Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Ba - Phẩm Mười Ba bài Kệ - Chuyện Chúa Nai Sarabha Tiền Thân Sarabha Miga

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI BA  

PHẨM MƯỜI BA BÀI KỆ  

CHUYỆN CHÚA NAI SARABHA

TIỀN THÂN SARABHA MIGA  

Cứ hy vọng, người ơi, là bậc Trí. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên để giải thích đầy đủ một câu hỏi do Ngài nêu ra một cách tổng quát cho vị tướng quân Chánh Pháp Sàriputta.

Vào thời ấy, bậc Ðạo Sư nêu vắn tắt câu hỏi với Trưởng Lão ấy. Ðây là câu chuyện đầy đủ chi tiết về nguồn gốc của một số Chư Thiên.

Khi Tôn Giả Pindola Bhàradvàja dùng thần thông để lấy được cái bình bát bằng gỗ Chiên Đàn trước sự hiện diện của vị Ðại phú thương ở thành Ràjagaha Vương Xá, bậc Ðạo Sư cấm các Tỳ Kheo sử dụng thần thông lực.

Lúc ấy, các Tỳ Kheo ly khai giáo hội suy nghĩ: Sa Môn Gotama đã cấm sử dụng thần thông lực. Nay chính vị ấy cũng sẽ không sử dụng thần thông lực nữa.

Ðám đệ tử của các vị ly khai giáo hội lo lắng, nói với họ: Tại sao các Tôn Giả không dùng thần thông lực lấy cái bát kia?

Họ đáp: Này Hiền hữu, việc này không khó gì đối với chúng ta.

Song chúng ta nghĩ: Ai lại muốn thị hiện thần thông cao quý vi diệu của mình trước người thế tục chỉ vì cái bình bát bằng gỗ nhỏ mọn kia chứ?

Do thế, chúng ta không lấy nó xuống. Các Sa Môn dòng họ Thích Ca đã lấy nó xuống và thị hiện thần thông chỉ vì tham lam ngu xuẩn mà thôi.

Ðừng tưởng biến hóa thần thông là việc khó khăn gì với chúng ta đâu: Giả sử ta đừng kể đến các đệ tử của Sa Môn Gotama, nếu chúng ta muốn, chúng ta sẽ biến hóa thần thông với chính Sa Môn GotaMa Nữa kia. Nếu Sa Môn Gotama thị hiện một phép thần thông, thì chúng ta sẽ thị hiện một phép khác kỳ diệu gấp hai lần.

Tăng Chúng nghe chuyện này liền thưa với Đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, các Tỳ Kheo ly khai giáo hội nói họ muốn thị hiện thần thông lực.

Bậc Ðạo Sư bảo: Cứ để họ làm đi, ta cũng sẽ làm việc ấy.

Vua Bimbisàra Tần Bàsala nghe vậy, đi đến hỏi Đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Ngài định thị hiện thần thông lực chăng?

Thưa Ðại Vương, phải.

Bạch Thế Tôn, chẳng phải là có lệnh cấm về vấn đề này rồi sao?

Thưa Ðại Vương, lệnh ấy dành cho các đệ tử của ta, chớ không có lệnh nào có thể ngăn cản Chư Phật cả. Cũng như hoa quả trong vườn ngự uyển là của cấm đối với kẻ khác chứ không hề áp dụng luật này đối với Ðại Vương.

Bạch Thế Tôn, vậy Ngài sẽ thị hiện phép thần thông ở nơi đâu?

Tại Xá Vệ, dưới một cây xoài có cục u.

Vậy Trẫm sẽ làm gì lúc đó?

Thưa Ðại Vương, chẳng cần làm gì cả.

Ngày kế đó, sau khi điểm tâm xong, bậc Ðại Sư đi khất thực.

Bậc Ðạo Sư đi đâu thế?

Dân chúng hỏi.

Các Tỳ Kheo đáp lại: Ở cổng thành Xá Vệ, dưới một gốc cây xoài có cục u, Ngài sẽ thị hiện một phép thần thông Song hành Yamaka Patihariya: các tia sáng xanh và đỏ phát ra từ thân Ngài để đánh bại những kẻ ly khai giáo hội.

Ðám người ấy nói: Phép thần thông này sẽ là tuyệt tác, nên chúng ta muốn đi xem.

Sau khi rời nhà, dân chúng đi theo bậc Ðạo Sư, và vài kẻ ly khai giáo hội cũng đi theo Ngài cùng với đám đệ tử của họ.

Họ nói: Chúng ta sẽ thị hiện một phép thần thông ở nơi mà Sa Môn Gotama sắp thị hiện phép thần thông của mình.

Dần dần, bậc Ðạo Sư đi đến Xá Vệ.

Vua hỏi Ngài: Bạch Thế Tôn, có đúng là Ngài sắp thị hiện thần thông lực như chúng đồn chăng?

Quả đúng vậy. Ngài đáp.

Khi nào?

Vua hỏi.

Ngày thứ bảy kể từ đây, vào đúng rằm tháng sáu trăng tròn.

Bạch Thế Tôn, thế trẫm có cần dựng lên một ngôi đình chăng?

Thưa Ðại Vương, cứ an tâm, ở ngay nơi mà ta sắp thị hiện thần thông. Sakka Ðế Thích Thiên Chủ sẽ dựng lên một ngôi đình bằng châu ngọc có chu vi mười hai dặm.

Bạch Thế Tôn, trẫm có cần loan báo việc này khắp Kinh Thành chăng?

Ðại Vương cứ loan báo.

Vua liền đặt người thông tin Chánh Pháp này trên một con voi được trang hoàng thật lộng lẫy, đi công bố như sau: Hãy nghe tin này! Bậc Ðạo Sư sắp thị hiện bằng thần thông để đánh bại những kẻ ly khai giáo hội, trước cổng thành Xá Vệ, dưới gốc cây xoài có cục u trong bảy ngày nữa kể từ ngày hôm nay!

Cứ mỗi ngày họ lại báo tin này. Khi đám người ly khai nghe tin rằng phép lạ sẽ được thị hiện dưới một gốc cây xoài có cục u, họ liền ra lệnh chặt hết mọi cây xoài gần thành Xá Vệ, rồi đền tiền bạc cho các chủ vườn xoài.

Vào đêm trăng tròn, người thông tin chánh pháp ấy công bố: Hôm nay vào buổi sáng, phép thần kỳ sẽ xuất hiện.

Nhờ oai lực của Chư Thiên, người người khắp cõi Diêm Phù Đề Ấn Ðộ, dường như đều ra đứng ở cửa và nghe tin loan báo ấy.

Bất cứ người nào trong lòng có ý muốn đi xem, đều thấy mình đến tại Xá Vệ ấy: Dân chúng chiếm khoảng mười hai dặm.

Từ sáng sớm, bậc Ðạo Sư đi khất thực. Viên quan giữ vườn ngự uyển, tên Ganda hay Cục U, sắp đem đi dâng Vua một trái xoài chín trông thật đẹp, lớn bằng cái giạ đựng lúa, vừa độ chín muồi, thì ông thấy bậc Ðạo Sư tại cổng thành, liền bảo: Trái xoài này thật xứng đáng với bậc Ðạo Sư. Rồi ông dâng xoài lên Ngài. Bậc Ðạo Sư cầm lấy ngồi xuống một bên cổng, dùng trái xoài.

Khi đã thọ thực xong, Ngài bảo: Này Ànanda, đưa cho người giữ vườn hột xoài này để trồng ngay chỗ này, nó sẽ thành cây xoài có cục u.

Tôn Giả tuân lệnh.

Người giữ vườn đào một lỗ dưới đất, trồng hột xoài ấy. Trong chốc lát, hạt xoài nứt ra, rễ đâm ra và nhú lên một mầm đỏ cao bằng cái chày, ngay khi đám đông đang trố mắt nhìn, nó lớn dần thành một cây xoài cao cả trăm cubit 1 cubit = 45cm với thân cây cao năm mươi cubit, các cành lá cũng cao năm mươi cubit, cùng lúc hoa nở rộ, trái chín dần, cây vẫn đứng choáng rợp cả bầu Trời có đàn ong vây quanh cành sai nặng trĩu quả vàng óng.

Khi có làn gió thổi, trái ngọt rơi xuống, các Tỳ Kheo đến lượm lấy xoài, ăn xong ra về. Vào buổi chiều, Thiên Chủ Sakka Ðế Thích suy xét, nhận thấy mình có bổn phận dựng lên một ngôi đình gồm bảy báu vật, chu vi rộng mười hai dặm che kín mọi nơi bằng hoa sen xanh.

Như vậy, Chư Thiên của mười ngàn Thế Giới tụ tập lại đây.

Sau khi đã thị hiện phép thần thông vô cùng kỳ diệu trước các đệ tử của Ngài để đánh bại đám người ly khai giáo hội, bậc Ðạo Sư làm phát khởi lòng tin trong các hội chúng xong, Ngài đứng lên, ngự trên bảo tọa dành cho Đức Phật và Thuyết Pháp.

Hàng trăm triệu chúng sinh uống được nguồn nước trường sinh. Sau đó Ngài nhận định để biết rõ Chư Phật quá khứ đi về đâu sau khi đã thực hiện một phép thần thông, và nhận thấy chính là về Cõi Trời Ba Mươi Ba, Ngài liền rời khỏi bảo tọa, chân phải Ngài đặt lên đỉnh Yugandhara, chân trái Ngài bước qua đỉnh Sineru Tu Di, Ngài bắt đầu an cư vào mùa mưa dưới cây Ðại San hô, an tọa trên chiếc ngai hoàng thạch, và suốt thời gian ba tháng, Ngài thuyết Thắng pháp Abhidhamma siêu phàm cho Chư Thiên.

Dân chúng không biết bậc Ðạo Sư đi đâu, họ nhìn nhau bảo: Thôi ta về nhà và an trú tại nơi đó, suốt mùa mưa.

Khi mùa an cư trai giới gần chấm dứt, ngày đại lễ Tự Tứ cận kề, Ðại Trưởng Lão Moggallàna Mục Kiền Liên đi thông báo với Đức Thế Tôn.

Ngài hỏi: Sàriputta Xá Lợi Phất nay ở đâu?

Bạch Thế Tôn, sau khi phép thần thông làm cho Tôn Giả hoan hỷ, vị ấy đã ở lại cùng năm trăm vị Tỳ Kheo trong Kinh Thành Samkassa, và vẫn còn an trú tại đó.

Này Moggallàna, vào ngày thứ bảy kể từ hôm nay, ta sẽ xuống hạ giới bằng cổng thành Samkassa. Vậy kẻ nào muốn chiêm ngưỡng Như Lai hãy tụ tập tại thành Samkassa.

Trưởng Lão này đồng ý đi báo cho dân chúng hay: Tôn Giả mang toàn thể hội chúng từ Xá Vệ đến Samkassa cách xa nhau cả ba mươi dặm chỉ trong chớp mắt.

Khi mùa an cư trai giới qua rồi, đại lễ Tự Tứ đã được cử hành xong, bậc Ðạo Sư bảo Sakka Thiên Chủ rằng Ngài sắp trở về cõi nhân thế.

Sau đó, Thiên Chủ cho triệu thần xây dựng Vissakamma vào và bảo: Hãy làm một cầu thang để Đấng Thập Lực bước xuống cõi trần.

Vị này đặt cầu thang trên đỉnh Sineru, chân nằm trên cổng thành Samkassa. Ở giữa, vị ấy làm ba bậc thang liền nhau, một bậc bằng ngọc, một bậc bằng bạc, và một bậc bằng vàng, còn lan can và mái làm bằng bảy báu vật.

Sau khi bậc Ðạo Sư thị hiện thần thông để cứu độ cõi thế gian, Ngài bước xuống bậc thang chính giữa làm bằng ngọc.

Thiên Chủ Sakka cầm chiếc bình bát và chiếc y, Suỳama cầm cái quạt bằng đuôi trâu rừng Yak, Phạm Thiên Chủ mang chiếc lọng và Chư Thiên trong mười ngàn Thế Giới đồng chiêm bái Ngài với các vòng hoa Trời và các hương liệu.

Khi bậc Ðạo Sư đã đứng ở chân cầu thang, vị đệ nhất Trưởng Lão Sàriputta đảnh lễ Ngài, sau đó là toàn thể hội chúng.

Ở giữa hội chúng này, bậc Ðạo Sư suy nghĩ: Moggallàna đã chứng tỏ đầy đủ thần thông lực, Upàli là người tinh thông giới luật của bậc Thánh, song đặc tính đại trí tuệ của Sàriputta lại chưa được dịp tỏ bày. Trừ một mình ta, chẳng ai đạt trí tuệ đầy đủ trọn vẹn như vậy, nên ta muốn tỏ bày năng lực trí tuệ của vị này cho hội chúng biết rõ.

Trước tiên Ngài đặt câu hỏi thông thường cho đám người phàm phu không biết gì cả. Cùng cách ấy, Ngài lần lượt đặt câu hỏi vừa tầm hiểu biết của những vị Nhất Lai, Bất Lai và các vị A La Hán, các Thánh Đệ Tử, trong từng trường hợp.

Những vị nào dưới cấp bậc ấy lần lượt không trả lời được, chỉ những vị ở trên cấp bậc ấy mới có thể trả lời. Sau đó, Ngài đặt câu hỏi trong khả năng hiểu biết của Tôn Giả Sàriputta thì chỉ Trưởng Lão này trả lời được, còn các vị khác không thể.

Dân chúng hỏi nhau: Vị Trưởng Lão trả lời bậc Ðạo Sư là ai thế?

Họ được bảo đó là vị Tướng quân Chánh Pháp tên gọi Sàriputta.

Ôi! Trí tuệ của Ngài thật cao cả thay! Họ bảo nhau.

Từ đó về sau, đặc tính đại trí tuệ của Trưởng Lão này vang dội khắp loài người và Chư Thiên.

Lúc ấy bậc Ðạo Sư nói với vị này:

Người này thử thách phải đi qua,

Kẻ khác đạt rồi mục đích xa,

Tư cách khác nhau đều hiển lộ,

Vì ông biết rõ hết kia mà.

Như vậy, sau khi hỏi một câu thuộc phạm vi hiểu biết của một vị Phật, Ngài thêm: Ðây là vấn đề được đặt ra tổng quát sơ lược, còn đâu là ý nghĩa của vấn đề trong mọi phương diện?

Vị Trưởng Lão xem xét vấn đề.

Vị ấy suy nghĩ: Bậc Ðạo Sư hỏi về đường lối tu tập thích hợp cho Tăng Chúng tinh tấn tăng trưởng, cả những người mới đạt được những quả vị thấp, lẫn những bậc Thánh A La Hán đó chăng?

Về vấn đề tổng quát, Tôn Giả này không có điều gì nghi hoặc.

Nhưng rồi Tôn Giả suy xét: Ðường lối tu tập thích hợp có thể được diễn tả bằng nhiều cách nói theo ngũ uẩn trong mỗi vị hữu tình, khởi đầu là như vậy, song bây giờ làm sao ta có đáp đúng ý nghĩa của bậc Ðạo Sư?

Tôn Giả hoài nghi về ý nghĩa ấy.

Bậc Ðạo Sư nghĩ thầm: Sàriputta không hoài nghi gì về vấn đề tổng quát, song còn nghi hoặc về khía cạnh đặc biệt gì của vấn đề mà Ta đang xem xét. Nếu Ta không đưa ra lời gợi ý hướng dẫn thì ông ấy không thể nào giải đáp được. Vậy ta phải gợi ý cho ông ấy.

Rồi Ngài đưa lời gợi ý bằng cách hỏi: Này Sàriputta, ông có chấp nhận điều này là đúng chăng Ngài nói một vấn đề nào đó.

Tôn Giả Sàriputta chấp nhận vấn đề ấy.

Gợi ý như vậy xong, Ngài biết Tôn Giả Sàriputta đã nắm vững ý nghĩa của Ngài, và sẽ giải đáp đầy đủ bắt đầu từ ngũ uẩn trong mỗi vị hữu tình. Sau đó, vấn đề hiện ra rõ ràng trước mắt vị Trưởng Lão như có cả trăm ngàn lời gợi ý, ồ không, cả ngàn lời nữa, và theo lời hướng dẫn của Đức Phật, Tôn Giả giải đáp vấn đề kia thuộc về tri kiến Phật.

Bậc Ðạo Sư Thuyết Pháp cho cả hội chúng khắp cả mười hai dặm: Ba trăm triệu vị hữu tình uống được nguồn nước trường sinh.

Khi hội chúng ra về, bậc Ðạo Sư lại du hành khất thực, dần dần đến Xá Vệ. Ngày hôm sau, khi đã khất thực tại Xá Vệ xong, Ngài trở về và dạy bảo các Tỳ Kheo giữ phận sự của mình rồi bước vào Hương phòng.

Về buổi tối, các Tỳ Kheo bàn luận đến đức tính cao cả của Trưởng Lão Sàriputta, trong lúc Tăng Chúng ngồi tại Chánh Pháp Đường: Này các Hiền Giả, Tôn Giả Sàriputta thật là bậc đại trí tuệ, Tôn Giả có trí tuệ quảng bác, trí tuệ mẫn tiệp, trí tuệ tinh xảo, trí tuệ linh lợi. Bậc Ðạo Sư đặt câu hỏi tổng quát, Tôn Giả đã trả lời thật đầy đủ sâu rộng.

Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi Tăng Chúng đang bàn luận gì trong lúc ngồi đó, các vị trình với Ngài, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu vị ấy trả lời rộng rãi một vấn đề được nêu tổng quát, mà ngày xưa cũng đã làm như vậy.

Và Ngài kể câu chuyện quá khứ.

Một thời, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba La Nại, Bồ Tát được sinh làm một con nai sống trong rừng. Bấy giờ, Vua thích săn bắn, và Vua lại là một người đầy uy lực, Ngài cho rằng không có ai xứng danh con người cả.

Một ngày kia, lúc Ngài đi săn, Ngài bảo đám cận thần: Hễ ai để thoát một con nai vì mình thì sẽ bị trừng phạt như vậy như vậy.

Bọn họ suy nghĩ: Người ta có thể đứng trong nhà mà không tìm thấy vựa lúa. Khi một con nai bị vây bắt bằng cái móc hay gậy cong, ta phải lùa nó đến nơi Đức Vua đứng.

Bọn họ liền giao ước với nhau để thực hiện điều này, và sắp đặt Vua đứng ở cuối đường. Sau đó, họ vây quanh một hang lớn và bắt đầu lấy dùi cui gậy gộc đập lên mặt đất. Con vật đầu tiên bị vây bắt chính là nai vàng. Ba lần nai nhìn quanh bụi cây tìm cơ hội trốn thoát.

Khắp nơi, nai thấy người ta đứng chật ních chen tay, cung kề cung, chỉ có nơi Vua đứng là nai thấy may ra còn có dịp. Với đôi mắt chiếu sáng lòa, nai vụt đến phía Vua làm chói mắt Vua như thể tung cát bụi vào đôi mắt ấy. Lập tức Vua thấy nai, bắn tên ngay và hụt mất.

Ta phải biết rằng loài nai rất thông minh tránh được các mũi tên. Khi các mũi tên vụt thẳng vào chúng, chúng đứng yên để tên bay đi, nếu tên vụt tới phía sau, nai sẽ vụt chạy nhanh hơn. Nếu tên bay xuống từ phía trên chúng cong lưng lại, nếu từ phía suờn, nai nghiêng mình một tí. Nếu tên nhắm vào bụng, nai lăn một vòng.

Khi tên đã lướt qua rồi thì nai vụt nhanh như bay gió cuốn. Vì vậy, khi Vua thấy nai lăn qua, tưởng nai đã bị thương, liền kêu lên một tiếng ô này!

Nai vùng đứng dậy, vụt nhanh như gió, phá được vòng vây của đám người kia.

Các triều thần ở cả hai phía nhìn thấy con nai chạy thoát, liền tụ tập lại với nhau và hỏi:

Nai tiến về chỗ của ai thế?

Chỗ của Chúa Thượng.

Song Chúa Thượng đã la lớn: Ta bắn được nai rồi kia mà!

Vậy Chúa Thượng bắn được cái gì?

Tôi dám chắc với quí vị, Chúa Thượng bắn hụt rồi!

Chúa Thượng bắn mặt đất đấy!

Như vậy, hội chúng chế nhạo Vua không ngớt.

Vua nghĩ thầm: Bọn này đang chế nhạo ta, chúng không biết tay ta.

Rồi khi nai nịt thắt lưng, Vua đi bộ, cầm kiếm trong tay, vừa đi thật nhanh vừa la to: Ta sẽ đi bắt nai! Vua nhìn sát theo nai và đuổi nai chừng ba dặm. Nai tiến sâu vào rừng, Vua cũng tiến theo. Lúc bấy giờ trên đường nai đi, có một cái hố thật lớn với một cây đã mục nát, sâu chừng sáu mươi cubit, đám cỏ dại mọc che phía trên.

Nai ngửi được mùi nước, thấy đó là cái hố, nên nghiêng mình qua một bên tránh đường. Song Vua cứ đi thẳng lên nên ngã vào hố. Nai không còn nghe tiếng chân Vua nữa, liền quay lại. Thấy không có ai, nai biết là Vua hẳn đã rơi xuống hố. Vì thế, nai đến nhìn vào, thấy Vua trong tình cảnh nguy khốn, vùng vẫy trong nước sâu.

Song nai không để lòng oán hận đối với việc ác mà Vua đã làm, còn thương hại nghĩ thầm: Không được để Vua này chết trước mắt ta, ta sẽ cứu Vua qua khỏi cơn hoạn nạn này.

Vừa đứng trên miệng hố, nai vừa kêu lớn: Này Ðại Vương đừng sợ, vì ta sẽ cứu thoát Ngài khỏi cảnh hiểm nghèo này.

Rồi dùng hết sức lực, sốt sắng thiết tha như thể cứu lấy đứa con yêu quý của mình, nai đỡ Vua lên dốc đá, chính Vua kia đã đuổi theo nai để giết hại đó, nai kéo Vua ra khỏi hố sâu sáu mươi cubit, và nói lời an ủi Vua rồi đặt Vua lên chính lưng mình, mang Vua ra khỏi rừng, để Vua xuống không xa đám quân sĩ mấy.

Sau đó, nai thuyết giáo cho Vua và an trú Vua vào ngũ giới.

Tuy nhiên, Vua không thể rời bậc Ðại Sĩ được, mà bảo: Tâu Lộc Vương Chúa Thượng, xin hãy cùng ta đến Ba La Nại, vì ta muốn nhường ngôi cho Ngài tại Ba La Nại, một Kinh Thành trải rộng kháp mười hai dặm để Ngài ngự trị Toàn Quốc Độ ấy.

Song Ngài đáp: Thưa Ðại Vương, ta là thú vật, ta không muốn chiếm Vương Quốc nào cả. Nếu Ngài có lòng thương mến ta, xin hãy giữ ngũ giới mà ta đã dạy Ngài, rồi Ngài dạy cho đám Quần Thần của Ngài cũng giữ giới nữa.

Cùng với lời khuyên này, Ngài trở về rừng. Còn Vua đến gặp lại quân sĩ, và trong khi hồi tưởng những đức tính cao thượng của nai kia, mắt Vua đẫm lệ.

Vừa được đám binh sĩ hộ tống, Vua ngự khắp Kinh Thành trong hồi trống ban lệnh Vua vang rền, truyền rao lời bố cáo này: Từ nay về sau, dân chúng toàn thành hãy giữ Ngũ Giới. Song Vua không nói với ai về lòng nhân từ mà Bậc Ðại Sĩ đã ban cho Ngài.

Sau khi dùng xong các món cao lương mỹ vị về buổi chiều tối, Vua an nghỉ trên Vương sàn lộng lẫy và sáng sớm hôm sau, Vua nhớ lại những đức tính cao thượng của bậc Ðại Sĩ, Ngài liền trở dậy và ngồi chéo chân trên Vương tọa, tâm tràn đầy hân hoan, Ngài cất tiếng ca lên nguyện vọng của Ngài qua sáu vần kệ:

Cứ hy vọng, người ơi, là bậc trí,

Xin hãy đừng nản chí hoặc sờn lòng,

Chính ta nay thành đạt đích hằng mong.

Ta thấy rõ, người ơi, là bậc trí,

Cứ hy vọng, dù buồn, đừng nản chí,

Chính ta đây chiến đấu tiến vào bờ.

Vượt trùng dương, ta thấy rõ, bây giờ,

Cố gắng mãi, người ơi, là bậc Trí,

Xin hãy chớ nản lòng hay nhụt chí,

Chính ta nay thành đạt đích ước nguyền.

Ta thấy nay, người hỡi, gắng sức lên,

Nếu người trí, dù buồn phiền đau khổ,

Ðừng chán nản, chính ta đây nhìn rõ,

Ta đã từng chiến đấu vượt trùng dương.

Bậc trí nhân dù tràn ngập đau thương,

Niềm hy vọng an vui không hề tắt,

Nhiều tình cảm, khổ đau cùng an lạc:

Các Ngài không nghĩ đến chúng làm chi,

Song lên đường cho đến lúc chết đi.

 Việc xảy ra, ta đều không ngờ tới,

Việc ta tính lại thường hay thất bại,

Vì chỉ riêng phần ý tưởng mà thôi

Chẳng lợi cho niềm hạnh phúc người đời.

Trong lúc Vua đang ca khúc hát này, mặt Trời cũng vừa lên. Còn vị Tế Sư của Ngài cũng dậy sớm vào vấn an sức khỏe của Ngài.

Lúc đang đứng ở cửa, vị này nghe tiếng ca ấy, nghĩ thầm: Hôm qua Đức Vua đi săn. Chắc Ngài đã hụt mất con nai và khi bị Quần Thần chế nhạo, Ngài phán rằng Ngài sẽ đích thân đuổi bắt con mồi và giết đi. Sau đó, hẳn Ngài săn đuổi theo nai, vì bị lòng kiêu mạn của một chiến sĩ thúc đẩy, nên bị rơi vào cái hố sâu sáu mươi cubit.

Rồi nai có từ tâm chắc hẳn đã kéo Ngài lên mà không hề có Chút ý nghĩ gì đến tội ác của Đức Vua đối với mình. Chắc vì thế nên Đức Vua hát lên khúc tụng ca này đây.

Như vậy, vị Bà La Môn này nghe hết mọi lời ca của khúc hát kia, và những việc gì đã xảy ra giữa Vua với nai đều rõ ràng như một khuôn mặt phản chiếu trong chiếc gương được lau chùi thật kỹ. Ông lấy đầu ngón tay gõ nhẹ lên cửa.

Vua hỏi: Ai đó?

Tâu Chúa Thượng, chính hạ thần là Tế Sư đây.

Này Sư Trưởng, cứ vào đi.

Vua bảo rồi mở cửa. Vị ấy bước vào, tung hô vạn tuế Đức Vua, và đứng sang một bên.

Sau đó, ông thưa: Tâu Ðại Vương, hạ thần biết những việc đã xảy ra với Ðại Vương ở trong rừng. Trong lúc đuổi theo con nai, Ðại Vương rớt vào hố và con nai dựa vào sườn đá bên hố mà kéo Ðại Vương lên. Vì vậy, Ðại Vương nhớ lại đặc tính cao cả của nai và hát một bài tụng ca.

Rồi ông ngâm hai vần kệ:

Bên sườn non nọ có con nai,

Trước đó là con thịt của Ngài,

Dũng cảm nai ban Ngài cuộc sống,

Vì ly tham hận hết trong đời.

Khỏi hố đáng Kinh, vuốt tử thần,

Dựa vào tảng đá bạn khi cần,

Chúa nai cứu mạng nên Ngài bảo:

Trí tuệ nai vàng vượt hận sân.

Ô kìa! Vua suy nghĩ khi nghe lời trên:

Người này không cùng đi săn với ta, tuy thế, lại biết hết mọi sự.

Làm sao lại biết được thế?

Ta muốn hỏi vị ấy.

Và Vua ngâm vần kệ thứ chín:

Ðạo Sĩ, hôm kia có mặt chăng?

Hoặc nghe từ một kẻ bàng nhân?

Tấm màn tham dục Ngài đã vén,

Trí tuệ Ngài làm trẫm hãi hùng!

Song vị Bà La Môn đáp: Hạ thần không phải là một vị Phật toàn tri đâu, hạ thần chỉ nghe lóm khúc tụng ca của Ðại Vương vừa hát đó thôi, mà không bỏ sót ý nghĩa, nên mọi việc trở nên rõ ràng trước mắt hạ thần.

Ðể giải thích điều này, ông ngâm vần kệ thứ mười:

Tâu chúa công! Việc ấy, thần chẳng nghe,

Không vào rừng để chứng kiến ngày kia,

Song từ khúc kệ Ngài ca êm dịu,

Việc ra sao, Trí nhân đà thấu hiểu.

Vua rất hoan hỷ nên ban thưởng ông một tặng phẩm quí giá.

Từ đó về sau, Vua chuyên tâm bố thí và làm các thiện sự, dân chúng cũng đem hết lòng làm thiện sự, nên khi mạng chung được sinh lên cùng Thiên Chúng thật đông đảo.

Lúc bấy giờ, Vua đi vào thượng uyển cùng với vị Tế Sư để bắn bia. Thời ấy Sakka Ðế Thích Thiên Chủ đang suy gẫm xem cả đám Tiên Đồng Ngọc Nữ kia mới từ đâu đến mà Ngài thấy thật đông đảo chung quanh Ngài như thế.

Khi xét kỹ, Ngài chợt hiểu toàn câu chuyện: Vua đã được nai cứu thoát khỏi cái hố như thế nào, Vua đã được an trú vào giới đức, và nhờ uy lực của Vua ra sao mà dân chúng đã làm nhiều thiện sự nên Thiên Giới trở thành đông đúc như thế, và nay Vua lại vào ngự uyển để bắn một cái bia.

Vì thế, Thiên Chủ cũng đến nơi đó, với giọng sư tử hống, Ngài tuyên thuyết tính cao thượng của nai, và bảo cho biết chính Ngài là Sakka Thiên Chủ, rồi đứng vững trên không mà thuyết pháp nêu rõ công đức của lòng từ bi và ngũ giới, xong Ngài trở về.

Bấy giờ, Vua dự định bắn bia, giương chiếc cung và lắp mũi tên vào dây. Ngay lúc ấy, Sakka Thiên Chủ dùng thần lực hóa hiện ra con nai đứng giữa Vua và tấm bia, Vua thấy vậy không bắn tên nữa.

Lúc ấy, Thiên Chủ nhập vào thân của vị Tế Sư ngâm kệ này cho Vua nghe:

Tên Ngài giết lắm vật oai hùng,

Sao lại cầm tên lặng giữa cung?

Hãy bắn tên bay vào lộc ấy,

Ðó là ngự thiện, tấu Minh Vương!

Vua đáp lại qua vần kệ:

Tế Sư, trẫm thấu suốt hơn Ngài:

Trẫm biết dâng Vua chính thịt nai,

Song trẫm nhớ ơn đà cứu giúp,

Trẫm dừng tay chẳng hại đời ai.

Sau đó, Sakka Thiên Chủ ngâm đôi vần kệ:

Chẳng phải là nai, tấu Ðại Vương,

Mà đây là một Tu La thần,

Ngài là chúa tể nơi trần thế,

Giết nó, Ngài lên Đấng Ngọc Hoàng!

Nếu Ngài do dự, tấu Anh quân,

Khi giết nai vì chính bạn thân,

Sẽ vào sông lạnh Diêm Vương phủ,

Cùng vợ con Ngài xuống cõi âm.

Nghe thế Vua liền ngâm hai vần kệ:

Cứ vậy Diêm Vương với tử hà,

Ðưa ta đến đủ cả toàn gia,

Cùng thân bằng nữa, ta không thể

Tự giết nai bằng tay của ta.

Ðầy rẫy rừng sâu nỗi hãi hùng,

Chính nai đã cứu khỏi tai ương,

Sao ta muốn vị ban ân chết,

Sau việc thi ân ấy đã mang?

Lúc ấy, Thiên Chủ Sakka xuất ra khỏi thân của vị Tế Sư, mang lấy đúng hình dáng của Ngài và hiện đứng vững trên không, ngâm hai vần kệ nêu rõ đức tính cao thượng của Vua:

Thiện hữu muôn năm ở cõi trần!

Dạy đời lương thiện, lý toàn chân,

Rồi Thiên Nữ sẽ theo hầu hạ

Ngài chính In dra giữa các Thần.

Thoát dục, tâm mình mãi trú an,

Khi nhiều người lạ đến kêu van,

Hãy cho chúng những gì cần thiết,

Vì Ðại Vương đầy đủ khả năng,

Hãy sống phân minh không phạm lỗi,

Ngày sau Thiên Giới sẽ dành phần.

Nói vậy xong, Thiên Chủ tiếp tục như sau: Ta đến đây để thử Ngài, này Ðại Vương, và Ngài đã không đồng ý với ta. Ta xin Ngài hãy gắng tinh cần mãi.

Cùng với lời khuyên này, Ngài trở về cõi của mình.

Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt pháp thoại, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải lần đầu tiên Sàriputta hiểu đầy đủ những điều được nói tổng quát, mà ngày xưa cũng vậy.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Ànanda A Nan là Vua, Sàriputta Xá Lợi Phất là vị Tế Sư và ta chính là nai chúa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần