Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Chín - Phẩm A Tỳ Bạt Trí Giác Ma
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM MƯỜI CHÍN
PHẨM A TỲ BẠT TRÍ GIÁC MA
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Cho dù Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong mộng cũng không tham trước ba cõi, Thanh Văn, Bích Chi Phật địa, quán tất cả pháp như mộng nhưng không chấp lấy pháp chứng đắc. Tu Bồ Đề nên biết, đó là tướng Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu trong giấc mộng, Bồ Tát thấy Đức Phật ngồi trên tòa cao, ở giữa đại chúng Ngài đang thuyết pháp cho vô số trăm ngàn vạn Tỳ Kheo và vô số trăm ngàn vạn ức đại chúng đang cung kính vây quanh.
Tu Bồ Đề nên biết! Đó là tướng Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Trong mộng, Bồ Tát tự thấy thân mình phát ánh sáng rực rỡ trên hư không đang thuyết pháp cho đại chúng, khi tỉnh giấc, nghĩ biết ba cõi như mộng, quyết chắc ngay khi ấy Bồ Tát đắc vô thượng bồ đề vì chúng sinh thuyết pháp như vậy. Tu Bồ Đề nên biết đó là tướng Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Làm thế nào để biết khi Bồ Tát đắc vô thượng bồ đề, trong thế giới ấy không có tên gọi ba đường ác?
Này Tu Bồ Đề! Nếu trong mộng Bồ Tát thấy súc sanh liền phát nguyện siêng năng hành tinh tấn để khi đắc vô thượng bồ đề, trong Thế giới ấy không có tên gọi ba đường ác.
Tu Bồ Đề nên biết! Đó là tướng Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát thấy lửa cháy trong thành ấp liền suy nghĩ các tướng này giống các tướng mình thấy trong mộng. Bồ Tát thành tựu các tướng ấy, nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển. Bồ Tát nghĩ mình cần có các tướng ấy để được không thoái chuyển. Nhờ sức mạnh của lời thật ấy nên lửa trong thành ấp bị dập tắt. Nếu lửa bị dập tắt nên biết đời trước Bồ Tát đó đã được Phật thọ ký vô thượng bồ đề.
Nếu lửa không bị dập tắt thì nên biết Bồ Tát đó chưa được thọ ký. Ngọn lửa đốt cháy từ nhà này đến nhà khác, từ làng này đến làng khác thì nên biết chúng sinh đó phá pháp nên bị trọng tội. Vì phá pháp nên nay bị quả báo. Tu Bồ Đề do nhân duyên ấy nên biết đó là tướng Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nay ta sẽ nói lại tướng của Bồ Tát không thoái chuyển.
Tu Bồ Đề! Người nam hoặc người nữ nào bị quỷ quấy nhiễu, đối với việc này Bồ Tát liền nghĩ mình đã được Đức Phật thọ ký vô thượng bồ đề, trong thâm tâm chỉ muốn đắc vô thượng bồ đề, nếu việc làm của mình thanh tịnh, xa lìa tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật thì quyết chắc đắc vô thượng bồ đề chứ chẳng phải không chứng đắc.
Trong mười phương hiện tại vô lượng A tăng kỳ Đức Phật, không có việc gì mà Chư Phật không biết, không thấy, không đắc, không chứng, nếu Chư Phật biết thâm tâm của mình thì quyết chắc mình được đắc vô thượng bồ đề.
Nhờ sức mạnh của lời thật này, phi nhân liền thả người nam hoặc người nữ ấy và biến mất. Khi Bồ Tát nói những lời như vậy mà phi nhân không đi, thì nên biết Bồ Tát đó chưa được Phật thọ ký vô thượng bồ đề. Khi Bồ Tát nói những lời như vậy mà phi nhân đi, thì nên biết Bồ Tát đó đã được Phật thọ ký vô thượng bồ đề.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát chưa được thọ ký mà phát nguyện nếu mình được Phật thọ ký thì phi nhân sẽ thả người và bỏ đi. Nhưng ngay khi ấy có ác ma đến chỗ người đó làm phi nhân bỏ đi.
Vì sao?
Vì oai lực của ác ma hơn phi nhân nên phi nhân bỏ đi.
Đối với việc này Bồ Tát liền tự nghĩ rằng, nhờ năng lực của mình mà phi nhân bỏ đi chứ không biết nhờ năng lực của ác ma, vì thế Bồ Tát ấy khinh miệt, chê bai các Bồ Tát khác: Ta được Đức Phật thọ ký vô thượng bồ đề còn những người khác chưa được thọ ký vô thượng bồ đề.
Do nhân duyên đó, Bồ Tát tăng thêm lòng kiêu mạn, do nhân duyên kiêu mạn nên Bồ Tát xa lìa nhất thiết trí và trí tuệ vô thượng của Phật. Bồ Tát do một ít nhân duyên nên sinh ra kiêu mạn, nên biết Bồ Tát đó không có năng lực phương tiện, quyết chắc rơi vào Thanh Văn địa hoặc Bích Chi Phật địa.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Vì nhân duyên thệ nguyện nên phá sinh việc ma. Đối với việc này nếu Bồ Tát không gần gũi bậc thiện tri thức thì sẽ bị ma trói chặt.
Tu Bồ Đề! Nên biết đó là việc ma của Bồ Tát.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ác ma muốn dùng nhân duyên danh tự để phá hoại làm não loạn Bồ Tát, hóa làm đủ thứ hình dạng đến chỗ Bồ Tát, nói: Này Thiện Nam! Ông đã được Chư Phật thọ ký vô thượng bồ đề, tên của ông là như vậy, cha mẹ là như vậy, anh chị em là như vậy cho đến cha mẹ bảy đời cũng như vậy, ông sinh ở nước nọ.
Thành nọ, xóm làng nọ, nhà nọ, nếu tính nết ông nhu hòa thì liền nói đời trước tính nết nhu hòa, nếu tính nết ông nóng nảy cũng lại nói đời trước tính nết nóng nảy, hoặc ông thọ pháp A luyện nhã, hoặc khất thực, hoặc đắp y bá nạp, hoặc sau bữa ăn không uống nước có chất bã, hoặc ăn một lần, hoặc ăn có điều độ, hoặc ở bãi tha ma, hoặc ngồi ở đất trống.
Hoặc ngồi dưới gốc cây, hoặc thường ngồi không nằm, hoặc ngồi kiết già, hoặc ít muốn biết đủ, xa lìa, hoặc không dùng dầu xoa chân, hoặc ưa ít nói, ít luận bàn, ác ma cũng nói đời trước ông thọ pháp A luyện nhã, cho đến việc ông ưa thích ít nói và ít luận bàn.
Đời nay ông có công đức Đầu Đà, đời trước cũng có công đức Đầu Đà, Bồ Tát nghe nói đến danh tự và công đức Đầu Đà như trên, do nhân duyên đó nên liền sinh tâm kiêu mạn, tức thời ác ma lại nói tiếp: Ở quá khứ ông đã được thọ ký vô thượng bồ đề.
Vì sao?
Vì nay ông đã có tướng mạo công đức không thoái chuyển.
Tu Bồ Đề! Ta đã nói những tướng mạo chân thật của Bồ Tát không thoái chuyển, người đó không có những tướng ấy. Tu Bồ Đề nên biết người đó bị ma mê hoặc.
Vì sao?
Vì tướng mạo của Bồ Tát không thoái chuyển người đó không có, nhưng nghe ác ma nói đến danh tự liền khinh miệt, chê bai các Bồ Tát khác.
Tu Bồ Đề! Nên biết Bồ Tát nhân danh tự mà phát sinh việc ma.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Lại có Bồ Tát nhân danh tự mà phát sinh việc ma.
Đó là ma đến chỗ Bồ Tát nói: Ông đã được thọ ký vô thượng bồ đề, khi thành Phật có hiệu như thế. Nguyện xưa của Bồ Tát có danh hiệu giống với lời ma nói nhưng vì vô trí không có phương tiện nên Bồ Tát nghĩ khi mình đắc vô thượng bồ đề sẽ có danh hiệu đúng như lời Tỳ Kheo này nói. Bồ Tát ấy bị vướng vào mê hoặc của ma, tin nhận lời Tỳ Kheo do ma hóa ra, chỉ vì nhân duyên danh tự mà Bồ Tát khinh miệt, chê bai các Bồ Tát khác.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát đó không có những tướng mạo chân thật của Bồ Tát không thoái chuyển, họ đã xa lìa nhất thiết trí, trí tuệ vô thượng Phật. Bồ Tát nào xa lìa phương tiện và thiện tri thức thì sẽ gặp ác tri thức và rơi vào Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật địa.
Tu Bồ Đề! Trong hiện tại, Bồ Tát nào hối hận đối với các tâm xa lìa Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật trước kia thì sẽ được ở lâu trong sinh tử, gieo lại nhân bát nhã Ba la mật, đắc vô thượng bồ đề.
Vì sao?
Vì tâm phạm bốn tội nặng được ví như một Tỳ Kheo phạm một hoặc hai trong bốn tội nặng thì chẳng phải là Sa Môn, chẳng phải con dòng họ Thích. Bồ Tát vì danh tự mà xem thường các Bồ Tát khác sẽ mắc tội nặng trong bốn tội nặng.
Tu Bồ Đề! Bốn tội nặng đó cũng giống như tội nặng ngũ nghịch. Nghĩa là vì danh tự mà sinh tâm kiêu mạn.
Này Tu Bồ Đề! Vì nhân duyên danh tự mà phát sinh việc ma vi tế này, Bồ Tát phải hiểu rõ và nên xa lìa.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ác ma thấy Bồ Tát có hạnh viễn ly liền đến chỗ Bồ Tát nói: Thiện Nam! Hạnh viễn ly là hạnh thường được Như Lai khen ngợi.
Này Tu Bồ Đề! Ta không nói Bồ Tát viễn ly là đến nơi A luyện nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, dưới gốc cây, nơi hoang vắng.
Bạch Đức Thế Tôn! A luyện nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, dưới gốc cây, nơi hoang vắng đều không được gọi là viễn ly, vậy thì những chỗ nào gọi là viễn ly?
Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào xa lìa tâm Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật, như vậy gọi là viễn ly hoặc gần xóm làng cũng gọi là viễn ly hoặc ở chỗ A luyện nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, dưới gốc cây, nơi hoang vắng cũng gọi là viễn ly.
Này Tu Bồ Đề! Như vậy ta đã nói những hạnh viễn ly. Bồ Tát ngày đêm tu tập hạnh viễn ly hoặc gần xóm làng cũng gọi là viễn ly, hoặc ở chỗ A luyện nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, dưới gốc cây, nơi hoang vắng cũng gọi là viễn ly.
Tu Bồ Đề! Viễn ly mà ác ma ca ngợi như: A luyện nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, Bồ Tát tuy có hạnh viễn ly như vậy nhưng không xa lìa tâm Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật, không tu bát nhã Ba la mật, không làm đầy đủ nhất thiết thí, đó gọi là hành động không chuyên nhất. Bồ Tát hành viễn ly như vậy thì không thanh tịnh, sinh tâm khinh miệt, chê bai các Bồ Tát khác.
Bồ Tát tuy sống gần xóm làng nhưng tâm thanh tịnh, xa lìa tâm Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật, không làm các điều ác, chứng các thiền định, được giải thoát tam muội và thần thông lực, thông đạt bát nhã Ba la mật.
Còn Bồ Tát nào không có những phương tiện thiện xảo ấy, cho dù Bồ Tát ở chỗ hoang vắng rộng đến trăm do tuần đi nữa thì cũng chỉ có chim thú, giặc cướp, ác quỷ đến ở đó mà thôi. Dầu trải qua trăm ngàn vạn ức năm hoặc hơn số đó mà không biết tướng viễn ly chân thật, nghĩa là viễn ly đối với sự viễn ly chân thật, không biết rõ thâm tâm và phát tâm vô thượng bồ đề thì Bồ Tát đó cũng chỉ gọi là ồn ào.
Bồ Tát tham đắm và nương vào sự viễn ly ấy làm ta không vui.
Vì sao?
Vì trong những hạnh viễn ly mà ta cho phép không thấy có hạng người đó, người đó không có hạnh viễn ly như vậy.
Tu Bồ Đề! Lại có ác ma đến chỗ Bồ Tát trụ trên hư không, nói: Lành thay, lành thay! Việc làm của ông đúng là viễn ly được Đức Phật ca ngợi, nhờ sự viễn ly đó nên ông mau đắc vô thượng bồ đề. Bồ Tát đó rời khỏi chỗ viễn ly đến xóm làng thấy các Tỳ Kheo khác đang cầu Phật đạo với tâm tánh hòa nhã, liền sinh tâm kiêu mạn, cho các Tỳ Kheo ấy sống ồn ào.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát đó cho sự ồn ào là sự viễn ly chân thật, cho sự viễn ly chân thật là sự ồn ào, do nói lỗi lầm của các vị kia nên không sinh tâm cung kính họ. Điều đáng cung kính lại khinh mạn, điều đáng khinh mạn lại cung kính.
Bồ Tát lại suy nghĩ: Ta thấy phi nhân nhớ ta mà đến, giúp đỡ ta mà đến, Đức Phật nói hạnh viễn ly này là chân thật và ta đã thực hành, còn ông ở gần xóm làng, ai nhớ đến ông, ai giúp đỡ ông. Nghĩ như vậy rồi Bồ Tát đó liền khinh miệt, chê bai các Bồ Tát khác tu hạnh thanh tịnh.
Này Tu Bồ Đề! Nên biết người đó là Bồ Tát Chiên đà la. Là Bồ Tát ô uế, nhơ nhớp, bất tịnh, chỉ có hình dạng giống Bồ Tát. Là giặc lớn của tất cả thế gian, Trời, Người, đội lớp Sa Môn để làm giặc cướp.
Tu Bồ Đề! Người cầu Phật đạo không nên gần gũi hạng người đó.
Vì sao?
Vì người đó gọi là tăng thượng mạn.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào mến tiếc nhất thiết trí, vô thượng bồ đề, trong thâm tâm muốn đắc vô thượng bồ đề, muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh thì không nên gần gũi hạng người đó.
Hành giả cầu Phật đạo chỉ làm lợi ích cho riêng mình thì nên nhàm chán xa lìa, sợ hãi ba cõi, đối với loài người nên sinh tâm từ, bi, hỷ, xả và tinh tấn thực hành để khi đắc vô thượng bồ đề không có những điều xấu đó. Hành giả sinh tâm như vậy sẽ mau đoạn trừ các điều xấu ác.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành như vậy là Bồ Tát có năng lực bát nhã Ba la mật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Không Nhàn Xứ
Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Một - Phẩm Tứ Lợi - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Năm - Phẩm Súc Sinh - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Một - Phẩm Trưởng Giả Hiền Hộ - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội thứ Hai Mươi Chín - Pháp Hội ưu đà Diên Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Chín Mươi Mốt