Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện đại Nhân Hộ Pháp Tiền Thân Mahà Dhamma Pàla

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI  

PHẨM MƯỜI BÀI KỆ  

CHUYỆN ĐẠI NHÂN HỘ PHÁP

TIỀN THÂN MAHÀ DHAMMA PÀLA  

Tục lệ nào hay Thánh Đạo nào. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể sau khi Ngài đã thành bậc Chánh Ðẳng Giác, trong chuyến thăm viếng Kapilapura lần đầu tiên, Ngài trú ngụ tại Bồ Đề Lâm Rừng cây Ða, và nói về việc Phụ Vương không chịu tin lời đồn.

Vào lúc ấy, chuyện kể rằng Ðại Vương Suddhodana Tịnh Phạn, sau khi cúng dường một buổi tại cung điện của Ngài cho Đức Phật dẫn đầu hai mươi ngàn vị Tỳ Kheo, suốt buổi trò chuyện với Ðức Phật rất vui vẻ, và nói: Bạch Thế Tôn, trong thời gian Thế Tôn hành trì khổ hạnh, có vài thần nhân đến gặp ta, đứng trên không và bảo: Thái Tử Siddhattha Sĩ Ðạt Ta, Vương Tử của Ðại Vương đã chết đói.

Bậc Ðạo Sư liền hỏi: Tâu Ðại Vương, thế Ðại Vương có tin chuyện đó không?

Bạch Thế Tôn, ta không tin. Ngay cả khi các thần nhân đến, bay lượn trên không và bảo ta như vậy, ta cũng không tin, mà còn bảo rằng Vương Tử của ta không chết được cho đến khi chứng đắc Chánh Ðẳng Chánh Giác dưới gốc cây Bồ Đề.

Bậc Ðạo Sư bảo: Tâu Ðại Vương, xưa kia, vào thời Mahà Dhammapàla, ngay khi một vị Giáo Sư lừng danh thiên hạ đến bảo: Con Ngài đã chết, đây là xương của chàng, Ðại Vương cũng không tin và bảo: Trong gia tộc ta, bọn chúng không bao giờ chết trẻ.

Vậy thì làm sao bây giờ Ðại Vương tin được?

Rồi theo lời thỉnh cầu của Phụ Vương, bậc Ðạo Sư kể một chuyện ngày xưa. Một thuở nọ, khi Vua Brahmadatta làm Vua tại Ba La Nại, trong nước Kàsi có một ngôi làng tên là Dhammapàla, nó mang tên này vì có gia tộc một vị Dhammapàla, nghĩa là Hộ Pháp, cư ngụ tại đó.

Do hành trì Mười Thiện Đạo, vị Bà La Môn ấy nổi tiếng ở vùng mình cư trú là một vị Hộ Pháp Dhammapàla. Trong nhà vị ấy, ngay cả các tôi tớ cũng bố thí, tôn trọng đạo đức và giữ ngày trai giới.

Thời ấy, Bồ Tát tái sinh vào gia đình trên, vị gia chủ đặt tên Ngài là Nam Tử Hộ Pháp Dhammapàla Kumàra. Vừa khi đến tuổi khôn lớn, cha chàng trao cho chàng một ngàn đồng vàng, và gửi chàng đến học ở Takkasilà. Chàng đến đó, học tập với một vị Giáo Sư lừng danh Thế Giới và trở thành đệ tử trưởng trong hội chúng gồm năm trăm nam tử.

Vào lúc ấy, trưởng nam của vị Giáo Sư từ trần, và vị Giáo Sư được đám đệ tử vây quanh, giữa các bà con quyến thuộc, vừa than khóc vừa cử hành tang lễ con trai trong nghĩa địa. Lúc ấy, vị Giáo Sư cùng thân bằng quyến thuộc và tất cả các đồ đệ đều than khóc kêu gào, chỉ riêng Dhammapàla không khóc cũng chẳng than.

Sau khi năm trăm nam tử từ nghĩa địa về, họ ngồi xuống trước vị Giáo Sư và nói: Ôi, chàng trai thật tốt đẹp, non trẻ thế mà phải chia lìa cha mẹ trong tuổi thanh xuân!

Dhammapàla đáp: Non trẻ thay, đúng như các hiền hữu nói!

Này, tại sao chàng chết ở tuổi thanh xuân?

Trẻ con phải chết lúc còn niên thiếu thật là chẳng hợp lý chút nào.

Chúng bạn liền đáp lại: Này Tôn giả, Thế Tôn giả không biết rằng những người dù trẻ như vậy cũng phải chịu chết sao?

Ta biết điều ấy lắm, nhưng lúc còn non trẻ, chúng không chết. Người ta chết lúc người ta già.

Thế không phải mọi pháp hữu vi đều giả tạm nhất thời hay sao?

Chúng thật là giả tạm, đúng vậy, nhưng lúc tuổi còn niên thiếu, con người không chết, chỉ khi già người ta mới chết thôi.

Ồ, thế đó là tục lệ trong gia tộc Ngài sao?

Phải, đó là tục lệ của gia tộc ta. Bọn thanh niên liền kể câu chuyện này cho vị Giáo Sư ấy nghe.

Ông cho gọi Dhammapàla đến, hỏi chàng: Này Dhammapàla, có phải trong gia tộc con chẳng có người nào chết trẻ chăng?

Thưa thầy, chính phải, đúng như vậy.

Chàng đáp: Nghe nói thế, vị Giáo Sư nghĩ thầm: Chàng nói chuyện này thật hi hữu lắm thay!

Ta muốn lên đường tới gặp cha chàng và hỏi chuyện ấy, nếu quả thực vậy, ta sống theo giới luật chân chánh kia.

Thế là sau khi đã làm xong mọi việc cần làm cho cậu trưởng nam, khoảng bảy tám ngày sau đó, ông cho gọi Dhammapàla đến bảo: Này con, ta sắp đi xa nhà, vậy lúc ta đi vắng, con phải dạy bảo các đệ tử của ta. Nói thế xong, ông đi tìm xương của một con dê rừng, rửa sạch và ướp hương, rồi đặt vào giỏ, sau đó mang theo mình một chú tiểu đồng, ông rời Takkasilà dần dần đi đến làng kia, tại đó ông hỏi đường đi đến nhà vị Đại Hộ Pháp và dừng lại ở cửa.

Người đầy tớ đầu tiên của vị Bà La Môn trông thấy vị này, dù đó là ai, cũng cất dù từ tay ông, cởi giày, cầm lấy túi xách trên tay tiểu đồng. Ông nhờ báo với thân phụ chàng rằng đây là Giáo Sư của nam tử Dhammapàla đang đứng ở cửa.

Tốt lành thay! Các gia nhân nói, rồi đi mời vị thân sinh ra gặp ông.

Vị thân sinh vội vã đến thềm và nói: Xin mời vào. Và ông dẫn đường vào nhà mình. Vừa mời khách ngồi xuống tọa sàng, và ông làm bổn phận của chủ nhân như rửa chân vị kia v.v...

Khi vị Giáo Sư đã dùng cơm xong, và hai vị ngồi đàm đạo thân thiết với nhau, vị Giáo Sư bảo: Này Tôn giả Bà La Môn, Nam Tử Dhammapàla của Ngài có trí tuệ sáng suốt, tinh thông ba tập Vệ Đà và mười tám công trình học thuật, nhân vì rủi ro đã mất mạng. Các Pháp hữu vi đều giả tạm, xin Ngài chớ đau buồn vì chàng. Vị Bà La Môn vỗ tay cười lớn.

Tại sao Ngài cười, thưa Tôn giả Bà La Môn?

Vị Giáo Sư hỏi:

Vị này đáp: Bởi vì không phải con tôi chết đâu. Chắc là người khác.

Vị kia nói: Không đâu, thưa Tôn giả Bà La Môn, chính con trai Ngài chết chớ không phải người khác. Hãy nhìn kỹ xương chàng đây và tin tôi.

Nói thế xong, ông dở đống xương ra và nói: Ðây là xương con trai Ngài.

Người cha đáp: Có lẽ xương dê rừng hay xương chó, chứ con trai tôi không chết được. Trong gia tộc ta bảy đời nay chưa hề xảy ra chuyện như là chết lúc tuổi còn non. Vậy Ngài đang nói sai sự thật. Rồi cả nhà cùng vỗ tay và cười lớn.

Khi thấy việc kỳ diệu như thế, vị Giáo Sư rất hoan hỷ nói: Thưa Tôn Giả Bà La Môn, lề lối này trong gia tộc Ngài không phải là không có nguyên nhân, đó là đám thanh niên không hề chết yểu.

Tại sao các Ngài không chết yểu?

Ông hỏi bằng cách ngâm vần kệ đầu:

Tục lệ nào hay Thánh Đạo nào

Quả này do thiện nghiệp từ đâu?

Bà La Môn, nói ta duyên cớ

Người trẻ trong dòng chẳng chết sao?

Lúc ấy vị Bà La Môn giải thích những công đức gì đã đem lại kết quả là trong gia tộc mình không ai chết trẻ cả, ông ngâm các vần kệ sau:

Ta không lời dối, sống hiền chân,

Mọi ác nghiệp xa lánh, chẳng gần,

Ðiều bất thiện ta đều tránh cả,

Nên không ai chết giữa thanh xuân.

Nghe việc người ngu lẫn trí nhân,

Việc người ngu trí chẳng quan tâm,

Ta theo bậc trí, ngu ta bỏ,

Nên chẳng ai người chết giữa xuân.

Trước khi bố thí, dạ hân hoan,

Lòng thật vui mừng lúc phát phân,

Khi bố thí xong, không hối tiếc,

Nên không ai chết giữa thanh xuân.

Ta mời đám lữ khách, La Môn,

Khất sĩ, Sa Môn, mọi kẻ cần,

Ta đãi uống, ăn, người đói khát,

Nên không ai chết giữa thanh xuân.

Cưới vợ, không khao khát vợ người,

Giữ lời loan phụng đã thề bồi,

Vợ hiền tiết hạnh tòng phu cả,

Nên các con không sớm bỏ đời.

Con được sinh từ vợ chính chuyên,

Tài cao, học rộng, xứng danh hiền,

Vệ Đà thông thạo, con toàn hảo,

Nên chẳng lìa đời giữa thiếu niên.

Gắng làm chân chánh đạt cao thiên,

Sống vậy, từ cha đến mẹ hiền,

Ðến mọi gái trai, anh chị nữa,

Nên không ai chết giữa thanh niên.

Mong cầu Thiên Giới, các gia nhân,

Trai gái thảy đều sống thiện lương,

Ngay bọn nô tỳ thấp kém nhất,

Nên không ai chết giữa thanh xuân.

Và cuối cùng, qua hai vần kệ này, Ngài tuyên thuyết thiện nghiệp của những người bước trên đường chân chánh:

Chánh đạo cứu ai hướng chánh chân,

Khéo hành chánh đạo đạt hồng ân,

Phúc này ban tặng người làm chánh,

Người chánh không vào chốn khổ thân.

Ðạo đức hộ phò bậc chánh nhân,

Như cây che bóng giữa mưa tràn,

Thằng con sống được nhờ hành thiện,

Tâm thiện cho người hộ pháp an.

Còn đó là xương khô kẻ khác,

Ðống xương Tôn Giả mới vừa mang.

Khi nghe vậy, vị Giáo Sưư đáp: Cuộc hành trình của ta thật an lạc lắm thay, nó mang lại nhiều kết quả, chứ không phải là không có kết quả!

Ðang lúc lòng đầy hoan hỷ, ông xin lỗi thân sinh Dhammapàla và nói thêm: Ta đến đây và mang theo mình một đống xương dê rừng, cố ý để thử Ngài. Chứ con trai của Ngài hiện đang bình yên mạnh khỏe. Xin Ngài truyền cho ta những điều luật bảo tồn cuộc sống của gia tộc Ngài.

Lúc ấy vị kia viết quy luật ấy vào một ngọn lá. Sau khi lưu lại chỗ đó vài ngày, vị thầy trở về Takkasilà và khi đã dạy cho Dhammapàla đủ mọi tài nghệ và học thuật xong, ông cho phép chàng ra về cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo.

Khi bậc Ðạo Sư đã thuyết pháp thoại như vậy cho Ðại Vương Suddhodana xong, Ngài tuyên thuyết các sự thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các sự thật, vị Ðại Vương được an trú vào tam quả Bất Lai.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, người cha và người mẹ là hoàng tộc của Ðại Vương ngày nay, vị Giáo Sư là Sàriputta Xá Lợi Phất, đám tùy tùng là các đệ tử Đức Phật, và ta chính là Nam Tử Hộ Pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần