Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Sáu - Phẩm Sáu Bài Kệ - Chuyện Vị Tà Thuật Sư Tiền Thân Dhajavihetha
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG SÁU
PHẨM SÁU BÀI KỆ
CHUYỆN VỊ TÀ THUẬT SƯ
TIỀN THÂN DHAJAVIHETHA
Dung mạo thanh cao, lại cúi đầu. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc Ngài xuất gia vì lợi lạc của quần sinh. Hoàn cảnh của câu chuyện sẽ xuất hiện trong Tiền Thân Mahàkanha.
Lúc ấy, bậc Ðạo Sư bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải lần đầu Như Lai xuất gia vì ích lợi cho cả cõi đời. Và Ngài kể một chuyện quá khứ. Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát được sinh làm Sakka Thiên Chủ. Thời ấy có một tà thuật sư dùng thần lực nửa đêm xâm phạm tiết hạnh của chánh cung Hoàng Hậu ở Ba La Nại. Các cung nữ của bà đều biết chuyện này.
Chính Hoàng Hậu đến yết kiến Vua và trình: Tâu Chúa Thượng, có kẻ lạ mặt đột nhập cung thất và xúc phạm thần thiếp.
Thế Hoàng Hậu có thể làm một dấu hiệu nào đó lên kẻ ấy chăng?
Tâu vâng, thiếp có thể. Do đó bà bảo lấy chén son đỏ thắm, khi kẻ ấy đến nửa đêm và ra đi sau cuộc truy hoan, bà hoàng liền in năm dấu ngón tay bà vào lưng y và sáng hôm sau trình Vua. Ngài ra lệnh đám vệ sĩ đi tìm khắp nơi mang về kẻ nào có dấu son đỏ trên lưng.
Bấy giờ, sau khi phạm tà hạnh ban đêm, tà thuật sư đứng giữa ban ngày ở nghĩa địa thờ phụng Mặt Trời, quân nhà vua thấy được, bao vây y, song y tưởng rằng hành động của y đã bị mọi người phát giác, liền dùng tà thuật bay lên không.
Vua hỏi đám vệ sĩ sau khi chứng kiến việc ấy trở về: Các ngươi thấy y chăng?
Tâu Chúa Thượng, chúng thần có thấy.
Y là ai?
Tâu Chúa Thượng, một Đạo Sĩ. Sau khi phạm tà hạnh ban đêm, y giả dạng làm Đạo Sĩ ban ngày.
Vua nghĩ thầm: Những kẻ này ban ngày đi quanh quẩn trong chiếc y khổ hạnh, còn ban đêm lại phạm tà dục. Do đó Vua đâm ra phẫn nộ với các Đạo Sĩ và chấp thủ tà kiến liền truyền công bố khắp Kinh Thành bằng trống lệnh rằng mọi Đạo Sĩ đều phải rời Vương Quốc, và sẽ bị quân sĩ trừng phạt nếu bị bắt gặp bất kỳ ở đâu.
Mọi Đạo Sĩ khổ hạnh đều chạy trốn khỏi Vương Quốc Kàsi rộng ba trăm dặm và đến trú ở các Kinh Thành khác. Do đó không có Sa Môn hay Bà La Môn chân chánh nào thuyết pháp cho dân chúng Kàsi, và vì không nghe được chánh pháp, họ trở nên tàn bạo, ghét bỏ bố thí và trì giới, phần lớn phải tái sinh vào đọa xứ lúc mạng chung và không được sinh thiên.
Sakka Thiên Chủ không thấy một vị Thiên Tử mới nào xuất hiện, liền xem xét lý do gì và thấy chính vì việc tống xuất các Sa Môn, Bà La Môn ra khỏi Vương Quốc do Vua Ba La Nại chấp thủ tà kiến trong lúc phẫn nộ vị Tà Sư.
Sau đó Ngài suy nghĩ: Trừ ta không ai có thể phá hủy tà kiến này của Vua. Ta muốn cứu giúp Vua và thần dân của nước này.
Vì vậy Ngài đến gặp các Ðộc Giác Phật tại động Nandamùla và bảo: Này các Tôn Giả, hãy cho ta một vị Ðộc Giác Phật Trưởng Lão, ta muốn đi cảm hóa Quốc Độ Kàsi vào đạo. Ngài mời một vị Trưởng Lão trong các vị ấy ra đi.
Khi Ngài đã cầm y bát của vị ấy, Thiên Chủ Sakka mời vị ấy đi trước, Ngài theo sau với dáng điệu cung kính đảnh lễ vị Ðộc Giáo Phật, Ngài biến mình thành một Sa Môn trẻ tuổi, tươi đẹp đi ba vòng quanh thành phố từ đầu đến cuối, rồi đến trước cổng Hoàng Cung, Ngài đứng trên không.
Quân canh đến trình với Vua: Tâu Hoàng Thượng, có một Sa Môn trẻ đầy hảo tướng cùng với một Sa Môn đang đứng trên không trung tại hoàng môn.
Vua từ bảo tọa đi ra và đứng ở lầu thượng hỏi: Này Đạo Sĩ trẻ, tại sao ông tuấn tú như vậy lại cung kính cầm y bát cho một Sa Môn dị tướng thế kia?
Rồi Vua ngâm vần kệ đầu nói chuyện với Ngài:
Dung mạo thanh cao, lại cúi đầu,
Sau người dị tướng, bước theo hầu,
Người này hơn, kém, hay bình đẳng,
Xin nói tánh danh, trẫm thỉnh cầu.
Thiên Chủ đáp: Tâu Ðại Vương, các Sa Môn ở địa vị của bậc Ðạo Sư, vậy nếu ta nêu danh tánh Ngài thì thất lễ, nhưng ta sẽ nói cho Ðại Vương biết tên ta.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Chư Thiên không nói họ cùng tên
Của thiện nhân toàn hảo, Thánh Hiền,
Riêng chỉ phần ta nêu tước hiệu
Sak ka Thiên Chủ của Chư Thiên.
Vua nghe vậy, liền ngâm vần kệ thứ ba hỏi phước đức gì trong sự tôn sùng Ðạo Sư:
Người kính yêu Hiền Thánh vẹn toàn
Sau Ngài, tiến bước dáng nghiêm trang,
Phần gì thừa hưởng, này Thiên Chủ,
Phước đức đời sau sẽ phát ban?
Thiên Chủ đáp lại vần kệ thứ tư:
Người kính yêu Hiền Thánh vẹn toàn,
Sau Ngài, cất bước dáng nghiêm trang,
Tiếng khen trần thế nay thừa hưởng,
Thiên Giới đời sau lúc mạng chung.
Vua nghe lời Thiên Chủ liền dứt bỏ mọi tà kiến và hoan hỷ ngâm vần kệ thứ năm:
Mặt trời số phận chiếu hôm nay,
Mắt trẫm nhìn Thiên Chủ hiển bày
Bậc Thánh xuất trần, này Ðế Thích,
Trẫm làm thiện sự kể từ rày.
Sakka Thiên Chủ nghe Vua tán thán vị Ðạo Sĩ của Ngài, liền ngâm vần kệ thứ sáu:
Chân Chánh thay sùng bái Thánh Nhân,
Tâm tư hướng đến trí cao thâm,
Giờ đây long nhãn đã chiêm ngưỡng
Thiên Chủ Sakka với Thánh Nhân,
Mong ước từ nay nhiều phước nghiệp
Sẽ là phận sự của minh quân.
Nghe vậy, Vua ngâm vần kệ cuối cùng:
Tư tưởng mang đầy đủ phước ân,
Từ nay lòng dạ trẫm ly sân,
Lắng tai nghe ngoại nhân cầu thỉnh,
Trẫm nhận lời khuyên nhủ chánh chân,
Trẫm sẽ diệt tan lòng ngã mạn,
Phụng thờ Thiên Chủ, dạ tôn sùng.
Sau khi nói xong, Vua từ thượng lầu bước xuống, đảnh lễ vị Ðộc Giáo Phật và đứng một bên.
Vị Ðộc Giáo Phật ngồi bắt chéo chân trên không và nói: Thưa Ðại Vương, tà thuật sư không phải là Đạo Sĩ. Từ rày phải nhận thức người đời không phải toàn giả dối, còn có các Sa Môn Bà La Môn chân thiện, do vậy hãy bố thí, tuân thủ giới luật và thành trì các ngày trai giới Bồ Tát.
Ngài thuyết pháp cho Vua như vậy, còn Sakka Thiên Chủ cũng dùng thần lực đứng trên không thuyết pháp cho quần chúng: Từ nay về sau, hãy nhiệt tâm tinh cần. Ngài truyền ban hồi trống ra lệnh khắp Kinh Thành cho các Sa Môn, và Bà La Môn đã đi trốn phải hồi hương. Sau đó cả hai vị trở về cõi của mình. Còn Vua tuân thủ lời khuyến giáo và thực hành các phước nghiệp.
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các sự thật và nhận diện tiền thân: Thời ấy, vị Ðộc Giáo Phật đắc Niết Bàn, Vua là Ànanda và ta chính là Sakka Thiên Chủ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba