Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Kulavaka - Chuyện Người Nô Lệ Nanda Tiền Thân Nanda
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MỘT
PHẨM KULAVAKA
CHUYỆN NGƯỜI NÔ LỆ NANDA
TIỀN THÂN NANDA
Nghĩ rằng là chỗ chôn. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư đã kể về một đệ tử của Trưởng Lão Xá Lợi Phất. Tương truyền Tỳ Kheo ấy là người dễ bảo, kham nhẫn, thường nỗ lực hầu hạ Trưởng Lão.
Một thời, sau khi xin phép Bậc Ðạo Sư, Trưởng Lão đã ra đi, bộ hành đến xứ Dakkhinagiri ở miền Nam Magadha Ma Kiệt Đà, Tỳ Kheo ấy, đến xứ này, trở thành kiêu ngạo, cứng đầu, không vâng lời Trưởng Lão.
Khi Trưởng Lão bảo: Này Hiền Giả, hãy làm điều này. Vị ấy liền gây sự chống lại Trưởng Lão. Trưởng Lão không biết tâm tánh vị ấy vì sao thay đổi như vậy. Sau khi bộ hành tại đấy, Trưởng Lão lại đi về Kỳ Viên. Từ khi theo Trưởng Lão về đến Kỳ Viên, tánh tình Tỳ Kheo ấy trở lại như cũ.
Trưởng Lão thưa với Đức Như Lai: Bạch Thế Tôn, con có một đệ tử, tại một chỗ, xử sự như một nô lệ được mua với giá một trăm đồng tiền, nhưng tại một nơi khác, lại trở thành kiêu mạn, cứng đầu, bảo làm gì cũng gây sự chống đối.
Bậc Ðạo Sư nói: Này Xá Lợi Phất, Tỳ Kheo này không phải nay mới có tánh tình như vậy. Trước kia, khi đến chỗ này, kẻ ấy xử sự như một nô lệ được mua với giá một trăm đồng tiền, nhưng khi đi chỗ khác, thì gây sự, đối nghịch. Nói vậy xong, theo lời Trưởng Lão yêu cầu, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi Vua Brahamadatta trị vì ở xứ Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra trong gia đình một địa chủ. Bạn của Bồ Tát cũng là một điạ chủ lớn tuổi hơn Bồ Tát, nhưng có một người vợ trẻ sanh được một con trai.
Người địa chủ lớn tuổi suy nghĩ: Vợ ta còn trẻ, khi ta chết đi, không biết sẽ lấy ai và tiêu phí tài sản này, thay vì giao cho con trai của ta?
Vậy tốt hơn ta hãy chôn tài sản dưới đất.
Nghĩ vậy, người địa chủ đem theo một người nô lệ trong nhà tên Nanda, đi vào rừng, chôn tài sản ấy vào một chỗ và bảo: Này Nanda thân, sau khi ta chết, hãy báo cho con ta biết tài sản này. Chớ quên khu rừng. Sau khi khuyên như vậy, người địa chủ già ấy mạng chung.
Ðứa con trai dần dần lớn lên, đến tuổi thành niên, mẹ nó nói: Này con thân, cha con đem theo nô lệ Nanda, đã chôn giấu tài sản. Hãy bảo nó mang về mà cai quản gia sản thừa tự.
Một hôm, người thanh niên nói với Nanda: Này cậu, có phải cha ta đã chôn tài sản?
Thưa ông chủ, có!
Chôn tài sản tại đâu?
Thưa ông chủ, trong rừng. Vậy chúng ta hãy đi lấy.
Sau khi đem cuốc và thúng, đi đến chỗ chôn giấu, người thanh niên hỏi: Này cậu, tài sản ở đâu?
Nanda leo lên, đứng trên chỗ đã chôn tài sản, do vì tài sản ấy, nó khởi lòng kiêu mạn và mắng nhiếc chàng thanh niên chủ nó: Ði đi! Ðứa con hư, đứa con nô lệ.
Từ đâu ngươi có được tài sản này?
Nghe ác ngữ của nó, chàng thanh niên làm như không nghe gì, chỉ nói: Thôi chúng ta đi về. Rồi hai người cùng về. Sau hai ba ngày, cả hai lại đi, nhưng Nanda lại mắng chửi như cũ.
Chàng thanh niên không nói ác ngữ với nó, và suy đi nghĩ lại như sau: Người nô lệ này, khi đi có ý định báo cho ta biết tài sản.
Nhưng đến đó, lại mắng nhiếc ta, chẳng biết vì lý do gì?
À, cha ta có người bạn địa chủ, hãy đến hỏi vị ấy.
Thanh niên ấy đi đến gặp Bồ Tát trình bày tất cả sự việc và hỏi: Thưa Ngài, vì lý do gì mà tại chỗ Nanda đứng mắng nhiếc con là chỗ cha con chôn tài sản thừa tự?
Này con, Khi Nanda mắng chửi con, con chỉ nên nói: Này người nô lệ, người mắng chửi ai vậy?
Rồi kéo nó ra, lấy cuốc đào chỗ ấy, lấy tài sản thừa tự của gia đình, bảo người nô lệ nhấc lên và mang về nhà.
Nói vậy xong, Bồ Tát đọc bài kệ này:
Nghĩ rằng là chỗ chôn
Ðống vàng và nữ trang,
Chỗ nô tỳ Hạ Sanh
Tên là Nan Da ka
Ðang đứng và la to
Những lời lẽ thô bạo.
Chàng thanh niên liền đảnh lễ Bồ Tát, về nhà, và đưa Nanda đi đến chỗ chôn giấu tài sản. Làm đúng theo lời khuyên bảo, chàng thanh niên cũng vâng theo lời Bồ Tát khuyên, làm các công đức như bố thíđến khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
Bậc Ðạo Sư nói: Trong thời quá khứ, tánh tình của kẻ ấy cũng như vậy. Sau khi Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này, Ngài kết hợp hai câu chuyện và nhận diện tiền thân.
Lúc bấy giờ, Nanda là đệ tử của Xá Lợi Phất, và người địa chủ có trí là ta vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Mười Bốn - Bản Hạnh Của Các Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bất Tịnh Quán
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bảy Mươi Ba - Phật Thuyết Kinh Giết Rồng Cứu Cả Nước
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Bốn Mươi Chín