Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Kusanàli - Chuyện Người Nô Lệ Katàhaka Tiền Thân Katàhaka

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM KUSANÀLI  

CHUYỆN NGƯỜI NÔ LỆ KATÀHAKA

TIỀN THÂN KATÀHAKA  

Nó nói nhiều, đại ngôn. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư kể về một Tỳ Kheo nói khoác lác. Chuyện này giống như chuyện đã kể trước.

Thuở xưa, khi Vua Barhmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát là một nhà triệu phú giàu có và bà vợ triệu phú sanh một con trai. Cũng trong ngày ấy, một người nữ tỳ sanh một con trai. Hai trẻ ấy lớn lên cùng tuổi với nhau.

Khi con trai vị triệu phú học viết, con trai người nô tỳ mang tấm gỗ cũng xin học viết luôn với cậu chủ. Rồi nó học hai hay ba công nghệ, lớn lên nó trở thành một thanh niên ăn nói giỏi, đẹp trai và được đặt tên là Katàhaka.

Khi làm quản lý cho các kho trong nhà triệu phú, anh ta suy nghĩ: Những người này sẽ không bắt ta làm quản lý các kho suốt đời được. Nếu thấy ta có lỗi gì, họ sẽ đánh ta, trói ta, đóng dấu vào ta, cho ta đồ ăn của bọn nô lệ.

Tại Biên Địa, có người triệu phú là bạn của triệu phú này, ta sẽ viết thư, nhân danh người triệu phú cầm đi đến đấy, và nói: Ta là con của triệu phú, lừa dối vị triệu phú Biên Địa để lấy con gái của ông ta, hưởng hạnh phúc và sống an lạc suốt đời.

Nghĩ vậy, anh ta lấy giấy và viết thư như sau: Tôi gửi người con trai của tôi tên là Katàhaka đến với bạn.

Thật là xứng đáng nếu hai gia đình chúng ta kết làm sui gia với nhau: Con của tôi lấy con của bạn. Do vậy, hãy gả con gái của bạn cho con trai của chúng tôi, cho nó sống tại đấy, và khi nào có cơ hội tôi sẽ đến.

Viết xong, anh ta đóng triện của người triệu phú, đem theo nhiều tiền bạc, áo quần, hương thơm v.v... đưa đến Biên Địa, đảnh lễ vị triệu phú và đứng chờ.

Người triệu phú hỏi: Này con thân, con từ đâu lại?

Anh ta đáp: Từ Ba La Nại.

Con là ai?

Là con vị triệu phú Ba La Nại.

Vì mục đích gì, con đến đây?

Lúc bấy giờ Katàhaka đưa bức thư và nói: Ông xem bức thư này rồi sẽ rõ.

Người triệu phú đọc thư xong rồi nói: Nay mới thật là ta sống cuộc đời mới.

Ông hoan hỷ gả con gái và xây dựng cho anh ta. Ðược tôn quí như vậy, Katàhaka trở thành kiêu ngạo.

Ðối với các món ăn như cháo, đồ ăn cứng và các loại vải hương được đem lại, anh ta chỉ trích như sau: Chúng nấu cháo như thế này, nấu đồ ăn cứng như thế này.

Ôi! Thật là những người ở Biên Địa.

Anh ta chỉ trích những người thợ dệt vải, và những người thợ khác: Với bản chất của người sống ở Biên Địa, những người này không biết dệt y. Chúng không biết chọn hương, không biết bó hoa.

Khi thấy vắng người nô lệ, Bồ Tát hỏi: Ta không thấy mặt Katàhaka, nó đi đâu?

Hãy cho đi tìm nó khắp nơi. Một trong những người đi tìm kiếm đến tại chỗ ấy, thấy Katàhaka, nhận diện được anh ta, nhưng không để lộ tông tích của mình, và đi về trình với Bồ Tát.

Bồ Tát nghe tin như vậy, liền nói: Nó làm một việc không phải, ta sẽ đi đem nó trở về. Sau khi xin phép Vua, Ngài ra đi với một số tùy tùng lớn. Khắp nơi, mọi người đều biết vị triệu phú đi ra Biên Địa.

Katàhaka nghe tin Bồ Tát đến liền suy nghĩ: Không có lý do gì khác để vị triệu phú đến. Chính vì ta. Nếu ta chạy trốn, thì sau không thể trở về được. Anh ta nghĩ ra phương kế. Ta hãy đi đón ông chủ, làm bổn phận một người nô lệ, và làm vui lòng ông chủ của ta.

Bắt đầu từ đấy, giữa hội chúng, anh ta nói như sau: Những kẻ ngu khác, vì ngu si, không biết các công đức của cha mẹ, khi cha mẹ ăn, họ không hầu hạ, lại ngồi ăn với cha mẹ. Còn chúng tôi, khi cha mẹ ăn, chúng tôi đem lại bát, ống nhổ, chén đĩa, quạt và nước uống.

Như vậy, chúng tôi hết lòng hầu hạ cha mẹ. Cho đến khi cha mẹ đi đại tiểu tiện, chúng tôi cũng đem lại bình nước. Tất cả mọi bổn phận phải làm của người nô lệ đối với chủ, Katàhaka đều trình bày rõ.

Sau khi đã dạy cho đám tùy tùng như vậy, Katàhaka thưa với ông cha vợ:

Thưa cha thân: con nghe tin cha của con sắp đến thăm cha. Cha hãy sửa soạn các món ăn loại cứng và loại mềm. Còn con đem theo quà tặng, con sẽ đi đón cha con.

Nhạc phụ chấp thuận: Tốt lắm, này con. Katàhaka đem theo nhiều quà tặng đi với một số gia nhân, đảnh lễ Bồ Tát, và dâng quà tặng. Bồ Tát nhận quà tặng, đối xử với anh ta rất thân tình. Khi đến giờ ăn sáng, Ngài cho dựng trại, đi vào chỗ kín để giải quyết mọi bức bách của thân.

Katàhaka ngăn ngừa tùy tùng của mình, lại tự cầm bình nước, đi đến gần Bồ Tát, và sau khi lo hầu hạ xong, anh ta quỳ xuống chân Bồ Tát và thưa: Thưa ông chủ, ông chủ cần tài sản bao nhiêu con xin dâng đủ, xin chớ làm cho danh giá con mất đi.

Bồ Tát bằng lòng với bổn phận đầy đủ của nó và nói: Chớ sợ hãi, không có gì nguy hiểm đến với ngươi từ lời nói của ta cả. Bồ Tát an ủi anh ta, rồi đi vào thành phố Biên Địa và được tiếp đón long trọng. Còn Katàhaka luôn luôn làm bổn phận của người nô lệ.

Một thời, khi Bồ Tát ngồi thoải mái, người triệu phú Biên Địa thưa với Ngài: Thưa đại triệu phú, khi nhận được thư của Ngài, tôi đã gả con gái của tôi cho con trai Ngài. Bồ Tát dùng lời thân ái thích hợp nói về Katàhaka, khiến cho người triệu phú hết sức hân hoan.

Nhưng từ đấy trở đi, Bồ Tát không thể ngó vào mặt của Katàhaka!

Một hôm, Bồ Tát cho gọi cô con gái của vị triệu phú và nói: Này con thân, hãy tìm và bắt giúp chấy trên đầu ta. Cô con gái đến bắt giúp.

Bồ Tát nói lời thân ái với người con gái đang đứng và hỏi: Con ta đối với con, khi vui khi buồn, xử sự có tốt đẹp chăng?

Hai con sống có hoan hỷ, hòa hợp với nhau không?

Thưa cha thân, anh con không có lỗi gì khác. Chỉ có tật hay chê bai đồ ăn thôi. Này con thân, nó luôn luôn có tánh xấu ấy. Nhưng cha sẽ chỉ cho con một cách để làm cho chồng con câm miệng. Con hãy học thuộc cách ta chỉ để trong giờ ăn, khi nào con ta mở miệng chê bai, con hãy đứng trước mặt chồng con và nói lên cách ta đã chỉ.

Nói vậy xong, Bồ Tát dạy cho cô học thuộc lòng bài kệ và ở lại đó vài ngày, rồi đi trở về Ba La Nại. Katàhaka mang theo nhiều đồ ăn loại cứng và mềm, đi tiễn đưa ông chủ một chặng đường, cúng dường nhiều tài sản, đảnh lễ rồi trở về.

Từ khi Bồ Tát đi về, Katàhaka lại càng sanh lòng kiêu mạn. Một hôm, khi con gái vị triệu phú đem lại một món ăn rất ngon, mang muỗng đến và mời chồng ăn, Katàhaka bắt đầu chỉ trích món ăn.

Cô liền đọc lên bài kệ mà Bồ Tát đã dạy:

Nó nói nhiều, đại ngôn,

Khi đến xứ sở lạ,

Vị ấy sẽ trở lui,

Và phá hoại tất cả,

Vậy Ka tà ha ka,

Hãy ăn món này gấp!

Katàhaka suy nghĩ: Ôi thôi! Chắc vị triệu phú đã nói cho nàng biết tên ta và kể lại toàn bộ câu chuyện rồi!

Từ đó trở đi, anh ta không dám chê bai món ăn, cũng không dám kiêu mạn và với ý hạ mình, anh ta ăn các món được đem đến. Rồi về sau, khi từ trần, anh ta đi theo nghiệp của mình.

Sau khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Thời ấy, Katàhaka là Tỳ Kheo nói đại ngôn, còn vị triệu phú Ba La Nại là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần