Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Năm - Phẩm Xá Lợi Phất, đại Mục Kiền Liên đến Học đạo
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TRUNG BỔN KHỞI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẨM NĂM
PHẨM XÁ LỢI PHẤT,
ĐẠI MỤC KIỀN LIÊN ĐẾN HỌC ĐẠO
Đức Phật ở tại Tịnh Xá Trúc Viên, nước La Duyệt Kỳ, cùng đông đủ một ngàn vị Tỳ Kheo Tăng, đều là bậc Ứng Chân La Hán như Uất Tỳ La v.v... trong đó có một người tên là Na La Đà.
Ngày xưa có một Phạm Chí tên là Sa Nhiên. Siêng tu hạnh tiên, một thời gian lâu mới thâu nhận đệ tử, là Thích Tiên Đạo, gồm có hai trăm năm mươi người.
Trong số môn đồ ấy có hai người đạo cao kỳ túc, khó sánh kịp. Một người tên là Ưu Ba Thế, người thứ hai tên là Câu Luật Đà, tài trí thâm đạt, nghiên cứu tinh thông.
Khi Sa Nhiên bị bệnh biết mình sắp chết mới bảo hai người học trò giỏi: Các người mới học này, chỉ có đạo hạnh, mong hai con, hãy làm cho chí họ được vẹn toàn. Hai người kính cẩn vâng lời, thọ giáo phụng hành.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tỳ Kheo Át Bệ: Ngươi hãy đi tuyên hóa giáo pháp, đến chỗ người có thể hóa độ, người có thể thấy đạo, trí huệ của họ minh đạt. Ngoài Đức Như Lai ra, không ai có thể nghị luận cùng họ.
Nếu gặp những người ấy, hãy nói điều căn bản của pháp, đừng có đối đáp với họ, để bị cười chê. Tôn Giả Át Bệ vâng lời, sửa lại y, cầm bát, đảnh lễ Đức Phật rồi ra đi.
Khi ấy Ưu Bà Thế cùng các đệ tử cùng đi du hóa, từ xa trông thấy Tôn Giả Át Bệ ăn mặc khác thường mới hỏi: Ngài từ đâu đến?
Thầy Ngài là ai, co thể nói cho tôi nghe được chăng?
Lúc ấy Tôn Giả Át Bệ đáp lại bằng bài kệ:
Tuổi ta hãy còn nhỏ
Học đạo chẳng bao lâu
Sao nói pháp chí chân,
Nghĩa rộng lớn Như Lai?
Gốc tất cả các pháp
Nhân duyên, không, vô chủ
Dứt tâm đạt cội nguồn
Nên gọi là Sa Môn.
Ưu Bà Thế mới nghe nghĩa của pháp, liền suy tư thấy rất đúng lý, mà tự nghĩ rằng: Lúc nhỏ, ta đã ham học, lúc tám tuổi theo thầy cho đến mười sáu tuổi, từ đạo thuật đến cổ tiên, không sách nào mà ta không quán xuyến. Trong mười sáu nước lớn, gọi ta là bậc biết rộng, nhưng ta chưa từng nghe được ý nghĩa chân chánh trọng yếu này.
Nay tình cờ du hóa lại gặp được kho tàng quý giá này. Lời nói ấy vi diệu, ngon như cam lồ, làm cho tâm khai ngộ, ý cởi mở, liền được pháp nhãn. Ông trở về Tinh Xá, trong lòng hết sức vui mừng.
Câu Luật Đà thấy nhan sắc của vị này hân hoan, nghi là đã được Cam Lồ, liền hỏi Ưu Bà Thế: Bạn đã được pháp Cam Lồ rồi chăng?
Vậy bạn chớ quên lời thề trước, hãy an cho tôi một chút. Ưu Bà Thế nói cho Câu Luật Đà nghe một cách đầy đủ về bài kệ mà mình được nghe, rằng nghe qua thì tôi không hiểu, vị ấy nói lại lần thứ hai thì tôi hiểu, tôi liền suy tư phản chiếu nên được pháp nhãn.
Lúc ấy hai người nghị luận rằng: Nguyện ước xưa nay mong được Cam Lồ, nay đã được uống, vậy chúng ta hãy cùng nhau đi đến chỗ đại Sa Môn, nhảy vào trong biển thâm sâu của vị ấy, tắm rửa cho được thanh tịnh. Khi nghị luận xong, hai vị đồng tâm chuẩn bị lên đường.
Bấy giờ Câu Luật Đà suy nghĩ: Thầy của ta lúc lâm chung, phó chúc các đệ tử, bảo ta phải tế độ cho họ thành đạo.
Nay ta lại bỏ mà đi, thấy lòng không nở, liền bảo các đệ tử: Bậc Đại Sa Môn kia, có vị cam lồ của tiên, hóa giải lưới bại hoại của thế tục, làm cho tâm đình chỉ, hạnh tịch tịnh.
Ta muốn đến vị ấy để học hỏi chỗ u vi cùng tột để trở về với chân tâm, vậy các ngươi muốn đi đâu?
Các môn đồ thưa: Nay được nghe thấy điều gì, thì đó là ơn của Đại Sư. Nay Đại Nhân đã kính ngưỡng tôn thờ vị nào, chúng con cũng xin vui sướng vâng theo, ưa thích vị ngọt Cam Lồ, xin theo cùng thầy. Vì chí nguyện của thầy trò hợp nhau, họ liền lên đường đi đến Trúc Viên.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay có hai hiền giả, cùng các đệ tử, nhờ hạnh nguyện xưa, muốn làm Sa Môn, đó là nhà công đức của Tôn Giả Át Bệ vậy. Các Tỳ Kheo nghe Đức Phật nói, thì thấy họ đang đi đến.
Ưu Ba Thế và Câu Luật Đà v.v… từ xa trông thấy Đức Như Lai, tướng tốt chói sáng, tinh thần chấn động, liền tự khen rằng: May mắn thay, chúng ta được tôn thờ những lời dạy bảo của bậc thanh tịnh, thật là vinh hạnh khó nói. Họ đến phía trước, đầu mặt lạy Đức Phật. Lạy xong, trong lòng họ càng thêm vô lượng hoan hỷ.
Rồi họ tiến lên, trình bày đầy đủ tấm lòng của họ rằng: Bọn chúng con bị tội lỗi che lấp, trôi theo dòng nước mà vào hố thẳm. Mãi đến hôm nay, ngược dòng trở về nguồn. Ngưỡng mong Đức Phật chấp nhận cho chúng con được vào hàng Tăng Chúng. Lúc ấy Đức Phật liền chấp nhận, râu tóc của họ từ rụng đều thành Sa Môn.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Hai người này, nguyện đối với vị Cổ Phật, chờ khi ta thành Đạo, làm kẻ hầu cận hai bên.
Đức Phật nói Ưu Ba Thế hiệu là Cao Thế. Có hoa mà không có trái, nên tên thật của người là Xá Lợi Phất. Còn Câu Luật Đà đổi tên lại là Đại Mục Kiền Liên. Nhân nghe Đức Phật Thuyết Pháp, hai vị liền đắc quả La Hán.
Đức Phật bảo thị giả nói với các vị Tỳ Kheo: Đừng nên kiết giới, không được đi hai người, chừng nào Tăng Chúng được một ngàn hai trăm năm mươi vị Đức Phật mới kiết giới. Đức Phật kiết giới xong. Các Tỳ Kheo hoan hỷ, thảy đều cung kính, đảnh lễ Phật rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Một - Phẩm Bàn Về Giáng Thần
Phật Thuyết Kinh ánh Sáng Hoàng Kim - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Diệu Tràng Tán Dương
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Dụ Về Con Ba Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Ba - Phẩm Xá Lê Tử Tương ưng - Kinh Thành Tựu Giới
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Phật Quốc - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Khí Xả
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện Người Trả Nợ Làm Thân Trâu Bò
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thuận Lương Mã
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Sáu Mươi Hai