Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Sáu - Phẩm Sáu Bài Kệ - Chuyện Con Chuột Tiền Thân Mùsika
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG SÁU
PHẨM SÁU BÀI KỆ
CHUYỆN CON CHUỘT
TIỀN THÂN MÙSIKA
Bọn chúng hỏi to: Nó ở đâu?
Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm về Vua Ajàtasattu A Xà Thế. Sự kiện đưa đến chuyện này đã được kể đầy đủ trong Tiền Thân Thusa. Ở đây bậc Ðạo Sư cũng quan sát Nhà Vua lúc ấy vừa chơi đùa với Vương Tử, vừa nghe pháp.
Như Ngài đã biết hiểm họa sẽ xảy đến cho Vua vì Vương Tử này, Ngài nói:
Thưa Ðại Vương, Vua chúa thời xưa đã nghi ngờ những gì đáng nghi ngờ, nên đã giam giữ các Vương Tử lại một nơi và bảo: Hãy để cho các hoàng nhi cai trị sau khi thân xác chúng ta đã được hỏa táng. Cùng với lời trên, Ngài kể một chuyện quá khứ.
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vị ở Ba La Nại, Bồ Tát được sinh vào một gia đình Bà La Môn và trở thành một Giáo Sư danh tiếng thế giới. Con Vua Ba La Nại tên là Vương Tử Yava Lúa Mạch.
Sau khi đã chuyên tâm học tập đủ mọi ngành học thuật với Ngài, chàng liền nóng lòng ra đi, và đến từ giã Ngài. Vị Giáo Sư nhờ tài Tiên tri biết trước rằng hiểm họa sẽ xảy ra cho Vương Tử do chính con trai vị ấy gây ra, liền suy xét cách thức làm thế nào diệt trừ mối hiểm họa này cho Vương Tử, và bắt đầu nhìn quanh để tìm một ví dụ chứng minh cho thích hợp.
Lúc bấy giờ Ngài có một con ngựa, trên chân ngựa xuất hiện một vết thương đau nhức. Con ngựa được giữ trong chuồng để Ngài chăm sóc vết thương cẩn thận. Gần đó có một cái giếng.
Thời ấy, một con chuột vẫn thường bạo gan bò ra khỏi lỗ để gặm chỗ vết thương ở chân ngựa. Con ngựa không thể cản nó được và một hôm, không chịu nổi đau đớn, khi con chuột đến cắn nó, nó liền lấy móng chân đập chết con chuột và hất xác xuống giếng.
Bọn chăn ngựa không thấy con chuột liền nói: Mọi ngày con chuột vẫn đến cắn vết thương, nhưng bây giờ không còn thấy nó nữa.
Nó có chuyện gì vậy?
Bồ Tát đã chứng kiến mọi việc và tự nhủ:
Người khác không biết nên hỏi: Con chuột đâu rồi?
Nhưng chỉ riêng mình ta biết con chuột đã bị ngựa giết và hất xuống giếng, và lấy ngay sự việc này làm ví dụ chứng minh. Ngài sáng tác vần kệ đầu rồi nói cho Vương Tử biết.
Trong khi nhìn quanh để tìm một ví dụ chứng minh khác, Ngài lại thấy cũng con ngựa ấy, khi vết thương đã lành, liền chạy ra thẳng đến đồng lúa mạch để ăn lúa, rồi thọc đầu vào một lỗ trên hàng rào. Ngài lấy ví dụ này làm vần kệ thứ hai và đưa cho Vương Tử.
Sang vần kệ thứ ba, Ngài sáng tác theo trí thông minh của riêng mình và cũng đưa cho Vương Tử.
Rồi Ngài bảo: Này Hiền hữu, khi bạn đã an vị trong Vương Quốc rồi, buổi tối bạn đi đến bồn tắm, vừa ra phía trước cầu thang vừa ngâm vần kệ đầu.
Rồi khi bạn bước vào cung thất mình cư ngự, hãy đi đến chân cầu thang và ngâm vần kệ thứ hai. Rồi sau đó, bạn đi lên đầu cầu thang và ngâm vần kệ thứ ba.
Cùng với các lời này, Ngài bảo chàng ra đi. Vương Tử trẻ tuổi ấy về kinh đô làm phó Vương, và khi Vua cha băng hà, vị phó Vương lên kế ngôi. Tân Vương này chỉ có một con trai hoàng nam duy nhất, đến năm mười sáu tuổi chàng đã nôn nóng muốn lên làm Vua.
Khi đã có ý định giết cha, Vương Tử báo với đám hầu cận: Phụ Vương ta vẫn còn trẻ. Ðến khi ta nhìn thấy giàn hỏa táng của Ngài thì ta đã là già cả kiệt lực rồi. Lúc ấy mới lên ngôi thì có ích lợi gì cho ta nữa chứ.
Bọn chúng thưa: Tâu Ðiện Hạ, Ngài không thể nào tính chuyện ra Biên Địa làm một loạn thần được. Vậy Ngài phải tìm cách này hay cách khác sát hại Phụ Vương và chiếm lấy Quốc Độ. Vương Tử chấp thuận ngay, vào buổi tối cầm kiếm đứng trong cung thất Vua cha gần bồn tắm, sẵn sàng giết cha mình.
Tối hôm ấy, Vua sai một nữ tỳ tên là Mùsika chuột đến và bảo: Ngươi hãy đi chùi bồn tắm, trẫm sắp đến tắm đấy. Nữ tỳ đến đó và trong lúc chùi bồn tắm, nàng bắt gặp Vương Tử. Sợ âm mưu có thể bại lộ, Vương Tử lấy kiếm chặt nàng làm đôi và ném vào bồn tắm.
Vua vừa đến nơi, mọi người bảo nhau: Hôm nay nữ tỳ Mùsika không trở về.
Nó đã đi đâu rồi nhỉ?
Vua bước đến cạnh bồn tắm và ngâm vần kệ đầu:
Bọn chúng hỏi to: Nó ở đâu?
Chuột ơi, mày đã trốn nơi nào?
Việc này chỉ một mình ta biết
Nó đã chết nằm trong giếng sâu.
Vương tử nghĩ thầm: Vua cha đã phát giác những việc ta làm, và vì quá kinh hãi, chàng chạy trốn về kể mọi việc cho đám hầu cận.
Sau khoảng bảy tám ngày, bọn chúng lại thưa với chàng: Tâu Ðiện Hạ, nếu Ðại Vương biết thì Ngài đã không giữ yên lặng. Những điều Ngài nói chỉ có thể là lời phỏng đoán mà thôi. Xin cứ hành thích Ngài đi. Vì thế một hôm Vương Tử lại đứng cầm kiếm trong tay ở cầu thang. Khi Vua đến, chàng cố tìm cơ hội đâm Ngài.
Ngài vừa bước vừa ngâm vần kệ thứ hai:
Giống như con vật đẩy xe đi,
Ngươi cứ xoay qua lại trở về,
Ngươi đã giết xong con chuột ấy,
Nay thèm ăn lúa mạch, ta nghi.
Vương tử nghĩ thầm: Phụ Vương đã thấy ta và kinh hoảng chạy trốn.
Nhưng sau nửa tháng, chàng lại nghĩ: Ta quyết giết Phụ Vương bằng một nhát xẻng. Thế là chàng lấy một dụng cụ giống như cái muỗng có cán dài và cầm nó sẵn sàng, đứng đợi.
Rồi vua lên đến đầu cầu thang và ngâm vần kệ thứ ba:
Ngươi là thằng nhãi quá ngu ngơ
Như món đồ chơi với trẻ thơ,
Cầm vật cán dài hình chiếc muỗng,
Thằng kia, ta quyết giết bây giờ.
Hôm ấy, không thể nào trốn thoát được nữa, Vương Tử bò lết đến dưới chân Phụ Vương và thưa: Xin Phụ Vương tha mạng cho con. Sau khi xem xét Vương Tử, Vua truyền trói chàng lại bằng dây xích và thả vào ngục tối.
Rồi trong lúc ngự trên Vương Tòa nguy nga lộng lẫy có che lọng trắng, Ngài phán: Bậc thầy Bà La Môn lừng danh của ta đã tiên đoán mối hiểm họa này xảy ra cho ta nên đã ban tặng ta ba vần kệ này.
Lòng tràn đầy hân hoan, trong lúc cảm hứng khởi lên cao độ, Ngài ngâm nga luôn các vần kệ còn lại:
Ta chưa giải thoát tự do
Bằng đường lạc thú an cư Cõi Trời.
Hoặc nhờ hiếu hạnh sáng ngời.
Ðến khi con trẻ toan đòi mạng ta,
Cứu nguy nhờ mấy vần thơ,
Vậy cần học hỏi suy tư mọi điều,
Xét xem ý nghĩa cao siêu,
Dẫu chưa dùng, cũng lợi nhiều ngày sau
Những lời nghe được đã lâu.
Về sau, khi Vua băng hà, Vương Tử được đưa lên ngôi báu.
Ðến đây, bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại và nhận diện tiền thân: Thời bấy giờ, vị Giáo Sư lừng danh chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tôn Trọng
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi - Kinh được Túi Tiền Vàng
Phật Thuyết Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thổ
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Sáu Mươi Năm - Phẩm Hư Không