Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Một - Chuyện Vương Tử Què Câm Tiền Thân Mùga Pakka - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM MỘT

ĐẠI PHẨM  

CHUYỆN VƯƠNG TỬ QUÈ CÂM

TIỀN THÂN MÙGA PAKKA  

PHẦN HAI  

Vì thế muốn tránh tiếng xấu cho mình và đem lại an lạc cho cha mẹ, Ngài giao ngựa xe và các thứ trang sức lại cho gã rồi ngâm kệ:

Trước tiên đem trả lại Vương xa,

Ngươi chẳng phải người được tự do,

Trả nợ trước tiên, đời vẫn bảo,

Rồi sau nguyền khổ hạnh ly gia.

Người lái xe nghĩ thầm: Nếu ta về Kinh Thành trong lúc Ngài bỏ đi nơi khác, rồi khi cha mẹ Ngài hay tin Ngài còn sống, sẽ cùng đến đây với ta để gặp Ngài mà không tìm thấy Ngài, họ sẽ trừng phạt ta. Thôi ta phải nói rõ hoàn cảnh này của ta cho Ngài biết và xin Ngài hứa ở lại đây.

Vì thế gã ngâm hai vần kệ:

Vì lẽ tôi theo lệnh của Ngài,

Thỉnh cầu Vương Tử hãy nghe tôi,

Xin Ngài hãy rộng lòng hoan hỷ

Làm những việc tôi sẽ mở lời:

Xin hãy làm ơn nán lại chờ

Ðến khi tôi thỉnh được Vương gia,

Phụ Vương sẽ ngập tràn hoan hỷ

Nhìn thấy dung nhan Vương Tử mà.

Bậc Ðại Sĩ đáp:

Mong được như ngươi nói, quản xa,

Ta đây hoan hỷ gặp Vua cha,

Mau đi chào hỏi toàn gia tộc,

Ðặc biệt vấn an cha mẹ ta.

Người lái xe tuân lệnh.

Rồi gã quản xa dậm bước chân

Tỏ lòng cung kính thật ân cần,

Bắt đầu công cuộc hành trình ấy

Như mệnh lệnh ban của chủ nhân.

Vào lúc ấy Vương Hậu Candà mở cửa, bà đang bồn chồn đợi tin con, cứ nhìn ra phía con đường người lái xe trở về, nên khi thấy gã về một mình, bà thét lên than khóc.

Bậc Đạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Khi thấy một mình gã quản xa,

Chiếc xe trống vắng, chợt nhìn ra,

Tâm hồn tràn ngập niềm lo sợ,

Mắt mẹ hiền dâng lệ ướt nhòa:

Người quản xa kia mới trở về,

Con ta bị giết ở đằng kia,

Rừng hoang hiu quạnh con nằm đó,

Ðất lại hòa cùng đất phủ che.

Cừu nhân cực ác sẽ hân hoan

Thấy kẻ sát nhân được vạn an,

Câm điếc, lại què chân, thử hỏi,

Làm sao con cất tiếng kêu van,

Nằm trên nền đất bơ vơ quá,

Con chiến đấu sao với sức tàn?

Tay chân con chẳng đủ công năng

Xô đẩy ngươi ra để thoát thân,

Trong lúc nằm trên nền đất lạnh,

Mặc dù câm điếc lại què chân?

Người lái xe tâu:

Lệnh bà, xin thứ tội cho tôi,

Xin để cho tôi được mở lời,

Tôi sẽ kể bà nghe tất cả

Những gì tôi đã thấy nghe rồi.

Vương Hậu đáp:

Ta nay hứa thứ tội cho ngươi,

Ta để cho ngươi được mở lời,

Hãy kể cho ta nghe tất cả

Những gì ngươi đã thấy nghe rồi.

Người lái xe liền tâu:

Ngài không câm điếc, chẳng què chân,

Giọng nói Ngài trôi chảy, sáng trong,

Ngài đóng vai trò kia giả dạng

Bởi vì Ngài sợ chốn Vương cung.

Ngài vẫn nhờ rành một kiếp xưa,

Trong tiền thân ấy được làm Vua,

Nhưng từ ngôi báu, Ngài rơi xuống

Ngài thấy mình trong chốn ngục tù.

 Hai mươi năm sống cảnh xa hoa

Trên chiếc ngai vàng chỉ thoáng qua,

Nhưng tám mươi ngàn năm địa ngục

Ngài đền tội ác đã gây ra.

Dư vị hoàng gia một thuở xưa

Làm Ngài kinh hãi ngập tâm tư,

Cho nên Ngài phải đành câm lặng

Dù thấy gần bên cạnh mẹ cha.

Thân thể Ngài nay được kiện toàn,

Cao sang tuyệt mỹ, dáng hùng cường,

Giọng Ngài trong sáng, tâm minh mẫn,

Ngài chọn đời thanh tịnh bước đường.

Nếu lệnh bà mong muốn gặp con,

Tức thì hãy đến đó cùng thần,

Ngắm nhìn Vương Tử Temy ấy

An tịnh, thong dong thật vẹn toàn.

Nhưng khi Vương Tử cho người lái xe đi rồi, Ngài muốn thực hiện ngay lời nguyền khổ hạnh.

Biết được ước nguyện đó, Thiên Chủ Sakka truyền gọi Vissakàmma Thần xây dựng và bảo: Vương Tử Temiya nguyền khổ hạnh, vậy khanh hãy dựng cho Ngài một túp lều lá với đủ vật dụng cần thiết của một Ẩn Sĩ. Vì thế vị ấy vội ra đi, và đến một khu rừng rộng chừng ba dặm, vị ấy dựng một am ẩn sĩ có một gian dành để ở ban đêm và một gian để ở ban ngày, có một hồ nước, một cái giếng, nhiều cây ăn trái và chuẩn bị đầy đủ mọi vật dụng cần thiết cho một vị tu khổ hạnh rồi ra về.

Khi Bồ Tát thấy cảnh này, Ngài biết đây là lễ vật cúng dường của Thiên Chủ Sakka. Vì thế Ngài bước vào lều, cởi trang phục của mình ra, mặc vào bộ y bằng vỏ cây màu đỏ, cả y trên lẫn y dưới và đắp tấm da hươu đen một bên vai, buộc mới tóc được bện chặt của Ngài lại, rồi mang đòn gánh lên vai kia, cầm cây gậy và bước ra khỏi lều.

Ngài đi quanh quẩn trong bộ y khổ hạnh ấy và đắc thắng nói to: Ôi cực lạc! Ôi cực lạc!

Rồi trở về lều, ngồi kiết già trên tấm thảm vải, Ngài chứng đắc Năm Thắng trí năm thần thông. Buổi chiều Ngài bước ra lượm vài lá cây Kàra gần đó, nhúng vào bình bát nước của Thiên Chủ Sakka cúng dường Ngài, không có tý muối, chút bơ hay gia vị gì cả. Ngài ăn lá cây như thể ăn cao lương mỹ vị, rồi trong khi Ngài quán sát tứ vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả, Ngài quyết định an trú ở đó.

Trong lúc ấy Vua Kàsi nghe lời gã Sunanda tâu, liền triệu tập vị Tể Tướng vào, ra lệnh thu xếp cuộc hành trình, Vua phán:

Thắng đủ ngựa vào các cỗ xe,

Buộc cân đai cả đám voi kia,

Tù và, trống nhỏ khua vang khắp,

Ðánh dậy trống to cả tứ bề!

Trống cao ầm ỹ tận không gian,

Trống nhỏ âm vang thật dịu dàng,

Tất cả Kinh Thành theo gót trẫm,

Ta đi lần nữa đón hoàng nam.

Các Vương Phi, tất cả hoàng gia,

Vệ xá, Bà La Môn trẻ, già,

Hết thảy thắng cương xe ngựa sẵn,

Ta đi đón Thái Tử về nhà.

Các vị cõi voi, cỡi mã xa,

Bộ binh, vệ sĩ của hoàng gia,

Mọi người chuẩn bị lên đường gấp,

Ta đến đón Vương Tử lại nhà.

Thần dân thành thị đến thôn quê,

Khắp nẻo đường đông đảo tựu tề,

Tất cả sẵn sàng theo gót trẫm,

Ta đi đón Thái Tử quay về.

Thế rồi đám quản xa ra lệnh thắng yên cương ngựa xong, đem xa giá đến trước cung môn, rồi thông báo để Vua biết.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh này như sau:

Ngựa Sindh dòng giống tuyệt cao sang

Nai nịt yên cương trước ngọ môn,

Các quản xa trình tin tức đến:

Cả đoàn chờ yết kiến long nhan.

Nhà Vua phán:

Bầy ngựa bất kham hãy loại ra,

Ðừng đem ngựa yếu đến xe ta.

Lệnh Vua như vậy vừa ban xuống,

Tuân phục tức thì đám quản xa.

Quần hầu bảo đám quản xa:

Ðừng đem theo các loại ngựa như thế.

Trước khi đi đón con, Vua triệu tập bốn đẳng cấp trong triều, mười tám hội đoàn và toàn quân đội cũng tập họp trong ba ngày. Vào ngày thứ tư, sau khi đã đem tất cả đoàn tùy tùng lên đường, Vua ngự giá đến thảo am Ẩn Sĩ. Ngài được Vương Tử đón tiếp tại đó và đáp lễ con theo đúng nghi thức.

Bậc Đạo Sư tả cảnh này như sau:

Lúc ấy Vương xa đã sẵn sàng,

Không còn trì hoãn, đấng quân Vương

Bước lên, gọi các bà phi Hậu:

Tất cả cùng ta tiến bước đường.

Với quạt đuôi trâu, mão đội đầu,

Lọng Vua màu trắng ở trên cao,

Ngài lên ngự giá Vương xa ấy,

Trang điểm ngọc vàng tuyệt mỹ sao.

Rồi Nhà Vua lập tức đăng trình

Cùng gã quản xa ở cạnh mình,

Vội vã Ngài đi ngay đến chốn

Temiya trú thật thanh bình.

Vương Tử Temi thấy Phụ Vương

Ðến đây, lộng lẫy, đại huy hoàng,

Quanh mình chiến sĩ đoàn hầu cận,

Vì vậy Ngài lên tiếng nói rằng:

Phụ Vương, con chắc được an bình,

Cha có đủ tin tức tốt lành,

Con chắc các Vương Phi, Mẫu Hậu

Thảy đều khang kiện ở Triều Đình?

 Này con, cha vẫn được an bình,

Cha có đủ tin tức tốt lành,

Tất cả các Vương Phi, Mẫu Hậu,

Quả đều khang kiện ở Triều Đình.

Con chắc cha không uống rượu men,

Rượu nồng các loại thảy đều kiêng,

Trí tâm cha vẫn luôn thành khẩn

Bố thí và hành động chính chuyên?

Thật vậy, cha không đụng rượu men,

Rượu nồng các loại thảy đều kiêng,

Trí tâm cha vẫn luôn thành khẩn

Bố thí và hành động chính chuyên.

Bầy ngựa và voi của Phụ Vương,

Con mong đều mạnh khỏe hùng cường,

Không con nào phải mang thân bệnh,

Không có yếu hèn hoặc bất tường.

Vâng, các bầy voi của Phụ Vương,

Và bầy ngựa mạnh khỏe, hùng cường,

Không con nào phải mang thân bệnh

Không có yếu hèn hoặc bất tường.

Biên thùy cùng địa phận trung ương,

Tất cả đều trù mật, lạc an,

Xin hỏi các nơi này có đủ

Các ngân khố với các kho tàng?

Phụ Vương, nay trẻ đón chào mừng,

Hạnh ngộ giờ đây với phụ thân,

Hãy đặt Vương sàng ra tại chỗ

Ðể Ngài an tọa, hỡi ba quân!

Nhà Vua vì tỏ lòng cung kính đối với bậc Ðại Sĩ nên không muốn ngự trên long sàng.

Bậc Ðại Sĩ liền nói: Nếu Phụ Vương không muốn ngự Long sàng, hãy đem tọa sàng kết bằng lá trải cho Ngài.

Rồi Ngài ngâm kệ:

Xin hãy ngự trên thảm lá này,

Trải cho đẹp ý Phụ Vương đây,

Quân hầu lấy nước nơi này đến

Ðể rửa tay chân Chúa Thượng ngay.

Nhưng Nhà Vua vì lòng cung kính con Ngài nên không chịu ngồi trên giường lá, chỉ ngồi dưới đất.

Lúc ấy Bồ Tát vào thảo am lấy ra cây Kàra, vừa mời Vua cha, vừa ngâm kệ:

Con không có muối, lá cây này

Là thực phẩm con sống mỗi ngày,

Cha đã đến đây làm khách quý,

Xin vui lòng nhận thức ăn vậy.

Vua cha đáp:

Lá cây không phải món cha ăn,

Ðem đến cho cha chén gạo trong,

Nấu với thịt hầm thơm dịu ngọt

Ðể làm thành một món canh ngon.

Ngay lúc ấy, Vương Hậu Candàdevì được các Vương Phi hộ tống vừa đến nơi liền ôm chân con đảnh lễ, ngồi xuống một bên, đầm đìa nước mắt.

Nhà Vua bảo bà: Này ái Hậu, hãy xem thức ăn của Vương nhi. Và Vua đặt vài ngọn lá trong tay bà cùng các Vương Phi kia.

Các bà này cầm lá và kêu: Ôi Vương Tử, Ngài ăn uống như thế kia sao, Ngài chịu khổ hạnh biết dường nào.

Rồi họ ngồi xuống, lúc ấy Nhà Vua bảo:

Ôi Vương nhi thật kỳ diệu thay!

Và Vua ngâm kệ:

Quả thật diệu kỳ đối với ta

Vương nhi cô độc phải lìa nhà,

Sống bằng thực phẩm nghèo hèn vậy,

Tuy thế con không đổi sắc da.

Vương Tử đáp:

Trên thảm lá này được trải ra,

Con nằm cô độc ở rừng già,

Tọa sàng quả thật đầy an lạc,

Vì thế con không đổi sắc da.

Không đoàn vệ sĩ ác canh phòng

Bao bọc chung quanh với kiếm trần,

Sàng tọa thật là an lạc quá,

Nên màu da trẻ vẫn tươi hồng.

Con chẳng tiếc thương gì quá khứ,

Cũng không than khóc chuyện tương lai,

Con chờ hiện tại đang đi tới,

Nên sắc da con giữ được hoài.

Khóc than quá khứ đã qua rồi,

Còn chuyện tương lai bất định thôi,

Việc ấy làm khô sinh lực trẻ,

Như khi người cắt cỏ xanh tươi.

Nhà Vua nghĩ thầm: Thôi để ta tấn phong cho Vương nhi rồi đem con về triều với ta.

Vì thế Ngài ngâm kệ mời Vương Tử về chung hưởng ngai vàng:

Con hỡi, các bầy tượng, mã, xa,

Bộ binh, kỵ sĩ của hoàng gia,

Lâu đài cung điện đầy hoan lạc,

Cha sẽ cho con tất cả mà.

Và các hậu cung, cha cũng ban

Với bao vinh hiển, mọi cao sang,

Con là Vua ở ngôi duy nhất

Ngự trị, không ai ở cạnh con.

Mỹ nhân tài giỏi múa, đàn, ca,

Ðiêu luyện bao cung cách thướt tha

Ru cõi lòng con vào khoái lạc,

Sao còn thơ thẩn mãi rừng già?

Con gái của bao vị địch quân,

Tự hào hầu hạ cạnh con luôn,

Ðến khi sinh được nhiều Vương Tử,

Con hãy làm Tu Sĩ ẩn thân.

Con đầu lòng, kế vị cha đây,

Trong tuổi đầu xuân rực rỡ vậy,

Hãy tận hưởng ngai vàng trọn vẹn,

Con làm gì ở thảo am này?

Bồ Tát đáp lại:

Không, trẻ muốn từ giã thế gian,

Tránh bao phù phiếm ở phàm trần,

Cuộc đời khổ hạnh con yêu nhất,

Khuyên nhủ như vậy mọi Trí nhân.

Không, con trẻ muốn xuất trần gian,

Ẩn Sĩ đơn thân ở thảo am,

Con sẽ đi theo đời khổ hạnh,

Con không thiết phú quý, ngai vàng.

Con ngắm bé trai, miệng trẻ thơ

Vừa kêu bập bẹ mẹ cùng cha,

Lớn lên thành một chàng trai tráng,

Rồi cũng già nua, phải chết mà.

Cũng vậy, thiếu nữ độ hoa cười,

Vui vẻ, đẹp xinh trước mọi người,

Phút chốc úa tàn vì lưỡi hái

Tử Thần cắt bỏ tựa măng tươi.

Mọi người nam nữ dẫu còn xuân,

Phút chốc úa tàn, vậy thế nhân

Ai đặt lòng tin vào cuộc sống

Bị lừa phỉnh bởi tuổi xuân hồng?

Ðêm tàn, nhường chỗ ánh bình minh,

Phút chốc cũng thu ngắn lộ trình,

Như cá ở vùng khô cạn nước,

Nghĩa gì tuổi trẻ của nhân sinh?

Luôn bị canh phòng bởi địch quân,

Chúng mãi đi qua đầy ác ý,

Sao còn nói mão miện, ngai vàng?

Ai đánh ngã đời sống thế gian?

Nào ai canh giữ thật hung tàn?

Nào ai ác ý đi qua mãi?

Hãy nói chuyện huyền bí rõ ràng.

Thần chết đánh tan Thế Giới này,

Tuổi già canh giữ cửa ta đây,

Chính đêm tối vẫn trôi qua mãi,

Ðạt thành mục đích chóng hay chầy.

Như khi bà nọ bên khung cửi

Ngồi dệt vải trong suốt cả ngày,

Công việc của bà dần ít lại,

Ðời ta tàn lụi cũng như vậy.

Như thể dòng sông cuồn cuộn trôi

Vẫn luôn trôi chảy chẳng hề lui,

Dòng đời thế tục là như vậy,

Cũng cứ luôn đi tới mãi thôi.

Như thể dòng sông cuốn thật xa

Những cây bật gốc ở đôi bờ,

Con người cũng chịu lao đầu tới

Hủy hoại do thần chết, tuổi già.

Khi nghe lời thuyết giảng của bậc Ðại Sĩ, Vua sinh nhàm chán cuộc sống thế tục, chỉ muốn xuất gia, liền bảo: Ta không muốn trở về Kinh Thành nữa, ta sẽ sống đời tu hành tại đây, nếu con ta chịu về thành ta sẽ truyền trao cho cây lọng trắng này.

Vì thế Vua cố thử mời mọc lần nữa để Vương Tử trở lại ngai vàng:

Con hỡi, các bầy tượng, mã, xa,

Bộ binh, kỵ sĩ của hoàng gia,

Lâu đài cung điện đầy hoan lạc,

Cha sẽ cho con tất cả mà.

Và các hậu cung, cha cũng ban

Với bao vinh hiển, mọi cao sang,

Con là Vua ở ngôi duy nhất

Ngự trị, không ai ở cạnh con.

Mỹ nhân tài giỏi múa, đàn, ca,

Ðiêu luyện bao cung cách thướt tha,

Ru cõi lòng con vào khoái lạc,

Sao còn thơ thẩn mãi rừng già?

Con gái của bao vị địch quân

Tự hào hầu hạ cạnh con luôn,

Ðến khi sinh được nhiều Vương Tử,

Con hãy làm Tu Sĩ ẩn thân. 

Công khố và kho báu của cha,

Bộ binh, kỵ mã của hoàng gia,

Ðền đài cung điện đầy hoan lạc,

Cha sẽ cho con tất cả mà.

Nô lệ từng bầy phụng sự luôn,

Vương Phi, mỹ hậu để yêu thương,

Ngai vàng tận hưởng, đầy khang kiện,

Sao ở mãi đây chốn thảo đường?

Nhưng bậc Ðại Sĩ tỏ ra không chút gì ham thích ngai vàng:

Sao kiếm giàu sang chẳng vững bền,

Sao mong cầu vợ cũng quy tiên,

Sao suy nghĩ mãi về xuân sắc,

Thoáng chốc xuân xanh sẽ hết liền?

Còn lại tuổi già hăm dọa đó

Bao giờ cũng đứng cạnh triền miên.

Ðâu lạc thú đem đến cuộc đời,

Ðẹp giàu, ngự thiện, thú vui chơi,

Thê nhi có nghĩa gì con nữa?

Xiềng xích con nay giải thoát rồi.

 Ðiều con biết: mọi chốn đi đường

Số phận luôn canh giữ chẳng ngừng,

Lạc thú sang giàu đâu ích lợi

Cho người thấy móng vuốt ma thần?

Hôm nay làm việc bạn cần làm,

Ai chắc ngày mai có ánh quang?

Thần chết chính là viên đại tướng

Không cho ai bảo đảm an toàn.

Trộn luôn rình rập lấy kho tàng,

Con đã thoát bao mối buộc ràng,

Cha hãy trở về Vương vị cũ,

Con màng gì nữa với giang san?

Khi Bậc Ðại Sĩ chấm dứt bài giảng đầy thực tiễn của Ngài, không những chỉ Nhà Vua và Vương Hậu nghe theo Ngài, mà cả mười sáu ngàn cung phi cũng muốn sống đời tu hành. Rồi Vua ban lệnh đi khắp Kinh Thành, cùng với tiếng trống vang dậy rằng ai muốn làm Ẩn Sĩ đều được đi tu với Vương Tử Ngài.

Vua bảo mở cửa kho báu ra, truyền viết chiếu chỉ trên một chiếc dĩa vàng, dựng trên một cột tre, ban lệnh rằng các bình châu báu của Vua sẽ được đem chưng bày ra nhiều nơi và kẻ nào muốn lấy cũng được.

Dân chúng bỏ nhà mở hết mọi cửa ngõ, như mở hội chợ, và ra đường vây quanh Nhà Vua. Vua cùng đám dân chúng ấy đều thề nguyền sống khổ hạnh trước Bậc Ðại Sĩ. Am Ẩn Sĩ được Thiên Chủ Sakka cho dựng lên suốt ba dặm đường.

Bậc Ðại Sĩ bước qua các túp lều làm bằng lá cành cây này, chỉ định các lều ở giữa dành cho đám phụ nữ vì họ bản tánh rụt rè.

Còn những lều bên ngoài dành cho phái nam. Vào ngày Trai giới, họ đều đứng ở vùng đất ấy, tụ tập lại, ăn trái cây do Vissakamma trồng trước đây, và họ giữ giới luật tu hành.

Bậc Ðại Sĩ biết rõ tâm mỗi người nào đang chìm đắm vào dục tưởng, sân tưởng hay hại tưởng, liền ngồi trên không mà thuyết pháp cho từng người, và trong khi nghe pháp, họ chóng tăng trưởng các Thắng trí và các Thiền chứng. Một vị Vua láng giềng hay tin Vua Kàsi đã trở thành vị khổ hạnh, liền quyết định lập Vương Quốc của mình tại Bàlani. Vì thế Vua ấy vào Kinh Thành, thấy khắp nơi trang hoàng rực rỡ.

Vua bước vào cung chiêm ngưỡng đồ thất bảo và nghĩ thầm chắc phải có chuyện nguy hiểm gì đó quanh ngôi báu này. Vua bảo đi triệu vào vài kẻ đang say rượu và hỏi họ vị Vua trước đây rời cung điện bằng cung môn nào.

Họ tâu lên: Bằng đông môn. Vì thế Vua thân hành ra cổng thành ấy và đi thẳng tới dọc theo bờ sông. Bậc Ðại Sĩ biết Vua ấy đến, bước ra đón Vua và ngồi trên không thuyết pháp.

Rồi lúc đó vị Vua định chiếm nước này lại nguyện xuất gia cùng với hội chúng của mình. Và việc này lại xảy ra một lần nữa cho một vị Vua khác.

Như vậy có cả ba Quốc Độ không người cai trị, voi ngựa được thả đi lang thang khắp các khu rừng. Xe ngựa gãy tan tành vứt trong rừng, tiền bạc trong các kho báu nhiều như cát bụi, tung vãi quanh vùng am ẩn sĩ.

Các cư dân tại đó chứng đắc Tám thiền chứng và lúc mạng chung đều được sinh lên Phạm Thiên Giới. Ngoài ra, ngay cả ngựa voi có tâm được an tịnh nhờ chiêm ngưỡng các Bậc Hiền Trí, cuối cùng được tái sinh vào sáu Cõi Thiên ở Dục Giới.

Khi bậc Ðạo Sư đã thuyết pháp thoại này xong, Ngài bảo: Không phải chỉ ngày nay, mà ngày xưa kia ta cũng đã từ bỏ ngai vàng và xuất gia sống đời khổ hạnh.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Nữ Thần trong chiếc lọng là Uppalavannà Liên Hoa Sắc, người lái xe là Sàriputta Xá Lợi Phất, cha mẹ ta là Vương Tộc ngày nay, Triều Đình là hội chúng của Đức Phật và Hiền Giả què câm Mùgapakka chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần