Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Năm - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

 PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM NĂM  

CHUYỆN BẬC ĐẠI TRÍ BHÙRIDATTA

TIỀN THÂN BHÙRIDATTA  

PHẦN BA  

Trong khi nghe gã này nói, gã Bà La Môn hạ đẳng kia nghĩ thầm: Gã Àlambàyana này sẵn sàng trao bảo ngọc cho kẻ nào chỉ chỗ chúa rồng Nàga, vậy ta chỉ chỗ của Long Vương Bhùridatta cho gã rồi lấy bảo ngọc.

Thế là gã ngâm kệ hỏi ý kiến con trai:

Con hỡi, ta tranh lấy bảo châu,

So ma, ta hãy vội đi mau,

Đừng làm lỡ vận như người dại,

Đập dĩa cơm bằng gậy bấy lâu.

Somadatta đáp:

Mọi hiển vinh Ngài đã phát ban,

Khi cha đi đến ở tha phương,

Nay cha trở mặt và ăn cướp,

Như vậy là đền nghĩa đáp ân?

Vì dù cha muốn được giàu sang,

Đi tìm như trước ở Long Vương,

Xin Ngài, Ngài sẽ vui lòng tặng,

Mọi thứ cha mong ước thỏa lòng.

Gã Bà La Môn đáp:

Những thứ được do bởi vận may,

Chén cơm nằm sẵn ở trong tay,

Ăn ngay đừng hỏi gì thêm nữa,

Con sẽ mất phần tặng thưởng này.

Somadatta nói:

Đất này đang há miệng chờ trông,

Lửa địa ngục nung nấu cực nồng,

Chờ đợi sau cùng người phản bội,

Hay cơn đói lã xé tan lòng,

Sống tàn, chết dở, con người ấy,

Kẻ dối lừa ngay bạn chí thân.

Hãy cầu bậc Đại Trí Dat Ta,

Nếu muốn giàu sang, Ngài sẽ cho,

Điều nguyện ước hằng mong thỏa mãn,

Song cha gây tội lỗi này ra,

Con e tội ấy không lâu sẽ,

Phát lộ cha ngay, thật đấy mà.

Gã Bà La Môn đáp:

Song nhờ tế lễ thật cao sang.

Tội ác La Môn có thể mang,

Tuy thế, về sau đều rửa sạch,

Chúng ta dâng đại lễ đăng đàn,

Như vậy sẽ được làm thanh tịnh,

Giải thoát tội kia thật dễ dàng!

Somadatta nói:

Cha hãy ngưng lời nói xấu xa,

Con không ở lại nữa bây giờ,

Lúc này chính lúc con từ biệt,

Con chẳng cùng cha bước nữa mà,

Vì sự đê hèn này cấu xé,

Đang làm thối nát trái tim cha.

Nói xong chàng trai hiền đức kia bác bỏ lời cha dụ dỗ, thét vang lên bằng giọng sang sảng làm chấn động cả Chư Thần quanh vùng ấy: Ta không thể đồng hành với một kẻ tội lỗi như thế được. Rồi chàng bỏ đi ngay trong khi người cha đứng lặng nhìn theo, sau đó chàng đi sâu vào rừng núi Himavat, trở thành một ẩn sĩ, tu tập rồi chứng đắc các thắng trí cùng các thiền chứng, sau được sinh lên Phạm Thiên Giới.

Gã hạ đẳng Bà La Môn nghĩ thầm: Soma đi đâu nếu không phải là về nhà?

Rồi khi thấy Àlambàyana hơi phật ý, gã vội bảo: Này Àlambàyana đừng ngại gì, ta sẽ đưa ông đến chỗ Bhùridatta Long Vương.

Thế là gã đem Àlambàyana đến nơi chúa rồng đang trì giới và khi gã thấy Ngài đang nằm cuộn tròn trên tổ kiến đầu thu lại, gã đứng tránh sang một bên, đưa tay chỉ Ngài và đọc kệ sau:

Bắt chúa rồng nơi chốn nó nằm,

Chụp ngay viên ngọc quý muôn vàn,

Hào quang đỏ rực màu tươi sáng,

Như mão miệng trên chóp phượng hoàng.

Hãy nhìn tổ kiến ở đằng xa,

Rồng chúa nằm kia, trải rộng ra,

Không có ý gì lo sợ cả,

Giăng mình như một đống bông tơ.

Nơi kia bắt lấy ngay Rồng ấy,

Trước lúc nó hay bạn đến mà.

Bậc Đại Sĩ mở mắt ra nhìn gã hạ đẳng kia, Ngài suy nghĩ: Ta đã đem gã ấy đến cung thất Nàga rồi cho gã hưởng vinh hoa tột bực, nhưng gã không nhận viên bảo ngọc ta ban cho, thế mà giờđây gã trở lại với người bắt rắn. Tuy nhiên nếu ta phẫn nộ gã vì việc làm phản trắc này thì công đức của ta bị suy giảm.

Giờ đây bổn phận tối cao của ta là giữ ngày trai giới đủ bốn phép, không được vi phạm cho nên ví dù gã Àlambàyana kia có phân thân ta ra từng mảnh hay đem ta nấu chín hoặc lấy xiêng đâm ta và nướng đi ta cũng không được căm hận gã về mọi việc ấy.

Thế rồi Ngài nhắm mắt lại, quyết giữ nhất tâm cao độ, Ngài đặt đầu giữa đám mào rồi nằm hoàn toàn bất động.  

BẬC ĐẠI TRÍ DATTA BỊ BẮT  

Lúc ấy gã Bà La Môn hạ đẳng kia kêu lên: Này Àlambàyana, ông hãy bắt Rồng Nàga này ngay rồi trao viên ngọc cho ta.

Gã Àlambàyana quá sung sướng khi nhìn thấy rồng chúa Nàga, nên không chút lưu tâm đến viên bảo ngọc nữa, gã ném ngọc vào tay gã kia bảo: Này hiền hữu Bà La Môn, lấy ngọc đi. Nhưng viên ngọc tuột ra khỏi tay gã và khi vừa rớt xuống đất liền biến mất vào cảnh giới Nàga.

Gã Bà La Môn thấy mình mất hết cả ba thứ: Viên bảo châu, tình thân hữu của Bhùridatta và cả con trai nữa và gã vừa đi về nhà vừa lớn tiếng khóc than: Ta mất hết cả rồi, ta đã không nghe lời con ta. Còn gã Àlambàyana trước hết bôi khắp thân mình gã các loại thuốc thần, ăn uống lấy sức rồi đọc Thần Chú và đến cạnh Bồ Tát, nắm lấy đuôi thật chặt, mở miệng Ngài ra, phun vào một viên thuốc mà gã đã ngậm sẵn.

Rồng chúa Nàga bản tính thuần tịnh không để cho mình nổi sân hận vì sợ vi phạm giới luật công hạnh, nên mặc dù Ngài mở mắt, Ngài không giương to mắt ra.

Sau khi gã nhét đầy thuốc thần vào miệng chúa trồng, gã nắm đuôi rồng, đầu dốc ngược, lắt mạnh cho Rồng phun những thức ăn đã nuốt vào, gã căng rồng nằm dài trên mặt đất, rồi lấy tay đè mạnh thân rồng như thể đè chiếc gối, gã chà sát cả bộ xương Ngài, nắm đuôi, nện Ngài như thể đập tấm vải. Bậc Đại Sĩ không phẫn nộ mặc dù Ngài đang chịu đau đớn như vậy.

Bậc Đạo Sư tả việc này qua kệ sau:

 Nhờ các thuốc men đủ lực Thần,

Đọc Thần Chú có ác công năng,

Gã cầm Rồng chúa không kinh hãi,

Và bắt buộc Ngài phải phục tuân.

Sau khi làm bậc Đại Sĩ tơi tả như vậy, gã sửa soạn một cái giỏ đựng cây leo bỏ Ngài vào, lúc đầu thân mình đồ sộ của Ngài không vào lọt trong giỏ, nhưng sau khi đá vài cái, gã cố nhét Ngài vào.

Rồi đến một làng kia, gã đặt giỏ giữa làng rao to: Ai muốn xem rồng chúa thì ra mà xem. Cả làng đổ xô ra vây quanh. Gã liền gọi chúa Nàga ra.

Bậc Đại Sĩ suy nghĩ: Tốt hơn hết là ta nên múa để làm hài lòng dân chúng hôm nay, có lẽ gã kiếm được nhiều tiền sẽ thả ta ra. Thôi gã bảo ta làm gì ta cũng làm cả.

Thế là khi gã Àlambàyana đem Ngài ra khỏi giỏ, bảo Ngài phình ra, Ngài liền phình lớn thân, khi gã bảo Ngài thu nhỏ hay cuộn tròn thành một đống như mô đất, hoặc hiện ra một mào, hai mào, hay ba, bốn, năm, mười, hai mươi hoặc cả trăm mào.

Hoặc hiện mình cao thấp, hữu hình, vô hình, hoặc biến thành xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, hoặc phun nước hay phun khói cùng nước, Ngài điều hiện đủ mọi hình dáng như gã ra lệnh và biểu diễn đủ tài nhảy múa.

Người đứng xem không ai cầm được nước mắt và dân chúng đem tiền, vàng bạc, áo quần, đồ trang sức đủ loại như thế, nên chỉ trong làng ấy gã đã kiếm được cả trăm ngàn đồng tiền.

Lúc bấy giờ, thoạt đầu mới bắt được bậc Đại Sĩ, gã có ý định thả Ngài ra sau khi đã kiếm được một ngàn đồng tiền, nhưng khi đã kiếm được nhiều như thế, gã lại nói: Chỉ trong một ngôi làng nhỏ mà ta đã kiếm được chừng này huống hồ đến một Kinh Thành ta còn kiếm được bao nhiêu nữa.

Thế là sau khi để gia quyến ở lại đó, gã trang hoàng một cái giỏ bằng ngọc vàng thật đẹp, ném bậc Đại Sĩ vào trong, gã lên một chiếc xe ngựa sang trọng cùng một đoàn tuy tùng rầm rộ.

Cứ đến mỗi làng mạc, thị trấn, gã đều bắt Ngài nhảy múa, sau cùng họ đến thành Ba La Nại. Gã cho Rồng chúa ăn mật và hạt ngũ cốc rang, lại giết ếch nhái cho Ngài ăn, nhưng Ngài không ăn, vì sợ gã không chịu thả Ngài ra.

Nhưng dù Ngài không ăn gì, gã vẫn bắt Ngài diễn trò, bắt đầu tại bốn làng gần cổng thành, họ ở lại cả tháng ròng. Rồi vào ngày rằm trai giới, gã tâu trình Vua rằng gã sẽ cho biểu diễn tài múa rồng hầu Vua ngự lãm. Vì thế Vua ban lệnh bằng một hồi trống cho dân chúng tụ tập lại đông đủ và những tầng ghế sân khấu được dựng lên trước sân chầu.  

BẬC ĐẠI TRÍ DATTA ĐƯỢC GIẢI CỨU  

Nhưng vào ngày Bồ Tát bị Àlambàyana bắt, mẹ của Bồ Tát nằm mơ thấy một người da đen mắt đỏ vung kiếm cắt tay bà mang đi, máu chảy ròng ròng. Bà kinh hoàng tỉnh giấc, sờ tay phải mới biết mình nằm mơ.

Rồi bà suy nghĩ: Ta đã thấy một giấc mơ hãi hùng, nó báo trước một tai họa nào đó sắp xảy ra hoặc cho bốn con ta, hoặc Đại Vương Dhurì datta, hoặc cho chính ta.

Nhưng lập tức bà liên tưởng ngay đến Bồ Tát: Hiện nay tất cả các con đều ở cảnh giới Nàga trừ Bhùridatta lên cõi nhân gian quyết tâm hành trì giới luật với lời nguyện giữ ngày trai giới, nên ta lo lắng không biết có kẻ bắt rắn hay chim Garula nào bắt con ta chăng.

Bà cứ băn khoăn mãi về Ngài như thế, cuối cùng sau nửa tháng bà hết sức u sầu, tự nhủ: Con ta không thể nào sống xa ta trong nửa tháng được, chắc có tai nạn gì xảy ra cho con ta rồi.

Một tháng trôi qua không biết bao nhiêu lệ sầu đã tuôn ra từ mắt bà trong cơn đau buồn ấy, bà cứ ngồi nhìn con đường Ngài thường trở về nhà, nói không ngớt: Chắc chắn bây giờ con ta phải về nhà, chắc chắn bây giờ con ta phải về nhà. Lúc ấy Thái Tử Sudassana cùng một đám tùy tùng đông đảo đến yết kiến phụ Vương và Mẫu Hậu sau một tháng xa cách.

Sau khi để đám tùy tùng đứng ngoài điện, chàng bước lên nội cung đảnh lễ mẹ xong, đứng sang một bên nhưng vì đang lo buồn chuyện Bhùridatta, bà không nói với chàng một lời nào cả.

Chàng nghĩ thầm: Bất cứ khi nào ta về thăm mẹ trước kia, mẹ ta đều vui mừng tiếp đón ân cần niềm nở, thế sao hôm nay mẹ ta lại buồn thảm quá như vậy, vì cớ gì?

Thế là chàng hỏi mẹ:

Mẹ thấy con về, đủ chiến công,

Mọi đều ước nguyện đã vuông tròn,

Tuy nhiên chẳng tỏ bày vui vẻ,

Khuôn mặt mẹ đầy vẻ tối sầm.

Như hoa sen được hái thô sơ,

Rũ xuống trong tay, chóng héo khô,

Có phải đây là cách mẹ đón,

Khi con trở lại tự phương xa?

Chàng ngâm kệ khác hỏi mẹ thêm:

Có kẻ nào la mắng mẹ không,

Hay là mẹ khổ não trong lòng,

Khiến cho mẹ mặt mày u ám,

Khi mẹ thấy con trở lại chăng?

Bà mẹ đáp như sau:

Mẹ đã thấy cơn ác mộng vậy:

Cách đây một tháng đúng hôm nay,

Một người đến cắt lìa tay phải,

Khi mẹ nằm sàng tọa ngủ say,

Rồi nó kéo đi tay vấy máu,

Lệ ta chẳng cản được người này.

Tràn ngập lòng ta nỗi hãi hùng,

Từ khi thấy cảnh tượng hung tàn,

Đêm ngày ta chẳng hề hay biết,

Một phút mừng vui hoặc lạc an.

Nói xong bà lớn tiếng khóc than: Ta không biết con yêu quý của ta giờ đây ở đâu, chắc lại có tai họa gì xảy ra cho em con rồi.

Và bà nói to lên:

Vương nhi, bao mỹ nữ thanh xuân,

Ngày trước thường kiêu hãnh kế gần,

Trang điểm lưới vàng, tóc óng ả,

Dat ta con hỡi, vắng Long quân!

 Quanh chàng bao chiến sĩ oai hùng,

Lẫm liệt tuốt gươm, đám hạ thần,

Như khóm Kani hoa chói sáng,

Ôi! Ta tìm kiếm đã hoài công!

Ta phải đi theo dấu vết chân,

Tìm nơi chàng đã định nương thân,

Hoàn thành nguyện ước đời Tu Sĩ,

Và tự biết chàng có vạn an.

Nói xong bà cùng đám thị vệ của chàng và các cung nữ của bà đi ra ngoài.

Lúc bấy giờ các Vương Phi của Bồ Tát chưa biết lo âu khi họ không thấy Ngài trên tổ kiến, vì họ bảo là Ngài chắc chắn đã đi về cung thăm mẹ, nhưng khi được tin bà đang khóc lóc vì không thấy con đâu, họ đều chạy ra đón bà và quỳ xuống chân bà đồng lớn tiếng kêu than: Ôi Mẫu Hậu, cả tháng này chúng thần thiếp chưa gặp đức phu quân.

Bậc Đạo Sư tả lại cảnh ấy như sau:

Các Vương Phi của vị Long Vương,

Nhìn Mẫu Hậu đang bước đến gần,

Họ khóc than vô cùng thảm thiết,

Và dang tay trước mặt bà hoàng:

Long quân, bậc Đại Trí Dat Ta,

Đi vắng nơi đâu một tháng qua,

Sống thác, chúng thần không thể biết,

Trong lòng tuyệt vọng, nói sao giờ?

Mẫu Hậu cùng các Vương Phi than khóc ở giữa đường, rồi cùng nhau bước vào cung. Nỗi sầu khổ của bà tuôn ra không nguôi được khi bà nhìn thấy tọa sàng của con.

Giống như chim mẹ quá đơn côi,

Nhìn tổ vắng, con bị giết rồi,

Cũng vậy, sầu dâng tràn dạ mẹ,

Khi tìm con trẻ đã hoài hơi.

Thẳm sâu trong dạ, nỗi sầu bi,

Thiêu đốt bừng lên ngọn lửa kia,

Như thể lò rèn mà chú thợ,

Mang theo nơi gã được mời đi.

Trong lúc bà than khóc như vậy, cung thất của Bhùridatta như vang dội một âm hưởng dài lê thê khác nào tiếng sóng gầm vi vu của biển cả. Không một ai khỏi xúc động và cả cung thất như rừng cây Sàla bị rung chuyển trong cơn bão táp của ngày tận thế.

Bậc Đạo Sư tả quang cảnh như sau:

Như Sà la ngã dưới cơn giông,

Cành lá gãy lìa, rễ bật tung,

Cũng vậy, vợ con và mẹ nữa,

Nằm trong nhà vắng vẻ tang hoang.

Các hoàng huynh Aritha và Subhaga đến yết kiến mẹ, nghe tiếng ồn ào vội chạy vào cung hết sức trấn an mẫu thân:

Bậc Đạo Sư tả cảnh ấy như sau:

A rit tha với Su bha ga,

Nôn nóng đến an ủi mẹ già,

Nghe tiếng khóc than rền thảm thiết,

Trong nhà bậc Đại Trí Dat ta:

 Xin mẹ an lòng, dứt khóc than,

Đây là số phận của trần gian,

Mọi loài đều phải qua sinh tử,

Quy luật vô thường vạn vật mang.

Samuddajà, Mẫu Hậu đáp:

Con ơi, mẹ biết luật rành rành,

Đây số phận muôn loại chúng sinh,

Nhưng mẹ mất con không hợp lý,

Bơ vơ, mẹ chỉ biết buồn tênh.

Quả thật, nếu không thấy được con,

Bảo châu đem hỷ lạc tâm hồn,

Dat Ta Đại Trí, thì ta sẽ,

Kết liễu đêm nay cuộc sống buồn!

Các Vương Tử vội bảo:

Đừng quá sầu bi, hỡi mẹ hiền,

Hãy làm dịu bớt nỗi u phiền,

Chúng con sẽ đón về Vương đệ.

Xuyên suốt qua toàn cõi đất liền,

Ở khắp mọi nơi và mọi hướng,

Chúng con theo dõi vết chân em.

 Băng qua đồi núi hoặc đồng bằng,

Thị trấn, và khắp các xóm làng,

Cho đến khi tìm ra tiểu đệ,

Chỉ trong độ khoảng mươi ngày đàng,

Chúng con xin hứa cùng hiền mẫu,

Đem tiểu đệ về được vạn an.

Lúc đó Sudassana suy nghĩ:

Nếu cả ba anh em ta cùng đi về một hướng e rằng chậm trễ mất, vậy chúng ta phải đi về ba xứ khác nhau: Một em lên Cõi Thiên Thần, một em đến núi Himavat, một em nữa lên cõi nhân gian, em ta sẽ đốt hết làng xóm, thị trấn nào mà em ta tìm ra được Bhùridatta vì em ta là bản tính độc ác, không nên để em ta lên đó.

Thế là chàng bảo em: Vương đệ, hãy lên Cõi Thiên Thần, xem có phải chăng Thiên Chủ triệu Vương đệ Bhùridatta để thuyết pháp cho các Ngài, thì hãy đưa Vương đệ trở về.

Chàng lại bảo Subhaga: Hãy lên núi Himavat tìm Bhùridatta trong cả năm con sông và đem về đây. Còn chàng quyết định phần mình lên cõi nhân gian.

Chàng suy nghĩ:  Nếu ta giả dạng kimđồng, dân chúng sẽ phỉ báng ta, thôi ta phải giả dạng một Ẩn Sĩ, vì các vị khổ hạnh thường được người đời quý trọng niềm nở chào đón. Thế là chàng cải trang làm một vị Ẩn Sĩ khổ hạnh, từ giã mẹ ra đi. Lúc bấy giờ Bồ Tát có một cô em gái khác mẹ, tên gọi Accimukhì, rất yêu thương Bồ Tát.

Khi nàng thấy Sudassana ra đi, nàng bảo: Vương huynh ôi, em rất lo ngại, cho em đi với.

Chàng đáp: Hiền muội, hiền muội không thể đi với ta được vì ta đã cải trang làm ẩn sĩ rồi. Thế thì tiểu muội xin biến thành con ếch nhỏ đậu trên đám tóc bện lại của Vương huynh.

Chàng ưng thuận, thế là nàng biến thành nhái con nằm trong đám tóc bện lại của chàng. Sudassana quyết đi tìm em ngay từ lúc bước khởi đầu, cho nên chàng hỏi Vương Phi xem Vương đệ hành trì trai giới ở đâu để đi ngay đến đó.

Khi chàng thấy vết máu ở nơi Bồ Tát bị Àlambàna bắt và nơi Àlambàna đã làm giỏ cây leo để đựng Ngài, chàng chắc chắn rằng Bồ Tát đã bị người bắt rắn mang đi, nên lòng chàng nặng trĩu u sầu, mắt đẫm lệ đi theo dấu chân Àlambàna.

Khi chàng đến ngôi làng đầu tiên Bồ Tát biểu diễn tài múa, chàng hỏi dân chúng xem có phải một người bắt rắn đã diễn trò với một con rồng như vậy chăng. Đúng vậy, cách đây một tháng, Àlambàna đã diễn trò như vậy.

Thế gã có kiếm được gì lợi chăng?

Gã kiếm được một trăm ngàn đồng tiền chỉ nội nơi này.

Thế bây giờ gã đi đâu?

Gã đã đi đến làng nọ rồi. Chàng lại ra đi, vừa đi vừa hỏi đường, cuối cùng chàng đến cung môn. 

Ngay lúc ấy Àlambàna đã đến nơi, tắm rửa, xức dầu thơm xong, mặc áo dài sang trọng, rồi bảo tên hầu mang giỏ đựng rồng được trang hoàng vàng ngọc ấy ra, dân chúng tụ tập rất đông, một chiếc cẩm đôn đặt sẵn dành cho Vua và trong khi còn ở trong cung, Vua đã truyền lệnh: Trẫm sắp ngự triều, hãy bảo Long Vương diễn trò đi.

Lúc ấy gã Àlambàna đặt cái giỏ đính châu ngọc ấy trên một tấm thảm sặc sỡ đủ màu, ra dấu hiệu bảo: Rồng chúa, ra đây. Sudassana đang đứng ở cạnh đám đông trong lúc bậc Đại Sĩ ngẩng đầu lên nhìn quanh dân chúng.

Thời bấy giờ loài Rồng Nàga nhìn đám người vây quanh vì hai lý do: Một là để xem có chim Garula nào, hay là có người diễn trò nào không. Nếu thấy chim Garula thì chúng sẽ không múa vì sợ hãi, còn nếu có người diễn trò nào thì chúng lại không múa vì hổ thẹn.

Trong lúc nhìn quanh như thế, bậc Đại Sĩ thấy anh mình trong đám đông, liền cố ngăn dòng lệ đang tràn ra mắt và bò ra khỏi giỏ, tiến đến anh mình.

Đám đông thấy Ngài đến gần, hoảng sợ bỏ chạy, chỉ còn lại một mình Sudassana, vì thế Ngài đến gần anh, đặt đầu lên chân anh và khóc, Sudassana cũng khóc theo. Sau cùng bậc Đại Sĩ nín khóc và bò vào giỏ như cũ.

Àlambàna nhủ thầm: Chắc rồng Nàga này đã cắn ẩn sĩ kia, vậy ta phải an ủi vị đó mới được.

Gã đến gần chàng và bảo:

Rồng vừa tuột khỏi bàn tay,

Chụp lấy chân Ngài thật mạnh thay,

Nó cắn Ngài chưa? Xin chớ sợ,

Không gì độc hại nọc Rồng này.

Sudassana muốn nói chuyện với gã, vì vậy chàng đáp:

Rồng của Ngài không thể hại ta,

Ta đây xứng hợp với rồng mà,

Hãy tìm khắp chốn, Ngài không thấy,

Một kẻ nhử rồng rắn giống ta.

Àlambàna không biết chàng là ai, vì vậy gã nổi giận nói:

Gã này giả dạng Bà La Môn,

Thử thách lão đòi chuyện thiệt hơn,

Tất cả đám đông nghe lão nói,

Xử cho hai phía thật công bằng.

Sudassana liền đáp kệ:

Vô địch của ta chính nhái con,

Rồng kia vô địch của tôn ông,

Hãy đem đánh cuộc năm ngàn chẵn,

Để bọn chúng ta trợ lực hùng.

Àlambàna bắt bẻ:

Ta giàu phương tiện thật cao sang,

Mạt vận ông quê kệch xó làng,

Ai người làm chứng phe ông đó,

Và số tiền đâu đặt xuống bàn?

Có phần bảo đảm của ta đây,

Tiền cuộc, nếu ta mất vận may,

Năm ngàn đồng sẽ nêu uy lực,

Việc thử thách kia, đáp ứng ngay.

Sudassana nghe vậy liền bảo:

Nào ta thử trổ tài để được năm ngàn đồng tiền.

*** 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần