Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Năm - Phẩm Hai Mươi - Bài Kệ - Chuyện Sức Cám Dỗ Mạnh Tiền Thân Mahà Palobhana

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI NĂM  

PHẨM HAI MƯƠI

BÀI KỆ  

CHUYỆN SỨC CÁM DỖ MẠNH

TIỀN THÂN MAHÀ PALOBHANA  

Từ Cõi Phạm Thiên một vị Thần. Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự ô nhiễm lậu hoặc của các vị bậc thanh tịnh. Các hoàn cảnh đã được nêu trước kia.

Tại đây, một lần nữa, bậc Ðạo Sư bảo: Nữ nhân thường gây cấu uế cho cả những người đã đạt tâm thanh tịnh. Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ. Một thuở nọ tại thành Ba La Nại câu chuyện đời xưa này cũng diễn tiến như trong Tiền Thân Cullapalobhana.

Bấy giờ một lần nữa, bậc Ðại Sĩ từ Phạm Thiên Giới giáng trần làm Vương Tử của Vua Kàsi và Ngài có tên là Anitthi gandha: Người ghét nữ nhân. Vương Tử hài nhi không muốn ở trong tay bất cứ một nữ nhân nào, nên bọn chúng phải mặc áo quần đàn ông khi cho Vương Tử bú sữa và chàng cứ ở riêng trong một thiền thất, không hề thấy bóng một nữ nhân nào cả.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo Sư ngâm bốn vần kệ:

Từ Cõi Phạm Thiên, một vị thần

Ðến đây là Thế Giới phàm nhân

Tái sinh, Ngài được làm Hoàng Tử,

Mỗi ước mơ là lệnh phải vâng.

Chẳng có nghiệp tình, Cõi Phạm Thiên,

Chưa hề nghe nói chuyện tình duyên,

Giờ sinh Dục Giới này, Vương Tử

Nghe chữ tình thôi, chán ngấy liền!

Ở nội cung, Hoàng Tử đã xây,

Một am thất nhỏ của riêng tây,

Nơi chàng chìm đắm vào thiền định,

Ðơn độc trôi qua chuỗi tháng ngày.

Phụ Vương lo lắng trước hoàng nam

Khi biết chàng trong ấy, khóc than:

Trẫm chí sinh ra mình thái tử

Mà bao dục lạc, trẻ không màng!

Vần kệ thứ năm diễn tả lời than vãn của Vua cha:

 Ai cho trẫm biết phải làm gì?

Ôi, lẽ nào không có cách chi?

Ai dạy con thèm mùi dục lạc?

Có ai làm thái tử mê ly?

Vần kệ rưỡi này là vần kệ xuất phát từ trí tuệ tối thắng của Đức Phật:

Có thiếu nữ kia dáng mỹ miều,

Làn da trắng muốt thật yêu kiều,

Nàng thông suốt một Trời ca nhạc,

Và uốn người quay tít thật đều.

Xuân nữ này đi tìm Chúa Thượng,

Thế là nàng khởi chuyện tình yêu.

Nửa vần kệ này do cô gái ngâm:

Thần thiếp sẽ đi quyến rũ chàng,

Nếu duyên cầm sắt được Ngài ban.

Vua đáp lời cô gái, và phán như vậy như vậy:

Gắng công cám dỗ cho hoàn mãn,

Chàng sẽ là Vương Tử của nàng!

Bấy giờ Vua truyền lệnh tạo ra mọi cơ hội thuận tiện cho nàng và triệu nàng vào chầu chực bên mình Vương Tử. Buổi sáng kia, nàng đem cây đàn đến đứng ngay bên ngoài tịnh thất của Vương Tử và chạm nhẹ các đầu ngón tay vào đàn, cố ra sức quyến rũ chàng bằng giọng ca êm ái dịu ngọt làm sao.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ để giải thích việc này:

Kiều nhi vào tận chốn cung đình,

Nơi đó nàng riêng đứng một mình,

Hát khúc ngọt ngào, đầy khát vọng,

Xuyên vào tim của bạn chung tình.

Xuân nữ đứng kia, cất tiếng oanh,

Ông hoàng nghe lọt được âm thanh,

Tức thì bỗng thấy lòng mê mẩn,

Chàng hỏi quân hầu đứng chực quanh:

Âm thanh nào đó thật du dương

Ðưa đến phòng ta rõ lạ thường,

Ðâm suốt con tim, đầy dục tưởng,

Bên tai kỳ thú thật khôn lường!

Vương Tử, nàng kia ngắm tuyệt xinh!

Biết bao đùa cợt, vẻ đa tình,

Ví Ngài mong hưởng tình ngon ngọt,

Thì lạc thú đây, hãy đắm mình!.

Này, bảo nàng kia hãy đến gần,

Rồi nàng ca hát thật nhiều lần,

Ðến đây, trước mặt ta rồi hát

Ngay chính bên trong cánh cửa phòng!

Cô gái vừa ca ngoại bức tường,

Ðứng kia, trong thất của ông hoàng,

Nàng vây chàng chặt như voi nọ

Bị mắc bẫy giăng giữa núi ngàn!

Chàng hưởng tròn hoan lạc ái ân,

Kìa xem! Tràn ngập nỗi ghen tương:

Không ai được phép yêu nàng cả!

Chỉ một mình ta được luyến thương!

Một mình ta, chẳng được người nào!

Rồi chạy ra, chàng cứ thét gào,

Cầm kiếm lồng lên như khát máu

Ði tàn sát hết bọn mày râu!

Lâm nguy, dân chúng thét vang lừng,

Toàn thể phi thân đến hậu cung:

Vương Tử giết người bất kể số,

Chẳng ai khiêu khích! Họ kêu rần.

Ðại Vương truyền bắt lấy chàng ngay,

Khuất mắt Phụ Vương, phán lệnh đày:

Con chẳng được tìm nơi trú ẩn

Trong vùng biên địa nước ta này!

Chàng đem vợ quý nọ lên đường

Cho đến khi dừng cạnh đại dương,

Tại đó chàng xây lều lợp lá,

Sống bằng của nhặt ở rừng hoang.

Một đạo nhân thanh tịnh lượt ngang

Bay qua biển cả, giữa không gian,

Ði vào lều lá sao vừa lúc

Cơm nước vừa đem dọn sẵn sàng.

Cô nàng kia quyến rũ Ngài ngay,

Xem việc làm sao hạ liệt thay!

Ngài đọa khỏi con đường Thánh hạnh,

Mọi thần thông lực thảy xa bay!

Chiều đến, khi Vương Tử trở về,

Do chàng thâu nhặt thật tràn trề

Quả rau, một đống trên đòn gánh,

Ðồ vật rừng hoang đã phủ phê!

Ẩn sĩ nhìn Vương Tử đến gần,

Ngài ra bờ biển vội rời chân,

Ngỡ là hành cước qua không khí,

Song chỉ chìm sâu xuống biển dần!

Vương Tử vừa khi thấy trí nhân

Vào trong biển cả cứ chìm thân,

Từ tâm khởi dậy trong Vương Tử,

Liền đó chàng ngâm kệ mấy vần:

Ngài phi hành đến bởi thần thông

Trên biển không buồm để ruổi dong,

Chìm xuống giờ đây, vì ác phụ,

Khiến Ngài chịu nhục nhã tiêu vong.

Phản bội, hồng quần cám dỗ ta,

Khiến người thanh tịnh nhất sa đà!

Chúng chìm dần xuống và dần xuống,

Ai biết hồng quần phải tránh xa!

Nói ngọt ngào, song khó thỏa lòng,

Cũng như khó đổ nước đầy sông,

Chúng chìm dần xuống và dần xuống,

Ai biết, nên xa lánh má hồng!

Bất kể hồng nhan phục vụ ai,

Hoặc vì tham dục hoặc tiền tài,

Chúng thiêu chàng rụi như nhiên liệu

Ðược thả cháy trong lửa sáng ngời!

Ẩn sĩ nghe lời Thái Tử khuyên,

Chán chê trần thế quả hư huyền,

Trở về Thánh Đạo xưa thanh tịnh,

Ngay giữa không gian đứng vụt liền.

Vương Tử vừa khi đứng ngắm trông

Cách Ngài bay bổng giữa hư không,

Buồn phiền, Vương Tử liền cương quyết

Lựa chọn đời thanh tịnh vững lòng.

Chuyển hướng tu hành, quyết đập tan

Dục tham và khát vọng nồng nàn,

Dục tham lắng dịu, chàng thề nguyện:

Ðến Cõi Phạm Thiên, tiến thẳng đàng.

Khi pháp thoại này chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo: Như vậy, này các Tỳ Kheo, chỉ vì nữ nhân mà ngay những người có tâm thanh tịnh cũng vẫn gây ác nghiệp. Rồi Ngài thuyết giảng các sự thật, bấy giờ vào lúc kết thúc các sự thật, vị Tỳ Kheo thối thất kia đã đắc Thánh Quả A La Hán.

Sau đó, Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, ta chính là Vương Tử Anitthigandha.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần