Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Tám - Chuyện đường Hầm Vĩ đại - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM TÁM
CHUYỆN ĐƯỜNG HẦM VĨ ĐẠI
PHẦN NĂM
Khi hai vị đang nói chuyện như trên, đám quân sĩ chú ý đến hảo tướng của bậc Đại Sĩ, liền bảo nhau: Đại Vương đang đàm đạo với bậc Trí Giả Mahosadha.
Các Ngài đang bàn luận gì đây?
Ta thử nghe xem sao.
Rồi họ đến gần Vua, nhưng bậc Trí Giả khi nghe Vua nói xong, liền đáp lại: Đại Vương không biết ta là bậc Trí Giả Mahosadha, ta không để Đại Vương giết ta đâu. Mưu kế Đại Vương đã hỏng, những điều Đại Vương cùng Kevatta đã nghĩ trong tâm không xảy ra đâu, mà vừa xảy ra những việc Đại Vương chỉ nói đầu môi chót lưỡi.
Rồi Ngài giải thích sự việc như sau:
Sấm sét của Ngài thật uổng công,
Âm mưu đã hỏng, hỡi Quân Vương!
Vua ta khó bắt cho Ngài quá,
Như tuấn mã so với ngựa thường!
Vua ta đã vượt quá Sông Hằng,
Vào tối qua cùng các cận thần,
Ngài sẽ giống như con quạ nọ,
Cố công săn bắt Thiên Nga Vương!
Một lần nữa, như con sư tử giương bờm dũng mãnh, Ngài phát họa một ảnh dụ qua các lời sau:
Chó rừng đang ở giữa đêm trường,
Nhìn thấy hoa cây phượng đỏ hồng,
Cứ tưởng hoa kia là miếng thịt,
Súc Sinh hạ liệt họp từng đàn.
Khi các canh khuya ấy đã qua,
Mặt Trời đã xuất hiện dần ra,
Chó nhìn cây phượng đầy hoa nở,
Thất vọng, súc sinh thật xấu xa!
Hỡi Đại Vương, cũng giống các Vua,
Đã bao vây chúa Vi Đề Ha,
Sẽ tan hy vọng và đi mất,
Như lũ chó rừng tránh phượng hoa!
Khi Vua nghe những lời lẽ can trường như vậy, nghĩ thầm: Tên nông dân này nói năng thật bạo dạn, chắc chắn Vua Vedeha đã trốn thoát.
Vua liền nổi cơn thịnh nộ, nghĩ thầm: Xưa kia vì tên nông dân này mà ta chẳng còn mảnh vải che thân, nay cũng vì gã mà kẻ thù đã làm hại ta quá nhiều, ta phải trả thù gã cả hai chuyện mới được.
Vua liền ban lệnh như sau:
Cắt hết tay chân, tai mũi ra,
Vì tên kia thả Vi Đề Ha,
Kẻ thù đã thoát tay ta đó,
Xẻo thịt, đem chiên nấu chín mà,
Vì tên kia thả Vi Đề chúa,
Kẻ thù đã thoát khỏi tay ta!
Như tấm da trâu trải đất bằng,
Hoặc da sư, hổ được đem căng,
Bằng cây cọc, vậy ta mong muốn,
Căng nọc nó và lấy giáo đâm,
Vì nó thả Vi Đề chúa tể,
Kẻ thù ta thoát khỏi giam cầm!
Nghe vậy bậc Đại Sĩ mỉm cười nghĩ thầm: Vua này không biết là Hoàng Hậu và hoàng gia đã được ta chở về Mithilà rồi, nên mới ra lệnh bắt ta như vậy.
Nhưng trong cơn thịnh nộ, Vua ấy có thể lấy cung tên đâm xuyên thân ta, hay làm một chuyện gì đó cho hả dạ, vậy ta phải làm cho Vua ấy hoảng hốt đau buồn, rồi ngất xỉu trên lưng voi khi ta kể chuyện cho Vua nghe mới được.
Ngài liền nói:
Nếu chặt tay chân, tai mũi ta,
Vi Đề chúa sẽ chặt Can Da,
Can dì, Hoàng Hậu Nan Dà nữa,
Công chúa cùng Hoàng Tử cả nhà!
Nếu xẻo ta rồi xiên thịt ta,
Vi Đề chúa sẽ xẻo Can Da
Can Dì, Hoàng Hậu Nandà nữa,
Công chúa và Hoàng Tử cả nhà!
Nếu đóng cọc ta, đâm giáo ta,
Vi Đề sẽ đóng cọc Can Da,
Can dì, Hoàng Hậu Nan Dà nữa,
Công chúa và Hoàng Tử cả nhà!
Vậy việc kia đã được mật bàn,
Giữa ta và chính Vi Đề Vương,
Giống như tấm chắn bằng da thuộc,
Dầy một trăm tầng được khéo làm,
Bởi các thợ da, là vật dụng,
Đề phòng tên nọ bắn xuyên ngang.
Ta mang hạnh phúc, tránh đau buồn,
Cho chúa Vi Đề Ha vẻ vang,
Ta thoát âm mưu Ngài dự tính,
Như khiên tránh khỏi mũi tên đâm.
Nghe thế, Vua nghĩ thầm: Tên nông dân này nói gì thế, nếu ta làm gì gã thì Vua Vedeha cũng sẽ làm thế cho gia quyến ta ư?
Gã chẳng biết ta đã cho canh phòng thê tử ta rất cẩn mật, nên cứ dọa ta như thế vì sợ chết ngay đây, ta không tin lời gã nói đâu.
Bậc Đại Sĩ đoán biết rằng Vua tưởng Ngài nói thế vì sợ chết, nên Ngài quyết định giải thích rõ.
Ngài nói: Đại Vương xin hãy bước vào trong,
Các nội cung đều đã trống không:
Hoàng Hậu, hoàng nhi, Hoàng Thái Hậu,
Thảy đều được dẫn xuống đường hầm.
Chiến Vương hỡi! Họ được giao phó,
Vi Đề Vương giám sát hộ phòng.
Lúc ấy Vua nghĩ thầm: Bậc Trí Giả này nói có vẻ chắc chắn, ta đã nghe đêm qua bên Sông Hằng có giọng của Hoàng Hậu Nandà, bậc Trí Giả này thật là tài tình, chắc đang nói sự thật đây.
Vua thốt nhiên đau khổ ghê gớm, nhưng cố thu hết can đảm giấu nỗi buồn phiền, phán bảo thị vệ đi điều tra tin tức và ngâm bài kệ này:
Mau bước vào trong các nội cung,
Xem lời tên nọ đúng hay không?
Tên thị giả cùng quân hầu đi ra mở cửa cung bước vào, ở đó toàn kẻ tay chân bị trói, nhét giẻ vào mồm, treo trên cọc, gã thấy quân canh hậu cung, những tên lùn, gù lưng đều thế, cả chén bát đổ vỡ vung vãi khắp nơi, cùng với thức ăn uống, cửa kho tàng đều bị mở tung, kho đã bị cướp phá sạch, các phòng ngủ mở toang cửa, bầy quạ bay qua cửa sổ mở vào trong, chẳng khác nào một làng bỏ hoang hay bãi tha ma.
Gã thấy cung điện trong cảnh tiêu điều ấy, liền báo tin cho Vua:
Ma Ho Sad nói đúng, minh quân,
Nội điện Hoàng Cung đã trống không,
Như một làng bên bờ bến nước,
Được bầy quạ trú ẩn nương thân.
Vua run rẩy buồn rầu sợ mất các người thân yêu, liền nói: Ta gặp nỗi đau buồn này cũng do gã nông dân kia.
Rồi giống như con rắn bị đánh một gậy, ông hết sức phẫn nộ với Bồ Tát.
Khi bậc Đại Sĩ thấy dáng điệu của Vua như vậy, Ngài nghĩ thầm:
Nhà Vua này đang được đại vinh hiển, nếu trong cơn thịnh nộ liền nói: Ta phải làm gì trước những việc như thế?
Vì lòng kiêu mạn của chiến sĩ, Vua ấy có thể làm hại ta. Giả sử ta tả sắc đẹp của Hoàng Hậu Nandà cho Vua nghe, làm như thể ông chưa từng gặp được Hoàng Hậu, ông sẽ thương nhớ bà và hiểu rằng ông sẽ không bao giờ thấy lại được nữ báu ấy nếu giết ta đi. Như vậy vì thương yêu Hoàng Hậu, Vua sẽ không làm hại ta nữa.
Thế là đứng an toàn trên thượng lầu, Ngài khoát cánh tay sắc vàng óng từ dưới vạt hồng y của Ngài lên và chỉ về hướng Hoàng Hậu đã ra đi, Ngài tả dung sắc của Hoàng Hậu như vậy:
Giai nhân có sắc đẹp toàn thân,
Đã bước lối này, hỡi Đại Vương,
Giọng nói bà: Thiên nga trổi nhạc,
Môi bà như các phiến vàng ròng,
Giai nhân có sắc đẹp toàn thân,
Được dẫn lối này, hỡi Đại Vương,
Đã khoác xiêm y màu lụa sẩm,
Đai lưng sáng rực kết vàng ròng.
Đôi chân hồng đỏ trông kiều diễm,
Đai kết vàng ròng với bảo trân,
Đôi mắt bồ câu, hình yểu điệu,
Đôi môi như trái Bimba rừng.
Lưng eo thon dịu, dáng cao sang,
Như một cây leo, giống cát đằng,
Hoặc chỗ tế đàn cao, giữa hẹp,
Tóc dài đen nhánh, dưới cong cong,
Như nai tơ, thuộc dòng cao quý,
Như ngọn lửa hồng giữa tiết đông!
Như dòng sông ẩn dưới sườn non,
Trong đám cây leo bé cỏn con,
Tuyệt sắc giai nhân hoàn hảo quá,
Ngực đầy như trái tin dook tròn,
Cũng không ngắn quá, không dài quá,
Cũng chẳng nhiều lông, chẳng trụi lông!
Trong lúc bậc Đại Sĩ ca tụng dung sắc diễm kiều của bà như vậy, Vua cảm thấy như thể mình chưa gặp bà bao giờ cả, một nỗi khát khao ghê gớm khởi lên trong lòng ông.
Bậc Đại Sĩ nhận thấy thế, lại ngâm kệ sau:
Vậy Ngài, Đại Đế vinh quang,
Thấy Nan Dà chết, hân hoan trong lòng,
Thì Nan Dà sẽ cùng thần,
Đến trình diện trước Diêm Vương bây giờ!
Bậc Đại Sĩ ca tụng Hoàng Hậu Nandà như vậy, chứ không ca tụng ai khác, lý do là: Người ta không thương yêu ai bằng ái thê của mình. Ngài chỉ ca tụng bà, vì Ngài nghĩ nếu Vua nhớ đến bà, ông cũng sẽ nhớ đến các con. Trong lúc bậc Đại Sĩ ca tụng bà bằng giọng ngọt như mật, Hoàng Hậu Nandà như thể hiển diện toàn thân ra trước mắt Vua.
Lúc ấy ông nghĩ thầm: Không ai ngoài Mahosadha có thể đem ái hậu về cho ta. Nhớ đến bà, nỗi đau buồn lại dâng lên trong lòng ông.
Bậc Đại Sĩ nói: Tâu Đại Vương, xin đừng sầu khổ, Hoàng Hậu, Hoàng Tử và Hoàng Thái Hậu sẽ trở về đây, với điều kiện duy nhất là thần được trở về trước, xin Đại Vương hãy an lòng.
Ngài trấn an Vua và Vua lại nói: Ta canh phòng Kinh Thành của ta thật cẩn mật, ta đã bao vây thành Upakàri này với đoàn quân sĩ thật đông đảo, thế mà kẻ tài trí này vẫn đem ra khỏi thành được canh kỹ kia toàn thể Hoàng Hậu, Hoàng Tử, hoàng Thái Hậu và đưa họ đến thành Vedeha.
Trong lúc ta đang vây hãm thành này, mà không một ai hay biết, kẻ này lại đưa Vua Vedeha thoát đi cùng quân sĩ và voi ngựa chuyên chở, có thể rằng kẻ này có thần thông hay là có cách làm mờ mắt ta chăng?
Và ông hỏi Ngài như sau:
Nhà ngươi có pháp thuật ư?
Hay là ngươi đã làm mờ mắt ta?
Nên ngươi cứu chúa Đề Ha,
Kẻ thù ta thoát tay ta giam cầm?
Nghe thế, bậc Đại Sĩ đáp: Tâu Đại Vương, tiểu thần có thần thông biến hóa, vì các Trí Giả học được phép thần thông, sẽ giải cứu luôn bản thân cùng các người khác, khi tai họa đến.
Tâu Đại Vương, các trí nhân,
Vẫn thường học phép thần thông ở đời.
Trí nhân đầy đủ kế tài,
Bản thân giải thoát ra ngoài gian lao.
Tiểu thần có các quân hầu,
Khéo tài phá vỡ các hào lũy ra,
Họ làm cách ấy giúp Vua,
Vi Đề đã đến Mi La Kinh Thành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Một - Kinh Tiểu Tụng - Chương Năm - Kinh ðiềm Lành
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sư Tử Hống - Phần Năm - Bốn Loại Sanh
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tỳ La - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Tám - Kinh Khỉ Nắm Nắm đậu
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Mười Chín
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Một - Phẩm Biết Ba đời