Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Năm - Phẩm Năm Bài Kệ - Chuyện Thử Nghiệm đức Hạnh Tiền Thân Sìlavimamsa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG NĂM
PHẨM NĂM BÀI KỆ
CHUYỆN THỬ NGHIỆM ĐỨC HẠNH
TIỀN THÂN SÌLAVIMAMSA
Ðức hạnh và kiến thức. Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Bà La Môn muốn thử thách năng lực của đức hạnh.
Người ta kể rằng, do ông nổi danh về đức hạnh, Vua đã đặc biệt tôn trọng ông hơn hẳn các Bà La Môn khác.
Ðức Vua đặc biệt tôn trọng ta, có phải vì ta có đức hạnh hay vì ta đạt kiến thức cao?
Ta sẽ thử nghiệm xem đức hạnh và kiến thức bên nào quan trọng hơn. Thế là một hôm, ông rút lấy một đồng trong kho tiền của Vua. Người thủ kho vì kính ông đã không nói một lời nào. Việc ấy lại xảy ra lần thứ hai, người thủ kho cũng chẳng nói gì.
Nhưng đến lần thứ ba, người thủ kho bắt ông ta như bắt một kẻ sinh sống bằng nghề trộm cắp và mang ông ta đến trước nhà Vua. Vua hỏi người thủ kho ông ta bị tội gì, người ấy buộc tội ông đã ăn trộm tài sản của Vua.
Này Bà La Môn có thật thế không?
Vua hỏi. Tâu Ðại Vương, tôi không có thói ăn trộm của Ngài, ông ta bảo. Nhưng tôi nghi ngờ không biết đức hạnh và kiến thức bên nào quan trọng hơn, và khi thử nghiệm xem trong hai thứ đó, thứ nào là quan trọng hơn, tôi đã ba lần rút lấy một đồng tiền và thế rồi tôi bị bắt và mang đến trước Ngài.
Giờ đây tôi biết được rằng đức hạnh có hiệu năng lớn hơn là kiến thức. Tôi không còn muốn sống đời Cư Sĩ nữa, tôi sẽ trở thành một Ẩn Sĩ.
Khi được Vua cho phép, chẳng cần phải nhìn tới cả nhà cửa, ông đi thẳng đến Kỳ Viên và xin quy y bậc Ðạo Sư. Bậc Ðạo Sư truyền cho ông giới Sa Di và cả giới Tỳ Kheo.
Ðược vào giáo đoàn không bao lâu, ông đạt tuệ giác và đắc quả vị cao nhất.
Sự việc này được bàn luận trong Pháp Đường rằng Bà La Môn nọ sau khi chứng nghiệm được năng lực của đức hạnh, đã thọ giới xuất gia và đạt tuệ giác đắc Thánh Quả như thế nào.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỳ Kheo đang ngồi bàn luận vấn đề.
Khi nghe kể lại, Ngài dạy: Không phải chỉ bây giờ người này làm thế, các Bậc Hiền Trí ngày xưa cũng đã đem đức hạnh ra thử nghiệm và trở thành các Ẩn Sĩ đem lại sự giải thoát cho mình. Rồi Ngài kể một câu chuyện ngày xưa.
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sinh ra trong một gia đình Bà La Môn. Khi lớn lên, Ngài học được mọi ngành văn học nghệ thuật ở Takkasilà và khi trở về Ba La Nại, Ngài đến yết kiến Vua.
Vua giao cho Ngài chức Giáo Sĩ hoàng gia, và vì Ngài giữ năm giới, Vua đối đãi kính trọng, xem Ngài là người một đức hạnh.
Ngài nghĩ: Phải chăng Vua kính trọng đối xử với ta như một người đức hạnh hay như một người chuyên tâm đạt kiến thức?
Và toàn bộ câu chuyện cũng đúng như sự việc ngày nay, nhưng ở đây, vị Bà La Môn bảo: Bây giờ tôi đã biết đức hạnh là quan trọng hơn kiến thức.
Rồi Ngài đọc năm bài kệ sau đây:
Ðức hạnh và kiến thức
Tôi đã thể nghiệm rồi.
Nay không còn ngờ vực,
Ðức hạnh tốt nhất đời.
Ðức hạnh vượt thiên phú
Ðẹp, sang suông đâu bí.
Khi ở xa đức hạnh
Kiến thức chẳng đáng chi!
Nông dân hay Hoàng Tử
Hễ đã vướng tội vào,
Ở cõi nào đâu chứ,
Thoát khỏi niềm khổ đau?
Dù thuộc hàng thấp kém
Hay ở lớp quý cao,
Nếu đời này đức hạnh,
Ở Thiên Giới ngang nhau.
Dòng dõi và trí thức,
Thân tình, chẳng đáng đâu!
Chỉ riêng thuần đức hạnh
Ðem phước lạc mai sau.
Bậc Ðại Sĩ ca ngợi đức hạnh như thế, và sau khi được Vua ưng thuận, ngay ngày hôm ấy, Ngài đi vào vùng Tuyết Sơn và sống đời phạm hạnh của một nhà ẩn tu. Ngài phát triển các thắng trí và các thiền chứng rồi được sinh vào Cõi Phạm Thiên.
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy và nhận diện tiền thân: Bấy giờ chính ta đã đem dức hạnh ra thử nghiệm và nhận lấy cuộc đời phạm hạnh của một nhà ẩn tu.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bi Hoa - Phẩm Một - Phẩm Chuyển Pháp Luân
Phật Thuyết Kinh Cự Lực Trưởng Giả Sở Vấn đại Thừa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Nhất Tự Kỳ đặc Phật đảnh - Phẩm Năm - Phẩm Thành Tựu Tỳ Na Dạ Ca
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Nương đại Thừa
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Chín - Phẩm A Tỳ Bạt Trí Giác Ma