Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Tám - Chuyện Yết Kiến Vua Với Con Lừa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM TÁM  

 CHUYỆN YẾT KIẾN VUA VỚI CON LỪA  

Lúc ấy Vua rất hoan hỷ bảo Senaka: Này khanh, trẫm có nên triệu bậc Trí Giả ấy về triều chăng?

Nhưng ông ganh ghét vì thấy kẻ khác được vinh hiển, liền tâu: Như thế chẳng có gì phải gọi là bậc Trí Giả cả, ta hãy chờ xem.

Nghe vậy Vua nghĩ thầm: Hiền Giả Mahosadha thật là tài trí dù còn bé khiến ta rất ái mộ. Trong những cuộc thử thách đầy bí hiểm và những lần đối đáp phản công vừa qua, vị này đã ứng đối như một vị Phật. Tuy nhiên một người tài trí như vậy thì Senaka lại không muốn ta triệu hồi về triều cho ta.

Vậy ta cần gì Senaka đã chứ?

Ta cứ triệu vị ấy về đây. Thế là Vua cùng với một đám đông tùy tùng khởi hành đến ngôi làng ấy và Vua ngự trên Vương mã. Nhưng vừa lên đường thì con ngựa sụp hố gãy chân, Vua phải trở về cung.

Senaka liền vào yết kiến Vua và nói: Tâu Đại Vương, phải chăng Đại Vương đã đi về Đông thị trấn để đem bậc Trí Giả vào triều?

Chính phải, hiền khanh.

Senaka lại tâu: Đại Vương xem Tiểu Thần chẳng vào đâu cả. Tiểu Thần xin Đại Vương chờ đợi một ít lâu, nhưng Đại Vương cứ vội ra đi và vừa lên đường thì Vương mã bò gãy chân. Vua không nói gì với ông nữa.

Một ngày kia, Vua lại hỏi Senaka: Trẫm triệu hồi vị Hiền Trí này về triều được chăng, hiền khanh Senaka?

Tâu Đại Vương, nếu vậy xin Đại Vương đừng tự thân hành ngự đi, mà chỉ cần cho sứ giả đến bảo: Này Hiền Giả, trẫm đã thân hành đi triệu hồi Ngài và con ngựa của trẫm bị gãy chân, vậy hãy tiến cung một con ngựa tốt hơn và một đại tuấn mã.

Nếu vị ấy chọn chuyện đầu tiên, vị ấy sẽ đích thân về triều, nếu chọn chuyện thứ hai, vị ấy sẽ nhờ thân phụ đi thế. Như vậy cũng là việc để thử thách vị ấy nữa.

Vua cho sứ giả đem lệnh ấy ra đi. Bậc Trí Giả khi nghe vậy, hiểu ngay rằng Vua mong muốn gặp Ngài và phụ thân Ngài.

Ngài liền đi tìm phụ thân và chào hỏi: Thưa phụ thân, Đức Vua muốn gặp cha con ta. Xin phụ thân lên đường trước cùng đoàn tùy tùng gồm cả ngàn thương nhân. Khi đi đường, phụ thân đừng đi hai tay không, mà đem theo một hộp bằng gỗ đàn hương đựng đầy bơ tươi.

Đức Vua sẽ ân cần chào hỏi thân phụ và mời thân phụ ngồi ghế gia chủ, xin thân phụ cứ ngồi xuống. Khi ấy, con sẽ đến, Đức Vua cũng lại ân cần chào đón con và mời con ngồi một ghế như vậy. Rồi con sẽ nhìn thân phụ.

Thân phụ đưa ám hiệu và đứng lên bảo: Hiền Giả Mahosadha nam tử, hãy ngồi xuống đi. Vấn đề lúc ấy sẽ chín muồi để ta giải quyết. Thân phụ Ngài làm theo như vậy. Khi đến cung, ông xin trình Vua họ đã đến, rồi được Vua cho vào, ông đến tung hô chúc tụng Vua xong và đứng sang một bên. Vua ân cần chào đón ông và hỏi thăm bậc Trí Giả Mahosadha nam tử ở đâu.

Tâu Đại Vương, hiền nhi sẽ đến sau Tiểu Thần. Vua hài lòng khi nghe bậc Trí Giả sắp đến, liền mời thân phụ Ngài ngồi xuống một nơi thích hợp. Ông ngồi xuống. Trong lúc ấy, bậc Đại Sĩ được trang sức xiêm y cực kỳ lộng lẫy, cùng với một ngàn nhi đồng theo hầu, ngồi trên chiếc xe thật sang trọng uy nghi.

Khi đến Kinh Thành, Ngài thấy một con lừa đứng cạnh một cái hố, liền bảo mấy người bạo dạn bịt miệng con lừa lại để cho nó khỏi kêu, xong bỏ nó vào bao vát lên vai. Họ làm như vậy, rồi Bồ Tát vào cung với đoàn tùy tùng đông đảo của Ngài. Dân chúng không ngớt tán thán Ngài.

Họ la lên: Đây là bậc Trí Giả Mahosadha, nam tử của phú ông Sirivaddhaka, người ta bảo Ngài sinh ra có cây thuốc thần trong tay, chính Ngài đã biết cách giải đáp mọi vấn đề được đặt ra để thử tài Ngài. Khi đến trước cung, Ngài bảo trình Vua Ngài đã đến.

Vua rất đẹp ý, liền bảo: Hãy mời Trí Giả Mahosadha nam tử của trẫm mau vào chầu. Vì thế Ngài liền vào cung cùng đám tùy tùng. Tung hô Vua xong, Ngài đứng sang một bên. Vua rất hoan hỷ khi trông thấy Ngài nên nói giọng rất ngọt ngào, ban lệnh cho Ngài tìm một nơi thích hợp mà ngồi. Ngài liền nhìn cha, ông thấy ám hiệu liền đứng dậy mời con ngồi chỗ ấy, Ngài liền ngồi ngay.

Thế là các kẻ ngu si đằng kia như Senaka, Pukkusa, Kàvinda, Devinda cùng nhiều kẻ khác nữa, thấy Ngài ngồi như vậy, liền vỗ tay cười rộ lên và bảo: Đây là thằng ngốc đui mù mà chúng bảo là bậc Trí Giả. Nó bảo cha nó đứng dậy để nó ngồi vào chỗ ấy. Chắc chắn không thể gọi nó là bậc Trí Giả được. Vua cũng tiu nghỉu như mèo cụt tai.

Bậc Trí Giả liền hỏi: Tâu Đại Vương, Đại Vương không đẹp ý chăng?

Đúng vậy, này Hiền Giả, trẫm buồn lắm. Trước đây trẫm rất hoan hỷ khi nghe nói về Hiền Giả, nhưng nay gặp Hiền Giả trẫm lại không được vừa lòng.

Tại sao như vậy?

Chỉ vì khanh bảo thân phụ khanh đứng dậy để khanh ngồi vào chỗ ấy.

Tâu Đại Vương, Ngài cho rằng lúc nào cha ông cũng hơn con cái cả hay sao?

Đúng vậy, này Hiền Giả.

Thế Đại Vương đã không ban lệnh cho tiểu thần tiến dâng một tuấn mã tốt hơn nữa hoặc một đại tuấn mã ưu tú nhất đó sao?

Nói xong, Ngài đứng dậy nhìn các nhi đồng theo hầu Ngài và bảo: Đem con lừa của các bạn vào đây.

Đặt con lừa trước mặt Vua, Ngài tiếp tục hỏi: Tâu Đại Vương, con lừa này đáng giá bao nhiêu?

Vua đáp: Nếu dùng được thì nó đáng giá tám đồng tiền ru pi.

Nhưng nếu nó tạo được một con la con với một ngựa cái thuần giống Sindh thì giá con la sẽ bao nhiêu?

Thế thì nó vô giá.

Tâu Đại Vương, tại sao Ngài lại nói vậy?

Ngài chẳng vừa bảo là bất cứ lúc nào ông cha cũng hơn con cái cả hay sao?

Theo như Ngài nói thì con lừa phải đáng giá hơn con la chứ!

Giờ đây các bậc Trí Giả của Ngài đã không vỗ tay chế nhạo tiểu thần chỉ vì họ không biết điều ấy đó sao?

Vậy tài trí của các bậc Trí Giả ấy ở đâu chứ?

Đại Vương đã tìm họ ở đâu ra vậy?

Rồi tỏ vẻ khinh thường cả bốn vị kia, Ngài đọc bài kệ này trong Chương một, trình Vua:

Tâu Đại Vương, Ngài vẫn nghĩ rằng

Con luôn thua kém bậc cha ông?

Thế thì lừa phải hơn la chứ,

Lừa ấy với la chính phụ thân!

Sau đó, Ngài tiếp tục nói: Tâu Đại Vương, nếu ông cha phải hơn con cái thì xin Đại Vương hãy sử dụng thân phụ của Tiểu Thần. Còn nếu con cái hơn ông cha thì xin sử dụng Tiểu Thần.

Vua rất đẹp ý và tất cả quần thần reo hò nhiệt liệt tán thán cả ngàn lần: Bậc Đại Trí Giải quyết vấn đề thật vi diệu thay!

Tiếng vỗ tay vang dậy và cả ngàn chiếc khăn quàng giơ lên vẫy tưng bừng khiến bốn vị kia tiu nghỉu. Thời bấy giờ không ai hiểu rõ hơn Bồ Tát về giá trị của Phụ Mẫu mình.

Nếu ai hỏi lúc ấy tại sao Ngài lại làm như vậy, thì đó không phải là vì Ngài xem thường thân phụ Ngài, nhưng chỉ vì khi Vua ban lệnh tiến dâng một tuấn mã tốt hơn hoặc một tuấn mã ưu tú đệ nhất, Ngài phải làm như thế để giải quyết vấn đề Vua đặt ra, để làm hiển lộ tài trí của Ngài vượt hẳn bốn vị kia.

Vua rất hoan hỷ, cầm chiếc bình vàng đựng nước hương, rót nước lên bàn tay của vị phú thương kia và phán: Khanh hãy thọ hưởng Đông thị trấn là tặng vật trẫm ban thưởng cho khanh. Các phú thương trong vùng phải thần phục vị này. Sau đó Vua lại ban thưởng mẫu thân của Bồ Tát đầy đủ các loại nữ trang.

Vì đẹp ý trước cách Bồ Tát giải quyết vấn đề con lừa, Vua ước mong nhận Bồ Tát làm con mình, liền nói với người cha Ngài: Này hiền khanh, hãy để bậc Đại trí làm con trẫm.

Ông đáp: Tâu Đại Vương, nay con của Tiểu Thần còn quá thơ dại, miệng còn hôi sữa. Nhưng khi lớn khôn, tiểu nhi xin đến hầu hạ Đại Vương.

Tuy thế, Vua vẫn phán: Này hiền khanh, từ nay đừng lưu luyến cậu bé này nữa, từ hôm nay nó là con của trẫm. Trẫm có thể nuôi nấng con của trẫm, vậy Khanh hãy đi về.

Rồi Vua ban lệnh cho ông ra về. Ông tuân lệnh Vua, ôm lấy con trong đôi vòng tay mình, hôn lên đầu và nhắn nhủ đôi điều. Cậu bé giã biệt phụ thân, khuyên cha chớ lo âu, rồi để cha ra đi.

Sau đó Vua hỏi bậc Trí Giả muốn dùng cơm bên trong cung hay ở ngoài. Ngài nghĩ rằng vớiđám tùy tùng đông đảo như vậy, tốt nhất nên ăn uống bên ngoài Cung Điện, nên tâu trình Vua theo mục đích ấy.

Vua liền ban cho Ngài một ngôi nhà hợp ý, cung cấp vật dụng đầy đủ cho một ngàn nhi đồng ăn ở tại chỗ, từ đó bậc Trí Giả phụng sự Vua.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần