Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Hắc Hiền Giả Tiền Thân Kanha

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI  

PHẨM MƯỜI BÀI KỆ

 

CHUYỆN HẮC HIỀN GIẢ

TIỀN THÂN KANHA  

Ðằng kia nhìn kẻ sắc đen tuyền. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kapilavathu Ca Tỳ La Vệ trong Bồ Đề Lâm Rừng Cây Ða, về một nụ cười.

Vào thời ấy, chuyện kể rằng bậc Ðạo Sư đang du hành cùng Tăng Chúng trong Bồ Đề Lâm, lúc chiều xuống, tại một chốn kia, Ngài mỉm một nụ cười.

Trưởng Lão Ànanda nói: Nguyên do gì, lý do gì khiến Đức Thế Tôn mỉm cười?

Ðức Như lai mỉm cười không phải là không có duyên cớ. Vậy ta muốn hỏi Ngài.

Thế là Tôn giả cúi đầu đảnh lễ cung kính hỏi về nụ cười kia, bậc Ðạo Sư bảo: Ngày xưa, này Ànanda, có một Bậc Hiền trí tên là Kanha đã sống ở nơi đây, chuyên tâm thiền tịnh, và lạc thú trong thiền định, nên nhờ uy lực công đức của Ngài mà cung của Sakka Ðế Thích, Thiên phủ phải rúng động.

Song vì câu giải thích nụ cười kia chưa được rõ ràng lắm, nên theo lời thỉnh cầu của vị Trưởng Lão, Đức Phật kể một chuyện quá khứ.

Một thuở nọ, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, có một vị Bà La Môn không con cái, nhưng của cải lên đến tám mười triệu đồng, vị này phát nguyện giữ giới đức và cầu tự.

Trong lòng bà vợ vị Bà La Môn này đang mang thai Bồ Tát, sau đó do màu da đen của Ngài, vào ngày lễ đặt tên, cha mẹ chọn tên Ngài là Kanha Kumàra tức Hắc Nam Tử.

Ðến năm mười sáu tuổi, đầy vẻ uy nghi như một bức tượng bằng ngọc quý, Ngài được phụ thân đưa đến học ở Takkasilà, nơi đây Ngài được dạy đầy đủ các môn văn học nghệ thuật, xong trở về nhà.

Sau đó cha Ngài lại cưới cho Ngài một cô vợ xứng đôi vừa lứa. Dần dần theo thời gian, Ngài hưởng trọn gia sản của song thân.

Bấy giờ một ngày kia, sau khi kiểm tra các kho báu, đang lúc ngồi trên một bảo tọa lộng lẫy, Ngài cầm trong tay một cái đĩa bằng vàng, đọc được trên đĩa những hàng chữ do các bậc tiền nhân Ngài ghi lại: Rất nhiều tài sản do vị này kiếm được, rất nhiều tiền bạc do vị kia làm ra v.v...

Ngài nghĩ thầm: Những vị tạo ra vàng bạc này bây giờ không còn nữa, song vàng bạc vẫn còn đó. Không ai có thể mang chúng theo khi ra đi khỏi cuộc sống. Ta không thể buộc vàng bạc thành một bó, rồi mang theo mình qua Thế Giới khác.

Thấy rằng của cải liên hệ đến năm ác dục, còn phân phát bố thí của cải này là việc tốt đẹp hơn. Thấy rằng thân xác phù du này liên hệ với nhiều bệnh tật, còn tỏ lòng cung kính và nhân từ với những vị đức hạnh đem nhiều lợi lạc hơn.

Thấy rằng cuộc đời tạm bợ phù phiếm này chỉ thoáng qua chốc lát, còn tinh tấn hành trì thiền định là phần cao cả hơn. Vậy thì những vàng bạc phù phiếm này ta sẽ đem bố thí hết, vì làm như thế ta sẽ thọ hưởng phước đức hơn nhiều. Thế là Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, sau khi xin Đức Vua thỏa thuận, Ngài bố thí rất hào phóng.

Ðến ngày thứ bảy, thấy vàng bạc vẫn không suy giảm, Ngài suy nghĩ: Vàng bạc này có nghĩa gì đối với ta?

Trong khi ta chưa bị tuổi già chế ngự, ta muốn ngay bây giờ phát nguyện xuất gia tu hành. Ta quyết tu tập các thắng trí và các thiền chứng, ta quyết tái sinh lên cõi Phạm Thiên.

Thế là Ngài ra lệnh mở các cửa lớn trong nhà ra, rồi bảo gia nhân lấy của cải đem, bố thí rộng rãi, vứt bỏ nó như một vật bất tịnh, Ngài đoạn trừ các tham dục của nhãn quan, và những tiếng khóc than cùng nước mắt đông đảo của họ hàng quyến thuộc, Ngài ra đi từ Kinh Thành, đến tận vùng Tuyết Sơn.

Tại đó Ngài sống theo lối độc cư, và khi đi tìm một chốn an lạc để trú thân, Ngài thấy nơi này, rồi quyết định ở lại. Chọn cây bầu làm nơi ăn chốn ở, Ngài sống tại đó, ngủ ngay dưới gốc cây bầu ấy.

Không bao giờ cư trú trong làng, Ngài trở thành một người sống trong rừng, không bao giờ Ngài dựng chòi lá, mà chỉ ở dưới gốc cây này, ở ngoài Trời, thường an tọa, hoặc nếu Ngài muốn nằm thì chỉ nằm trên mặt đất.

Ngài không dùng cái chày, mà chỉ dùng hàm răng nghiền nát thức ăn, Ngài chỉ ăn những thức ăn không nấu bằng củi lửa, không bao giờ một thứ hạt còn vỏ lọt vào miệng Ngài, Ngài chỉ ăn ngày một lần và chỉ ngồi ăn một lần.

Trên mặt đất, dường như Ngài đã hòa cùng với tứ đại làm một, Ngài sống hành trì giới đức của bậc xuất gia khổ hạnh. Trong tiền thân ấy, như ta được biết, Bồ Tát rất thiểu dục.

Vì vậy chẳng bao lâu, Ngài đạt các thắng trí và các thiền chứng năm thần thông:

Abhinnà và tám cấp thiền: Jhànà và Ngài sống nơi ấy trong hỷ lạc của thiền định. Về trái cây rừng, Ngài không đi đâu xa, khi trái cây mọc trên cây, Ngài ăn trái. Vào mùa hoa nở, Ngài ăn hoa. Khi lá mọc, Ngài ăn lá, khi không còn lá nào Ngài ăn vỏ cây. Vào buổi sáng Ngài thường hái quả cây ấy, không bao giờ vì tham lam mà Ngài đứng dậy đi hái quả cây nào khác.

Ở nơi Ngài ngồi, Ngài dang tay ra lượm các trái cây trong tầm tay, Ngài ăn các thứ trái cây đến tay Ngài, không phân biệt ngon dở .

Trong khi Ngài tiếp tục tìm lạc thú như vậy, nhờ Thần lực công đức của Ngài, chiếc ngai hoàng thạch của Sakka Ðế Thích Thiên Chủ nóng rực lên tương truyền chiếc ngai vàng này nóng lên khi Ðế Thích Thiên Chủ sắp mạng chung, hoặc lúc phước đức của Ngài đã tận diệt và kết thúc, hay khi có một vị Ðại Sĩ cầu nguyện, hay do công năng đức độ của các Sa Môn, Bà La Môn đầy uy lực.

Lúc ấy Ðế Thích Thiên Chủ suy nghĩ: Kẻ nào muốn làm ta phải rời khỏi ngai đây?

Vừa nhìn quanh, Ngài thấy trong rừng sâu, ở một nơi kia Bậc Hiền Nhân Kanha đang sống nhờ nhặt trái rừng, Ngài biết rằng đó là một trí nhân hành trì khổ hạnh cao độ, tất cả các căn đều được điều phục.

Ngài suy nghĩ: Ta muốn đi đến gặp vị ấy. Ta muốn bảo người thuyết pháp thật cao giọng, và sau khi nghe lời giảng pháp đem lại an lạc này, ta sẽ làm người hoan hỷ một điều ước, và sẽ làm cho cây của người sinh quả không ngừng, rồi ta mới trở về đây.

Sau đó nhờ thần thông lực, Thiên Chủ vụt xuống trần, đứng ngay sau lưng Bậc Hiền Nhân, Ngài ngâm vần kệ đầu tiên để thử xem Bậc Hiền Trí kia có bực tức khi nghe nhắc đến vẻ xấu xí của mình chăng:

Ðằng kia, ngắm kẻ sắc đen tuyền,

Sống ở nơi này cũng đất đen,

Miếng thịt đang ăn đen xám xịt,

Tâm ta chẳng thích đáng người hiền

Hiền Nhân Kanha nghe Ngài nói vậy: Ai nói với ta đấy?

Và nhờ thần thông lực, Ngài nhận ra đó là Ðế Thích Thiên Chủ, nên vẫn không cần quay đầu lại, Ngài đáp vần kệ thứ hai:

Dù toàn sắc đen, hỡi Ngọc hoàng,

Tâm ta chân chính Bà La Môn,

Màu da chẳng lỗi, nhưng làm ác

Khiến kẻ phàm nhân đen tối luôn.

Và rồi sau đó, khi đã giải thích nhiều loại lỗi lầm và chê trách những lỗi lầm đã biến con người thành những kẻ đen tối, cùng ca ngợi công đức, Ngài thuyết giáo cho Ðế Thích Thiên Chủ, chẳng khác nào Ngài làm mặt trăng mọc lên giữa bầu Trời.

Ðế Thích Thiên Chủ nghe bài thuyết pháp, lòng vô cùng hoan hỷ, liền ban tặng bậc Ðại Sĩ một điều ước và ngâm vần kệ thứ ba:

Nói năng khôn khéo, bậc La Môn,

Diễn đạt cao siêu, tối thắng luôn

Hãy chọn điều gì Ngài ước nguyện,

Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Nghe vậy bậc Ðại Sĩ nghĩ thầm: Ta biết thế nào rồi. Vị này muốn thử ta, xem ta có giận dữ khi nói đến vẻ xấu xí của ta không. Nên Ngài chê bai màu da của ta, thức ăn chốn ở của ta.

Khi thấy rằng ta không giận, thì Ngài vui vẻ, ban cho ta một điều ước, chắc chắn Ngài tưởng ta hành trì cuộc sống này vì ước mong có thần lực của Sakka Thiên Chủ hay Phạm Thiên, vậy nay để làm Ngài tin tưởng, ta sẽ chọn bốn điều ước: Ta ước được an tịnh, không sân hận đối với kẻ xung quanh ta, không tham cảnh vinh quang của các vị xung quanh ta, hay thèm muốn dục tình đối với các vị xung quanh ta.

Suy nghĩ như vậy xong, để giải quyết mối nghi hoặc của Thiên Chủ, Bậc Hiền Trí ngâm vần kệ thứ tư đòi bốn điều ước này:

Thiên Chủ Sakka của thế gian

Chọn điều hạnh phúc, lệnh Ngài ban,

Ta mong thoát khỏi lòng sân hận,

Ác độc, tiêu trừ mọi dục tham,

Tất cả bốn điều này hạnh phúc,

Ta thường mơ ước tận tâm can.

Lúc ấy, Ðế Thích Thiên Chủ suy nghĩ: Hiền Giả Kanha, khi chọn điều ước đã chọn bốn điềm an lạc không lỗi lầm. Bây giờ ta phải hỏi Ngài về thiện ác liên hệ bốn điều này.

Rồi Ngài hỏi bằng cách ngâm vần kệ thứ năm:

Ở trong ác dục với tham sân,

Này hãy nói đi, hỡi đạo nhân,

Ngài thấy điều gì là bất thiện,

Trả lời ta nhé, hãy làm ơn.

Vậy hãy nghe đây:

Bậc Ðại Sĩ đáp lại và cảm khái ngâm bốn vần kệ này:

Ác ý được nuôi bởi hận sân,

Phát sinh từ nhỏ lớn lên dần,

Nên lòng tràn ngập niềm đau xót,

Vì thế ta không muốn giận hờn.

Cứ vậy thông thường với ác nhân,

Trước tiên lời nói, chạm vào thân,

Kế đến đấm đá, rồi cây gậy,

Sau hết lòe ra mũi kiếm trần,

Khi có ác tâm, thường phẫn nộ,

Nên lòng ta chẳng muốn hờn căm.

Khi người, thúc dục bởi gian tham,

Lừa đảo tăng dần với dối gian,

Vội đuổi theo tiền tài cướp bóc,

Vậy nên ta chẳng muốn tâm tham.

Trói chặt xiềng gông bởi dục tình,

Vẫn thường phát triển nảy sinh nhanh

Trong tim, làm xót xa đau nhức,

Ái dục, ta không muốn phận mình.

Khi các câu hỏi đã được giải thích xong, Ðế Thích Thiên Chủ bảo: Thưa Trí giả Kanha, nhờ Ngài, các câu hỏi của ta đã được giải đáp êm đẹp với trí tuệ của một bậc giác ngộ, ta rất hoan hỷ vì Ngài.

Bây giờ xin Ngài chọn một điều ước khác nữa.

Rồi Thiên Chủ ngâm vần kệ thứ mười:

Nói năng chân chính, bậc La Môn,

Diễn đạt cao siêu, tối thắng ngôn,

Hãy chọn điều gì Ngài ước nguyện,

Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Lập tức Bồ Tát ngâm kệ:

Sak ka, Thiên Chủ của trần gian,

Ngài bảo cho ta một đặc ân,

Mong chốn núi rừng ta ẩn náu,

Nơi nào ta trú ngụ đơn thân,

Bệnh không làm hại niềm an tịnh,

Hoặc phá niềm thiền lạc vỡ tan.

Nghe vậy, Ðế Thích Thiên Chủ suy nghĩ: Khi chọn điều ước, Hiền Giả Kanha không chọn điều gì liên hệ đến thức ăn, mà những gì Ngài chọn đều liên quan đến đời sống tu hành.

Tâm càng hoan hỷ hơn, Thiên Chủ lại cho thêm một điều ước khác và ngâm kệ:

Nói năng thật khéo, bậc La Môn,

Diễn đạt cao siêu, tối thắng ngôn,

Hãy chọn điều gì Ngài ước nguyện,

Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Và Bồ Tát, khi nói lên điều ước của Ngài, đã thuyết pháp trong vần kệ cuối:

Sak ka, Thiên Chủ của trần gian,

Ngài bảo cho ta một đặc ân,

Xin chẳng sinh linh nào bị hại,

Vì ta, dù khẩu, ý hay thân.

Nơi nào cũng vậy, này Thiên Chủ,

Lời nguyện này ta vẫn ước mong.

Như vậy trong sáu trường hợp, bậc Ðại Sĩ lựa điều ước, Ngài đều chỉ chọn những gì liên quan đến đời sống viễn ly. Ngài hiểu rõ thân người phải có bệnh và Ðế Thích chủ không thể trừ diệt căn bệnh của thân nghiệp.

Ðế Thích Thiên Chủ cũng không thể rửa sạch cho nhân thế trong ba cửa thân, khẩu, ý. Mặc dù vậy, Ngài vẫn chọn điều ước ấy với mục đích thuyết pháp cho vị Thiên Chủ.

Sau đó Ðế Thích Thiên Chủ làm cho cây ấy sinh quả quanh năm, vừa chắp tay lên trán đảnh lễ Ngài vừa bảo: Xin Hiền Giả an trú ở đây không bệnh tật. Rồi Ngài đi về cõi của Ngài. Còn Bồ Tát không bao giờ gián đoạn thiền định, nên về sau được sinh lên Phạm Thiên Giới.

Sau khi chấp dứt pháp thoại này, bậc Ðại Sư bảo: Này Ànanda, đây là nơi ta đã an trú ngày xưa.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Anuruddha A Na Luật Đà là Sakka Ðế Thích Thiên Chủ và Hiền Giả Kanha chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần