngâm vần kệ, trình bày phận sự của một thiện nhân với vẻ uy nghi tối thắng của một vị Phật:

Chàng hãy theo đường đã vạch ra,

Chùi cho thật sạch bàn tay dơ,

Đừng bao giờ phản bội bằng hữu,

Đừng rớt vào uy lực nữ ma.

Chàng Dạ Xoa không thể nào thấu triệt ý nghĩa của bốn qui luật được diễn tả quá ngắn gọn như vậy, liền hỏi thêm chi tiết:

Thế nào đi theo con đường đã vạch sẵn?

Thế nào là đốt đi bàn tay lấm dơ?

Những ai là nữ nhân bất tịnh?

Những ai phản bội thân bằng?

Xin Ngài nói rõ theo yêu cầu của ta.

Bậc Ðại Sĩ đáp lại: Kẻ nào mời ta vào nghỉ ngơi khi ta là lữ khách chưa hề quen biết trước đây, ta hãy làm theo họ. Bậc Trí Giả gọi đó là người đi theo con đường đã vạch sẵn. Ta trú chân trong bất kỳ nhà nào dù chỉ qua một đêm và được mời ăn uống, thì ta đừng có ý nghĩ xấu trong đầu về người đó, kẻ nào phản bội bạn hữu là đốt một bàn tay vô tội.

Ðừng bẻ cành cây đã cho ta bóng mát khi nằm ngồi, kẻ phản bội bạn bè thật hèn hạ. Hãy trao tặng mọi thứ vàng bạc của cải ở đời cho nữ nhân mà ta đã lựa chọn, tuy thế nữ nhân sẽ khinh bỉ ta khi có dịp. Vậy đừng rơi vào uy lực của các nữ nhân bất tịnh.

Như thế là một người biết theo đạo lộ đã vạch sẵn. Thế là người ấy đốt cháy bàn tay vấy bẩn. Đây là nữ nhân bất tịnh. Đây là kẻ phản bội bằng hữu.  Còn kia là chính nhân, vậy hãy từ bỏ mọi bất công sai trái.

Như vậy, bậc Đại Sĩ đã thuyết pháp cho chàng Dạ Xoa với uy nghi cao cả của một vị Phật về bốn phận sự của thiện nhân.

Punnaka nghe xong, liền suy nghĩ: Trong bốn lời khuyên này, Bậc Hiền Trí chỉ cầu mong sự sống cho Ngài, vì Ngài thật sự đã tiếp đãi ta nồng hậu, dù ta còn là kẻ xa lạ trước đây. Ta ở lại trong nhà Ngài ba hôm, được Ngài quý trọng vô cùng. Thế mà ta đang làm hại Ngài chỉ vì một nữ nhân.

Hơn thế nữa, ta đang phản bội thân bằng, nếu ta làm hại bậc Trí Giả này tức là ta không theo thiện nhân pháp, vậy ta cần gì Long Nữ Nàga đã chứ?

Ta phải lập tức đem Ngài trở lại Indapatta làm cho những khuôn mặt u sầu của dân chúng tại đó được tươi vui và ta sẽ đặt Ngài ngồi trên bảo tọa trong thính đường.

Rồi chàng nói to: Ta đã ở lại ba ngày trong nhà Ngài, ta đã được Ngài cung phụng thức ăn thức uống, Ngài là bằng hữu của ta, ta sẽ để Ngài đi, hỡi bậc Trí Giả tối thắng, Ngài cứ trở về nhà Ngài theo ý nguyện.

Ngoài ra những việc liên quan đến dòng giống Long Vương đều hủy bỏ, ta không cần gì Long Nữ nữa nhờ những lời lẽ chính đáng của Ngài, nên Ngài được thoát khỏi tai họa do ta giáng xuống hôm nay.

Bậc Ðại Sĩ đáp lại: Này thiếu sinh, đừng đưa ta trở lại nhà mà cứ đem ta đến cung Long Vương đi.

Rồi Ngài ngâm kệ:

Chàng hãy đưa ta, hỡi Dạ Xoa,

Ðến thăm nhạc phụ của chàng mà,

Rồi ta sẽ chỉ cho Rồng chúa,

Cung điện Long Vương thuở đã qua,

Ngài chẳng bao giờ trông thấy được,

Hãy làm việc tốt nhất cho ta.

Punnaka đáp:

Bậc Trí không nên để mắt trông,

Những gì không lợi lạc thường nhân,

Tại sao bậc Trí vô song địch,

Ước muốn ra đi giữa địch quân?

Bậc Ðại Sĩ đáp:

Quả thật ta đây biết rõ rành,

Trí Nhân chỉ để ý điều lành,

Nhưng không phạm tội bao giờ cả,

Sao tử thần ta phải hãi kinh?

Hơn nữa Ngài tiếp nhờ bài thuyết pháp của ta, một kẻ độc ác như chàng đã được điều phục và hồi tâm, nay chàng lại nói: Ta không cần Long Nữ nữa, Ngài cứ trở về. Nên phận sự của ta là phải làm dịu lòng Long Vương, cứ đem ta lại đó tức thì.

Nghe vậy, Punnaka ưng thuận đáp: Này bậc Trí Giả, Ngài sẽ cùng ta chiêm ngưỡng Thế Giới huy hoàng vô song, nơi Long Vương ngự trị giữa tiếng đàn ca múa hát chẳng khác nào Thiên Vương Vessavana Tỳ Sa Môn ở ngự viên Nalinì vậy.

Có biết bao đoàn Long Nữ xinh tươi với bao trò giải trí suốt sáng thâu đêm, cùng với trăm hoa đua sắc, khiến cung điện sáng rực như ánh chớp giữa không gian. Ðầy đủ Sơn Hào hải vị, mỹ tửu, ca múa, đàn sáo, các Long nữ với trang phục diễm kiều, cung điện sáng ngời với xiêm y và trân bảo.  

VIDHURA VÀO LONG CUNG  

Rồi Punnaka đặt vị đệ nhất thiện nhân của xứ Câu Lâu ngồi đằng sau chàng và mang Bậc Hiền Trí lỗi lạc ấy đến cung Long Vương.

Khi đến cung điện huy hoàng vô song ấy, Bậc Hiền Trí đứng sau Punnaka và Long Vương nhìn thấy sự hòa hợp giữa hai vị, liền nói với phò mã tương lai như Ngài đã nói trước kia: Khanh đã lên cõi nhân gian, đi tìm quả tim của Bậc Hiền Trí.

Nay phải chăng khanh đã chiến thắng trở về, mang theo bậc Ðại trí vô song kia?

Punnaka đáp: Người mà Ðại Vương mong cầu đã đến, đó là bậc bảo hộ tiểu thần trong mọi việc, người mà thần đã chiếm được bằng phương tiện chính đáng. Ðại Vương hãy xem Ngài thuyết pháp trước Ðại Vương. Diện kiến với thiện nhân sẽ đem lại an lạc.

Long Vương ngâm kệ khi thấy bậc Ðại Sĩ:

Người này đang đứng ngắm nhìn ta,

Rồng chúa, người chưa thấy trước kia,

Nên hoảng hốt vì lòng sợ chết,

Giờ không thể nói được lời ra,

Với ta, trong lúc đầy kinh hãi,

Ðây chẳng phải người Ðại Trí mà!

Trong lúc Long Vương có ý nghĩ như vậy và mặc dù Vua rồng không nói thẳng ra rằng Vua không tôn trọng Ngài, Ngài vẫn biết, nhờ thượng trí, cách cư xử cao đẹp nhất đối với mọi chúng sinh, nên Ngài nói với Vua Rồng:

Thần không sợ, tấu chúa Rồng linh,

Bởi cái chết, thần chẳng hãi kinh,

Nhưng tội nhân không quyền được nói,

Với đao phủ nọ sắp hành hình,

Và Ngài cũng chẳng nên đòi hỏi,

Kẻ tội phạm kia đối đáp mình.

Long Vương liền ngâm kệ tán thán bậc Ðại Sĩ:

Ðúng như Ngài nói, hỡi Hiền Nhân,

Ngài nói chánh chân: Một tội nhân,

Không quyền nói với người hành quyết,

Người ấy cũng không hỏi tội nhân!

Sau đó bậc Ðại Sĩ ân cần nói với Long Vương:

Cảnh vinh quang, huy hoàng, oai lực cùng dòng dõi Long Vương của Đại Vương đều phải chịu sinh diệt, chưa phải trường tồn bất biến, thần xin hỏi Ðại Vương: Tâu Ðại Vương, làm thế nào Ngài hưởng được cung điện này?

Có phải không do duyên cớ gì cả hoặc do một nhân duyên trước kia phát khởi ra chăng?

Có phải do Ngài tạo ra hay do Chư Thiên ban xuống?

Xin hãy giải thích cho thần rõ, tâu Long Vương, làm thế nào Ðại Vương hưởng được cung điện này?

Long Vương đáp lời: Chẳng phải không có nguyên nhân gì mà ta hưởng được cảnh này, cũng không phải do một nhân duyên nào trước kia phát khởi ra, cũng không phải do ta tạo hay Chư Thiên ban xuống, mà ta hưởng thụ cảnh này do công đức của ta đạt được.

Bậc Ðại Sĩ lại nói: Ðại Vương phát nguyện ra sao?

Và thực hành Thánh hạnh như thế nào?

Thiện nghiệp nào đã đưa lại phước quả này?

Ðó là cảnh vinh quang, huy hoàng, uy lực và dòng dõi Long Vương của Ngài cùng cung điện này, tâu Long Vương.

Long Vương đáp lại: Ở cõi trần thế, trẫm cùng Vương hậu đều rất tín thành và đầy lòng nhân từ: Tư thất của trẫm biến thành khách đường. Các Sa Môn, Bà La Môn được cung phụng ẩm thực linh đình tại đó. Vòng hoa, hương liệu, dầu thơm, đèn đuốc, tọa sàng, tư phòng, y phục, lương thực trẫm đều chuyên tâm cúng dường quảng đại tại đó. Ấy là Hạnh Nguyện và cách hành trì công đức của trẫm.

Còn đây là phước quả của công đức ấy: Cảnh vinh quang, huy hoàng, dòng dõi Long Vương cùng cung điện này, thưa bậc Trí Giả.

Bậc Ðại Sĩ lại bảo: Nếu Ðại Vương hưởng được cung điện này bằng cách ấy, Ðại Vương đã thấu hiểu quả báo của thiện nghiệp và luân hồi sinh tử, vậy thì xin Ðại Vương tinh tấn hành trì công đức để đời sau lại tái sinh vào chốn Cung Đình.

Long Vương đáp: Không có vị Sa Môn, Bà La Môn nào đến đây để trẫm cúng dường vật thực, vậy thưa Tôn Giả, xin cho trẫm biết điều trẫm đang mong cầu, đó là làm cách nào để trẫm lại có thể tái sinh vào chốn Cung Đình?

Bậc Ðại Sĩ bảo: Có nhiều Rồng rắn tái sinh trong chốn này, cùng với quyến thuộc, thê nhi, nô tỳ của chúng, vậy xin Ðại Vương đừng sát hại chúng bất kỳ bằng lời nói hay hành động.

Xin Ðại Vương thực hành thiện Pháp trong lời nói cũng như hành động. Thế là Ðại Vương sẽ được sống trọn đời trong cung điện này và khi từ trần sẽ lên cõi Chư Thiên.

Sau khi nghe Pháp thoại của bậc Ðại Sĩ, Long Vương nghĩ thầm: Bậc Hiền Trí này không thể xa nhà quá lâu, vậy ta sẽ đưa Ngài đến yết kiến Vimalà cho nàng nghe chân ngôn của Ngài, để xoa dịu nỗi ước vọng khát khao của nàng bấy lâu, thế là ta sẽ làm đẹp lòng Vua Dhanañjaya và đưa Bậc Hiền Trí trở về là chuyện rất phải.

Thế rồi Ngài nói: Vị đệ nhất minh quân quả thật đang ưu sầu vì vắng Ngài, vì Ngài là cận thần của Ðại Vương ấy, một khi Ngài đã trở về đó, dù nay đang gặp hoạn nạn, khổ đau, thì người như Ngài cũng sẽ chóng tìm được an lạc.

Bậc Ðại Sĩ liền tán thán Long Vương: Ðại Vương thật đã phán lên những lời cao quý của thiện nhân, đó là chánh pháp Tối thượng, chính trong những cơn nguy biến của cuộc đời như thế này, mà đặc tính của những kẻ như tiểu thần mới được sáng tỏ.

Long Vương càng thêm hoan hỷ liền ngâm kệ:

Chàng chiếm Ngài không trả giá sao?

Chàng hơn Ngài lúc trổ tài cao?

Chàng tâu thắng cuộc công bình lắm,

Ngài thuộc quyền chàng bởi cách nào?

Bậc Ðại Sĩ đáp:

Pun Na Ka thắng cuộc tranh tài,

Với Chúa Thượng tôi lúc đánh bài,

Ngài đã tặng tôi vì chiến bại,

Công bằng chàng thắng chẳng gì sai.

Long Vương vô cùng hân hoan khi nghe những lời lẽ cao quý của Bậc Hiền Nhân, liền nắm tay bậc Ðại trí đệ nhất ấy đưa vào diện kiến Vương hậu: Này Vimalà, vì vị này mà ái khanh đã xanh xao, hao mòn vóc ngọc bấy lâu, cao lương đã mất hương vị dưới mắt khanh, vì trái tim của vầng nhật này mà khanh đã chuốc lấy phiền não bấy lâu, nay hãy nghe lời Ngài cho kỹ, khanh sẽ không còn dịp gặp lại Ngài nữa đâu.

Khi Vimalà trông thấy bậc đệ nhất Hiền Trí, liền chắp tay cung kính và thưa với bậc đệ nhất Hiền Trí của xứ Câu Lâu với tất cả lòng hoan hỷ:

Người này đang đứng ngắm nhìn ta,

Rồng chúa, người chưa thấy trước kia,

Nên hoảng hốt vì lòng sợ chết,

Giờ không thể nói được lời ra,

Với ta, trong lúc đầy kinh hãi,

Ðây chẳng phải người đại trí mà.

Thần không sợ, tâu chúa Rồng linh,

Vì cái chết, thần chẳng hãi kinh,

Nhưng tội nhân không quyền được nói,

Với đao phủ nọ sắp hành hình,

Vị này cũng chẳng nên đòi hỏi,

Kẻ tội phạm kia đối đáp mình!

Rồi Long Nữ cũng hỏi Bậc Hiền Trí như Long Vương đã hỏi trước đây và câu trả lời của Ngài đã làm nàng hoan hỷ như Long Vương vậy.

Bậc Hiền Trí thấy rằng Long Vương cùng Long Nữ đều đẹp ý với câu đối đáp của Ngài, tâm trí càng kiên cường, chẳng chút sợ hãi liền nói với Long Vương: Tâu Ðại Vương đừng ngại gì, có tiểu thần đây, xin Ðại Vương tùy ý sử dụng sinh mạng tiểu thần, thịt da, tim óc tiểu thần ích lợi được việc gì, tiểu thần xin tuân hành, Ðại Vương mặc tình định đoạt.

Long Vương đáp: Trái tim của các Bậc Hiền Nhân chính là đại trí, hôm nay Vương Tộc chúng ta được hoan hỷ chính nhờ đại trí của Ngài. Vậy chàng thiếu niên có uy danh toàn hảo kia tức Punnaka hãy rước công chúa vu quy ngay hôm nay, cùng đưa Ngài trở về xứ Câu Lâu.

Nói xong Long Vương Varuna trao công chúa Irandatì cho Punnaka khiến chàng vô cùng hoan hỷ liền dốc hết tâm can với bậc Ðại Sĩ.

Bậc Ðạo Sư tả lại sự việc như sau: Punnaka vô cùng hoan hỷ vì đã chinh phục được Long nữ Irandali, tâm hồn chàng đầy hạnh phúc, chàng thưa với bậc đệ nhất thiện nhân xứ Câu Lâu:

Ngài đã làm ta được vợ Tiên,

Ta mong đền đáp xứng người hiền,

Ta trao Ngài ngọc vô song địch,

Và rước Ngài về xứ sở liền.

Lúc ấy bậc Ðại Sĩ ngâm kệ khác tán dương chàng:

Mong tình đôi lứa chẳng phai tàn,

Do chính lòng hoan hỷ ngập tràn,

Chàng hãy tặng ta viên ngọc quý,

Rồi mang ta trở lại quê hương.

Sau đó Punnaka đặt vị đệ nhất thiện nhân xứ Câu Lâu vào chỗ ngồi trước chàng và đưa bậc Ðại Trí Tối thượng về thành Indapatta. Chàng phi nhanh còn hơn cả tâm tư con người có thể bay bổng, rồi Punnaka đem vị đệ nhất thiện nhân của dân tộc Câu Lâu về thành Indapatta.

Sau đó chàng nói với Ngài:

Hãy ngắm Thành Đô trước mắt Ngài:

Phố phường khả ái, các vườn xoài,

Nay ta được vợ Tiên như ý,

Ngài trở về nhà thỏa nguyện thôi!  

VIDHURA TRỞ VỀ NHÀ  

Cùng ngày hôm ấy, đang lúc thủy triều dâng vào sáng sớm, Vua nằm mộng thấy ngay tại cung môn có một cây đại thọ, thân cây là trí tuệ, cành lá là công đức và kết quả là năm sản phẩm cao quý của bò cái sữa tươi, sữa đông, bơ tươi, bơ chín, bơ đặc, với đàn voi ngựa được trang hoàng rực rỡ vây quanh, cùng đám đông dân chúng chắp tay cung kính đảnh lễ cây đại thọ.

Bỗng một hắc nhân mặc hồng bào, hoa tai đỏ, cầm khí giới trong tay đến chặt cây tận gốc, mặc cho dân chúng phản đối và y kéo cây đi mất dạng.  Xong y lại trở lại trồng cây vào chỗ cũ rồi giã từ.

Lúc ấy Vua hiểu mộng liền nghĩ thầm: Bậc Trí Giả Vidhura chứ không ai khác chính là cây đại thọ, chàng thiếu niên đem bậc Trí Giả đi mất chính là người chặt cây dù cho dân chúng phản đối, vậy chàng sẽ trở lại đặt Ngài trước cửa chánh pháp đường rồi ra đi. Hôm nay ta sẽ được chiêm ngưỡng bậc Trí Giả ấy.

Thế là Ngài hoan hỷ ban lệnh cho cả Kinh Thành trang hoàng rực rỡ, chuẩn bị chánh pháp đường sẵn sàng cùng bảo tọa trong mái đình dát đầy trân bảo, còn Ngài có cả trăm Vua vị khác vây quanh cùng đám cận thần, dân chúng từ thành thị đến thôn quê tụ tập lại đó Ngài nói lời an ủi họ: Các khanh đừng lo gì, các khanh sẽ lại gặp Bậc Hiền Trí hôm nay. 

Ngài cũng ngồi trong chánh pháp đường, mong đợi Bậc Hiền Trí trở về. Lát sau Punnaka đem bậc Ðại Sĩ đến đặt giữa đám đông ấy ngay cửa chánh pháp đường rồi cùng Irandatì trở về Thiên Giới của chàng.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Chàng Punnaka dòng dõi cao sang, đặt vị đệ nhất thiện nhân của xứ Câu Lâu giữa đám dân chúng tôn sùng Ngài, rồi leo lên thần mã oai phong của chàng bay vút qua không gian. Vua vừa thấy Ngài, lòng đầy hoan hỷ, vụt đứng dậy ôm lấy Ngài trong tay và không chút ngần ngại đặt Ngài lên ngai vàng trước mặt Vua ở giữa hội chúng.

Sau khi chào hỏi thân hữu xong, Vua đón tiếp Ngài ân cần và ngâm kệ:

Khanh dẫn chúng ta tựa cỗ xe,

Dân Câu Lâu hỷ lạc tràn trề,

Khi nhìn khanh, trả lời ta rõ,

Sao chàng niên thiếu để khanh về?

Bậc Ðại Sĩ đáp:

Chàng thiếu niên kia, tấu Ðại Vương,

Chàng không phải một kẻ tầm thường,

Hỡi anh hùng, có từng nghe nói,

Ðại lực Pun Na Ka, Đại Thần,

Của Ðại Vương Ða văn thượng giới?

Có Long Vương nọ đại hùng cường,

Varuna ấy là danh tánh,

Ðầy đủ oai phong với lực thần.

Pun Na Ka ái mộ công nương,

Long nữ I Ran Da nõn nường,

Chàng lập mưu cho thần phải chết,

Chỉ vì kiều nữ chàng yêu thương.

Nay chàng được vợ Tiên như ý,

Thần được phép về đến cố hương,

Và bảo ngọc kia thần chiếm được,

Là trân châu xứng Chuyển Luân Vương.

Long Vương hài lòng lối thần giải đáp vấn đề liên quan đến bốn cứu cánh của con người, nên ban cho thần vinh dự nhận lãnh một viên bảo ngọc.

Khi Ngài trở về Long Cung, Vương Hậu Vimalà hỏi Ngài viên bảo ngọc của Ngài để đâu rồi, Ngài liền kể lại tài thuyết pháp của tiểu thần, khiến Vương Hậu ước ao được nghe Pháp thoại ấy nên giả cách ước muốn trái tim tiểu thần.

Long Vương không hiểu rõ ước nguyện thật sự của bà, nên bảo Long Nữ Irandatì: Mẫu Hậu của con đòi trái tim của Vidhura, vậy con hãy tìm cho được một hiệp sĩ có khả năng đem trái tim ấy về đây. Trong khi công chúa đi tìm, nàng gặp thần Dạ Xoa Punnaka là cháu của Ðại Vương Vessavana.

Biết chàng ấy đang yêu nàng say đắm, nên đem chàng về trình Phụ Vương, Ngài liền bảo chàng: Nếu chàng đủ khả năng đem về cho trẫm trái tim của Vidhura, chàng sẽ chiếm được công chúa. Thế rồi chàng Dạ Xoa ấy, sau khi tìm được trên núi Vepulla viên bảo châu của một vị Chuyển Luân Vương, liền đi đến đây chơi bài súc sắc và chiếm được thần nhờ thắng cuộc và chàng ở lại tư thất tiểu thần ba ngày.

Rồi chàng bảo tiểu thần nắm lấy đuôi thần mã của chàng, ném tung tiểu thần lên không qua bao nhiêu cây cối, núi non ở vùng Tuyết Sơn, nhưng không giết được tiểu thần.

Chàng liền nổi trận cuồng phong trong đệ thất cảnh giới đầy cuồng phong ấy và tung tiểu thần lên đỉnh Hắc Sơn cao sáu mươi dặm, nơi đây chàng hiện hình Sư Tử cùng nhiều hình quái vật khác tấn công tiểu thần, nhưng cũng không giết được tiểu thần.

Cuối cùng theo lời thỉnh cầu của chàng, tiểu thần bảo cho chàng biết cách giết được tiểu thần. Kế đó tiểu thần thuyết giáo chàng về thiện nhân pháp.

Khi nghe xong, chàng vô cùng hoan hỷ nên muốn đem tiểu thần trở về đây. Tiểu thần lại cùng chàng đi đến Long Cung, thuyết pháp cho Long Vương cùng Vương hậu nghe, cả Triều Đình Long Vương đều thỏa dạ. Sau sáu ngày thần ở lại Long Cung, Long Vương liền gả công chúa Irandatì cho Punnaka.

Chàng thỏa nguyện khi đã chinh phục được nàng nên ban tặng thần nhiều châu báu làm quà. Sau đó Long Vương ra lệnh chàng đưa tiểu thần lên thần mã do ý chàng tạo ra, chàng ngồi giữa công chúa ngồi phía sau, chàng đem tiểu thần về đây đặt giữa sân chầu, rồi cùng Irandatì bay về Kinh Thành của chàng.

Tâu Ðại Vương, như vậy là vì mỹ nữ chàng yêu, chàng đã dự định giết tiểu thần để cưới được nàng. Nhưng khi Long Vương nghe tiểu thần thuyết pháp xong, lại hoan hỷ cho phép thần ra về.

Và Punnaka lại trao tặng tiểu thần viên bảo châu như ý xúng đáng với một vị Chuyển Luân Vương, vậy xin Ðại Vương nhận lấy bảo châu này. Nói xong Ngài dâng bảo ngọc lên Vua.

Sáng hôm sau Vua muốn thuật lại cho thần dân nghe về giấc mộng của mình, liền kể câu chuyện như sau: Trước hoàng môn có một cây đại thọ, thân nó là trí tuệ, cành lá là công đức, cây trái phát triển chín muồi theo lẽ tự nhiên, trái của nó là năm sản phẩm của con bò cái, cây được voi ngựa bao phủ chung quanh.

Nhưng trong lúc mọi người đang đàn ca múa hát, một người lạ mặt đến chặt cây tận gốc rồi mang đi, sau đó cây lại trở về cung điện này của ta, các ngươi hãy đến chiêm bái cây ấy.

Các ngươi hãy biểu lộ lòng hân hoan của các ngươi vì trẫm bằng hành động, vậy hãy đem thật nhiều tặng vật đến chiêm bái cây này.

Bất cứ tù nhân trong Quốc Độ của trẫm đều được thả ra hết, cũng như cây này được giải thoát khỏi cảnh giam cầm, mọi người đều được trả tự do.

Dân chúng hãy vui chơi hội hè suốt tháng này, cất hết cày bừa đi, hãy cung phụng các Bà La Môn đủ thịt và cơm gạo, hãy để các vị ấy uống rượu ở chỗ riêng cho thỏa thích, dù quí vị nào có kiêng rượu hẳn đi nữa cũng cứ rót thật tràn trề.

Hãy mời luôn đám thảo khấu và canh phòng Quốc Độ thật cẩn mật để không ai làm hại láng giềng mình được. Hãy đến chiêm bái cây này.

Khi Vua đã ra lệnh như vậy, các cung phi, Vương Tử, Vệ Xá, Bà La Môn liền đem cho Bậc Hiền Trí thật nhiều thức ăn uống.

Các tượng sư, vệ sĩ, kỵ mã, bộ binh liền đem thức ăn uống cho Ngài. Dân chúng khắp thành thị, thôn quê tụ tập lại thành từng đám đem tặng thật nhiều thức ăn uống. Ðám đông hoan hỷ, chiêm ngưỡng Bậc Hiền Trí sau khi Ngài xuất hiện. Khi Ngài mới đến, họ vẫy khăn tay và reo vang khúc khải hoàn.

Một tháng sau, hội hè kết thúc. Bậc Ðại Sĩ muốn hoàn thành thiện pháp của một vị Phật, liền thuyết giáo cho dân chúng, khuyên cáo Vua và khi mạng chung, Ngài được lên Thiên Giới.

Tuân theo lời dạy của Ngài cùng theo gương Vua, dân chúng xứ Câu Lâu đã cúng dường và thực hành thiện pháp, nên khi mạng chung đều đi lên cộng trú với Chư Thiên thật đông đảo.

Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nói: Không phải chỉ ngày nay mà ngay trước kia, Đức Phật khi đã đạt tối thắng trí, liền chứng tỏ tài năng tùy nghi phương tiện với cứu cánh.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Phụ Mẫu của Bậc Hiền Trí chính là Vương Tộc  ngày nay, chánh phi là mẹ của Ràhula La Hầu La, vị Trưởng Tử là La Hầu La, Long Vương Varuna là Sàriputta Xá Lợi Phất, Kim Sí Điểu Vương là Moggallàna Mục Kiền Liên, Thiên Chủ Sakka là Anuruddha A Na Luật Đà, Vua Dhanañjaya là Ànanda và bậc Trí Giả Vidhura chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần