Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Tám - Chuyện Bậc Trí Giả đi Cưới Vợ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM TÁM  

CHUYỆN BẬC TRÍ GIẢ ĐI CƯỚI VỢ  

Ngài đến nhà nàng theo cách đã chỉ dẫn, mẹ Amarà thấy Ngài, liền mời Ngài ngồi: Ta muốn mời công tử dùng cháo, được chăng?

Xin cám ơn hiền mẫu, hiền muội Amarà đã cho tiểu sinh ăn cháo rồi. Bà mẹ liền nhận ra ngay là chắc hẳn Ngài đến đây vì ái nữ của bà.

Bậc Đại Sĩ thấy cảnh nghèo túng của họ, lại nói: Thưa hiền mẫu, tiểu sinh làm nghề thợ may, hiền mẫu cần may vá gì không?

Thưa công tử, có chứ, nhưng không có tiền để trả công. Thưa hiền mẫu, không cần phải trả công, hiền mẫu cứ đem các thứ ra đây cho tiểu sinh may vá.

Bà liền đem áo quần cũ ra, Bồ Tát vá từng thứ, công việc của người có trí bao giờ cũng trôi chảy và Ngài lại bảo bà: Hiền mẫu đi báo cho dân chúng ngoài đường biết nhé. Bà liền thông báo khắp làng, chỉ một ngày nhờ công việc may vá, bậc Đại Sĩ kiếm được một ngàn đồng tiền. Bà lão nấu cơm trưa cho Ngài ăn và buổi chiều bà hỏi cần nấu bao nhiêu nữa. Thưa hiền mẫu, nấu đủ cho mọi người trong nhà thôi. Bà liền đi nấu cơm với cà ri và thêm các thứ gia vị vào. 

Buổi xế chiều, Amarà từ khu rừng trở về nhà, mang theo một bó củi trên đầu và bó lá quanh hông. Nàng vứt củi xuống ở cửa trước và đi vào cửa sau. Cha nàng cũng về sau đó. Bậc Đại Sĩ ăn một bữa cơm thật ngon miệng. Cô gái hầu cơm cha mẹ trước khi ăn, rồi rửa chân cho cha mẹ cùng Bồ Tát. Ngài ở đó vài ngày thăm dò nàng.

Rồi một ngày kia, để thử nàng, Ngài bảo: Ái nương Amarà ơi, đem nửa đấu thóc ra làm cho ta một cái bánh, một nồi cháo và một nồi cơm. Nàng bằng lòng ngay, đi sàng gạo sạch trấu, lấy hột lớn nấu cháo, hột vừa nấu cơm, hột nhỏ làm bánh, thêm gia vị cho đầy đủ. Nàng đem nấu cháo đã nêm gia vị mời bậc Đại Sĩ.

Ngài vừa ăn một miếng đã cảm thấy mùi thơm đặc biệt thấm qua cổ họng, tuy nhiên để thử nàng, Ngài bảo: Quý nương ơi, nếu nàng không biết nấu, sao nàng lại làm hỏng gạo cơm của ta?

Rồi Ngài nhổ cháo xuống đất, nhưng nàng không hề giận, chỉ trao bánh cho Ngài và bảo: Nếu cháo không ngon, thì xin ăn bánh. Các bánh kia Ngài cũng nói như thế và từ chối món cơm.

Ngài bảo: Nếu nàng không biết nấu nướng sao lại phí phạm của cải ta?

Rồi như thể giận dữ lắm, Ngài trộn cả ba thứ với nhau bôi khắp người nàng từ đầu đến chân, bảo nàng ngồi xuống bậc cửa. Hay lắm, thưa công tử. Nàng vâng lời ngồi xuống, không tỏ vẻ giận dữ gì.

Thấy nàng không có vẻ cao ngạo, Ngài bảo: Quý nương ơi, đến đây. Vừa nghe Ngài gọi tiếng đầu, nàng đã đến ngay. Khi Đại Sĩ đến đây, Ngài có đem theo một ngàn đồng tiền vàng và một chiếc áo trong giỏ cau trầu.

Bấy giờ Ngài lấy nó ra, đưa cho nàng và bảo: Quý nương ơi, hãy cùng bạn hữu đi tắm và mặc áo này vào và đến đây với ta. Nàng vâng lời. Bậc Trí Giả trao cho cha mẹ nàng tất cả số tiền Ngài đem theo và vừa kiếm được, khuyên nhủ đôi lời, rồi đem nàng lên Kinh Thành.

Tại đây Ngài muốn thử nàng, liền bảo nàng ngồi trong nhà người canh cổng, nói cho bà vợ người canh cổng biết mưu kế của Ngài, rồi về nhà Ngài.

Tại đó Ngài cho gọi các quân hầu của Ngài đến và bảo: Ta có để lại một nữ nhân ở nhà kia, hãy đem một ngàn đồng tiền đến thử nàng xem. Ngài đưa tiền và bảo họ đi. Họ làm theo lời Ngài dặn.

Nàng từ chối, bảo: Số tiền này không đáng giá bằng đám đất bụi bám trên chân công tử của ta. Đám quân hầu trở về kể lại cho Ngài nghe kết quả cuộc thử. Ngài lại bảo họ đi lần nữa, đến lần thứ ba, thứ tư, rồi bảo họ kéo nàng đi bằng vũ lực. Họ vâng theo và khi nàng nhìn thấy bậc Đại Sĩ uy nghi rực rỡ, nàng không nhận ra Ngài, mà chỉ cười rồi khóc khi nhìn Ngài.

Thấy thế Ngài hỏi cớ sao, nàng đáp: Thưa công tử, thiếp mỉm cười khi ngắm vẻ huy hoàng của công tử và nghĩ rằng công tử được hưởng cảnh huy hoàng này không phải là không có nhân duyên, mà là do thiện nghiệp của công tử đời trước: Hãy xem quả phước báo. Thiếp nghĩ vậy và mỉm cười. Nhưng rồi thiếp khóc khi nghĩ rằng công tử sẽ gây tội ác phá hại tài sản mà kẻ khác chăm sóc trông nom và sẽ xuống địa ngục, nên vì thương cảm, thiếp phải khóc.

Sau lần thử này, Ngài biết nàng rất tiết hạnh, nên bảo họ đem nàng về chỗ cũ. Ngài giả dạng người thợ may, trở về với nàng và ở lại đêm đó.

Sáng hôm sau, Ngài trở về cung, kể mọi chuyện với Hoàng Hậu Udumbarà. Bà báo cho Vua biết xong, trang điểm cho Amarà đủ ngọc vàng trân bảo đặt nàng ngồi trên một cỗ xe sang trọng, đầy vẻ uy nghi, vinh hiển rước nàng về cung của bậc Đại Sĩ và mở ngày lễ hội Vương Hầu.

Vua ban thưởng Bồ Tát món quà đáng giá một ngàn đồng tiền, dân chúng trong thành đem quà đến dâng, từ người giữ cửa trở đi. Nàng Amarà chia quà Vua ban làm hai phần, gửi lại một phần dâng lên Vua.

Các quà dân chúng tặng, nàng cũng chia như vậy, trả về cho họ một nửa, vì thế rất được lòng dân. Từ ngày ấy, bậc Đại Sĩ cùng nàng sống rất hạnh phúc và chỉ bảo cho Vua mọi thế sự cũng như Thánh Sự.

Một ngày kia Senaka bảo ba người kia nhân lúc họ đến thăm: Này các bạn, chúng ta chưa đấu trí nổi vôí Mahosadha con nhà dân giả này, nay nó tìm được vợ khôn lanh hơn cả nó nữa, làm sao chúng ta kiếm kế ly gián nó với Đức Vua đây?

Thưa Tôn sư, làm sao chúng tiểu đệ biết được?

Chuyện đó tùy Ngài định đoạt. Được rồi đừng lo gì, ta đã có cách. Ta sẽ trộm hạt bảo châu trên Vương miện, hiền hữu Pukkusa trộm chuỗi đeo cổ bằng vàng của Đức Vua, hiền hữu Kavinda trộm chiếc áo lông của Ngài và hiền hữu Devinda lấy đôi hài bằng vàng của Ngài. Cả bốn người ấy tìm cách làm các việc này.

Sau đó Senaka nói: Song ta phải bỏ vào nhà gã này mà không cho nó biết.

Thế là Senaka để hạt bảo châu vào bình hạt dẻ, bảo một tỳ nữ: Nếu ai mua bình hạt dẻ này, ngươi đều từ chối, chỉ bán cho người nhà Mahosadha mà thôi.

Người tỳ nữ đem lọ đến nhà bậc Trí Giả đi lên đi xuống và rao: Ai muốn mua hạt dẻ?

Nhưng nàng Amarà đứng bên cửa nhìn thấy rõ, nàng nhận xét cô nữ tỳ nọ không đi nơi nào khác ngoài nhà nàng, chắc phải có điều gì bên trong chuyện này.

Nàng liền ra dấu cho tỳ nữ của nàng lại gần, còn chính nàng kêu to gọi cô gái: Đến đây cô bé, ta muốn mua hạt dẻ. Khi cô gái đến, bà chủ gọi các nữ tỳ ra, nhưng không có ai trả lời cả, nên phải nhờ cô gái đi kiếm hộ. Khi cô gái đi rồi, Amarà thọc tay vào bình tìm ra hạt bảo châu.

Khi cô gái trở lại, Amarà liền hỏi: Cô là tỳ nữ nhà ai?

Thưa phu nhân, nhà bậc Trí Giả Senaka ạ.

Nàng liền hỏi tên họ tỳ nữ cùng tên mẹ cô gái rồi bảo: Nào cho ta ít hạt dẻ. Thưa hiền mẫu, nếu mẹ cần thì cứ lấy cả bình, con không lấy tiền đâu. Vậy thì cô về đi.

Amarà bảo người tỳ nữ ra rồi, nàng viết trên một ngọn lá: Vào ngày ấy tháng ấy, Đại Sư Senaka gửi đến một hạt bảo châu trên Vương miện để làm quà tặng do một nữ tỳ tên họ ấy đem đến.

Pukkusa gửi đến chuỗi đeo cổ bằng vàng giấu trong giỏ hoa lài, Kàvinda gửi đến chiếc cẩm y giấu trong giỏ rau, Devinda gửi đến đôi hài bằng vàng để trong bó rơm. Nàng nhận tất cả và viết tên họ vào ngọn lá, cất đi rồi kể lại cho bậc Đại Sĩ nghe mọi chuyện.

Khi năm vị hiền thần kia vào cung, liền hỏi Vua: Tâu Đại Vương, sao Đại Vương không đội Vương miện có bảo châu?

Được đem nó ra đây cho trẫm mang vào. Vua bảo. Nhưng họ không kiếm ra viên bảo châu và các thứ kia.

Thế là cả bốn vị bảo: Tâu Đại Vương, các vật trang sức của Đại Vương đều nằm trong nhà Mahosadha, gã ấy đang dùng chúng đấy, gã con trai nhà dân giả ấy chính là kẻ thù của Đại Vương đấy. Họ vu cáo cho Ngài như vậy.

Sau đó những kẻ tốt bụng đi tìm Mahosadha kể chuyện cho Ngài, Ngài bảo: Để ta yết kiến Đức Vua và đi tìm. Ngài đến chầu Vua.

Đang cơn thịnh nộ, Vua phán: Trẫm chẳng nhìn nhận tiểu tử kia nữa, nó còn muốn gì ở đây?

Vua không cho phép Ngài vào trần tình. Khi bậc Trí Giả biết Vua đang cơn thịnh nộ, Ngài trở về nhà.

Vua ban lệnh bắt Ngài và Ngài biết được nhờ những kẻ tốt bụng, nên bảo cho Amarà biết đã đến lúc Ngài phải ra đi, rồi Ngài trốn ra khỏi Kinh Thành, đến Nam thị trấn giả dạng làm nghề thợ đồ gốm ở trong một lò gốm. Cả Kinh Thành loan tin Ngài bỏ trốn.

Khi Senaka và ba vị kia hay tin ấy mỗi người liền gửi cho phu nhân Amarà một bức thư mà không cho ba vị biết, nhắn tin với nàng: Xin phu nhân đừng ngại gì, chúng ta không phải là những Trí Giả hay sao?

Nàng cất cả bốn bức thư rồi trả lời cho mỗi vị đến gặp nàng vào một ngày giờ nào đó. Khi họ đến, nàng cho người lấy dao cạo râu tóc họ sạch nhẵn, ném họ vào buồng tắm, hành hạ họ thật khổ sở, rồi lấy mền quấn họ lại và thông báo cùng Vua biết.

Nàng đem họ cùng bốn bảo vậtđến cung đình, tung hô Vua xong, nàng nói:

Tâu Đại Vương, bậc Trí Giả Mahosadha không phải là kẻ trộm, mà chính đây là các kẻ trộm: Senaka trộm bảo châu, Pukkusa trộm dây chuyền vàng, Devinda trộm đôi giày mạ bằng vàng vào ngày ấy tháng ấy, do tay của một nữ tỳ, các vật này được gửi đến làm quà tặng. Xin Đại Vương nhìn ngọn lá này và nhận lại các bảo vật rồi thả các kẻ trộm ra.

Làm cho các vị kia chịu muôn phần sỉ nhục như thế xong, nàng liền ra về. Tuy nhiên, Vua lại bối rối trước chuyện này, vì từ khi Bồ Tát ra đi và không có bốn Bậc Hiền Thần kia, Ngài không nói gì nữa, chỉ bảo họ tắm rửa rồi ra về.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần