Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Năm - Phẩm Hai Mươi - Bài Kệ - Chuyện Hiền Giả Quản Tượng Tiền Thân Hatthipàla

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI NĂM  

PHẨM HAI MƯƠI

BÀI KỆ  

CHUYỆN HIỀN GIẢ QUẢN TƯỢNG

TIỀN THÂN HATTHIPÀLA  

Cuối cùng thấy một Bà La Môn. Câu chuyện này, bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về đại sự xuất thế của Ngài.

Rồi cùng với các lời sau đây: Này các Tỳ Kheo, không phải đây là lần đầu tiên Như Lai làm đại sự xuất thế, mà xưa kia cũng vậy. Bậc Ðạo Sư kể cho Tăng Chúng một chuyện quá khứ. Một thời tại Ba La Nại, có một vị Vua cai trị mệnh danh là Esukàri. Vị Tế Sư của Ngài vốn là bạn đồng môn được Ngài yêu chuộng từ thuở niên thiếu. Cả hai đều không có con.

Một ngày kia trong lúc hai vị đang ngồi chuyện trò thân thiết cùng nhau, hai vị nghĩ thầm: Chúng ta cùng hưởng cảnh đại vinh quang, song chẳng hề có con trai con gái gì cả, vậy phải làm sao bây giờ?

Vua liền bảo vị Tế Sư: Này Hiền hữu, nếu nhà Hiền hữu sinh được một công tử thì hài nhi đó sau trở thành chúa tể trong Quốc Độ ta, song nếu ta sinh được một hoàng nam thì đó sẽ là chủ nhân tài sản nhà Hiền hữu vậy. Cả hai vị giao ước với nhau về các chuyện tiếp theo các điều lệ này.

Một hôm, vị Tế Sư đi đến ngôi làng có hoa lợi của mình, và vào làng bằng cổng phía nam, vị này thấy ngoài cổng làng một người đàn bà cùng khổ lại sinh nhiều con trai quá: Có đến bảy đứa, tất cả đều cường tráng khỏe mạnh, đứa cầm nồi đem chảo đi nấu bếp, đứa thì lấy chiếu trải giường, thằng này đi trước thằng nọ theo sau, thằng khác nắm tay mẹ, thằng kia ngồi trong lòng mẹ, một thằng nữa trèo trên vai bà.

Vị Tế Sư hỏi: Thế cha bầy trẻ này đâu?

Bà ấy đáp: Thưa Ngài, chắc chắn là đám trẻ chẳng có cha nào cả.

Vị này hỏi: Vậy thì làm sao bà có được bảy thằng con xinh tốt như thế này?

Người đàn bà không để ý đến cả khu rừng rậm, mà chỉ tay vào cây đa đứng cạnh cổng thành và nói: Thưa Ngài, tiện thiếp cầu khẩn vị thần sống ở cây này, vị thần ấy đáp lại lời cầu xin của thiếp bằng cách ban cho bảy thằng bé ấy.

Vị Tế Sư liền bảo: Thôi được, bà đi đi.

Rồi vị này xuống xe bước lên cây ấy, cầm một cành mà lắc mạnh, bảo nó: Này thần linh, Đức Vua có thiếu món gì cúng ông, suốt năm này qua năm khác, Ngài cúng ông cả ngàn đồng tiền, mà ngược lại ông chẳng ban cho Ngài vị Vương Tử nào cả.

Còn mụ ăn mày kia đã làm gì mà ông cho mụ cả bảy đứa con trai hử?

Ông phải cho Đức Vua một đứa con trai này trong vòng bảy ngày, nếu không ta sẽ bảo chặt đốn thân ông xuống và xẻ ra từng khúc đấy. Khi trách mắng vị thần cây đa như thế xong, vị Tế Sư ra đi.

Suốt sáu ngày vị Tế Sư cứ làm như vậy và vào ngày thứ sáu, vừa nắm một cành cây vừa bảo: Này thần cây, chỉ còn một đêm nữa thôi đấy, nếu ông không cho Đức Vua một con trai thì thân ông phải ngã xuống ngay. Vị Nữ Thần trên cây suy nghĩ mãi cho đến khi nàng thấy sự việc ấy rõ ràng như thế nào.

Nàng nghĩ thầm: Vị Bà La Môn kia sẽ phá tan nhà của ta nếu vị ấy không được đứa con trai. Vậy ta biết cho Ngài một con trai bằng cách nào đây đã chứ? Sau đó nàng yết kiến Tứ Đại Thiên Vương, và tâu trình với các Ngài.

Các Ngài phán: Này, chúng ta không thể ban cho người ấy một đứa con trai được! Kế đó, nàng đến gặp hai mươi tám vị Thần Dạ Xoa Yakkha, các Thần kia cũng trả lời nàng như vậy, nàng liền đến yết kiến Sakka Ðế Thích Thiên Chủ và tâu trình Ngài.

Thiên Chủ suy nghĩ trong lòng: Nhà Vua nay có sinh được hoàng nam xứng đáng với mình hay chăng?

Rồi Ngài nhìn quanh và chợt thấy bốn vị Thiên Tử đức độ. Truyện kể rằng các vị này nguyên là thợ dệt ở Ba Na Lại, trong một đời trước, tất cả mọi tiền của kiếm được nhờ buôn bán, các vị ấy chia làm năm phần, bốn phần làm của riêng mỗi người, còn phần thứ năm là của chung được đem ra bố thí hết.

Từ thành ấy chư vị tái sanh lên Cõi Trời Ba mươi ba sau đó lại tái sinh vào Cõi Yama Thiên Dạ Ma, từ đấy cứ tái sinh liên tục lên xuống qua về sáu tầng Trời Cõi Dục và hưởng thọ vô số vinh quang.

Ngay thời bấy giờ là lúc chư vị phải đi từ Cõi Trời Ba Mươi Ba đến Cõi Yama Dạ Ma. Thiên Chủ Sakka liền đi tìm kiếm, đi đến cõi nhân gian và nhập mẫu thai của chánh Hậu Ðại Vương Esukàri.

Lành thay, tâu Thiên Chủ.

Và các vị cùng nói những lời này:

Chúng thần sẽ đi, song chúng thần không muốn liên quan gì đến Hoàng Gia cả: Chúng thần sẽ tái sinh vào gia đình vị Tế Sư và ngay khi còn thanh niên, chúng thần sẽ từ giã thế tục. Thế là Thiên Chủ tán thành các vị ngay về lời cam kết kia, xong Ngài trở về, kể lại mọi chuyện cho Nữ Thần sống trên cây đa ấy. Nữ Thần rất vui mừng, tạ từ Thiên Chủ Sakka và lui về nơi cư ngụ của mình.

Còn vị Tế Sư ngày hôm sau lại đến cùng với một đám người lực lưỡng mà vị này đã tập họp lại, mỗi người cầm một cây rìu thật bén hay một vật tương tự.

Vị Tế Sư bước gần cây nắm một cành và kêu to: Này Thần cây! Ðây là ngày thứ bảy.

Kể từ khi ta cầu khẩn ông một đặc ân: Nay đã đến phá hoại cây rồi đó!

Vị thần cây dùng đại lực của nàng làm nứt nẻ thân cây và xuất hiện với giọng ngọt ngào, bảo vị ấy như vậy: Này vị Bà La Môn, Ngài muốn có một nam tử chăng?

Chà! Ta sẽ ban cho Ngài cả bốn đứa kia!

Vị Tế Sư bảo: Ta không muốn có con, xin nàng có một đứa con trai cho Đức Vua của ta thôi.

Nàng đáp: Không được đâu, ta chỉ muốn ban cho Ngài thôi. Vậy thì nàng hãy ban cho Đức Vua hai đứa và ta hai đứa đi.

Không được, Đức Vua chẳng thể nào có con đâu, phần Ngài phải có cả bốn đứa, mà chúng chỉ được phép ban cho riêng Ngài thôi, là vì chúng sẽ không muốn sống cuộc đời thế tục tại gia, nên ngay lúc tuổi còn thanh xuân, chúng sẽ từ giã thế tục này. Vậy nàng cứ cho ta các đứa con trai ấy đi, ta quyết chăm sóc để bọn chúng khỏi từ giã thế tục. Vị ấy đáp.

Như vậy là Nữ Thần đã chấp thuận lợi cầu tự của vị Tế Sư này và trở về chỗ cư ngụ của nàng. Từ đó về sau, Nữ Thần kia được trọng vọng tôn vinh lắm.

Bấy giờ vị Thiên Tử lớn nhất giáng trần, nhập mẫu thai của phu nhân vị Quốc Sư kia. Vào ngày đặt tên, gia đình ấy gọi hài nhi là Hatthipala hay Người Quản Tượng, và để ngăn cản con trai rời khỏi thế tục này, họ giao hài nhi cho vài người giữ voi chăm sóc, nên hài nhi lớn lên giữa đám người ấy.

Khi hài nhi mới lớn vừa biết đi chập chững thì hài nhi thứ hai ra đời cũng từ phu nhân ấy. Vào ngày sanh, họ đặt tên hài nhi là Assapàla hay Người Giữ Ngựa, và hài nhi lớn lên giữa bọn người giữ ngựa.

Hài nhi thứ ba lúc ra đời được đặt tên là Gopàla hay Người Chăn Trâu và hài nhi lớn lên giữa bầy mục tử. Còn Ajapàla hay Người Chăn Dê, là tên hài nhi thứ tư được gọi lúc ra đời và hài nhi này lớn lên giữa đám người chăn dê. Khi bầy trẻ lớn lên, chúng là những nam tử có đầy đủ tướng mạo tốt lành.

Lúc bấy giờ, vì lo sợ bầy con trai từ bỏ thế tục nên các người tu khổ hạnh xuất gia đều bị đuổi ra khỏi Quốc Độ này: Trong toàn xứ sở Kàsi không còn sót Tu Sĩ nào cả.

Riêng bầy nam tử này tính tình thô bạo lắm: Hễ chúng đi trên con đường nào là chúng cướp đoạt những lễ vật cúng cấp đây đó trong vùng.

Khi Hathipàla lên mười sáu tuổi, Vua và vị Tế Sư thấy dung mạo hoàn mỹ của chàng, liền nghĩ thầm: Các con nay đã khôn lớn mạnh mẽ.

Khi đã giương lên chiếc lọng Hoàng Gia rồi thì ta sẽ làm gì chúng được nữa?

Ngay khi làm lễ quán đảnh cho chúng xong, chúng sẽ thống trị tất cả: Các vị tu khổ hạnh sẽ đến, bọn chúng sẽ thấy các vị đó và cũng sẽ trở thành các vị tu khổ hạnh luôn. Một khi chúng hành động như thế thì cả nước sẽ loạn lên mất. Vậy trước tiên ta phải thử lòng chúng rồi sau đó mới làm lễ quán đảnh. Thế là hai vị này cải trang làm các nhà tu khổ hạnh và đi khất thực cho đến khi vào tận cửa nhà của Hatthipàla đang ở.

Chàng trai này vui vẻ thích thú ngay khi gặp hai vị, liền bước đến gần đảnh lễ hai vị rất cung kính, và ngâm vần kệ:

Cuối cùng thấy được Bà La Môn

Ðầu tóc búi to, tựa Thánh thần,

Răng bẩn, hôi dơ đầy bụi bặm,

Lại gồng gánh nặng nhọc trên lưng.

Cuối cùng thấy được một Hiền Nhân

Vui thú theo đường lối chánh chân

Với vỏ cây làm y phủ kín,

Và thêm một chiếc nữa màu vàng.

Xin nhận tọa sàng nước rửa chăn,

Thật là chân chánh lúc đem dâng,

Tặng nhiều thực phẩm Chư Hiền khách,

Xin nhận, vì gia chủ đón mừng.

Chàng trai lần lượt nói như vậy với hai vị.

Rồi vị Tế Sư bảo: Này Hatthipàla con hỡi, con nói điều này vì con không biết chúng ta. Con tưởng chúng ta là các Bậc Hiền Nhân từ vùng Tuyết Sơn xuống đây ư, song thật chúng ta không phải như vậy đâu, con ạ. Ðây là Ðại Vương Esukàri và ta là thân phụ của con, vị Quốc Sư đó.

Chàng trai nói: Thế thì tại sao Ðại Vương và thân phụ đắp y như các Bậc Hiền Giả?

Vị ấy đáp: Ðể thử lòng các con đó mà!

Chàng hỏi: Tại sao lại thử con chứ?

Bởi vì, nếu con gặp chúng ta mà không muốn từ giã thế tục thì chúng ta sẵn sàng làm lễ quán đảnh phong Vương cho con ngay. Ồ thưa Phụ Vương, chàng đáp, con chẳng ham Vương vị, con muốn rời bỏ thế tục.

Thân phụ chàng liền đáp: Này con Hatthipàla, đây chưa phải thời để rời bỏ thế tục đâu.

Rồi vị này giải thích ý định của mình qua vần kệ thứ tư:

Học Vệ Đà Kinh, việc trước tiên,

Làm giàu và cướp vợ vậy duyên,

Nhiều con, hưởng thú vui trần thế,

Thanh, sắc cùng hương, vị, xúc êm,

Sau đó ẩn cư rừng khả ái,

Thế là người trí xứng danh hiền.

Hatthipàla đáp lại với vần kệ:

Chân lý không sao lại đạt thành

Từ vàng bạc hoặc Vệ Đà Kinh,

Nhiều con chẳng khỏi thành già cả,

Có lối thoát ra mọi dục tình,

Như các trí nhân đều thấu suốt:

Gieo gì gặt nấy kiếp lai sinh.

Bấy giờ Vua ngâm kệ đáp lời chàng trai:

Lời tự mồm con quả thật chân:

Ðời sau ta gặt thứ đang trồng,

Hai thân con đó, nay già yếu

Song các người mong muốn thấy rằng

Cuộc sống trăm năm đầy hạnh phúc

An khang cho trẻ hưởng riêng phần.

Tâu Chúa Thượng, Ngài muốn ám chỉ việc gì thế?

Vương Tử hỏi và ngâm hai vần kệ:

Kẻ nào khi chết, tấu Anh quân,

Có thể tìm ra một bạn thân,

Ðã ký với tuổi già thỏa ước

Ðể cho người ấy chẳng từ trần,

Mong lời cầu nguyện trên Hoàng Thượng

Dành bách niên kẻ đó hưởng phần.

Cũng giống như người lái vượt dòng,

Con thuyền sang bến nọ bên sông,

Phàm nhân đều vậy, không sao khỏi

Bệnh, lão niên, rồi tử, mệnh chung.

Bằng cách trên, chàng trai đã chỉ cho các vị này thấy cuộc sống thế nhân giả tạm phù du ra sao, rồi thêm lời khuyên nhủ: Tâu Ðại Vương, Ngài đứng đó và ngay khi tiểu sinh đang đàm đạo với Ngài, ngay bây giờ đây, bệnh tật, tuổi già và Thần chết đang tiến gần ta.

Vậy xin Ðại Vương hãy tỉnh giác! Sau khi vái chào Vua và phụ thân, chàng đem theo đám hầu cận muốn đi cùng chàng, bỏ lại Vương Quốc Ba La Nại đằng sau và lên đường với ý định theo sống đời khổ hạnh.

Cả một hội chúng đông đảo cùng đi với chàng thanh niên Hatthipàla vì hội chúng bảo: Cuộc sống tu hành này chắc hẳn phải cao thượng lắm. Hội chúng ấy trải dài suốt một dặm đường, chàng nam tử cùng hội chúng tiến lên cho đến tận bờ Sông Hằng. Tại đó chàng làm phát khởi thiền định bằng cách quán sát dòng nước Sông Hằng.

Chàng nghĩ thầm: Tại đây rồi sẽ có hội chúng đông lắm! Ba vị hiền đệ của ta sẽ đến, kế là song thân, Đức Vua và Hoàng Hậu, tất cả cùng với đám tùy tùng sẽ sống theo đời tu tập. Thành Ba La Nại sẽ trống vắng. Ta sẽ ở đây cho đến khi các vị đến đủ. Thế là chàng ngồi tại đó, khích lệ cả đám đông dân chúng đang tụ tập.

Hôm sau, Vua và vị Tế Sư suy nghĩ: Như vậy Vương Tử Hatthipàla đã thực sự rời bỏ quyền làm Vua và hiện đang ngồi bên bờ Sông Hằng, từ đó chàng sẽ đi theo cuộc sống tu hành cùng với một hội chúng đông đảo ở bên chàng. Song ta hãy đi thử Assapàla xem sao, rồi làm lễ quán đảnh phong Vương cho chàng.

Vì thế cũng như trước kia vừa khoác bộ y phục của nhà tu khổ hạnh, hai vị cùng đi đến cửa nhà chàng. Chàng rất hoan hỷ khi thấy hai vị, liền bước tới gần hai vị ngâm câu kệ Cuối cùng ấy giống như anh cả của chàng đã ngâm. Hai vị này cùng làm như trước, và báo cho chàng biết nguyên nhân hai vị đến đây.

Chàng đáp: Tại sao chiếc lọng trắng Hoàng Gia lại dành ưu tiên cho phần con, khi con có một hoàng huynh như Hatthipàla?

Hai vị đáp: Này con, hoàng huynh con đã ra đi để sống đời tu tập, anh con chẳng muốn liên hệ gì với Hoàng Gia nữa.

Thế bây giờ anh con đâu rồi?

Chàng hỏi. Hiện đang ngồi bên bờ Sông Hằng. Tâu Chúa Thượng và thân phụ, con cũng chẳng đến cái thứ mà anh con đã nhổ khỏi mồm. Chỉ có những kẻ ngu si và thiếu trí mới không đủ năng lực vứt bỏ ác dục này, còn con quyết sẽ vứt bỏ nó.

Sau đó chàng thuyết pháp cho thân phụ và Đức Vua qua hai vần kệ được chàng ngâm lên:

Dục lạc là bùn bẩn, uế nhơ,

Tham tâm gây chết chóc, sầu tư,

Ai chìm trong đám bùn vô trí

Không thể bước sang đến bến bờ.

Ðây là kẻ đã chịu sầu tư,

Nó bị bắt giam trước đến giờ,

Tìm lối thoát thân nào chẳng thấy.

Ðể không làm những chuyện như xưa

Từ nay con quyết lòng xây dựng

Những bức tường không thể lọt vô.

Tiểu sinh xin thưa: Chúa Thượng cùng thân phụ hiện đứng chỗ kia và ngay khi tiểu sinh đang trình với hai vị, thì bệnh tật, tuổi già và cả thần chết cũng đang tiến đến gần ta hơn.

Cùng với lối khuyến giáo này, vừa được một đám đông hộ tống kéo dài cả dặm đường, chàng ra đi tìm gặp Vương Tử Hatthipàla, vị Vương huynh chàng liền đứng ở trên không và thuyết pháp cho chàng rồi nói: Này hiền đệ, sau sẽ có một đám đông dân chúng đến đây, vậy hai ta hãy cùng ở lại chốn này. Chàng đồng ý ở lại đó ngay.

Hôm sau, Vua và vị Tế Sư cũng theo cách trên đến nhà Vương Tử Gopala. Khi được chàng hoan hỷ chào đón theo như cách hai vị Vương Tử trước, hai vị giải thích duyên cớ đến đây. Cũng như Hatthipàla, chàng từ chối lời đề nghị của hai Ngài.

Từ lâu con đã ước mong sống đời tu tập như một bò cái bị lạc trong rừng, còn vẫn đi lang thang tìm lối sống. Nay con nhìn thấy con đường mà hai Vương huynh của con đã đi qua, giống như dấu chân kia của con bò bị lạc, nên con cũng theo đường ấy mà ra đi.

Sau đó chàng ngâm kệ:

Như tìm bò cái lạc trên đường,

Bối rối, loanh quanh mãi giữa rừng,

Cũng vậy, an vui con đã mất,

Sao còn do dự với phân vân,

Xin tâu Chúa Thượng E su rõ,

Khi bước đi tìm theo dấu chân?

Hai vị đáp: Nhưng này Gopàlaka thân yêu, con hãy đến ở cùng chúng ta một ngày, hoặc đến với chúng ta hai ba ngày, để nhà chúng ta được hạnh phúc hân hoan, rồi sau đó con hãy rời thế tục.

Chàng đáp: Tâu Ðại Vương, xin đừng bao giờ hoãn lại đến ngày hôm sau chuyện gì đáng làm hôm nay, nếu Ðại Vương muốn an lành xin hãy hành động ngay hôm nay, đừng trì hoãn nữa.

Sau đó chàng ngâm kệ khác:

Ngày mai! Kêu lớn gã ngu nhân,

Gã thét: ngày mai! Mãi chẳng ngừng,

Thời vị lai không còn sự nghiệp!

Bậc Hiền Nhân vẫn cứ khuyên răn,

Chẳng bao giờ Bậc Hiền khinh rẻ

Thiện nghiệp nằm ngay đúng với tầm.

Gopala vừa nói như vậy, vừa thuyết pháp qua hai vần kệ trên, xong rồi nói thêm: Ngay nơi Ðại Vương đứng đó, và ngay lúc con thưa trình với Ðại Vương thì bệnh tật, tuổi già và cả Thần chết nữa cũng đang tiến tới dần.

Sau đó được dân chúng hộ tống cả một dặm đường, chàng ra đi tìm kiếm hai vị hiền huynh. Rồi Tôn Giả Hattipàla vừa đứng ở trên không vừa thuyết pháp cho chàng như trước.

Ngày kế đó, Vua và vị Tế Sư cũng theo cách trên và đi đến nhà Vương Tử Ajapàla. Chàng hoan hỷ đón chào hai vị giống như các Vương huynh chàng đã làm. Hai vị nói rõ duyên cớ đến đây và đề nghị giương cho chàng chiếc lọng Hoàng Gia.

Vương Tử bảo: Thế hai Vương huynh con đâu rồi?

Hai vị đáp: Hai Vương huynh của con không muốn liên hệ với giang sơn Quốc Độ này nữa. Cả hai đã khước từ chiếc lọng trắng và cùng với một hội chúng trải rộng cả ba dặm đường đang ngồi trên bờ Sông Hằng.

Thế thì con cũng không muốn đặt lên đầu cái vật mà hai Vương huynh nhả ra khỏi mồm và đi theo sống đời tu hành như thế, nhưng con muốn hành trì đời sống xuất gia thôi.

Hai vị bảo: Này con, con còn trẻ lắm, hạnh phúc của con là mối quan tâm lo lắng của hai ta, vậy để lúc già hơn rồi con hãy sống theo đời tu tập.

Song chàng trai đáp: Ðại Vương và thân phụ bảo con điều gì thế kia?

Hiển nhiên cái chết vẫn đến với tuổi trẻ cũng như với tuổi già!

Không ai có dấu hiệu gì trong bàn tay hay không biết được lúc nào con chết cả, vì vậy con muốn rời thế tục ngay bây giờ đấy.

Rồi chàng ngâm hai vần kệ:

Con thường trông thiếu nữ xinh tươi,

Mắt sáng, say sưa với cuộc đời,

Chưa hưởng phần vui xuân mới hé:

Tử thần mang liễu yếu đi rồi!

Cũng vậy nhiều nam tử thật sang,

Khôi ngô, cường tráng tuổi xuân quang,

Bao quanh những chiếc cằm đen nhánh

Xúm xít chòm râu cứ mọc tràn

Con giã biệt đời người thế tục

Cùng bao dục lạc của trần gian,

Ðể làm ẩn sĩ, xin tha thứ,

Và hãy trở về chốn cố hương.

Sau đó chàng nói tiếp: Nay Ðại Vương đứng chỗ kia và ngay lúc tiểu sinh đang tâu trình với Ðại Vương cùng thân phụ, thì bệnh tật, tuổi già và thần chết cũng đang tiến tới gần tiểu sinh.

Rồi chàng đảnh lễ cả hai vị, dẫn đầu một hội chúng dài cả dặm đường, chàng ra đi đến bờ Sông Hằng. Tôn Giả Hatthipàla cũng đứng ở trên không và thuyết pháp cho chàng, rồi ngồi xuống, đợi đám đại chúng mà Ngài mong gặp. Hôm sau, vị Tế Sư bắt đầu suy tư trầm ngâm trong lúc ngồi trên bảo tọa.

Ông nghĩ thầm: Các con ta đã sống đời tu tập, nay chỉ còn lại một mình ta là lão già như gốc cây đã cằn cỗi tàn rụi, ta cũng muốn theo cuộc sống tu hành.

Rồi ông ngâm kệ với phu nhân mình:

Cái vật kia đâm lộc trổ cành,

Người ta gọi đó một cây xanh,

Chặt cành, chẳng phải là cây nữa,

Nó chỉ còn trơ trụi khúc mình.

Người chẳng cháu con gì cũng vậy,

Hỡi phu nhân quý tộc cao danh,

Ðây là thời điểm dành cho lão

Sống cuộc đời tu tập Thánh hành.

Nói lời này xong, vị Tế Sư triệu tập các Bà La Môn vào diện kiến mình: Sáu mươi ngàn vị đến nơi. Sau đó ông hỏi cả hội chúng muốn làm gì.

Họ đồng đáp: Ngài là Sư Phụ của chúng thần.

Ông bảo: Ðược lắm, thế thì ta sẽ đi tìm con trai ta và theo đời sống tu hành.

Hội chúng đáp: Không chỉ riêng Ngài mới thấy địa ngục nóng rực lửa. Chúng tiểu thần cũng sẽ làm y như Ngài vậy. Vị Tế Sư liền giao hết kho tàng châu báu, cả tám trăm triệu đồng tiền cho bà phu nhân, rồi dẫn đầu cả một đoàn Bà La Môn trải dài suốt một dặm đường, ra đi đến vùng đất hai vị Vương Tử đang cư trú. Với hội chúng này cũng như trước kia, Tôn Giả Hatthipàla đứng ở trên không và thuyết pháp.

Ngày hôm sau, bà phu nhân nghĩ thầm: Bốn nam tử của ta đã từ chối chiếc lọng trắng của Hoàng Gia để theo đời tu tập.

Trượng phu của ta cũng đã để lại kho tài sản và vứt bỏ luôn chức vụ Tế Sư của Triều Đình nữa, rồi đi theo các con, thế ta còn làm gì một thân trơ trọi nữa?

Theo cách các con ta đã đi, ta cũng đi luôn.

Rồi bà ngâm kệ nói lên ước vọng qua câu tục ngữ:

Tháng ngày mưa gió đã qua,

Lưới kia đã bị thiên nga phá rồi,

Tự do bay lượn giữa Trời,

Như đàn sếu hạc tung đôi cánh liền,

Vậy ta theo đúng đường thiêng

Chồng con đã bước, ta tìm tâm minh.

Bà nhủ thầm: Vì ta biết rõ điều này, sao ta lại không rời bỏ thế tục?

Với dự định trên, bà triệu tập các phu nhân Bà La Môn lại và bảo: Các phu nhân định làm gì giờ đây?

Họ bảo bà: Thế lệnh bà muốn làm gì?

Về phần ta, ta sẽ từ giã thế tục. Vậy chúng thần thiếp cũng làm việc ấy. Như thế, bà từ giã mọi cảnh huy hoàng này, ra đi tìm các con mình, đem theo cả một đám nữ nhân trải dài trên một dặm đường. Với hội chúng này, Tôn Giả Hatthipàla cũng đứng ở trên không và thuyết pháp.

Hôm sau, Vua hỏi: Vị Tế Sư của trẫm đâu rồi?

Triều thần đáp: Tâu Chúa Thượng, Ngài Tế Sư và phu nhân đã vứt bỏ hết cảnh phú quý lại đằng sau, rồi ra đi theo các công tử cùng với một hội chúng dài đến hai ba dặm đường.

Vua phán: Tiền bạc vô chủ đến tay ta rồi!

Vua truyền lệnh đem tiền bạc từ nhà vị Tế Sư về cung.

Lúc bấy giờ chánh Hậu muốn biết nhà Vua đang làm gì, bà được trình báo: Hoàng Thượng đang truyền đem về cả kho báu từ nhà vị Tế Sư.

Bà hỏi: Thế vị Tế Sư đâu?

Tâu lệnh bà, Ngài đã Xuất Gia làm Ẩn Sĩ khổ hạnh, cùng với cả vợ con và gia quyến.

Hoàng Hậu nghĩ: Thế tại sao Chúa Thượng đây lại truyền theo đem vào nhà mình thứ phân uế và nước bọt mà vị Bà La Môn này cùng gia quyến vợ con đã nhổ ra thế kia?

Thật là một kẻ ngu si mê mờ tham đắm làm sao!

Ta sẽ khuyên bảo Ngài qua ví dụ này. Bà truyền lấy một mớ thịt dành cho chó, chất thành một đống giữa sân Hoàng Cung, rồi bà đặt một cái bẫy quanh đó, để cho lối ra vào bẫy mở rộng thẳng lên Trời. Bầy kên kên thấy thịt, từ xa vội sà xuống.

Song những con chim khôn ngoan trong đàn ấy nhận ra cái bẫy đã được giăng quanh đó, và tự biết thân mình quá nặng nề nên không thể bay vụt thẳng được, liền nôn ra hết mọi thứ chúng đã ăn và không để cho mình bị mắc bẫy, chúng lại vút lên không và bay biến mất.

Còn những con chim khác vì ngu si mà giáng xuống, ngốn ngấu hết các thức mửa ra của đàn trước, nên quá nặng nề không thể nào bay thoát được và bị mắc vào bẫy.

Quân hầu mang một con chim mắc bẫy vào dâng lên Hoàng Hậu và bà tự mang đến chỗ Vua:

Tâu Chúa Thượng hãy nhìn xuống, bà nói.

Trong sân chầu có một cảnh lạ mắt cho ta nhìn đấy!

Rồi bà vừa mở cánh cửa sổ vừa nói:

Tâu Chúa Thượng, hãy nhìn đám kên kên kia kìa!

Sau đó bà ngâm hai vần kệ:

Ðám nọ đã ăn, đã mửa rồi!

Tự do bay lượn giữa bầu Trời:

Ðám kia ăn nán và lưu lại,

Giờ bị bắt giam bởi thiếp rồi.

Vị Tế Sư nôn hết dục tham,

Vật kia, Chúa Thượng muốn ăn phàm?

Người ăn đồ mửa, tâu Hoàng Thượng,

Xứng đáng chê bai cực tệ tàn!

Nghe những lời này, Vua tràn đầy ăn năn hối hận, ba cõi sinh hữu đều chẳng khác nào đám lửa đang cháy bừng bừng, nên Vua bảo:

Ngay chính hôn nay, trẫm phải từ giã Vương vị này và sống theo đời ẩn dật tu hành.

Lòng nặng trĩu ưu phiền, Ngài tán thán chánh Hậu qua vần kệ:

Khác nào người lực sĩ can cường

Giúp cánh tay vì kẻ yếu hơn

Bị chìm trong vũng bùn dơ bẩn,

Hay bãi cát lầy đã lún thân.

Chánh Hậu Panca này cũng vậy,

Nàng vừa giải cứu Đấng Quân Vương

Bằng nhiều vần kệ ngâm êm dịu

Như mật rót tai trẫm dịu dàng!

Vua vừa nói như thế xong, liền lập tức triệu hồi đám Quần Thần, lòng nôn nóng theo đuổi cuộc sống tu hành, Ngài bảo: Còn các khanh sẽ ý sao?

Ngài phán Trẫm sẽ đi tìm Hatthipàla và trở thành người tu hành.

Quần Thần đáp: Tâu Chúa Thượng, vậy chúng thần cũng xin làm việc ấy.

Nhà Vua rời bỏ Vương quyền khắp Ba La Nại hình thành vĩ đại rộng cả mười hai dặm và bảo: Ai muốn thì cứ giương lên chiếc lọng trắng Vương quyền. Sau đó được đám triều thần vây quanh, Ngài dẫn đầu một dòng người dài cả ba dặm, đi đến trình diện vị nam tử kia. Với đám người này, Tôn Giả Hatthipàla cũng đứng ở trên không và thuyết pháp.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ kể chuyện Vua này lại xuất hiện thế ra sao:

Như vậy, E su kà Ðại Vương

Nắm quyền nhiều lãnh thổ, giang sơn

Từ Vua, Ngài hóa thành Tu Sĩ

Như thể voi vùng đứt bộ cương.

Ngày hôm sau dân chúng còn lại trong Kinh Thành tụ tập lại trước cung môn, xin trình báo với chánh hậu, rồi họ đi và đảnh lễ chánh hậu xong, liền ngồi sang một bên và ngâm kệ:

An lạc thay là Đấng Thánh Quân

Trở thành Ẩn Sĩ bỏ phàm trần

Chúng thần nay nguyện cầu Hoàng Hậu

Vào ngự trong ngôi vị Đế Vương

Xin hãy yêu thương toàn Quốc Độ,

Ðược tay phò trợ của Quần Thần.

Bà lắng nghe những lời hội chúng thỉnh nguyện, xong bà liền ngâm các vần kệ còn lại:

An lạc thay là Đấng Thánh Quân

Trở thành ẩn sĩ, bỏ phàm trần

Bây giờ hãy biết rằng ta quyết

Tiến bước đơn thân giữa thế nhân

Cùng bao lạc thú đủ toàn phần.

An lạc thay là Đấng Thánh Quân

Trở thành Ẩn Sĩ, bỏ phàm trần

Bây giờ hãy biết rằng ta quyết

Tiến bước đơn thân giữa thế nhân,

Bất cứ nơi nào còn ngũ dục

Ta đều vứt bỏ chúng toàn phần.

Thời gian trôi, sáng tối không ngừng

Dung sắc thanh xuân phải úa dần

Nay hãy biết rằng ta đã quyết

Bước đi đơn độc giữa phàm trần

Giã từ khát vọng và tham ái

Cùng các thú vui đủ mọi phàm.

Thời gian trôi, sáng tối qua dần

Phải úa tàn bao vẻ đẹp xuân

Nay hãy biết rằng ta quyết chí

Bước đi đơn độc giữa phàm trần

Nơi nào bất kể còn tham dục

Ta cũng rời xa chúng mọi phần

Thời gian trôi, sáng tối xoay vần

Hương sắc thanh tân phải úa dần,

Nay hãy biết rằng ta ước nguyện

Bước đi đơn độc giữa phàm trần

Mọi dây ràng buộc đều quăng bỏ

Cũng chẳng còn uy lực dục tâm.

Qua các vần kệ trên, bà thuyết pháp cho hội chúng đông đảo ấy xong, bà triệu tập các vị phu nhân của đám triều thần và bảo: Nay các phu nhân muốn làm gì?

Tâu nương nương, Thánh ý định thế nào?

Ta muốn sống đời tu tập. Thế thì chúng thần thiếp cũng làm theo lệnh bà.

Vậy là chánh hậu mở rộng cửa kho vàng trong cung, bà ra lệnh khắc một phiến đá vàng ghi câu: Nơi ấy là cả một đại kho tàng, bất cứ ai muốn, đều có thể lấy về. Phiến vàng ấy được bà cho buộc vào một cái trụ trên một đài cao. Sau đó, từ giã bao cảnh vinh quang tráng lệ của Hoàng Cung, bà ra khỏi Kinh Thành.

Tiếp theo toàn thành nhốn nháo lên với tiếng la hét: Ðại Vương và chánh Hậu đã rời thành đi theo hội chúng tu khổ hạnh, vậy bây giờ ta phải làm gì?

Từ đó về sau dân chúng rời bỏ nhà cửa cùng các đồ vật trong đó, và ra đi, đem theo con cái, các tiệm buôn bán mở rộng cửa hàng, song chẳng ai buồn quay lại nhìn chúng nữa, cả Kinh Thành trống vắng không một bóng người.

Và chánh hậu cùng với đoàn người hộ tống dài cả ba trăm dặm đường đi đến cùng nơi chốn ấy như các vị trước đây. Với hội chúng này, Tôn Giả Hatthipàla cũng đứng ở trên không và thuyết pháp. Rồi sau đó cùng toàn thể dân chúng dài hơn mười dặm khởi hành về hướng Tuyết Sơn.

Toàn Quốc Độ Kàsi náo loạn, la hét vang lừng câu chuyện nam tử Hatthipàla đã làm cho Kinh Thành Ba La Nại trống vắng bằng cách nào, với hội chúng dài hơn cả nười hai dặm đường chàng ra đi về vùng Tuyết Sơn ra sao, để theo sống đời tu khổ hạnh, dân chúng bảo nhau: Thế thì hiển nhiên chúng ta càng nên làm việc ấy!

Cuối cùng hội chúng này cứ tăng dần đến độ chiếm cả ba mươi dặm đường, rồi Vương Tử cùng cả đại chúng ấy đi đến Tuyết Sơn. Sakka Ðế Thích Thiên Chủ trong luc xét suy, đã nhận biết mọi việc đang xảy ra.

Ngài suy nghĩ: Vương Tử Hatthipàla đã làm Ðại sự Xuất thế. Quần chúng đông đúc lắm, như thế chúng phải có nơi cư trú.

Ngài liền ra lệnh cho Thiên Sứ Vissakamma Thần xây dựng: Này Hiền hữu, hãy ra đi xây dựng vùng am tu dài ba mươi sáu dặm và rộng mười lăm dặm, rồi thâu góp về đó tất cả mọi thứ cần dùng cho các vị tu hành.

Vị này tuân lệnh, và dựng bên bờ Sông Hằng ở một nơi mát mẻ dễ chịu cả một vùng am thất theo đúng tầm cỡ cần dùng, chuẩn bị trong các am đầy đủ nệm rơm lót bằng cánh lá cây, lại để sẵn sàng mọi vật dụng cần thiết cho các người tu hành.

Mỗi am đều có các cửa ra vào, một chốn đi dạo mát, có chỗ ở riêng biệt dùng cho ban ngày và ban đêm, tất cả đều được quét vôi trắng sạch sẽ sáng sủa, lại có thêm các trường kỷ để nghỉ ngơi. Ðó đây rải rác đủ loại trái cây trổ hoa chi chít trên cành khoe đủ sắc hương ngào ngạt.

Cuối mỗi chốn dạo chơi là một cái giếng để kéo nước, cạnh đó có cây ăn trái, mỗi cây đều mọc đủ mọi thứ. Tất cả những thứ này đều nhờ thần lực hóa ra cả.

Khi Thiên Sứ Vissakamma đã xây xong khu ẩn cư này và cung cấp cho các thảo am đủ mọi vật cần thiết, vị ấy ghi các hàng chữ bằng son đỏ trên bức tường: Ai muốn sống đời tu tập xin mời đến chỗ các vật dụng này. Sau đó vị ấy lại dùng thần lực xua đuổi ra khỏi vùng ấy mọi thứ tiếng kêu kỳ quái, mọi ác điểu và mãnh thú, những loại phi nhân rồi trở về cõi của mình.

Tôn Giả Hatthipàla chợt thấy vùng ẩn am này là tặng vật của Ðế Thích Thiên Chủ, Ngài đi theo con đường mòn và thấy phiến đá ghi chữ kia.

Ngài nghĩ thầm: Ðế Thích Thiên Chủ hẳn đã nhận thấy ta vừa làm đại sự xuất thế. Ngài mở một cánh và bước vào am, cầm lên những vật dụng dành cho người tu khổ hạnh, Ngài lại bước ra đi dọc theo chốn dạo chơi, và quanh quẩn đó đây vài lần. Sau đó Ngài thâu nhận cả hội chúng vào nếp sống tu hành, và đi quan sát cả vùng ẩn cư ấy.

Ngài để dành phần giữa là cho phụ nữ có con thơ, phần kế đó cho các bà già, phần kế nữa cho đám phụ nữ không có con cái gì, còn các am thất khác ở chung quanh đều dành cho nam giới.

Thế rồi một hôm vị Vua kia nghe tin đồn là không có Vua cai trị vì Ba La Nại liền đi xem và thấy cả Kinh Thành được trang hoàng rực rỡ với nhiều báu vật. Bước vào cung điện Vua ấy thấy vàng bạc nằm ngổn ngang từng đống.

Kìa! Vị ấy bảo. 

Rời bỏ Kinh Thành như thế này để trở thành người tu hành ngay khi cơ duyên tốt lành vừa đến, thật là một việc cao cả thay!

Vị Vua ấy vừa hỏi đường một anh chàng say rượu nào đó, liền đi tìm Tôn Giả Hatthipàla. Khi Hatthipàla nhận biết vị Vua ấy đã đến ven rừng, liền bước ra đón mừng, vừa trên không vừa thuyết pháp cho toàn hội chúng mới. Sau đó Ngài dẫn đám người ấy vào rừng ẩn cư, tiếp nhận cả đoàn vào hội chúng tu tập.

Cùng cách trên, sáu vị Vua khác gia nhập vào đây. Bảy vị Vua này đều từ bỏ mọi phú quí vinh quang. Chốn ẩn cư này rộng cả ba mươi sáu dặm cứ đông đúc dần dần.

Mỗi khi có một vị Đạo Nhân nào khởi tư tưởng tham dục hay các tưởng tượng như thế, Ngài thường thuyết pháp cho vị đó và giảng dạy hội chúng tư duy về các công hạnh viên mãn các hạnh Ba La Mật và thiền định, nên dần dần các vị này tu tập pháp môn nhập định.

Hai ba phần hội chúng được tái sanh vào cảnh giới Phạm Thiên, còn một phần ba lại được chia ra thành ba nhóm: Một nhóm được sanh lên Cõi Phạm Thiên Giới, một nhóm được sanh vào sáu tầng Trời Dục Giới và một nhóm, sau khi hoàn thành sứ mạng của vị kiến giả, được sinh vào Thế Giới loài người. Như vậy mỗi người trong ba nhóm đều được thọ hưởng công đức của mình.

Thế là việc giáo hóa của Hiền Giả Hatthipàla đã cứu độ mọi người khỏi đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và khỏi trở thành một Asura A Tu La: một loại ác Thần hay sân hận, từng gây chiến với Chư Thiên Dục Giới.

Trên đảo Tích Lan Ceylon này, các vị đã làm Ðại sự Xuất thế là Trưởng Lão Dhammagutta, vị này đã làm cho Địa Cầu chấn động.

Trưởng Lão Phussa deva, một thị dân của thành Katakandhakara, Trưởng Lão Mahàsamgharakkhita từ vùng Uparimandalakamalay, Trưởng Lão Malimahàdeva từ vùng Bhaggiri. Trưởng Lão Mahàsìva, từ vùng Vàmantapabbhàra.

Trưởng Lão Mahànàga từ vùng Kàlavallimandapa. Các vị trong hội chúng của Ngài Kuddàla, Mùgapakkha, Cùlusutasoma, của Hiền Giả Ayohara, và cuối cùng của tất cả hội chúng Hatthipàla.

Do vậy bậc Thế Tôn bảo: Hãy vội làm việc lành, các vị sẽ được an lạc!

Nghĩa là an lạc chỉ đến với ta nếu ta vận dụng hết công sức mình.

Khi pháp thoại này chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo: Như vậy này các Tỳ Kheo, ngày xưa, Như Lai làm ðại sự xuất thế cũng như bây giờ.

Nói xong Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Phụ Vương Sudhodana Tịnh Phạn là Vua Eusari, Mẫu Hậu Mahàmayà là vị chánh hậu kia. Kassapa Ca Diếp là vị Tế Sư, Bhaddakapilàni là vị phu nhân, Anuruddha A Na Luật Đà là Ajapàla, Moggallàna Mục Kiền Liên là Gopàla, Sàriputta Xá Lợi Phất là Assapala, hội chúng của Đức Phật là toàn thể đám người kia, và ta chính là Hiền Giả Hatthipàla.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần