Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Bốn - Tạp Phẩm - Chuyện Cúng Thực Phẩm đúng Cấp Bậc Tiền Thân Bhikkhà Parampara

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI BỐN  

TẠP PHẨM  

CHUYỆN CÚNG THỰC PHẨM

ĐÚNG CẤP BẬC

TIỀN THÂN BHIKKHÀ PARAMPARA  

Ta trông Ngài xứng đáng ngôi cao. Chuyện này Bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một vị điền chủ. Người ấy là một tín đồ mộ đạo, thường xuyên tỏ lòng cung kính trọng thể Đức Như Lai và Tăng Chúng.

Một hôm ông suy nghĩ như sau: Ta thường xuyên tỏ lòng cung kính trọng thể Đức Phật là ngôi báu và Tăng Chúng là một ngôi báu nữa, bằng cách cúng dường thực phẩm thượng vị và y phục.

Nay ta muốn tỏ lòng cung kính trọng thể Pháp Bảo: Song làm cách nào để cúng dường ngôi báu ấy?

Vì vậy ông đem nhiều vòng hoa thơm và hương liệu, đi về phía Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Đạo Sư và hỏi Ngài: Bạch Thế Tôn, ước nguyện của con là cúng dường Pháp Bảo, vậy làm sao một người có thể thực hiện việc ấy?

Bậc Đạo Sư đáp: Nếu tâm nguyện của ông là cúng dường trọng thể ngôi Pháp Bảo thì ông hãy cúng dường trọng thể cho Ànanda, vị Thủ kho Chánh Pháp Dhamma Bhandàgàrika: Lành thay! Ông đáp và xin hứa sẽ thực hiện việc ấy. Ông đi mời Tôn Giả Ànanda đến viếng nhà mình, rồi hôm sau rước Tôn Giả về nhà với lễ nghi vô cùng huy hoàng trọng thể.

Ông mời Tôn Giả ngồi trên một bảo tọa lộng lẫy và cúng dường Tôn Giả vòng hoa thơm cùng hương liệu rồi thiết đãi đủ loại cao lương mỹ vị, lại dâng loại vải vóc rất sang trọng vừa đủ cho ba y.

Tôn Giả liền suy nghĩ: Vinh dự này dành cho Pháp Bảo. nó không thích hợp với ta, mà thích hợp với vị Tướng Quân Chánh Pháp Dhamma Senàpati. Thế là đặt thực phẩm vào bình bát và cầm vải vóc, Tôn Giả đem đến Tinh Xá, tặng lễ vật cho Tôn Giả Sàriputta.

Tôn Giả này cũng nghĩ như vậy: Vinh dự này dành cho ngôi Pháp Bảo, nó không thích hợp với ta, mà nó chỉ thích hợp duy nhất với bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, Đấng Pháp Vương. Và Tôn Giả dâng nó lên Đấng Thập Lực. Bậc Đạo Sư thấy không còn ai trên Ngài nữa, nên thọ hưởng thực phẩm và nhận số vải vóc để làm ba y.

Sau đó Tăng Chúng bàn luận việc này trong Chánh Pháp Đường: Này các Hiền Giả Tỳ Kheo, thế là vị điền chủ kia muốn tỏ lòng cung kính trọng vọng đối với Chánh Pháp nên cúng dường Tôn Giả Ànanda là vị Thủ Kho Chánh Pháp. Tôn Giả này nghĩ mình chưa xứng đáng với lễ vật ấy nên trao lại vị Tướng Quân Chánh Pháp.

Tôn Giả này cũng nghĩ mình không xứng đáng nên dâng lên Đức Như Lai. Còn Đức Như Lai, thấy không còn ai trên Ngài, biết rằng Ngài xứng đáng với lễ vật ấy ở vị trí Đấng Pháp Vương, nên Ngài đã thọ hưởng thực phẩm và nhận số vải để làm ba y kia.

Như vậy thực phẩm cúng dường đã tìm được chủ nhân nhờ đi đến đúng người có quyền thọ hưởng. Bậc Đạo Sư bước vào hỏi Tăng Chúng đang bàn luận gì khi ngồi ở đây. Các vị trình với Ngài.

Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu tiên thực phẩm cúng dường đến đúng vào phần của người xứng đáng bằng những cấp bậc tiến lên tuần tự, mà ngày xưa, trước thời Đức Phật cũng thế.

Cùng với những lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ. Một thời, Vua Brahmadatta trị vì rất chân chánh tại Ba La Nại, sau khi đã đoạn trừ các ác nghiệp và hành trì Thập Vương Pháp.

Vì thế, tòa án xử kiện của Vua trở nên trống rỗng, Vua muốn tìm kiếm cho ra lỗi lầm của mình, cứ hỏi han mọi người, bắt đầu với những người ở chung quanh Ngài, nhưng không nơi nào, dù trong các hậu cung, trong kinh thành hay các thôn làng lân cận, Ngài tìm được nguời nói một lỗi gì cho Ngài cả.

Sau đó, Ngài quyết định đi thăm dò dân chúng vùng quê. Vì thế, sau khi giao quyền trị nước cho các triều Thần, Ngài đem vị Tế Sư đi theo Ngài. Hai vị cải trang du hành xuyên qua Quốc Độ Kàsi. Tuy thế, Ngài cũng không thấy ai nói về Ngài vì một lỗi gì cả.

Cuối cùng, Ngài đến một làng ở biên địa, ngồi ở một sảnh đường không có cổng vào. Thời đó, một vị điền chủ của làng ấy là một phú ông giầu có đến tám trăm triệu đồng tiền, đi cùng một đám tùy tùng đông đảo đến một bến tắm, thấy Vua ngồi trong sảnh đường kia với thân tướng cao sang và sắc da vàng óng.

Ông sinh lòng yêu mến Ngài, liền đi vào sảnh đường và bảo: Hãy ngồi đây một lát. Sau đó ông về nhà, bảo soạn sẵn đủ loại thực phẩm thượng vị, rồi trở lại với đám tùy tùng đông đảo mang theo các bình bát đựng thức ăn.

Cùng lúc ấy, một vị tu khổ hạnh từ vùng Tuyết Sơn đi xuống cũng ngồi xuống đó, vị này đã chứng được năm Thắng trí. Và một vị Độc Giác Phật, cũng từ hang núi Nanda hạ sơn đến ngồi đó.

Vị điền chủ kia đưa nước cho Vua rửa tay rồi dọn một đĩa thức ăn thượng hạng đủ loại gia vị thơm ngon và đặt trước mặt Vua.

Ngài nhận và trao cho vị Tế Sư Bà La Môn, vị Tế Sư cầm lên trao cho nhà tu khổ hạnh. Nhà tu khổ hạnh bước đến gần vị Độc Giác Phật, tay trái cầm bình đựng thức ăn, tay phải cầm bình nước, trước tiên rót nước cúng dường như chuyện trước, rồi đặt thức ăn vào bát vị này. Vị ấy liền ăn ngay, không mời ai cùng chia phần với mình hay xin phép gì cả.

Khi bữa xong, vị điền chủ suy nghĩ: Ta dâng thức ăn lên Đức Vua, Ngài trao cho vị Tế Sư, vị Tế Sư trao cho vị tu khổ hạnh, vị tu khổ hạnh lại trao cho vị Độc Giác Phật, và vị Độc Giác Phật đã thọ thực ngay mà không xin phép ai nữa.

Việc cúng dường này có ý nghĩa gì chăng?

Tại sao vị cuối cùng thọ thực và không cần xin phép ai hay nhờ ai cho phép?

Ta sẽ hỏi lần lượt các vị này.

Rồi vị ấy lần lượt đến gần mỗi người, đảnh lễ xong liền nói câu ấy và được các vị trả lời:

Phú ông hỏi:

Ta trông Ngài xứng đáng ngôi cao,

Ngài đến từ cung điện xứ nào,

Sa mạc vùng này hoang vắng quá,

Dáng hình Ngài quá thật thanh tao.

Vì mến thương Ngài, ta đã dâng,

Cao lương khéo chọn lựa vừa ăn:

Món cơm kia được tài người khéo

Nấu đổ lên trên món thịt hầm.

Thực phẩm Ngài cầm lại chẳng ăn,

Ngài đem tặng vị Bà La Môn,

Lòng đầy cung kính, nay xin hỏi:

Việc mới làm mang ý nghĩa chăng?

Đức Vua đáp:

Sư Trưởng ta đây thật nhiệt thành,

Việc dù lớn nhỏ vẫn thi hành,

Nên ta phải tặng phần cơm cúng,

Xứng đáng Quốc Sư, quá thật tình.

Phú ông hỏi:

Dù Vua cũng trọng Bà La Môn

Xin nói, sao Ngài lại chẳng ăn,

Một đĩa cao lương tài nấu khéo,

Người đổ đầy trên món thịt ngon?

Ngài chẳng hiểu thông nghĩa cúng dường,

Song Ngài đem tặng vị Hiền Nhân,

Với lòng kính trọng, nay xin hỏi,

Việc ấy Ngài làm có nghĩa chăng?

Tế Sư đáp:

Ta có gia đình với vợ con,

Ta thường cư trú tại gia môn,

Dục tham Vua chúa ta điều phục,

Tham dục riêng ta vẫn đám hồn.

Vói người khổ hạnh, Bậc Hiền Nhân,

Xưa ở trong rừng vẫn trú thân,

Già cả, thực hành theo giáo lý,

Nên ta cầm thực phẩm đem dâng.

Phú ông hỏi:

Nay ta xin hỏi Bậc Hiền Nhân,

Ở dưới da Ngài lộ rõ gân,

Vói móng mọc dài, đầu tóc rối,

Cái đầu dơ bẩn lẫn hàm răng.

Ngài chẳng màng đời sống thế gian,

Hỡi người đơn độc trú rừng hoang,

Tôn Sư nay có gì ưu thắng,

Mà phải đem lương thực cúng dâng?

Vị khổ hạnh đáp:

Ta đào củ cải, tỏi, hành hoang,

Cỏ, lá, bạc hà, vẫn kiếm luôn,

Nhặt hạt cải đen, rung lúa dại,

Trải ra phơi nắng thật khô dòn.

Ngó sen, dược thảo, táo, chà là,

Am lạc, mật ong, miếng thịt thừa,

Là của ta dành phần kiếm được,

Rồi làm thành món hợp cho ta.

Ngài không, lão nấu, lão nhiều hàng,

Ngài chẳng có chi, lão buộc ràng,

Thế sự bao điều, Ngài giải thoát,

Món cơm Ngài hưởng đúng công bằng.

Phú ông hỏi:

Xin hỏi, ngồi kia bậc trí hiền,

Mọi nguồn dục vọng thảy nằm yên,

Món cơm nấu khéo đầy ngon ngọt,

Có kẻ đem phần thịt đổ lên.

Ngài nhận và ngon miệng uống ăn,

Chẳng mời ai đến để chia phần,

Đầy lòng kính trọng, nay xin hỏi:

Việc ấy Ngài làm có nghĩa chăng?

Độc Giác Phật đáp

Không nấu, cũng không bảo nấu dùm,

Nay không làm hại, trước không làm,

Vị kia biết rõ ta không của,

Ta quyết đoạn trừ mọi dục tham.

Tay phải vị kia nắm chiếc bình,

Thức ăn cầm phía trái bên mình,

Cho ta món thịt hầm người đặt,

Trên bát cơm ngon thật tốt lành.

Chúng nhiều tài sản, lắm kim ngân,

Bổn phận là đem của phát phân,

Ai bảo người cho cũng thọ hưởng,

Ấy là thù địch, chớ phân vân.

Khi nghe những lời này, vị điền chủ vô cùng hoan hỷ ngâm hai vần kệ cuối cùng:

Thật là ta được một duyên may

Hạnh ngộ Quân Vương ngự tới rày,

Thuở trước ta không hề biết rõ,

Cúng dường mang phước quá tràn đầy.

Đế Vương với các Bà La Môn,

Trị nước mà tâm ác dục tràn,

Các trí nhân tìm cây quả dại,

Bậc tu hành giải thoát lòng tham.

Khi vị Độc Giác Phật thuyết giáo cho vị kia xong, liền trở về cõi của Ngài và vị tu khổ hạnh cũng thế. Còn Nhà Vua, sau vài ngày ở lại với vị điền chủ, cũng trở về Ba La Nại.

Khi bậc Đạo Sư đã chấm dứt pháp thoại này, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu tiên thực phẩm đến tay người xứng đáng, mà trước kia cũng vậy.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, người điền chủ đã tôn trọng cúng dường pháp là người điền chủ trong chuyện này, Ànanda A Nan là Vua, Sariputta Xá Lợi Phất là Tế Sư và ta chính là vị tu khổ hạnh trên vùng Tuyết Sơn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần