Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Sáu - Phẩm Ba Mươi Bài Kệ - Chuyện Hoàng Hậu Sambulà Tiền Thân Sambulà
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
PHẨM BA MƯƠI BÀI KỆ
CHUYỆN HOÀNG HẬU SAMBULÀ
TIỀN THÂN SAMBULÀ
Run rẩy nép mình dáng hãi kinh. Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể lại trong lúc Ngài trú tại Kỳ Viên, về Hoàng Hậu Mallikà Mạt Lợi.
Phần khởi đầu được kể đầy đủ trong Tiền Thân Kammàsapinda tập bốn. Lúc bấy giờ nhờ công đức cúng dường ba phần cháo dâng Đức Như Lai, ngay hôm ấy bà được sắc phong địa vị chánh hậu, cai quản đám cung tần trung tín, bà đầy đủ năm vẻ nữ sắc yêu kiều, tài trí tột bực, lại là đệ tử của Đức Phật, bà tỏ ra là một vợ hiền tận tụy.
Lòng nhiệt tình của bà sáng chói tỏa khắp cả Kinh Thành. Vì vậy một ngày kia, các Tỳ Kheo bắt đầu bàn luận trong chánh pháp đường việc Hoàng Hậu Mallikà là một hiền phụ trung kiên, tận tụy như thế nào.
Bậc Ðạo Sư, lúc đến đó, liền hỏi các Tỳ Kheo đang bàn luận đề tài gì, và khi được biết, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngay cả ngay xưa nữa, bà ấy đã là một vợ hiền tận tụy. Nói vậy xong, Ngài kể câu chuyện quá khứ.
Một thuở nọ, Brahmadatta có một hoàng nam mệnh danh là Sotthisena, và lúc đến tuổi trưởng thành, chàng được phong làm phó vương. Chánh phi của chàng là Sambulà cực kỳ diễm lệ, dung sắc rực rỡ chói lọi như thể ánh đèn chiếu sáng trong chốn tối tăm.
Song dần dần chứng bệnh phong cùi xuất hiện trên mình phó vương Sotthisena và mọi lương y đành bó tay chữa trị.
Khi các vết lở loét chảy mủ ra, thật hôi tanh khủng khiếp đến độ phó vương tuyệt vọng kêu lên: Ngai vàng có ích gì cho ta đâu?
Thôi ta vào rừng sâu này chết một mình không cần bạn bè cho xong. Khi đã cho trình Vua cha, chàng rời hậu cung ra đi.
Mặc dù chàng cố sức ngăn cản, Sambulà vẫn không chịu trở về, mà bảo: Thiếp xin nguyện chăm sóc chúa công trong rừng thẳm. Rồi nàng cùng chàng ra đi, từ bỏ Kinh Thành. Khi vào rừng, chàng xây một lều cỏ để trú thân ở một nơi có bóng cây và nước suối, trái rừng đầy đủ.
Còn Vương Phi săn sóc chàng ra sao?
Nàng dậy thật sớm, quét dọn lều sân mang nước đến cho chàng súc miệng. Khi chàng súc miệng xong, nàng nghiền nát nhiều loại cỏ thuốc thoa vào các vết lở loét của chàng rồi đưa trái cây ngon ngọt cho chàng ăn.
Khi chàng đã súc miệng, rửa tay, nàng chào chàng và bảo: Xin chúa công hãy chuyên tâm làm việc thiện. Rồi nàng cầm cái thúng, cái xẻng, và cái móc đi vào rừng hái trái cây cho chàng. Khi chàng ăn hết, nàng đem nước thơm cho chàng uống rồi mới ăn trái cây phần mình.
Nàng lại sắp đặt một tọa sàng có khăn phủ lên, và trong lúc chàng nằm trên đó, nàng rửa chân cho chàng, thay áo quần, tắm gội đầu cho chàng xong, nàng đến nằm xuống cạnh tọa sàng. Nàng chăm sóc chúa công của nàng như vậy đó.
Một ngày kia, trong lúc đem trái cây về nhà, nàng thấy một hang có con suối, nàng liền đặt thúng trên đầu xuống, đứng bên bờ hang, rồi bước xuống tắm, nàng xoa khắp người với thuốc nhuộm vàng rồi tắm rửa. Xong xuôi nàng trèo lên mặc áo quần bằng vỏ cây và đứng trên bờ suối. Cả khu rừng sáng rực lên vì dung sắc rực rỡ tỏa ra từ thân thể nàng.
Lúc ấy có một con ác quỷ Dạ Xoa đi tìm mồi, thoạt trông thấy nàng, liền mê mẩn ngâm đôi vần kệ sau:
Run rẩy nép mình dáng hãi kinh,
Ai đây đang đứng cạnh hang ghềnh,
Nói đi, thục nữ thân bồ liễu,
Quyến thuộc là ai, với quý danh?
Nương tử là ai, đẹp rỡ ràng,
Ðâu là dòng giống của nhà nàng,
Khiến nàng chiếu rực khu rừng sáng,
Chốn lạc cư muôn loại thú hoang?
Yêu quỷ là ta đầy kính cẩn
Nghiêng mình, bái phục trước tôn nhan!
Nghe ác quỷ nói thế, nàng đáp lời qua ba vần kệ:
Thái Tử Sotthi kế vị ngai,
Xứ Kàsi, hãy biết như vậy,
Ta là Vương Hậu hoàng nam ấy,
Thường gọi Sambu chính hiệu này.
Vương Tử Vi Đề đang ốm đau,
Khổ thân mê loạn ở rừng sâu,
Mình ta chăm sóc chàng nằm liệt,
Không thế, chắc chàng phải chết mau!
Ðây miếng thịt nai thật ngọt ngon,
Ta vừa kiếm được chốn rừng hoang,
Ðem về dâng chúa công ta đó,
Giờ bởi thiếu ăn đã mỏi mòn!
Ác quỷ:
Chúa công bệnh hoạn ích gì chăng?
Ngài chẳng cần Vương Hậu, hỡi nàng,
Mà chỉ cần người nuôi bảo hộ,
Ta mong chiếm địa vị ông hoàng!
Vương Phi:
Lòng ta mòn mỏi với ưu sầu,
Khốn khổ bơ vơ, đẹp chẳng cầu,
Nếu Quỷ Vương tìm nương tử mới,
Hãy cầu nàng khác đẹp dường nào!
Ác quỷ:
Thê thiếp bốn trăm sẵn của ta
Tôn vinh lầu các ở đồi xa,
Xin nàng chiếu cố, ngôi cao ngự,
Cho thỏa bao nguyền ước thiết tha.
Hỡi mỹ nhân tươi sáng ánh vàng,
Những gì nàng quý chuộng cho nàng,
Ta đều ban tặng, xin mời đến,
Cùng ta tận hưởng thú trần gian.
Nếu chối từ làm vợ Quỷ Vương,
Hiển nhiên nàng hóa miếng mồi ngon
Cho ta thọ dụng hôm nay đấy,
Ðể lót lòng ta đã nhịn cơm.
Bậc Ðạo Sư:
Ác quỷ mày râu rậm bảy chòm,
Khiến cho người thất đảm kinh hoàng,
Thấy nàng lạc lỏng bơ vơ bước,
Liền nắm chặt tay ấy của nàng.
Bị cầm giam bởi quỷ hung tàn,
Cừu địch nàng kia, ác dục tràn,
Nàng chỉ khóc thương chàng vắng mặt,
Chẳng hề quên nỗi khó riêng chàng.
Vương Phi:
Ta chẳng buồn vì số phận ta,
Làm mồi cho quỷ ác căm thù,
Song vì tình trượng phu tôn quý,
Ly biệt ta, đành phải héo khô.
Chư Thần đi vắng cả rồi chăng?
Chẳng vị nào cai quản thế gian
Ðể trấn áp hành vi sỉ nhục,
Cản ngăn điều phóng đãng dâm loàn!
Lúc ấy cung đình của Ðế Thích Thiên Chủ rung động vì công năng đức hạnh của nàng, chiếc ngai bằng hoàng thạch của Ngài trông có vẻ nóng lên.
Ngài suy nghĩ, tìm ra duyên cớ, liềm cầm Kim Cang chùy phi nhanh đến trước con quỷ và ngâm vần kệ:
Giữa đám quần đệ nhất danh,
Chính nàng toàn hảo, trí thông minh,
Khác nào ngọn lửa đang bừng sáng,
Ví thử ngươi ăn thịt gái lành,
Ác quỷ, đầu ngươi liền vỡ nát,
Thành ra bảy mảnh phải tan tành.
Vậy đừng làm hại nàng, nên thả,
Nàng, vợ hiền dâng hiến trọn mình.
Nghe vậy, con quỷ liền thả Sambulà.
Thiên Chủ nghĩ thầm: Con quỷ này sẽ còn tái phạm một lần nữa. Vì thế Ngài lấy dây trói, giam lỏng nó trên ngọn núi thứ ba cách xa chỗ ấy, để nó không trở lại đấy được, rồi nồng nhiệt ngợi khen Vương Phi xong, Ngài trở về Thiên đình của Ngài. Còn Vương Phi, sau khi Mặt Trời lặn, phải nhờ ánh trăng trở về lều cỏ.
Bậc Ðạo Sư ngâm tám vần kệ giải thích sự việc:
Thoát quỷ kia, nàng vội lại nhà,
Như chim về thấy chết con thơ,
Hay bò bị cướp bê con dại,
Than khóc nhìn hang ổ trống trơ.
Cũng vậy, Sambu tiếng tốt vang,
Hoàng phi liền cất giọng kêu than,
Thất thần, hoảng hốt, bơ vơ quá,
Ðơn độc, vô phương giữa núi ngàn:
Tiện thiếp xin quỳ lạy Ðạo Sư,
La Môn, Hiền Thánh Trí nhân từ,
Bơ vơ, lạc lõng thay, thân thiếp
Chạy đến thần nhân để trú nhờ.
Cọp beo, sư tử, chúa sơn lâm,
Cùng các loài hoang thú ở giữa rừng,
Tiện thiếp xin chào mừng tất cả,
Cỏ cây, hoa lá mọc um tùm,
Xin chào rừng rậm màu xanh ngắt
Cùng núi cao dốc đứng chập chùng.
Tiện thiếp xin thi lễ Dạ Thần,
Trên cao tinh tú điểm huy hoàng,
Ðêm dày tựa đóa sen xanh thẳm,
Nhuốm vẻ đậm đà nhất thế gian!
Thiếp xin thi lễ cả Sông Hằng,
Là mẹ hiền chung của suối sông,
Ở giữa loài người trên hạ giới,
Bha gi ra mỹ hiệu vang lừng.
Tiện thiếp xin chào đỉnh Tuyết Sơn,
Là Vua ngự trị mọi sơn lâm,
Ðà chồng chất nhất cao hùng vĩ,
Vượt hẳn lên toàn cảnh thế gian.
Nhìn thấy nàng đang than khóc như thế, Sotthisena nghĩ thầm: Nàng than khóc quá lời. Ta không biết có ý gì đây, nếu nàng làm thế vì yêu thương ta, thì tim nàng sẽ tan nát. Thôi ta phải thử nàng xem sao. Chàng liền đi đến ngồi ở cửa lều.
Nàng đến cửa vẫn còn than khóc, đảnh lễ chàng xong, nàng hỏi: Nãy giờ chúa công ở đâu?
Chàng đáp: Này Vương Phi, ngày thường nàng chưa hề về nhà giờ này, hôm nay nàng về quá trễ.
Rồi chàng ngâm vần kệ hỏi nàng:
Này quý phi danh tiếng vọng vang,
Sao nàng về muộn quá chiều tàn?
Tình lang yêu dấu nào đâu hẳn
Ðã giữ nàng lâu hóa trễ tràng?
Nàng đáp lại: Tâu chúa công, thiếp đang mang trái cây về nhà thì gặp một con quỷ si tình thiếp, nắm tay thiếp và bảo: Nếu nàng không nghe lời ta, ta sẽ ăn thịt nàng ngay.
Và nàng ngâm vần kệ:
Bị cừu địch bắt, nặng sầu tư,
Thiếp nói lời cùng quỷ Dạ Xoa:
Ta chẳng buồn đau vì số phận
Làm mồi cho ác quỷ tinh ma,
Song vì tình trượng phu tôn quý
Ly biệt ta, đành phải héo khô.
Rồi nàng kể hết mọi chuyện cho chàng nghe và nói: Khi thiếp đang bị quỷ bắt giữ như vậy không thể nào thoát thân được, thiếp liền xin sự phò hộ của Chư Thần, nên Ðế Thích Thiên Chủ hiện ra, cầm chùy Kim Cang trong tay, ở trên không hăm dọa ác quỷ thả thiếp ra.
Rồi Ngài lại lấy dây thần trói quỷ trên ngọn núi thứ ba xa chỗ ấy, xong biến mất. Thế là thiếp đã được Ðế Thích Thiên Chủ cứu mạng.
Thái Tử Sotthisena nghe xong liền bảo: Này Vương Phi, chuyện có thể là như vậy. Với nữ nhân thật khó biết được sự thật. Trong vùng Tuyết Sơn có nhiều Sơn nhân, Ẩn Sĩ, và Pháp Sư.
Ai sẽ tin nàng đây?
Nói vậy xong chàng ngâm vần kệ:
Các nàng Ngọc Nữ quá tinh khôn,
Thật hiếm khi tìm được thật chân,
Cung cách nữ nhân làm rối trí,
Như đường cá lội giữa trùng dương!
Nghe vậy, nàng đáp: Tâu chúa công, dù chàng không tin thiếp, thiếp vẫn nói nhân danh chân lý và thiếp sẽ chữa bệnh cho chàng.
Thế là khi đã rót đầy một bình nước để thực hiện một lời ước nguyện chân lý, nàng đổ nước từ trên đầu chàng và ngâm vần kệ:
Ước mong chân lý, chốn nương thân,
Thiếp chẳng yêu ai khác chúa công,
Thiếp nguyện cầu xin nhờ nói thật
Bệnh chàng nay được chữa lành chăng?
Khi nàng thực hiện lời nguyện cầu chân lý ấy xong, nước vừa được rảy lên đầu Sotthisena thì bệnh hủi liền biến mất như thể rỉ đồng gặp cường toan vậy. Sau khi ở lại đó vài ngày, hai vị rời khu rừng, đi đến Ba La Nại và vào Ngự Viên.
Phụ Vương biết chuyện hai con đã về, liền vào ngự viên, ngay tại đó, Ngài bảo đem chiếc lọng hoàng gia đến che lên đầu Sotthisena, làm lễ quán đảnh sắc phong Sambulà lên ngôi chánh hậu.
Sau đó Ngài đưa hai con về thành, và chính Ngài xuất gia tu hành, lập am trong Ngự Viên, nhưng vẫn thường dùng ngự thiện trong cung.
Còn Vua Sotthisena chỉ phong Sambulà lên ngôi chánh Hậu, song chẳng ban huệ gì cho nàng, chàng chẳng quan tâm ngay cả đến đời sống của nàng, mà chỉ ham hưởng lạc thú với những nữ nhân khác. Sambulà hờn ghen với đám tình địch kia nên gầy mòn bạc nhược, cả thân hình nổi gân xanh xao ra dáng bệnh hoạn.
Một ngày kia, phụ hoàng của Vua, vi Ẩn Sĩ đã xuất gia ấy, đến dùng ngự thiện, nàng liền yết kiến Ngài cho khuây khỏa nổi buồn. Sau khi Ngài dùng bữa xong, nàng đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.
Trông thấy tình trạng suy nhược của nàng, Ngài ngâm vần kệ hỏi:
Bảy trăm Vương Tượng trực bên mình,
Phòng hộ sẵn sàng khởi chiến binh,
Thiện xạ hàng trăm ngừa hiểm họa,
Ðâu cừu nhân đến khiến hồn kinh?
Nghe vậy, nàng đáp lại:
Tâu Phụ Vương, Chúa Thượng không còn như xưa đối với thần thiếp nữa.
Rồi nàng ngâm năm vần kệ:
Chàng yêu mỹ nữ tựa Liên Hoa,
Giọng điệu thiên nga cất tiếng thưa,
Rung động lòng chàng say đắm đuối,
Khi chàng nghe chúng nhịp nhàng ca,
Thiếp không còn ngự trong tâm tưởng,
Tình cảm chàng, như một thuở xưa!
Nữ nhân dáng đẹp tựa thiên nga,
Trang điểm toàn châu báu sáng lòa,
Tuyệt sắc cung tần nằm yểu điệu,
Mê hồn quyến rũ mắt Vương gia!
Mong lần nữa lạc bước rừng hoang,
Kiếm mỗi bữa ăn đỡ dạ chàng,
Thiếp sẽ được chàng yêu quý lại,
Rừng xanh ngự trị bỏ ngai vàng!
Gấm vóc lụa là khoác nữ nhi,
Cao lương mỹ vị đủ tràn trề,
Diễm kiều, song nếu chàng không chuộng,
Thà kết lụa đào để chết đi!
Gái nghèo khốn khổ ngủ giường rơm,
Nếu được yêu thương dưới mắt chồng,
Cũng hưởng một đôi niềm hạnh phúc,
Mà người chỉ thiếu tấm tình nồng
Không hề biết đến, dù đầy đủ
Tất cả mọi điều, tấu Phụ Vương!
Khi nàng giải thích cho vị Vua Ẩn Sĩ hiểu nguyên nhân vì đâu nàng héo mòn như vậy, Ngài liền triệu Vua tới và bảo: Này Vương nhi Sotthisena, khi Vương nhi bị bệnh hủi giày vò khốn khổ phải chốn vào rừng sâu, nàng đã cùng Vương nhi vào rừng, săn sóc hầu hạ đủ mọi nhu cầu cho Vương nhi, lại nhờ thần lực chân lý chữa bệnh cho Vương nhi nữa.
Bây giờ sau khi nàng đã làm phương tiện cho Vương nhi ngự chiếc ngai vàng, Vương nhi không biết đến địa vị của nàng, thật là lỗi đạo lắm. Một hành động phản bội bạn hiền như vậy là một tội lớn.
Rồi Ngài ngâm vần kệ:
Khó tìm được vợ chung tình,
Nam nhi tốt với vợ mình, khó sao,
Vương nhi đức hạnh dường nào,
Với chồng, nàng lại dạt dào tình thương.
Vậy giờ đây, hỡi quân Vương,
Với Sambu, phải trọn đường thủy chung.
Sau khi khiển trách Vương nhi xong, Ngài đứng dậy bỏ ra về ngay.
Khi Vương Phụ đi rồi, Vua triệu Sambulà đến và bảo: Này ái hậu, xin hãy tha thứ lỗi lầm của trẫm bấy lâu nay. Từ nay về sau trẫm giao hết quyền hành cho ái hậu.
Và nhà Vua ngâm vần kệ cuối cùng:
Hưởng đầy phúc lộc dồi dào,
Ái khanh vẫn cứ xanh xao héo mòn,
Vì lòng nặng trĩu ghen hờn,
Từ nay trẫm với phi tần cung nga,
Là người dưới trướng Samlà,
Sẵn sàng tuân phục lệnh bà phán sai!
Từ đó nhà Vua cùng Hoàng Hậu sống hạnh phúc bên nhau, thực hành bố thí, và các thiện pháp. Ðến khi từ trần, hai vị đi theo đúng hạnh nghiệp của mình. Còn vị Ẩn Sĩ khổ hạnh tu tập phát khởi thiền định, về sau tái sinh vào Phạm Thiên Giới.
Bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại xong lại bảo: Không chỉ bây giờ mà ngay cả ngày xưa nữa, Mallikà đã là người vợ thủy chung.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ Sambulà là Mallikà, Sotthisena là Vua xứ Kosala, vị Ẩn Sĩ kia chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Ca Diếp Vấn đại Bảo Tích Chánh Pháp - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Răn Dạy Vắn Tắt
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Phải Sớm Làm điều Lành
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thập Thượng - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Nhất - Kinh Người Ngu ăn Muối