Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Nam Tử đeo Vòng Tai Tiền Thân Matta Kundali

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI  

PHẨM MƯỜI BÀI KỆ  

CHUYỆN NAM TỬ ĐEO VÒNG TAI

TIỀN THÂN MATTA KUNDALI  

Sao giữa rừng này có cậu trai. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một địa chủ có con trai mới chết. Tại Xá Vệ, ta được biết Thần chết đã cướp mất cậu trai thân yêu của một người địa chủ thường đến cúng dường Đức Phật.

Quá sầu muộn vì con, người ấy chẳng rửa mặt mày ăn uống gì cả, cũng chẳng đi làm công việc của mình hay đi phụng sự Đức Phật mà chỉ kêu khóc: Ôi! Con yêu quí! Con đã bỏ ta mà đi trước rồi!

Vào sáng sớm, khi bậc Ðạo Sư nhìn xuống trần gian, Ngài nhận thấy người này đã chín muồi công hạnh để chứng đắc quả Dự Lưu.

Vì vậy ngày hôm sau, khi đã dẫn các đệ tử đi suốt Kinh Thành Xá Vệ để khất thực, và thọ dụng bữa cơm xong, Ngài bảo các đệ tử đi nơi khác, còn Ngài được Tôn Giả Ànanda theo hầu, đi đến nơi người này ở.

Bọn gia nhân báo tin cho vị chủ đất biết bậc Ðạo Sư đã đến, sau đó họ sắp đặt sàng tọa và mời bậc Ðạo Sư ngồi xuống, rồi dẫn chủ nhà đến yết kiến bậc Ðạo Sư. Sau khi người ấy đảnh lễ Ngài xong và ngồi xuống một bên.

Bậc Ðạo Sư nói bằng giọng dịu dàng đầy từ mẫn: Này Cư Sĩ, có phải ông vẫn đang đau buồn vì đứa con trai duy nhất chăng?

Ông đáp: Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Bậc Ðạo Sư nói: Này Cư Sĩ, đã lâu, lâu lắm rồi, các người có trí đi lang thang nặng trĩu đau buồn vì cái chết của đứa con trai, đã nghe được lời các Bậc Hiền Nhân và hiểu rõ rằng không gì có thể đem lại người đã mất, nên không còn thấy buồn rầu nữa, dù chỉ một chút thôi. Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của người ấy, bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba La Nại, cậu con trai của một vị Bà La Môn rất giàu có, khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, lâm bệnh nặng và khi chết, được tái sinh vào Cõi Chư Thiên.

Từ lúc con trai chết, người Bà La Môn thường đi đến nghĩa địa và than khóc, rồi đi quanh đống tro tàn. Bỏ các phận sự dở dang, ông cứ lang thang với tâm tư nặng trĩu u sầu.

Một vị Thiên Tử, khi đi dạo thấy vậy, liền lập mưu để an ủi khổ đau của người kia. Chàng đến nghĩa địa lúc người này đang sầu bi, giả dạng làm chính con trai vị ấy và tô điểm đủ mọi thứ trang sức, chàng đứng một bên, vừa ôm đầu trong hai tay vừa than khóc kêu gào.

Vị Bà La Môn nghe tiếng động và nhìn lên, lòng tràn đầy yêu thương đối với con trai mình, liền dừng lại trước chàng và nói:

Này con yêu quí, tại sao con đứng khóc giữa nghĩa địa này?

Ông đặt câu hỏi qua vần kệ sau:

Sao giữa rừng này có cậu trai,

Tràng hoa, vòng ngọc mỗi bên tai,

Chiên Đàn sực nức, giơ tay nọ,

Sầu khổ gì rơi lệ vắn dài?

Lúc ấy chàng trai kể chuyện mình bằng cách ngâm vần kệ thứ hai:

Vàng ròng đúc, chiếu rực hào quang,

Xe ấy con thường vẫn ngã lưng,

Ðôi bánh này con tìm chẳng thấy,

Chắc con buồn khổ đến lìa trần!

Vị Bà La Môn nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ ba:

Bằng vàng, dát ngọc, loại gì nào,

Bằng bạc, hay đồng, trí nghĩ sao,

Cứ nói ra lời, xe được đóng,

Ta tìm đôi bánh sẽ thêm vào!

Lúc bấy giờ chính bậc Ðạo Sư với trí tuệ tối thắng của Ngài, sau khi nghe vần kệ do chàng trai ngâm xong, liền ngâm câu đầu của một vần kệ khác:

Nghe nói xong, chàng trẻ đáp lời,

Trong khi chàng ngâm tiếp theo phần còn lại:

Ðằng kia, huynh đệ đó, trăng Trời,

Chính nhờ đôi bánh đằng xa ấy,

Xe của con vàng chiếu sáng ngời!

Lập tức vị kia tiếp:

Chàng thật ngu vì việc đã làm,

Cầu xin chuyện chẳng có ai ham,

Bởi vì ta chắc chàng nên chết

Nhật, nguyệt, đòi sao được hỡi chàng?

Thế rồi:

Trước mắt, Trời, Trăng, lặn, mọc dần,

Sắc màu, đường hướng vẫn không ngừng.

Còn ai thấy được hồn người chết,

Vậy kẻ nào ngu lúc khóc than?

Chàng trai nói vậy xong, vị Bà La Môn tỉnh ngộ, liền ngâm kệ:

 Giữa ta, hai kẻ khóc than thân,

Chàng thật khôn, ta thật độn đần,

Quả đúng, đòi hồn người đã chết,

Khác nào con trẻ khóc đòi trăng?

Lúc ấy vị Bà La Môn được an ủi nhờ lời lẽ của chàng trai kia, liền cám ơn chàng bằng cách ngâm các vần kệ cuối cùng:

Lòng ta thiêu đốt nóng bừng,

Như khi người đổ dầu trong lửa đào,

Chàng đà đem nước lạnh vào,

Và chàng dập tắt khát khao, tủi buồn.

Vì con, bao nỗi sầu tuôn,

Mũi tên độc cắm trong hồn của ta,

Chàng đà an ủi khuây khỏa

Nỗi niềm bi thiết, nhổ ra tên này.

Tên vừa nhổ, khỏi đau ngay,

Giữ tâm thanh thản, ta rày khinh an,

Nghe lời chân thật, hỡi chàng,

Ta không còn phải khóc than muộn phiền.

Lúc ấy chàng trai bảo: Này, Ngài Bà La Môn, ta chính là người con trai mà Ngài đang thương khóc, ta đã được tái sinh vào cõi Chư Thiên. Vậy từ đây xin đừng sầu muộn vì ta nữa, mà hãy bố thí, hành trì giới đức và giữ ngày trai giới.

Với lời khuyến giáo này, chàng trở về cõi của mình. Còn vị Bà La Môn tuân theo lời khuyên của chàng, nên sau khi làm nhiều công đức bố thí và các thiện sự khác, ông mạng chung và tái sinh vào Cõi Chư Thiên.

Sau khi chấm dứt pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các sự thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các sự thật, người địa chủ đã được an trú vào Sơ Quả Dự Lưu.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy, ta chính là vị Thiên Tử đã nói lời thuyết giáo này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần