Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Trí Giả Tiểu Bồ ðề Tiền Thân Culla Bodhi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI  

PHẨM MƯỜI BÀI KỆ  

CHUYỆN TRÍ GIẢ TIỂU BỒ ÐỀ

TIỀN THÂN CULLA BODHI  

Ví thử người ta bắt quý nương. Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một người tính hay nóng giận.

Người này, sau khi đã xuất gia, tu tập, hành trì giáo pháp đưa đến giải thoát, an lạc trọn vẹn, lại không thể chế ngự cơn giận của mình. Ông lòng đầy bực tức, hiềm hận.

Song lại ít nói nên khi phẫn nộ, bị lôi cuốn vào cơn nóng giận, ông trở nên gay gắt chua cay và khó dạy bảo. Khi nghe nói đến tính hay nóng giận của ông, bậc Ðạo Sư cho gọi ông vào và hỏi có thật là ông hay nổi giận như lời đồn chăng.

Vị này đáp: Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Bậc Ðạo Sư bảo: Này Tỳ Kheo, tính nóng giận phải được chế ngự, vì một kẻ hành ác hạnh như vậy không thể nào có nơi an trú được dù trong đời này hoặc đời sau.

Tại sao sau khi tu tập Pháp Môn giải thoát của Đức Phật tối thượng không có lòng sân giận, cớ gì ông lại tự mình tỏ ra hay phẫn nộ?

Các bậc Trí nhân ngày xưa, ngay cả những vị hành trì giáo pháp khác với chúng ta cũng đã kềm chế được lòng phẫn nộ. Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

Ngày xưa khi Vua Brahmadatta lên ngôi ở Ba La Nại, trong một thị trấn ở xứ Kàsi có một vị Bà La Môn rất giàu vàng bạc, gia sản đồ sộ song lại không có con, nên bà vợ cầu mong con trai.

Vào thời ấy Bồ Tát từ Cõi Phạm Thiên đi xuống trần, nhập mẫu thai của bà, rồi vào ngày lễ đặt tên, cha mẹ chọn cho Ngài cái tên Bodhi Kumàra hay là nam tử trí tệ.

Khi Ngài đến tuổi khôn lớn, Ngài đi đến Takkasilà, nghiên cứu đủ các môn học thuật, và sau khi về nhà, dù Ngài không muốn, cha mẹ Ngài vẫn đi cưới một thiếu nữ về làm vợ Ngài, từ một gia đình cùng chung giai cấp với Ngài.

Nàng ấy cũng xuống cõi trần từ Phạm Thiên Giới, có nhan sắc tuyệt thế, chẳng khác nào một vị Tiên Nữ. Cả hai vị trở thành vợ chồng, song cả hai chẳng ai mong muốn chuyện đó cả.

Chẳng bao giờ có ai phạm vào dâm dục, cũng chẳng kẻ nào liếc mắt nhìn kẻ kia một cách say đắm, ngay cả trong giấc ngủ, hai vị cũng không hề bao giờ có hành động tương tự, cả hai vị đều sống thanh tịnh như thế.

Sau một thời gian, khi song thân đều mất cả, Ngài lo việc tang lễ cho thi hài cha mẹ chu đáo.

Bậc Ðại Sĩ gọi vợ đến, bảo nàng: Này quý nương, nàng hãy giữ lấy gia sản tám trăm triệu đồng này và sống đời hạnh phúc.

Không phải vậy đâu, mà đó là phần của phu quân.

Ngài bảo: Ta không cần vàng bạc, ta sẽ lên vùng Tuyết Sơn, trở thành một Ẩn Sĩ và tìm nơi cư trú ở đó.

Vậy thưa phu quân tôn quý, chỉ nam giới mới được xuất gia tu hành thôi chăng?

Ngài đáp: Không phải vậy, nữ giới cũng được.

Vậy thì thiếp, cũng không muốn nhận lấy thứ chàng đã phun khỏi miệng, vì thiếp cũng không ham thích vàng bạc gì hơn chàng, thiếp cũng muốn thành Ẩn Sĩ như chàng.

Này quý nương, tốt lành thay! Rồi hai vị đem phân phát bố thí phần lớn tài sản và xuất gia. Ðến một vùng đất an lạc dựng am thất Ẩn Sĩ, các Ngài sống bằng trái cây rừng mà các Ngài kiếm được, và cứ sống như vậy mười năm tròn, song vẫn chưa chứng đắc thiền định của bậc Thánh.

Thế là sau một thời gian sống tại đó, hưởng hạnh phúc của cuộc đời ẩn dật suốt mười năm liền, các Ngài ra đi ngang qua vùng quê để tìm muối và đồ gia vị, và thuận đường đến Ba La Nại liền vào trú chân trong vườn ngự uyển.

Bấy giờ, một ngày kia Vua thấy người giữ ngự viên đến dâng một món quà trong tay, Ngài phán: Trẫm muốn Liên Hoan trong ngự viên, vậy hãy sắp xếp cho chỉnh tề.

Và khi Hoa Viên đã được dọn dẹp sạch sẽ sẵn sàng, Vua ngự vào đó cùng đám cận Thần hộ tống đông đảo.

Lúc đó cả hai vị ở trên một chỗ trong Ngự Viên, an hưởng lạc thú của cuộc sống tu hành.

Còn Vua khi đi ngang qua ngự viên, thấy hai vị ngồi đó. Và khi mắt Ngài chợt bắt gặp vị nữ nhân diễm lệ khả ái kia, Ngài say mê ngay. Lòng Ngài rúng động vì khát vọng dục tình, Ngài quyết định hỏi nàng có liên hệ gì đối với Ẩn Sĩ kia. Nên khi đi đến gần Bồ Tát, Vua hỏi ngay câu ấy.

Bồ Tát đáp: Tâu Đại Vương, nay nàng ấy chẳng có liên hệ gì đối với ta cả. Nàng chỉ cùng chung đời sống tu hành với ta thôi, song trước kia ta còn sống ở chốn trần tục, thì nàng ấy đã là vợ ta.

Nghe vậy, Vua thầm nghĩ: Như vậy, vị này bảo nữ nhân kia chẳng là gì đối với ông cả, song khi còn sống đời thế tục, nàng ấy đã là vợ ông.

Ðược rồi, nếu ta dùng Vương quyền bắt lấy nàng thì ông làm gì được?

Cho nên ta muốn chiếm nàng.

Và Vua vừa đến gần vừa ngâm vần kệ:

Ví thử người ta bắt quý nương,

Mắt tròn, và cướp khỏi Tôn ông,

Người yêu ngồi đó đang cười nụ,

Ngài sẽ làm gì, hỡi đạo nhân?

Bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ hai để đáp câu hỏi này:

Khi đã khởi lên, nó chẳng rời

Chẳng bao giờ nữa, suốt đời tôi,

Như cơn mưa lắng dần tro bụi,

Dập tắt nó thời mới nhú thôi.

Bậc Ðại Sĩ trả lời như vậy, lớn tiếng như sư tử hống. Song nhà Vua dù đã nghe thế, vẫn không thể nào chế ngự được con tim say đắm của mình, do nỗi si mê mù quáng, liền ra lệnh cho vị cận thần phải bắt nàng kia vào cung.

Vị cần thần tuân lệnh dẫn nàng đi, dù nàng đã thở than khóc lóc rằng làm ác nghiệp phi pháp là thói thường của thế gian, còn Bồ Tát nghe tiếng nàng kêu khóc, Ngài chỉ nhìn một lần thôi, không nhìn nữa.

Vì thế nàng bị đưa vào cung trong lúc đang kêu gào thê thảm.

Vua xứ Ba La Nại không còn chần chờ ở ngự viên nữa, mà nhanh chóng trở về cung, triệu nàng đến chầu và ban cho nàng nhiều vinh dự cao sang. Song nàng bảo những vinh quang đó chẳng có giá trị cả, và chỉ đời sống độc cư là cao thượng thôi.

Vua thấy không thể dùng cách gì để chinh phục được tim nàng, nên truyền giữ nàng trong một phòng biệt lập và bắt đầu suy nghĩ: Ðây là một người đàn bà khổ hạnh không màng mọi thứ vinh quang này, và vị Ẩn Sĩ cũng không hề tỏ ra giận dữ khi người hầu bắt đi một nữ nhân tuyệt mỹ như vậy. Song những Ẩn Sĩ thường có mưu sâu lắm. Chắc chắn ông đang lập mưu để hại ta. Ðược rồi, ta muốn trở lại gặp ông và tìm hiểu tại sao ông vẫn ngồi đó.

Và thế là không thể ngồi yên được, Vua đi vào ngự viên.

Lúc ấy Bồ Tát đang ngồi vá chiếc y. Vua chỉ đi một mình nên đến tận nơi, bước nhẹ nhàng không gây tiếng động. Bồ Tát vẫn tiếp tục vá áo, chẳng nhìn đến Vua.

Vua nghĩ: Người này chẳng muốn nói gì với ta vì đang tức giận đấy.

Kẻ khổ hạnh này đúng là gã bịp bợm, trước tiên thét lớn: Ta không muốn để lòng căm hận khởi lên chút nào, song nếu nó khởi lên, ta quyết dập tắt nó ngay lúc còn nhỏ nhoi, rồi sau đó lòng căm phẫn cứ đeo đẳng dằng dai nên gã không muốn nói chuyện với ta đó!

Với ý nghĩ này, Vua ngâm vần kệ thứ ba:

Ngài lớn tiếng khoe hay,

Chừng một lát trước đây,

Nay lặng thinh vì giận

Ngài ngồi đó vá may.

Khi bậc Ðại Sĩ nghe thế, Ngài hiểu Vua tưởng Ngài im lặng vì tức giận, nên muốn tỏ ra là Ngài không hề bị lòng phẫn nộ chi phối, Ngài ngâm vần kệ thứ tư:

Hễ lúc nào sinh khởi nó rồi,

Chẳng bao giờ nó chịu rời tôi,

Như cơn mưa lắng dần tro bụi,

Tôi dập nó thời mới nhỏ nhoi.

Khi nghe những lời này, Vua suy nghĩ: Có phải người này nói đến lòng sân hận hay điều gì khác nữa?

Ta muốn hỏi ông cho rõ.

Rồi Vua ngâm vần kệ thứ năm:

Gì đó mà không thể bỏ Ngài,

Chẳng bao giờ hết, suốt trong đời?

Như cơn mưa lắng dần tro bụi,

Ngài dập tắt gì lúc nhỏ nhoi?

Vị kia đáp: Thưa Ðại Vương, như thế nỗi sân hận thường đem lại nhiều đau khổ, nhiều tai hại, tàn khốc. Nó chỉ vừa khởi lên trong ta, song nhờ nuôi dưỡng lòng từ mẫn, ta đã dập tắt được nó.

Rồi Ngài ngâm các vần kệ sau để thuyết giảng về nỗi khổ đau vì hiềm hận:

Con người không nó, thấy minh quang,

Có nó, mù đui trước nẻo đàng,

Nó khởi trong ta không thoát được,

Hận sân, nuôi dưỡng bởi si cuồng.

Ðiều gì làm thích thú cừu nhân,

Kẻ muốn tâm ta phải khổ buồn,

Phát khởi trong ta không thoát được,

Hận sân, nuôi dưỡng bởi si cuồng.

Cái điều, nếu nổi dậy trong mình.

Che khuất người ta trước hạnh lành,

Ðã phát trong ta không thoát được,

Căm hờn, nuôi dưỡng bởi vô minh.

Ðiều làm tổn phước đức vô song,

Khiến kẻ bị lừa bỏ lập công,

Mãnh liệt, phá tan, đầy khủng khiếp,

Không rời ta nữa, ấy là sân.

Ngọn lửa lên cao, sẽ lớn hơn,

Nếu mỗi nhiên liệu được khơi tròn,

Bởi vì ngọn lửa lên cao mãi,

Nhiên liệu tự mình phải cháy luôn.

Cũng vậy trong tâm trí kẻ đần,

Người không có thể nhận chân ra rằng

Phát sinh phẫn nộ từ tranh cãi

Bởi vậy thanh danh phải bại tàn.

Phẫn nộ nào tăng tựa lửa hừng

Với mồi than củi cháy bừng bừng,

Như trăng nửa tháng đêm Trời tối,

Ðức hạnh tiêu hao, hủy hoại dần.

Người nào chế ngự được lòng sân,

Như lửa mà không có củi than,

Như trăng nửa tháng trời dần sáng,

Công đức người kia cứ mãi tăng.

Khi Vua đã nghe bậc Ðại Sĩ thuyết pháp xong, lòng rất hoan hỷ, nên ra lệnh cho một cận Thần đi dẫn người đàn bà đến, và mời vị Ẩn Sĩ vô sân kia cùng ở lại với nàng trong Ngự Viên để an hưởng lạc thú của cuộc sống độc cư và Vua hứa sẽ chăm sóc bảo vệ cho hai vị như bổn phận của mình.

Sau đó nhà Vua xin hai vị tha thứ lỗi lầm và kính cẩn từ tạ ra về. Thế là hai vị ấy ở lại đó.

Dần dần về sau, người đàn bà ấy từ trần và sau khi nàng qua đời, vị ẩn sĩ trở về vùng Tuyết Sơn, tu tập các thắng trí và các thiền chứng, làm cho tứ vô lượng tâm bốn phạm trú: Từ, bi, hỉ, xả sinh khởi trong lòng, nên Ngài được sinh vào Cõi Phạm Thiên.

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các sự thật. Vào đoạn kết thúc các sự thật, vị Tỳ Kheo hay sân hận kia đã được an trú vào tam quả Bất Lai.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, mẫu thân của Ràhula La Hầu La là nữ Ẩn Sĩ ấy. Ànanda là Vua kia và vị Ẩn Sĩ chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần