Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Mốt - Phẩm Một - Phẩm Tám Mươi Bài Kệ Số Một - Chuyện Thực Phẩm Thiên Giới Tiền Thân Sudhàbhojana - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT  

PHẨM MỘT  

PHẨM TÁM MƯƠI BÀI KỆ SỐ MỘT  

CHUYỆN THỰC PHẨM THIÊN GIỚI

TIỀN THÂN SUDHÀBHOJANA  

PHẦN MỘT  

Ta không phải kẻ bán buôn rong. Chuyện này được bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana Kỳ Viên liên hệ đến một Tỳ Kheo có tâm bố thí hào phóng.

Tương truyền vị ấy là một người thuộc dòng dõi quý tộc ở tại Sàvathi Xá Vệ sau khi nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, đã xin quy y và sống đời tu hành.

Khi đã viên mãn mọi giới đức và đầy đủ các đạo hạnh của người xuất gia có lòng tràn ngập thân ái đối với các bạn đồng tu, mỗi ngày ba lần ông nhiệt tâm phụng sự Phật, Pháp, Tăng và tỏ ra gương mẫu trong đức hạnh và chuyên cần bố thí.

Muốn thành tựu giới bổn về tình thân ái, bất cứ vật gì vị ấy nhận được, ông đều bố thí cả, bao lâu còn người nhận, cho đến khi ông chẳng còn gì để ăn. Tính hào phóng và tình thân ái của ông được đồn đại khắp Tăng Chúng.

Vì vậy một hôm, câu chuyện bắt đầu trong chánh pháp đường, về một Tỳ Kheo có tâm hào phóng và chuyện bố thí đến độ dù ông chỉ nhận được nước uống vừa đủ trong lòng bàn tay, ông cũng đem cho các bạn đồng tu với tâm ly tham. Ý nguyện của vị ấy chẳng khác gì một vị Bồ Tát.

Với thiên nhĩ thông, bậc Đạo Sư nghe được chuyện Tăng Chúng đang nói, liền bước ra khỏi Hương phòng của Ngài, đến gần và hỏi Tăng Chúng đang bàn luận gì.

Khi các vị đáp chuyện như vậy như vậy Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, ngày xưa, vị Tỳ Kheo này không hề hào phóng, trái lại ông keo kiệt đến độ không thể cho một giọt dầu trên ngọn cỏ. Vì vậy, ta đã giáo hóa ông khiến ông biết hy sinh bản thân và bằng cách tán thán các công đức bố thí, ta đã an trú ông vào hạnh bố thí.

Cho nên khi nhận được nước chỉ vừa đủ trong lòng bàn tay, ông cũng nói: Ta không muốn uống một giọt nào mà không cho bớt đôi chút. Rồi ông nhận được một điều ước ta ban cho, và kết quả việc bố thí kia là ông có tâm hào phóng và chuyên bố thí.

Cùng với những lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ. Ngày xưa khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, có một gia chủ giàu tiền đến tám trăm triệu đồng và Vua ban cho ông chức giữ ngân khố.

Được Vua ban vinh hiển như thế và được dân chúng vô cùng trọng vọng, một hôm ông suy xét về cảnh thịnh vượng của đời mình, liền suy nghĩ: Cảnh vinh quang này ta đạt được không phải do lười biếng hay các ác nghiệp trong đời trước, mà là do thành tựu các công đức. Vậy ta cần phải lo liệu cuộc sống tương lai thật vững chắc.

Vì thế ông đến yết kiến Vua và thưa: Tâu Đại Vương, trong nhà hạ thần có kho báu trị giá tám trăm triệu đồng, xin Đại Vương nhận lấy từ hạ thần.

Vua đáp: Trẫm không cần tài sản của khanh, Trẫm đã có nhiều tài sản rồi, vậy cứ lấy của cải làm việc gì tùy thích.

Ông thưa: Tâu Đại Vương, hạ thần có thể đem tiền để bố thí chăng?

Vua phán: Cứ làm như khanh muốn. Ông liền ra lệnh xây sáu bố thí đường mỗi ngôi ở mỗi cổng thành, một ngôi ở giữa thành phố, và một ngôi ở cổng nhà mình, rồi mỗi ngày đem chi tiêu sáu trăm ngàn đồng tiền, ông bắt đầu làm đại sự bố thí.

Trong lúc sinh thời, ông chuyên bố thí và dạy bảo các con: Hãy cố chăm lo để đừng gián đoạn truyền thống bố thí này của cha. Đến lúc mạng chung, ông tái sinh làm SaKka Thiên Chủ Đế Thích.

Con trai ông cũng bố thí như vậy và tái sinh làm Canda Nguyệt thần, con của Canda là Suriya Nhật thần, con của Suriya là Màtali Quản xa thần và con của Màtali là Pañcasikha Ngũ kế Nhạc thần.

Bấy giờ con trai của Pañcasikha, cháu thứ sáu trong dòng ấy, là người Thủ kho tên là Maccharikosiya Triệu phú keo kiệt vẫn còn cả tám trăm triệu nhưng ông nghĩ: Tổ Tiên ta thật khờ dại. Các vị ấy đã ném bỏ tài sản do công khó góp nhặt, còn ta sẽ giữ gìn kho báu. Ta quyết không cho ma nào một xu nhỏ.

Ông liền phá hủy và đốt rụi các bố thí đường rồi trở thành kẻ keo kiệt kinh niên.

Vì thế đám hành khất tụ tập trước cổng nhà ông chìa tay ra và kêu lớn: Thưa Đại quan thủ kho, xin Ngài đừng bỏ tục cổ truyền của Tổ Tiên, mà Ngài hãy bố thí.

Khi nghe vậy, dân chúng khiển trách ông, và bảo: Vị triệu phú biển lận này đã bỏ truyền thống gia đình. Ông hổ thẹn, bảo canh giữ để ngăn đám hành khất đứng ở cổng nhà ông, vì thế họ vô cùng khốn đốn cơ cực, không còn để mắt vào cổng ấy nữa. Từ đó, ông tiếp tục cuốn tiền lại để cất, chứ không hưởng thụ phần mình cũng không chia với vợ con.

Ông sống bằng cơm gạo đỏ, dọn với tương chua, mặc áo quần vải thô, chỉ gồm toàn sợi lấy từ rễ và thân cây dâu, che đầu bằng dù lá đi chiếc xe cũ ọp ẹp do đôi bò tồi tàn kéo. Như vậy tất cả tiền bạc của con người độc ác này chẳng khác gì con chó nhặt được quả dừa.

Một hôm, khi sắp vào chầu Vua, ông nghĩ nên đưa vị phó thủ kho đi cùng, và khi đến gần nhà vị kia, ông thấy vị phó thủ kho đang ngồi giữa vợ con ăn cháo gạo với đường mịn, nấu với bơ tươi.

Khi thấy Maccharikosiya, vị ấy đứng dậy bảo: Xin mời đại quan thủ kho vào ngồi trên tọa sàng này và ăn cháo gạo cùng tiểu đệ.

Vừa trông thấy cháo gạo, miệng ông đã chảy nước miếng và muốn ăn ngay, nhưng ông chợt suy nghĩ: Nếu ta ăn một chút cháo, thì khi vị phó thủ kho đến nhà, ta phải đáp lại lòng hiếu khách của y và như vậy là sẽ tiêu phí tiền của. Ta những muốn ăn đâu.

Sau đó bị nài ép mãi, ông vẫn từ chối, bảo: Ta đã ăn rồi, ta no lắm. Song suốt buổi vị phó thủ kho ăn cháo, ông cứ ngồi nhìn và chảy nước miếng, rồi khi xong bữa, ông cùng vị ấy vào cung.

Khi về nhà, lòng ông tràn ngập nỗi thèm ăn cháo gạo, nhưng lại nghĩ: Nếu ta nói ta muốn ăn cháo gạo, nhiều người cũng sẽ muốn ăn theo và sẽ tiêu phí một số gạo giã trắng. Thôi ta chẳng muốn nói một lời với ai.

Vì thế suốt đêm ngày, ông cứ miên man suy nghĩ không gì khác ngoài cháo, nhưng vì sợ tốn tiền nên không nói với ai mà chỉ giữ cơn thèm trong lòng.

Tuy thế không thể nào chịu đựng mãi được chuyện ấy, ông dần trở nên xanh xao, và do sợ tiêu phí của cải, ông không nói thèm ăn với ai và dần dần ông kiệt sức phải nằm liệt giường.

Lúc ấy, vợ ông đến thăm, lấy tay vỗ vào lưng ông và hỏi: Phu quân có bệnh chăng?

Ông kêu to: Bà bệnh ấy chứ, ta khỏe lắm mà! Phu quân xanh xao lắm.

Phu quân có điều gì lo nghĩ?

Đức Vua không đẹp ý hay các con đối xử bất kính với chàng?

Hay chàng thèm muốn vật gì chăng?

Phải, ta đang thèm muốn. Phu quân nói cho thiếp biết với.

Bà có giữ kín miệng được chăng?

Được lắm, thiếp sẽ giữ kín mọi điều thèm muốn cần được giữ kín.

Nhưng dù vậy, do sợ tiêu phí của cải, ông không có can đảm nói với vợ, sau bị bà thúc giục mãi, ông đáp: Này bà, hôm kia ta thấy vị phó thủ kho ăn cháo gạo nấu với đường mịn, bơ tươi và mật ong, từ đấy, ta cứ thèm ăn loại cháo như vậy. Thiếp sẽ nấu cháo gạo cho cả dân thành phố Ba La Nại ăn mà.

Lúc ấy, ông cảm thấy như bị ai đánh cái gậy vào đầu, ông nổi cơn thịnh nộ với vợ và nói: Ta dư biết bà giàu có lắm. Nếu ở nhà bà thì bà tha hồ nấu cháo và cho cả thành phố ăn. Được thiếp sẽ nấu vừa đủ cho dân cả một khu phố ăn thôi.

Bà có liên hệ gì với chúng cơ chứ?

Mặc chúng ăn thứ gì chúng có. Thế thì thiếp sẽ nấu đủ cho bảy gia đình chọn rải rác đâu đó.

Chúng là gì của bà vậy?

Thế thì thiếp chỉ nấu cho gia nhân trong nhà này thôi.

Chúng là gì của bà vậy?

Thế thì thiếp chỉ nấu cho gia đình ta thôi.

Chúng là gì của bà vậy?

Thế thì thiếp chỉ nấu cho phu quân và thiếp thôi.

Ôi kìa, bà là ai chớ?

Trường hợp bà cũng không được đâu. Vậy thiếp chỉ nấu cho một mình phu quân thôi. Xin bà đừng nấu cho ta. Nếu bà nấu trong nhà, nhiều người sẽ thấy. Chỉ cần cho ta một đấu gạo giã trắng, một góc tư lít sữa, một cân đường, một hũ mật ong, và một cái nồi, ta sẽ đi vào rừng nấu cháo và ăn.

Bà vợ làm như vậy, bảo một gia nô đem tất cả những thứ ấy và ông ra lệnh gia nô đến đứng ở nơi kia.

Sau đó bảo gia nô đi khuất, một mình ông trùm kín người giả dạng đi đến đó và cạnh bờ sông dưới một góc cây, ông bảo làm cái lò, đem củi và nước cho ông rồi dặn kẻ gia nô: Đi ra đứng ở đường kia, nếu chú thấy ai, hãy ra hiệu cho ta, và khi ta gọi, chú hãy đến. Bảo tên gia nô đi xong, ông nhóm lửa và nấu cháo. Lúc ấy SaKka Thiên Chủ đang chiêm ngưỡng Kinh Thành tráng lệ của Chư Thiên, rộng mười ngàn dặm, con đường lát vàng dài sáu mươi dặm.

Tối thắng điện Vejayanta cao một ngàn dặm, thiện pháp đường bao quát năm trăm dặm, chiếc ngai hoàng thạch rộng sáu mươi dặm, chiếc lọng trắng với cành hoa vàng chu vi năm dặm, và bản thân Ngài được một đoàn tùy tùng thật huy hoàng gồm hai mươi lăm triệu Thiên Nữ. Vừa chiêm ngưỡng mọi cảnh vinh quang này.

Ngài vừa suy nghĩ: Ta đã có khả năng làm gì để đạt đến vinh quang này?

Rồi với thiên nhãn, Ngài thấy hạnh bố thí mà Ngài đã tạo nên trong thời làm quan Đại thủ kho tại Ba La Nại, và Ngài suy nghĩ: Thế nay các con cháu ta tái sinh cõi nào?

Vừa xem xét vấn đề ấy Ngài vừa nói: Con trai Canda của ta tái sinh làm Thiên Tử, và con trai nó là Suriya.

Khi để ý đến việc tái sinh của tất cả con cháu, Ngài kêu lên: Thế số phận con trai của Pañcasikha thì sao?

Quan sát kỹ, Ngài thấy truyền thống dòng dõi đã bị phá hủy, và ý tưởng này chợt đến với Ngài: Tên hà tiện độc ác này chẳng hưởng tài sản cũng chẳng cho ai cả. Truyền thống gia tộc đã bị nó phá hoại. Khi chết, nó sẽ tái sinh địa ngục. Bằng cách thuyết giáo cho nó và tái lập truyền thống gia đình, ta sẽ chỉ cho nó con đường tái sinh Thiên Giới.

Vì thế Ngài triệu tập Canda và các vị kia rồi bảo: Này, ta sẽ giáng trần:

Truyền thống gia đình ta đã bị Maccharikosiya phá hủy, các bố thí đường đã bị đốt sạch và nó chẳng hưởng thụ tài sản cũng chẳng cho ai cả, song giờ đây nó đang thèm ăn cháo gạo và suy nghĩ: Nếu nấu cháo trong nhà, thì cháo phải được đem cho người khác, nên nó vào rừng và nấu cháo một mình. 

Chúng ta sẽ đi giáo hóa nó và dạy nó hiểu kết quả của bố thí. Song nếu tất cả chúng ta đồng thời xin nó cho cháo gạo, nó sẽ ngã lăn đùng ra chết tại chỗ. Vậy ta sẽ đi trước và khi ta đã xin nó cháo rồi ngồi xuống, các khanh hãy đến, lần lượt từng vị giả dạng Bà La Môn xin cháo.

Nói vậy xong, chính Ngài giả dạng một Bà La Môn đến gần người triệu phú và kêu to: Này, đường nào đi đến Ba La Nại?

Maccharikosiya đáp: Lão có mất trí không đấy?

Lão không biết cả con đường đến Ba La Nại ư?

Tại sao lão đến đường này?

Hãy từ đây mà đi ra. SaKka giả vờ không nghe ông nói, cứ tiến gần ông, hỏi ông nói gì.

Thế rồi ông hét lên: Này, Bà La Môn điếc đặc kia, ta bảo tại sao lão đến đường này?

Hãy đi ra đường kia.

SaKka đáp lại: Tại sao ông hét to thế?

Ta thấy đây có khói và lửa, cháo gạo lại đang sôi, chắc là dịp thiết đãi các Bà La Môn đấy mà. Khi các Bà La Môn được mời ăn, ta cũng muốn hưởng đôi chút.

Tại sao ông xua ta đi?

Ở đây chẳng đãi tiệc Bà La Môn nào cả. Lão hãy cút đi.

Thế tại sao ông nổi giận như vậy?

Khi ông dùng bữa, tôi muốn xin một chút.

Ông đáp: Ta chẳng muốn cho lão dù chỉ một miếng cháo. Món ăn hiếm hoi này chỉ vừa đủ nuôi sống ta thôi, và đây cũng do ta đi xin. Lão hãy đi kiếm đồ ăn nơi khác. Ông nói vậy là muốn nhắc đến việc đã xin vợ phần gạo ấy.

Và ông ngâm kệ:

Ta không phải kẻ bán buôn rong,

Không của cho vay hoặc biếu không,

Chút cháo thí này rất khó kiếm,

Chẳng vừa dọn đủ cả ta, ông!

Nghe vậy, SaKka Thiên Chủ đáp: Ta cũng sẽ lấy giọng ngọt như mật ngâm kệ đáp lễ ông đây, hãy lắng nghe ta.

Rồi ông cố ngăn Ngài và bảo: Ta không muốn nghe kệ của lão.

Thiên Chủ SaKka vẫn ngâm đôi vần kệ:

Của ít cũng nên bố thí mà,

Của vừa cũng phải lấy cho vừa,

Của nhiều càng phải cho nhiều nữa,

Không thí, vấn đề chẳng đặt ra.

Ko si, ta nói một đôi lời:

Bố thí của ông một chút thôi,

Ông chớ một mình ăn thực phẩm,

Ăn riêng chẳng hưởng lạc cao vời,

Chính nhờ bố thí, ông thăng tiến

Đạo lộ thanh cao đến Cõi Trời.

Khi nghe lời Ngài, ông đáp: Này Bà La Môn, đây là một lời nói nhân từ của lão, thôi để khi cháo chín, lão sẽ được ăn một chút. Hãy ngồi xuống đây. SaKka ngồi xuống một bên.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần