Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Tám - Chuyện đường Hầm Vĩ đại - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM TÁM
CHUYỆN ĐƯỜNG HẦM VĨ ĐẠI
PHẦN MỘT
Lúc bấy giờ Vua Brahmadatta cùng các Vương Hầu ấy đã sống một năm ở Kinh Thành Uttarapãncàla.
Một ngày kia, Kevatta nhìn bóng mình trong gương, thấy vết sẹo trên trán, nghĩ thầm: Cái này là do gã nông dân ấy gây ra, gã biến ta thành trò cười trước các Vương Hầu ấy.
Lão thấy uất hận tràn ngập trong lòng, lão nghĩ thầm: Làm sao trừ khử nó?
Ồ mưu kế này đây. Công chúa của ta là Pãncàlacandì, có nhan sắc tuyệt thế, chẳng khác nào Tiên Nữ trên Trời. Ta sẽ cho Vua Vedeha thấy nàng. Vua ấy sẽ say mê nàng như thể cá mắc câu. Ta sẽ bắt lấy Vua cùng gã Mahosadha và giết trọn cả hai rồi nâng chén rượu mừng chiến thắng.
Quyết định như thế xong, lão đến chầu Vua: Tâu Đại Vương, thần xin dâng ý kiến này. Này Đại Sư, ý kiến của khanh đã làm trẫm không còn mảnh vải che thân nữa.
Bây giờ khanh còn muốn gì nữa đây?
Hãy bình tâm lại. Tâu Đại Vương, chưa bao giờ có mưu kế nào sánh với kế này được.
Vậy khanh hãy nói đi. Tâu Đại Vương, xin chỉ nói riêng giữa Đại Vương và tiểu thần. Thì hẳn là vậy.
Lão Bà La Môn liền đưa Vua lên thượng lầu và nói: Tâu Đại Vương, thần sẽ lôi cuốn Vua Vedeha bằng tham dục để đem cho được Vua ấy về đây và giết đi.
Này Đại Sư, thật là diệu kế, nhưng phải làm sao để gợi tham dục của Vua ấy được?
Tâu Đại Vương, công chúa Pãncàlacandì có sắc đẹp vô song, ta sẽ bảo các thi sĩ ca tụng nhan sắc và đức hạnh của nàng bằng thi ca rồi phổ biến các bài ca đó tại thành Mithilà.
Khi nào ta thấy Vua ấy tự nhủ thầm: Nếu vị anh quân Vedeha không chiếm được nữ báu này, thi ngai vàng cùng Quốc Độ này còn nghĩa lý gì nữa đối với ta!
Khi Vua ấy đã bị lôi cuốn vào tư tưởng kia, thần sẽ đi định ngày sính lễ, vào ngày đã định, Vua ấy sẽ đến. Như cá nuốt câu, gã nông dân kia cũng đến với Vua, thế là ta sẽ nuốt trọn.
Vua nghe vậy đẹp ý và chấp nhận ngay. Này Đại Sư, thật là diệu kế, ta sẽ làm như vậy. Nhưng có một con chim Mayneh đứng bên cạnh Vương sàng, đã ghi nhận sự việc trên.
Sau đó Vua cho gọi các thi sĩ tài hoa, ban tiền bạc rất hậu hỷ, cho họ được chiêm ngưỡng công chúa rồi bảo họ làm thơ ca tụng nhan sắc nàng, nên họ làm những bài ca vô cùng du dương rồi ngâm thơ cho Vua nghe.
Vua lại ban thưởng họ rất trọng hậu. Các nhạc sĩ học các bài ca này từ các thi sĩ kia, đem ra hát giữa dân chúng, nhờ vậy chúng được truyền bá rất nhanh ra ngoại thành.
Khi chúng đã lan rộng khắp nơi, Vua cho triệu các ca sĩ vào và phán: Này các con, ban đêm hãy trèo lên cây cùng với chim chóc và ca hát, rồi sáng mai, buộc chuông lục lạc vào cổ chúng, thả chúng bay đi xong, trèo xuống. Vua cho thi hành việc này để thế nhân có thể bảo chính Chư Thiên ca tụng sắc đẹp của công chúa Pãncàla.
Vua lại triệu các thi sĩ kia vào và phán:
Này các con hãy làm thơ đưa tin này: Công chúa diễm lệ kia không dành cho Vua nào ở Cõi Diêm Phù Đề trừ Vua Vedeha ở thành Mithilà. Các con hãy ca tụng oai danh của Vua ấy cùng nhan sắc của công chúa.
Họ vâng theo, rồi tường trình công việc ấy, Vua ban thưởng họ rất hậu, rồi bảo họ đi Mithilà, ca hát trên đường và tán tụng như trên. Họ liền đến Mithilà. Dân chúng tụ tập lại nghe hát rất đông và hoan hô nhiệt liệt. Ban đêm họ trèo lên cây ca hát, buổi sáng họ lại buộc chuông lục lạc vào cổ chim rồi mới trèo xuống.
Dân chúng nghe tiếng lục lạc trên không, rồi khắp Kinh Thành vang dậy tin đồn rằng chính các Thiên Thần đang tán tụng nhan sắc diễm kiều của công chúa. Vua hay tin cho triệu các thi sĩ vào và mở hội ngay trong cung điện. Vua tưởng rằng họ muốn dâng công chúa diễm lệ vô song của Vua Cùlani cho Ngài, nên Ngài ban thưởng họ rất hậu.
Sau đó, về nước, họ trình Vua Brahmadatta, Kevatta liền thưa: Tâu Đại Vương, đã đến lúc thần đi định ngày sính lễ.
Này Đại Sư, thật là tuyệt diệu, khanh muốn đem theo vật gì?
Xin cho thần một tặng vật nhỏ. Vua liền ban nó ngay. Lão đem quà đi, cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo hộ tống đến Kinh Đô Vedeha.
Khi lão cho báo tin lão đã đến, cả thành chấn động lên: Hai Vua Cùlani và Vedeha sẽ kết tình thân hữu họ bảo nhau như vậy Vua Cùlani sẽ gả công chúa cho Đại Vương của ta và Kevatta đến đấy định ngày sính lễ.
Vua Vedeha nghe tin này và bậc Đại Sĩ cũng nghe tin, liền nghĩ thầm: Ta không thích lão ấy đến đây, ta phải tìm hiểu xem sao cho đúng. Thế là Ngài thông tin với các thám tử đang ở tại nước Vua Cùlani.
Họ trả lời: Chúng thần không hiểu rõ việc này. Vua cùng Kevatta ngồi đàm đạo riêng trong Vương thất, nhưng có con chim Maynah đứng cạnh bên Vương sàng hiểu rõ việc này.
Nghe vậy, bậc Đại Sĩ nghĩ thầm: Muốn cho kẻ thù ta không đắc thắng lợi, ta phải ngăn chia Kinh Thành từng phần và trang hoàng cho đẹp, mà đừng cho Kevatta thấy được.
Thế là từ cổng thành đến cung điện và từ cung điện đến tư dinh Ngài, hai bên đường Ngài cho dựng hàng rào lưới, phủ thảm lên trên, treo đầy tranh ảnh, rải hoa khắp mặt đường, đặt bình nước khắp nơi, cờ xí rợp Trời.
Khi Kevatta vào thành, lão không thể thấy mọi việc sắp đặt như trên, lão tưởng Vua trang hoàng Kinh Thành để đón lão, chứ không hiểu người ta làm vậy để che mắt lão. Khi lão yết kiến Vua, lão dâng tặng vật, cung kính chúc tụng rồi ngồi xuống một bên.
Sau khi được đón tiếp trọng thể, lão đọc hai vần kệ tuyên bố lý do lão xin yết kiến:
Một vì Vua muốn kết thân bằng,
Tặng bảo vật này đến Đại Vương,
Mong các sứ thần lời êm dịu,
Từ nơi chốn nọ chóng lên đường.
Ước mong lời lẽ họ ôn hòa,
Đem lại hân hoan cho chúng ta,
Mong ước thần dân Vi Đề quốc,
Hòa đồng với tộc Pañ cà la.
Lão lại tiếp tục nói: Tâu Đại Vương, đáng lẽ Quốc Vương của thần sai kẻ khác đi thay thần nhưng Ngài đã phái thần đi, vì tin chắc rằng không ai nói chuyện này dễ nghe cho bằng thần.
Ngài bảo: Này Đại Sư, Đại Sư hãy đi thuyết phục Đức Vua ấy xem xét chuyện này thật thuận lợi và rước Đức Vua ấy về đây. Vậy tâu Đại Vương, xin Đại Vương ngự lên xe giá, Đại Vương sẽ đón về một công chúa tuyệt trần diễm lệ và tình thân hữu sẽ được tạo lập giữa Đại Vương và Quốc Vương của thần.
Vua rất đẹp ý khi nghe lời tâu trình này, ông say sưa vì ý tưởng sắp đón về một công chúa diễm lệ vô song, liền phán: Này Đại Sư, trước kia có mối bất hòa giữa Đại Sư và bậc Trí Giả Mahosadha tại trận pháp chiến. Nay Đại Sư hãy đi gặp Vương Tử của trẫm, hai bậc Trí Giả hãy hòa giải và sau khi đàm đạo cùng nhau, xin trở lại đây. Lão Kevatta hứa đi hội kiến bậc Trí Giả, rồi lui ra.
Ngày ấy, bậc Đại Sĩ quyết định tránh mọi việc đàm luận với con người độc ác kia, nên buổi sáng Ngài uống một chút bơ tươi rồi bảo quân hầu bôi phân bò ướt trên sàn nhà, bôi dầu vào cột nhà, dẹp hết mọi ghế ngồi, sàng tọa trừ một sàng tọa nhỏ hẹp vừa cho Ngài nằm.
Ngài ra lệnh cho quân hầu: Khi lão Bà La Môn ấy bắt đầu nói, các ngươi hãy bảo: Thưa Tôn sư Bà La Môn, xin Ngài đừng trò chuyện với bậc Trí Giả, hôm nay bậc Trí Giả đã dùng một liều bơ tươi.
Và khi ta làm như thể muốn trò chuyện với lão thì phải ngăn lại và bảo: Tâu chúa công, Ngài đã dùng một liều bơ tươi, xin đừng nói chuyện nữa. Sau khi căn dặn họ, bậc Đại Sĩ khoác hồng y nằm trên sàng tọa, cùng sắp đặt quân hầu ở bảy tháp canh xong xuôi.
Khi Kevatta đến cổng thành thứ nhất, liền hỏi bậc Đại Sĩ ở đâu, các quân hầu trả lời: Thưa Tôn Giả Bà La Môn, xin đừng gây tiếng ồn ào, nếu Ngài muốn vào thành, xin giữ yên lặng. Hôm nay bậc Trí Giả dùng bơ tươi, nên cử tiếng ồn. Khi đến các cổng thành kia, họ cũng bảo như vậy.
Đến cổng thứ bảy, lão hội kiến bậc Đại Sĩ và bậc Đại Sĩ ra vẻ muốn nói chuyện, quân hầu liền thưa: Thưa chúa công, Ngài vừa uống một liều bơ tươi thật mạnh, cớ sao Ngài lại trò chuyện với lão Bà La Môn khốn nạn này?
Thế là họ ngăn Ngài lại. Khi lão kia bước vào, lão không tìm được chỗ ngồi cũng không có chỗ nào đứng bên tọa sàng của Ngài được, lão liền bước qua lớp phân bò ẩm ướt rồi đứng lại. Lúc ấy một kẻ nhìn thấy lão, liền dụi mắt, một kẻ nhướng mày và một kẻ gãi cùi chỏ.
Lão thấy vậy, bực mình bảo: Thưa bậc Trí Giả, ta đi đây.
Một kẻ khác đáp: Ô hay, tên Bà La Môn khốn nạn kia, đừng làm ồn ào, nều không ta sẽ bẻ gãy xương ngươi ra. Lão hoảng hốt nhìn lui, thì một kẻ lấy gậy đánh lưng lão, kẻ khác nắm cổ lão đẩy ra, kẻ khác đấm vào lưng lão cho đến lúc lão kinh hoàng bỏ chạy như con hươu trong miệng hổ báo và trở về cung.
Lúc bấy giờ Vua nghĩ thầm: Hôm nay Vương nhi sẽ hài lòng khi được tin này. Hai bậc Trí Giả sẽ đàm đạo tương đắc biết bao về đạo pháp.
Hôm nay họ sẽ giải hòa và ta sẽ là người thắng cuộc, vì thế khi Vua thấy Kevatta, ông liền ngâm kệ hỏi về cuộc đàm đạo ấy:
Việc Ngài hội kiến Ma sa dha,
Diễn tiến ra sao, Ke vat ta,
Xin hãy nói ngay cho trẫm biết,
Ma sa dha có muốn cầu hòa?
Kevatta đáp lại: Tâu Đại Vương, Đại Vương nghĩ đó là bậc Trí Giả, nhưng thật chẳng có kẻ nào tồi tệ hơn nữa.
Và lão ngâm kệ:
Kẻ kia bản chất thật gian tà,
Tâu Đại Vương, ngoan cố, xấu xa,
Khó chịu, tính tình đầy độc ác,
Như người câm điếc, chẳng lời ra.
Lời này không làm vừa lòng Vua, nhưng Vua cũng không bắt bẻ gì được. Vua liền ban cho Kevatta và đám hầu cận mọi thứ cần dùng và một ngôi nhà để ở, rồi bảo lão lui về an nghỉ.
Sau khi lão đi rồi, Vua nghĩ thầm: Vương nhi là bậc Trí, biết rõ cách cư xử nhã nhặn, tuy thế Vương nhi lại không muốn nói chuyện lịch sự với lão này, cũng không muốn thấy lão, chắc hẳn Vương nhi đã thấy nguyên cớ bất an sau này rồi.
Và ông ngâm kệ:
Quyết định này sao khó hiểu vậy,
Một nguyên nhân thật rõ ràng thay,
Được người dũng cảm này tiên đoán,
Vì vậy thân ta rung động đây,
Ai sẽ là người mất tính mạng,
Và rơi vào địch thủ cao tay?
Chắc chắn Vương nhi đã thấy mối nguy hại nào đó trong cuộc viếng thăm cũa lão Bà La Môn này. Lão chẳng đến đây vì mục đích thân hữu đâu. Ắt hẳn lão muốn lôi kéo ta bằng sắc dục, khiến ta phải đến Kinh Thành của lão rồi bắt lấy ta.
Bậc Trí Giả chắc thấy trước nguy cơ nào đó sắp xảy ra?
Trong lúc Vua đang quay cuồng lo lắng với những ý nghĩ trong đầu, thì bốn hiền Thần bước vào.
Ông bảo Senaka: Này Senaka, khanh nghĩ trẫm có nên đến thành Uttarapãncàla và cầu hôn công chúa Cùlani chăng?
Lão đáp: Tâu Đại Vương, sao Đại Vương lại nói vậy?
Khi duyên lành đến Đại Vương, ai dám xua đuổi nó được?
Nếu Đại Vương đến đó và cầu hôn công chúa, thì chẳng có vị Vua nào sánh bằng Đại Vương trong toàn Cõi Diêm Phù Đề trừ Vua Cùlani Brahmadatta, vì Đại Vương đã kết duyên được với công chúa của vị Đại Đế đệ nhất.
Đại Đế kia biết các Vương Tử khác đều chỉ là Chư Hầu của Ngài, còn Vua Vedeha duy nhất có thể sánh bằng Ngài thôi, nên mới mong gả công chúa diễm lệ vô song ấy. Xin Đại Vương cứ làm theo lời Ngài và chúng thần cũng sẽ được ban tặng y phục cùng vật trang hoàng.
Khi Vua hỏi các vị kia, họ cũng đều trả lời như vậy.
Trong lúc họ đang đàm đạo thì lão Bà La Môn Kevatta từ tư dinh đến tạ từ Vua để ra về, lão nói: Tâu Đại Vương, thần không thể ở lại đây được nữa, xin cho phép thần ra về, tâu Chúa Thượng. Vua trọng đãi lão rồi cho lão ra về.
Khi bậc Đại Sĩ hay tin lão đi rồi, Ngài tắm rửa, thay quần áo và vào chầu Vua, cung kính bái Vua rồi ngồi qua một bên.
Vua nghĩ thầm: Vương nhi Mahosadha là bậc Trí Giả vĩ đại, đầy tài ứng biến, thông hiểu quá khứ hiện tại và vị lai, vậy sẽ biết được ta nên đi hay không.
Tuy thế, bị mê mờ vì tham dục, Vua không giữ được quyết định đầu tiên, và ngâm kệ hỏi:
Sáu người một ý thật hòa đồng
Là các Bậc Hiền Trí thượng nhân,
Đi, hoặc không đi và ở lại,
Ma ho sad hãy nói ta cùng.
Lúc ấy bậc Trí Giả nghĩ thầm: Vua này ham đắm sắc dục quá độ, nên mù quáng điên rồ nghe theo lời bốn lão kia. Ta sẽ bảo cho Vua biết việc ra đi tai hại dường nào và can gián Ngài.
Thế là Ngài ngâm bốn vần kệ sau:
Ngài có biết chăng, tâu Đại Vương,
Cù La Ni thế lực hùng cường,
Vua kia muốn giết Ngài như thể,
Lập hố bắt nai với lúa hương!
Như cá tham ăn, không nhận thấy,
Lưỡi câu giấu kín dưới mồi ngon,
Một người đời chẳng hề trông thấy,
Bóng dáng đâu đây của Tử Thần.
Cũng vậy, đầy tham dục, Đại Vương,
Không sao nhận thấy vị công nương,
Con Cù La Đế là Thần chết,
Vì chính Ngài là một thế nhân.
Đại Vương cứ đến Pãn Cà La,
Và tự diệt vong chốc lát mà,
Như chú nai kia lâm đại nạn,
Trên con đường nọ bị sa cơ.
Nghe lời quở trách nặng nề như thế, Vua nổi cơn thịnh nộ:
Gã này tưởng ta là nô lệ của gã.
Ông nghĩ thầm: Gã quên rằng ta là vị chúa tể, gã biết rằng vị Đại Đế kia nhắn gả công chúa cho ta mà không nói ra được một lời chúc tụng tốt lành nào, lại dám tiên đoán ta sẽ bị bắt, rồi bị giết như con nai ngu xuẩn hay con cá mắc câu hoặc con hươu bị bắt trên đường.
Lập tức Vua ngâm kệ:
Trẫm thật điếc ngấm câm, ngu dại thay,
Hỏi ngươi những việc tối cao vậy!
Làm sao ngươi hiểu như người khác
Khi đã lớn lên bám lưỡi cày?
Cùng với những lời thóa mạ này, Vua phán: Gã nông dân này đang cản trở duyên may của trẫm, hãy cút đi!
Rồi ông ngâm kệ, để tống Ngài ra:
Bắt lấy gã này, tóm cổ mau,
Tống ra khỏi xứ sở ta nào,
Con người dám nói hòng ngăn cản,
Việc trẫm sắp đi lấy bảo châu!
Nhưng Ngài thấy Vua thịnh nộ, liền nghĩ thầm: Nếu có kẻ nào tuân lệnh Vua lôi cổ, nắm tay ta hay đụng vào thân ta, ta sẽ bị ô nhục đến ngày tàn, vậy ta muốn tự mình ra đi mà thôi. Thế là Ngài từ tạ Vua về tư dinh.
Lúc bấy giờ Vua chỉ nói thế trong cơn thịnh nộ, nhưng vì kính nể bậc Đại Sĩ nên ông không ra lệnh cho ai thi hành điều ấy cả.
Bậc Đại Sĩ lại nghĩ thầm: Vua này thật ngu muội, không biết chuyện lợi hại cho mình. Vua lại đang si tình, nên định đi đón công chúa về, mà không thấy hiểm họa đang kề gần, sẽ đi đến chỗ diệt vong. Ta không nên bận tâm đến lời lẽ của Vua. Đó là đại ân nhân của ta, đã hậu đãi ta lâu nay.
Ta phải tỏ lòng trung thành với Vua, nhưng trước hết ta phải cho gọi chim két vào và tìm hiểu sự thật, rồi ta sẽ đích thân đi việc này. Thế là Ngài cho gọi chim két.
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:
Sau đó Ngài đi khuất mắt Vua,
Nói cùng chim két Màthara:
Đến đây, anh vũ màu xanh lục,
Bạn hãy làm công việc giúp ta.
Pãncà Đại Đế có Maynah,
Canh giữ Vương sàng của Đức Vua,
Hỏi nó ngọn nguồn, vì nó biết,
Điều cơ mật của KoSiYa.
Mà tha ra, trí điểu nghe rồi,
Két lục bay đi đến tận nơi,
Trú ngụ chim MayNah quý tộc,
Ma tha ra trí điểu trao lời,
Với Maynah giọng du dương ấy,
Trong chiếc lồng son đẹp tuyệt vời:
Bạn ơi, bạn có được khang an,
Trong chiếc lồng vàng của bạn chăng,
Hạnh phúc có tràn đầy, Vệ Xá,
Họ cho bạn đủ mật, ngô rang?
Em đầy an lạc, hỡi Tôn ông,
Quả thật nơi đây hạnh phúc tròn,
Họ tặng em ngô rang, mật ngọt.
Hỡi Anh Vũ có trí tinh thông,
Sao Ngài đến, vậy ai sai đến,
Em chẳng hề nghe thấy quý ông?
Khi nghe vậy, két nghĩ thầm: Nếu ta bảo ta từ Mithilà đến, chắc nó chẳng bao giờ tin cậy ta, vì lo bảo vệ sinh mạng mình. Trên đường đi ta có thấy Kinh Thành Aritthapura, trong Quốc Độ Sivi, vậy ta sẽ bịa chuyện nói là Vua Sivi phái ta đến đây.
Két bảo:
Ta là thị giả chúa Sivi,
Ở chính trong cung điện xứ kia,
Từ đó vị minh quân giải thoát,
Các tù nhân được tự do đi.
Chim Maynah liền cho két bắp rang tẩm mật cùng nước mật để sẵn cho nó trên dĩa vàng, rồi bảo: Thưa Tôn ông, Ngài từ phương xa đến, Ngài mang theo những vật gì?
Két bịa chuyện, vì muốn biết điều bí mật và đáp:
Ta có vợ hiền một thuở xưa,
Du dương tiếng hót, một Maynah,
Rồi chim ưng nọ vồ nàng chết,
Mang xác nàng đi trước mắt ta.
Chim Maynah hỏi: Làm thế nào diều hâu giết hại hiền tỷ được?
Két liền kể câu chuyện này: Cô nương hãy nghe đây. Một ngày nọ Vua ta cho phép ta dự tiệc nước của Ngài. Ta và hiền thê cùng đến nô đùa. Buổi chiều tối chúng ta cùng Vua trở về cung, muốn cho lông khô ráo, ta cùng hiền thê bay ra đậu trên nóc cung điện.
Lúc ấy một con diều hâu sà xuống chụp lấy chúng ta khi chúng ta vừa rời nóc cung, ta kinh hoảng bay nhanh để bảo vệ tính mạng, còn hiền thê ta đang thai nghén nên không bay nhanh được, thế là nó giết hại nàng ngay trước mắt ta và tha đi. Đức Vua thấy ta thương khóc vì mất nàng nên hỏi nguyên do.
Khi nghe sự việc xảy ra, Ngài phán: Thôi hiền hữu, thế là đủ rồi, đừng khóc nữa, hiền hữu hãy đi tìm vợ khác.
Ta đáp: Tâu chúa công, tiểu thần đâu cần cưới một vợ khác độc ác xấu xa?
Tiểu thần sống một mình tốt hơn.
Ngài bảo: Này hiền hữu, trẫm biết một con chim đức hạnh như vợ bạn, cận thần của Vua Cùlani cũng là một chim Maynah như vợ bạn vậy. Hãy đi cầu hôn nàng. Xin nàng đáp lại. Nếu nàng ưng thuận, hãy đến nói cho trẫm rõ, trẫm hoặc Hoàng Hậu sẽ đi cưới nàng về thật trọng thể. Nói xong, Ngài phái ta đi, vì thế ta đến đây.
Két lại nói:
Yêu quý vợ hiền, ta đến đây,
Nếu nàng cho phép, tự hôm nay,
Chúng ta có thể cùng nhau hưởng,
Cuộc sống lứa đôi hạnh phúc thay.
Lời này khiến Maynah vô cùng đẹp ý nhưng không muốn lộ ý ra, nàng đáp như thể không ưng thuận:
Anh Vũ phải yêu Anh Vũ thôi,
Maynah kết hợp Maynah hoài,
Làm sao có thể đem hòa hợp,
Anh Vũ, Maynah thật đẹp đôi?
Két nghe vậy nghĩ thầm: Nàng đâu khước từ ta, nàng chỉ làm ra vẻ quan trọng thế thôi, chắc chắn nàng yêu ta thật tình rồi. Ta sẽ tìm lời ví von cho nàng tin tưởng ta.
Vì thế két bảo:
Khi kẻ si tình yêu quý ai,
Dù Chiên đà hạ liệt mà thôi,
Họ đều đồng đẳng bên nhau cả,
Trong ái tình không có khác sai.
Nói xong, két lại tiếp tục hỏi về mức độ khác nhau trong dòng giống loài người:
Mẫu thân của Chúa Thượng Sivi,
Tên gọi là Jam bà va tì,
Bà đã được lên ngôi Chánh Hậu,
Và Su Hắc đế vẫn yêu vì.
Lúc bấy giờ Mẫu Hậu của Vua Sivi, bà Jambàvatì, thuộc dòng Chiên Đà La, là ái Hậu của Vua Vàsudeva, một vị Vua trong bộ tộc Kanhàgana, vị Thái Tử trong số mười Hoàng Tử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Hai - Phẩm Mười Ba La Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Ma Ha Diễn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thế Gian - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Hai Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh Lâm