Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Varana - Chuyện Cây Varana Tiền Thân Vanara

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM VARANA  

CHUYỆN CÂY VARANA

TIỀN THÂN VANARA  

Ai có việc làm trước. Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng Lão tên là Kutumbikaputtatissa Tissa, con vị điền chủ. Theo truyền thuyết, một hôm, ba mươi thiện nam tử thân hữu với nhau ở Xá Vệ, đem theo hương hoa, vải, áo, với đại chúng vây quanh, đi đến Kỳ Viên để nghe Bậc Ðạo Sư thuyết pháp.

Khi đến, họ ngồi một lát trong những lùm cây Sàla có tàm lá phủ xung quanh. Cho đến chiều, khi Bậc Ðạo Sư từ Hương phòng thơm ngát đến pháp đường, ngồi trên Phật tọa trang nghiêm, họ cùng với tùy tùng đi đến cúng dường hương hoa lên Bậc Ðạo Sư, đảnh lễ dưới chân Ngài, đôi bàn chân tốt đẹp như hoa sen nở rộ, dưới bàn chân có dấu bánh xe, và họ ngồi xuống một bên nghe pháp.

Họ suy nghĩ như sau: Tùy theo sự hiểu biết của chúng ta đối với pháp được Thế Tôn thuyết giảng, chúng ta sẽ xuất gia. Khi Như Lai từ pháp đường đi ra, họ đến đảnh lễ Ngài rồi xin xuất gia. Bậc Ðạo Sư cho họ xuất gia. Ðược sự chấp nhận của bậc Sư Trưởng và Giáo thọ sư, họ được thọ đại giới.

Trong năm năm, sống gần bậc Sư Trưởng và Giáo thọ sư, họ học thuộc lòng hai bản tóm tắt, biết được những điều gì nên làm, những điều gì không nên làm, học thuộc lòng ba cách thức nói lên lời tùy hỷ, biết may và nhuộm các y.

Muốn thực hành Sa Môn Pháp, họ xin phép vị Sư Trưởng và Giáo Thọ Sư, đi đến Bậc Ðạo Sư đảnh lễ, ngồi xuống một bên và thỉnh cầu: Bạch Thế Tôn, chúng con ưu não đối với sanh hữu, lo âu về sanh, già, bệnh, chết. Vì mục đích thoát khỏi luân hồi, xin Thế Tôn cho chúng con đề tài thiền quán.

Bậc Ðạo Sư lựa chọn một đề tài thích hợp trong ba mươi tám đề tài thiền quán, và đã nói cho họ đề tài ấy. Sau khi được nghe đề tài thiền quán từ Bậc Ðạo Sư, họ đảnh lễ Ngài, thân hướng vế phía hữu, đi về Am Thất. Rồi nhìn vị Sư Trưởng và Giáo Thọ Sư, lấy y bát, với ý định sẽ hành trì Sa Môn pháp, họ ra đi.

Trong hội chúng, có một Trưởng Lão Tỳ Kheo tên là Kutumbika puttatissa biếng nhác, yếu kém, thiếu tinh tấn, tham ăn vị ngon.

Vị ấy suy nghĩ:  Ta không thể sống ở trong rừng, ta không thể nổ lực tinh tấn, ta không thể sống theo hạnh khất thực.

Vậy ta đi theo họ nào có ích lợi gì?

Ta sẽ trở lui.  Vị ấy thối thất tinh tấn, đi theo các Tỳ Kheo một đoạn rồi trở lui. Các Tỳ Kheo đi bộ trong xứ Kosala, đến một làng ở biên địa, an cư mùa mưa tại một khu rừng gần làng ấy.

Sau ba tháng khổ luyện tinh cần, nhận được hột giống Thiền quán khiến cho quả đất reo mừng, các Tỳ Kheo ấy chứng quả A La Hán, làm lễ Tự Tứ, xuất an cư, với ý định: Chúng ta sẽ báo tin công đức đạt được lên Bậc Ðạo Sư. Từ chỗ ấy họ dần dần đi đến Kỳ Viên. Sau khi cất đặt y bát, gặp vị Sư Trưởng và Giáo thọ sư, các Tỳ Kheo ấy đi đến yết kiến Bậc Ðạo Sư, đảnh lễ rồi ngồi xuống.

Bậc Ðạo Sư nói lên những lời thăm hỏi dịu ngọt. Sau đó, họ báo cáo lên Bậc Ðạo Sư những công đức tự mình chứng đắc. Bậc Ðạo Sư tán thán các Tỳ Kheo ấy.

Riêng Trưởng Lão Kutumbikaputtatissa nghe Bậc Ðạo Sư tán thán những công đức của họ, liền khởi ý muốn tự mình hành trỉ Sa Môn Pháp. Còn các Tỳ Kheo kia xin phép Bậc Ðạo Sư được trở về sống tại khu rừng trước của họ và được Bậc Ðạo Sư chấp thuận. Họ đảnh lễ Ngài và đi về Am Thất.

Rồi Trưởng Lão Kutumbikaputtatissa, giữa đêm, quá hăng hái tinh tấn, quá hấp tấp hành trì Sa Môn Pháp, trong canh giữa, ngủ đứng, dựa vào giường gỗ, trở mình và ngã xuống, làm gãy xương bắp vế, đau đớn vô cùng. Các Tỳ Kheo phải chăm sóc cho Trưởng Lão Tissa nên không đi được.

Vào giờ họ đến yết kiến Bậc Ðạo Sư, Ngài hỏi: Này các Tỳ Kheo, phải chăng hôm nay các ông sẽ lên đường.

Hôm qua các ông đã xin phép rồi mà?

Thưa phải, bạch Thế Tôn. Nhưng bạn của chúng con là Trưởng lão Tissa, vì tinh tấn phi thời, quá hấp tấp hành trì Sa Môn Pháp, bị giấc ngủ chi phối, xoay mình và ngã xuống, làm bắp vế gãy.

Vì Trưởng Lão ấy, chúng con chưa đi được, Bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ nay, do thiếu sự tinh tấn của mình, Tissa đã tinh tấn phi thời và quá hấp tấp, tạo chướng ngại việc các ông ra đi. Thuở trước, Tissa cũng đã tạo chướng ngại cho sự ra đi của các ông rồi.

Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của các vị Tỳ Kheo, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, tại nước Gandhara, ở Takkasila, Bồ Tát sanh ra làm vị Giáo Sư có danh tiếng khắp nơi, dạy nghề cho năm trăm thanh niên Bà La Môn. Các thanh niên ấy, một hôm, đi vào rừng để lượm củi đem về.

Trong bọn họ có một thanh niên biếng nhác, thấy một cây Varana lớn, tưởng cây ấy đã khô, nên nghĩ: Ta sẽ nằm ngủ một lát, sau sẽ leo lên cây, bẻ củi xuống, nhặt lấy rồi mang về.  Nghĩ vậy, anh ta trải áo ngoài, nằm xuống, rơi vào giấc ngủ và ngáy lớn. Các thanh niên khác bó lại từng bó củi, mang đi, đến chỗ ấy, lấy chân đá vào lưng cho đến khi anh ta thức dậy rồi bỏ đi.

Thanh niên biếng nhác thức dậy, chùi mắt chùi mấy lần vẫn còn ngái ngủ. Anh ta leo lên cây, nắm một cành, kéo đến sát mặt mình và bẻ gãy cành ấy. Khi bẻ gãy, phần bị gãy của cành cây quật lại đập vào mắt anh ta.

Với một tay, anh ta bịt mắt, và với một tay anh ta bẻ gãy cành tươi. Rồi anh ta leo xuống, bó lại thành bó củi, mang lên vai, đi mau về nhà, quăng bó củi của mình trên các bó củi của những người khác. Hôm ấy, một gia đình ở làng quê mời vị Giáo Sư ngày mai đến nhà họ làm lễ cúng dường.

Vị Giáo Sư nói với các thanh niên: Này các con thân, ngày mai các con phải đến một làng. Các con không thể đi mà không ăn. Vậy sáng sớm, hãy cho nấu cháo và ăn cháo trước khi đi đến đấy. Rồi các con sẽ lấy phần của ta, và lấy tất cả phần các con mang về.

Sáng sớm hôm sau, các thanh niên đánh thức một tỳ nữ dậy, bảo nó nấu cháo gấp cho họ. Nữ tỳ ấy đi lấy củi, lấy những bó củi xanh chồng trên cao nhất, liên tiếp dùng miệng thổi, nhưng không làm cho lửa cháy được, cho đến khi Mặt Trời mọc.

Các thanh niên thấy Trời đã quá sáng, không thể đi được nữa, bèn đi đến gặp Giáo Sư. Giáo Sư hỏi sao các thanh niên chưa đi.

Họ nói lý do: Có một thanh niên biếng nhác đi cùng với chúng con hái củi, nằm ngủ dưới gốc cây Vanara, sau khi leo lên cây hấp tấp, bị cành cây đánh vào mắt, đã đem về các củi xanh của cây Vanara, quăng lên trên các bó củi của chúng con đem về. Vì vậy, người tỳ nữ định nấu cháo, lấy các củi ấy tưởng là khô, cho đến khi Mặt Trời mọc vẫn không thể nhen lửa. Ðó là lý do làm chướng ngại việc chúng con đi.

Vị Giáo Sư nghe việc làm của thanh niên ấy, liền nói: Chính việc làm của kẻ ngu si đã đem đến sự tổn hại như vậy.

Rồi vị Giáo Sư đọc bài kệ này:

Ai có việc làm trước,

Về sau mới chịu làm

Như bẻ Va ra na,

Về sau nó chịu khổ.

Như vậy, Bồ Tát nói rõ lý do này cho các đệ tử, rồi trọn đời làm các công đức như bố thí. Và khi mạng chung, Ngài đi theo nghiệp của mình.

Bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, không phải ngày nay kẻ ấy mới làm chướng ngại cho các ông. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã làm vậy rồi.

Sau khi Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này, Ngài kết hợp hai mẩu chuyện, và nhận diện tiền thân như sau: Thời ấy, thanh niên bị cành cây đánh vào mắt là Tỳ Kheo bị gãy xương bắp vế. Các thanh niên khác là hội chúng của Đức Phật, còn Giáo Sư Bà La Môn là Ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần