Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Sáu - Phẩm Ba Mươi Bài Kệ - Chuyện Dục Tham Kỳ Dị Tiền Thân Kimchanda
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
PHẨM BA MƯƠI BÀI KỆ
CHUYỆN DỤC THAM KỲ DỊ
TIỀN THÂN KIMCHANDA
Vì cớ sao Ngài ở bến sông.
Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana Kỳ Viên hay Thắng Lâm về việc hành trì ngày Trai giới uposatha: Bồ Tát giới hay Bát Quan Trai giới. Một ngày nọ, một số nam nữ cư sĩ đang hành trì ngày Trai giới, đến nghe pháp và ngồi tại Chánh Pháp Đường.
Bậc Ðạo Sư hỏi xem hội chúng có hành trì ngày Trai giới không, và khi họ đáp là có, Ngài nói thêm: Các ông hành trì ngày Trai giới thật tốt lành thay. Ngày xưa, có những người chỉ nhờ hành trì nửa ngày trai giới mà đạt được vinh quang tột bực.
Rồi theo lời thỉnh cầu của hội chúng, Ngài kể câu chuyện quá khứ. Một thuở nọ tại thành Ba La Nại, Vua Brahmadatta cai trị Quốc Độ rất đúng pháp và là một người sùng đạo, Ngài nhiệt tình hành trì mọi thiện sự trong ngày Trai giới, giữ đúng giới luật và bố thí.
Ngài cũng khuyên các cận thần cùng nhiều người khác giữ Hạnh Nguyện bố thí, làm phước đức, nhưng vị Quốc Sư của Ngài là một kẻ xấu miệng, ưa gièm pha, tham của hối lộ, nên xử án bất công.
Vào một ngày Trai giới kia, Vua triệu các quân sư lại và bảo họ giữ giới. Vị Quốc Sư này không thi hành phận sự của ngày trai giới. Vì vậy trong ngày ấy, lão nhận hối lộ và xử án bất công rồi sau đó đến chầu Vua.
Sau khi hỏi mỗi vị cận thần xem có giữ giới không, Vua hỏi vị Quốc Sư: Này Tôn Giả, người có giữ giới không?
Lão nói dối là có, rồi rời cung Vua.
Lúc ấy một vị cận thần khác quở trách lão: Chắc chắn Ngài chẳng giữ giới.
Lão đáp: Ta đã ăn từ sáng sớm, nhưng khi ta về nhà sẽ súc miệng và giữ giới luật, ta sẽ không ăn gì buổi chiều và suốt đêm ta sẽ giữ giới luật, như thế ta cũng giữ được nửa ngày Trai giới.
Họ đáp: Thưa Tôn Giả, thế thì tốt lắm. Lão đi về nhà và làm đúng như vậy.
Một ngày kia, khi lão đang ngồi xử kiện, một người đàn bà vốn là kẻ giữ đúng giới luật, đang gặp chuyện thưa kiện, và vì không thể về nhà được, bà ấy nghĩ thầm: Ta không thể vi phạm hành trì ngày trai giới. Nên lúc đến gần giờ trì giới, bá ấy bắt đầu súc miệng. Và lúc ấy có người mang vào một mâm xoài chín biếu Tế Sư Bà La Môn.
Lão thấy bà ta đang giữ giới liền bảo: Bà ăn đi rồi giữ giới. Bà ấy vâng theo. Hạnh nghiệp của vị Bà La Môn kia đã tạo được nhiều phước lớn.
Về sau đó, lão chết đi và tái sinh vào vùng núi Tuyết Sơn, trong một nơi phong cảnh tươi đẹp bên bờ sông Kosiki, chi nhánh của Sông Hằng, trong một khu rừng xoài rộng ba dặm trên một Vương sàn nguy nga của một cung điện bằng vàng.
Lão tái sinh như thể một người vừa thức giấc, liền được phục sức xiêm y, điểm trang lộng lẫy, với dung mạo tuyệt vời, lại được mười sáu ngàn Tiên Nữ chầu hầu chung quanh.
Suốt đêm trường lão thọ hưởng vinh quang này vì đã được sinh làm vị Thần trong Ma Cung, phước lộc của lão cũng tương xứng với hạnh nghiệp xưa của lão.
Vì thế khi bình minh đến, lão vào rừng xoài, ngay lúc vừa bước chân vào, thân thể Thần Tiên của lão biến mất, lão hóa hình thù to lớn như một cây thốt nốt cao tám mươi cubit acubit = 45cm, toàn thân rực sáng như một cây phượng vĩ đang trổ hoa đỏ thắm.
Lão chỉ có một ngón tay trên mỗi bàn tay, nhưng móng lại to như bàn cuốc, với các móng tay này, lão móc thịt sau lưng, xé thịt mình ra mà ăn, rồi đau đớn điên cuồng lên, lão cứ khóc rống thật to. Mãi vào lúc mặt Trời lặn, thân hình này biến mất và phong cách thần tiên của lão hiện ra.
Bầy Tiên Nữ nhảy múa, cầm nhiều nhạc cụ trong tay, hầu hạ quanh lão, trong lúc hưởng đại vinh hiển như vậy, lão bước lên tiên cung trong khu rừng xoài diễm lệ.
Như vậy là do kết quả việc tặng trái xoài cho người đàn bà đang trì giới, lão được hưởng một khu rừng xoài rộng ba dặm, nhưng vì phải thọ lãnh nghiệp quả về việc nhận hối lộ và xử án sai lầm, lão phải xé thịt trên lưng ra mà ăn, đồng thời nhờ việc hành trì nửa ngày trai giới, lão tận hưởng vinh quang mỗi đêm cùng với mười sáu ngàn tiên nữ múa hát hầu hạ quanh mình.
Vào thời ấy, Vua xứ Ba La Nại hiểu rõ tội lỗi do tham dục gây ra, nên xuất gia tu hành, ẩn cư trong một thảo am nọ trên một vùng phong cảnh xinh đẹp miền hạ lưu Sông Hằng, sống khổ hạnh với những vật Ngài kiếm được.
Một ngày kia, có quả xoài chín trong rừng ấy bằng cái bát, rơi xuống Sông Hằng theo dòng sông đến nơi đối diện với chỗ định cư của vị khổ hạnh này. Trong khi Ngài đang súc miệng, chợt thấy trái xoài trôi giữa dòng, Ngài liền lội qua lấy nó mang về am, cất vào nội thất, nơi Ngài đốt ngọn lửa thiêng.
Sau đó khi xẻ xoài ra, Ngài chỉ ăn vừa đủ sống, rồi gói phần còn lại bằng lá chuối. Ngài cứ ăn dần dần trái xoài như vậy cho đến hết.
Khi đã ăn hết xoài, Ngài không thể ăn trái cây nào khác nữa, nhưng bị thói tham ăn của ngon trói buộc, Ngài thốt lời thề từ nay chỉ ăn xoài chín mà thôi, liền đến bờ sông nhìn xuống dòng nước, quyết không bao giờ đứng dậy cho đến khi tìm được một trái xoài!
Thế là Ngài nhịn ăn sáu ngày liền, cứ ngồi đó chờ mong tìm xoài, cho đến khi Ngài khô héo vì nắng gió.
Ðến ngày thứ bảy, một vị Nữ Thần xem xét sự việc ấy, thấy rõ lý do hành động của Ngài và suy nghĩ: Vị tu khổ hạnh này bị thói tham ăn câu thúc, cứ ngồi đó nhịn đói bảy ngày nhìn xuống Sông Hằng. Việc ta chối từ Ngài một quả xoài là điều sai lầm, vì nếu không có xoài, Ngài sẽ chết, vậy ta sẽ cho Ngài một trái.
Thế là Nữ Thần liền hiện lên giữa không gian trên Sông Hằng và nói với Ngài vần kệ đầu tiên:
Vì cớ sao Ngài ở bến sông
Suốt trong mùa hạ, nắng oi nồng
Bà La Môn hỡi, người thầm nguyện
Chủ đích gì Ngài vẫn ước mong
Nhà tu khổ hạnh nghe thế liền đáp lại chín vần kệ:
Bồng bềnh trôi nổi ở trên dòng
Ta thấy xoài kia, hỡi Nữ Thần
Vươn cánh tay dài ta lấy quả
Ðem về nhà cất ở gian trong
Ngọt ngào hương vị thật thanh tao,
Ta nghĩ của Trời quý giá sao!
Hình dáng đẹp tươi này sánh với
Chiếc bình lớn nhất khác chi nào!
Ta dấu xoài trong lá chuối cây
Cắt ra từng lát với dao này
Ít oi thực phẩm, phần ăn uống
Hợp với đời người đạm bạc đây
Phần ăn dần hết, bớt thèm thuồng
Tuy thế lòng ta vẫn tiếc luôn:
Trong các trái nào ta kiếm được
Ta đều không thấy vị thơm ngon!
Héo hắt ta đà mỏi mắt trông
Xoài ngon ta lượm ở bên dòng
Sẽ làm ta chết, ta lo sợ
Chẳng trái cây nào ta ước mong!
Vì sao giữ giới đã trình nàng
Cho dẫu ta đang ở cạnh dòng
Sóng vỗ chập chùng, bao loại cá
Ðầy đàn bơi lội cứ tung tăng
Nay ta cầu khẩn nói cho ta
Chớ sợ hãi rồi bỏ chạy xa,
Hỡi nàng tố nữ, là ai đó?
Tại sao nàng lại đến đây mà?
Thị nữ Chư Thiên đẹp tuyệt vời
Khác nào vàng óng ánh ngời soi!
Xinh như bầy hổ còn thơ dại
Dọc các sườn non vẫn giỡn chơi
Cũng ở nơi đây cõi thế gian,
Muôn vàn vẻ đẹp lắm hồng nhan
Song không ai giữa nhân thiên ấy
Lại dam khoe tươi với nữ hoàng!
Ta hỏi Nữ Thần muôn diễm lệ
Ðược Trời phú mọi vẻ thiên quang
Xin cho ta biết phương danh tánh
Nơi chốn xuất thân quí tộc nàng
Nữ Thần liền đáp tám dòng kệ
Trên dòng sông nước thật xinh tươi
Bên cạnh Hằng giang Đạo Sĩ ngồi
Bá chủ ngôi cao ta ngự trị
Dưới vùng sâu thắm, thủy triều trôi
Cầm quyền ngàn thạch động chung quanh
Che phủ rừng cây rậm lá xanh
Từ đó bao dòng tràn ngập chảy
Hòa theo với sóng nước sông mình
Mỗi khu rừng, mỗi khóm vườn cây
Ðưa đến Long Cung lắm suối đầy
Ðổ xuống bao nguồn nước xanh biếc
Ngập dòng bát ngát của ta này
Lệ thường trên các phụ lưu này
Nhiều trái sinh từ đủ loại cây
Ðào đỏ, chà là, sung mít vả
Với xoài, người thấy rõ ràng ngay
Trái kia đều mọc mỗi bên bờ
Rơi xuống vừa tầm với của ta
Ta bảo của Trời cho chánh đáng
Danh ta, ai có thể gièm pha?
Hiểu thông điều ấy lắng nghe đây
Hỡi Đại Vương thông tuệ, trí tài
Chớ đắm tham vào tâm dục vọng
Bỏ ngay lời nguyện đáng chê bai
Đại Vương xưa ngự trị giang sơn
Nay việc Ngài, ta chẳng tán dương
Muốn chết giữa mùa xuân tuổi trẻ
Rõ ràng biểu lộ đại điên cuồng
Giáo Sĩ, Chư Thần, quý hiển linh
Mọi người biết hạnh nghiệp uy danh
Của Ngài, mọi Thánh Nhân thanh tịnh
Dưới thế đã thành tựu hiển vinh
Quả thấy việc Ngài làm trái đạo
Hiền Nhân tất cả biểu đồng thanh!
Tiếp theo đó vị tu hành ngâm bốn vần kệ:
Ai biết đời người thật mỏng manh
Mọi loài Dục Giới thoáng qua nhanh
Không hề nghĩ đến điều sinh sát
Mà trú an trong mọi hạnh lành
Xưa nàng được hội Thánh tôn vinh
Là bậc làm công đức sáng danh
Nay lại giao du nhiều kẻ ác
Tiếng xấu nàng đang cố tạo thành!
Ví ta chết cạnh bến sông nàng
Hỡi Nữ Thần dung sắc vẹn toàn
Tiếng xấu trùm lên nàng tất cả
Khác nào mây phủ giữa không gian!
Vậy kiều tiên hỡi, lão van nàng
Hãy tránh xa điều ác, sợ rằng
Mặc lão chết đi, rồi hối tiếc
Làm trò đàm tiếu giữa trần gian!
Nghe nói vậy, Nữ Thần đáp lại:
Ta biết Ngài thầm kín ước mong
Và Ngài nhẫn nhục thật cam tâm
Ta cam đành phận làm tỳ nữ
Ðem đến xoài ngon tặng Đạo Nhân
Kìa ác dục từ bao thưở trước
Khó thay bỏ lạc thú phàm trần
Ngài đã đạt đến tâm thanh tịnh
Và trí bình an, phải giữ luôn.
Người nào đã thoát buộc ràng xưa
Lại bám xiềng gông trước chuyện thừa
Phóng dật bước vào phi thánh đạo
Chất chồng ác nghiệp mãi luôn mà.
Ta tặng Ngài điều nguyện khát khao,
Rồi Ngài tiêu hết mọi ưu sầu,
Ta đưa Ngài đến nơi êm mát,
Ngài sống đời an lạc biết bao!
Mây na, cu gáy, hạc, hồng nga,
Say mật quây quần cạnh khóm hoa,
Từng đám thiên nga cao vút lượn
Chim đồng, đàn khổng tước kiêu sa
Cùng nhau hòa tiếng ca êm ái
Ðánh thức rừng cây tỉnh giấc mơ!
Hoa nghệ, Ka Dam Ba rộ bông
Khác nào rơm rạ ở trên đồng
Chà là, thốt nót, nồng nàn chín
Tô điểm chung quanh lủng lẳng chùm
Và giữa cây cành đầy trĩu trái
Xoài cây sung mãn, hãy nhìn trông!
Vừa ca tụng thắng cảnh kia, Tiên Nữ vừa mang nhà tu hành đến đó, và mời Ngài ăn xoài trong rừng này cho đến khi thỏa thích, rồi nàng lại ra đi. Nhà Ẩn Sĩ ăn xoài mãi đến lúc đã hết cơn thèm, xong nghỉ ngơi chốc lát.
Sau đó loanh quanh thơ thẩn trong rừng, Ngài thấy vị Thần kia đang lúc chịu khổ sở đau đớn, Ngài không còn lòng dạ nào thốt ra lời hỏi han vị ấy, nhưng hoàng hôn đến, Ngài thấy vị Thần kia được bầy Tiên Nữ hầu hạ và thọ hưởng vinh quang của Tiên Giới, Ngài liền ngâm ba vần kệ:
Suốt đêm, quán đảnh tiệc Liên Hoan
Vương miện trên mày lại được mang
Tô điểm cổ tay, đầy ngọc quí
Sáng ngày đau khổ thật kinh hoàng
Hàng ngàn Tiên Nữ hộ quanh Ngài
Thần lực Ngài kia thật đại tài!
Kỳ diệu biết bao quyền biến đổi
Khổ hình lại hóa cảnh bồng lai!
Ngài đã làm sao phải đọa đày?
Tội gì Ngài hối tiếc ngày nay?
Sao từ lưng nọ nay Ngài phải
Móc thịt mình ăn lại mỗi ngày?
Vị Thần kia nhận ra Ngài, liền bảo:
Đại Vương không nhận ra tiểu thần, nhưng ngày xưa tiểu thần là Tế Sư của Đại Vương. Hạnh phúc này thần được hưởng hằng đêm là nhờ ơn Đại Vương, đó là kết quả hành trì nửa ngày Trai giới của thần, còn nỗi thống khổ thần phải chịu ban ngày là kết quả nghiệp ác mà thần đã làm.
Vì khi thần được Đại Vương cho ngồi ghế phán quan, thần đã ăn hối lộ, và phán xét sai trái, thần lại là kẻ xấu miệng, ưa phỉ báng sau lưng người khác, nên kết quả việc ác thần đã tạo những ngày đó, nay thần phải chịu khổ đau này.
Nói xong vị thần ngâm hai vần kệ:
Xưa thân thọ hưởng Thánh Tam Kinh
Song ác nghiệp giam hãm đắm mình
Việc ác đã làm cho bạn hữu
Bao năm ròng, cuộc sống trôi nhanh
Kẻ nào phỉ báng các tha nhân
Cứ thích rình mò phá tiếng thơm
Phải móc thịt mình ăn lại mãi
Như ta việc ấy hiện đang làm!
Nói xong vị thần hỏi nhà tu khổ hạnh tại sao đã đến đây. Vị này liền kể hết đầu đuôi câu chuyện của mình.
Vị thần lại hỏi: Vậy xin thưa Thánh Giả, Ngài định ở đấy hay lại ra đi?
Ta không muốn ở lại, ta muốn trở về am.
Vị Thần đáp: Thưa Thánh Giả, lành thay, thần sẽ dâng cúng Ngài trái xoài chín thường xuyên đầy đủ. Rồi vị ấy dùng thần lực đưa vị Vua Ẩn Sĩ trở về vùng thảo am, khuyên Ngài sống thiểu dục ở đó, yêu cầu Ngài phải giữ tròn lời nguyền, rồi ra đi. Từ đó vị Thần kia thường xuyên cung cấp xoài cho nhà tu khổ hạnh.
Ngài thọ hưởng thứ trái cây ấy, hành trì những pháp môn tu tập để làm phát khởi thiền định và về sau được thọ sinh vào Phạm Thiên Giới.
Bậc Ðạo Sư, sau khi chấm dứt pháp thoại với các cư sĩ, liền thuyết các Thánh Đế và nhận diện tiền thân: Vào đoạn kết thúc các Thánh Ðế, một số người đạt Sơ Quả Dự Lưu, một số người đạt Nhị Quả Nhất Lai, lại có một số người khác đạt tam quả bất lai. Vào thời ấy Nữ Thần ấy là Uppalavannà Liên Hoa Sắc và Ẩn Sĩ khổ hạnh chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thí đăng Công đức - Phần Hai
Truyện tiền thân Đức Phật: Con voi và con chó
Phật Thuyết Mười Sáu Tôn Phật Trong Kiếp Hiền
Phật Thuyết Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện ác - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Diệu âm Bổ Tát
Phật Thuyết Kinh Hữu đức Nữ Sở Vấn đại Thừa
Kinh A Nan Hỏi Sự Cát Hung Việc Thờ Phật
Phật Thuyết Những Kinh Do Tăng Già La Sát Tập Thành - Phần Một