Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Tám - Phẩm Tám Bài Kệ - Chuyện Uy Lực Dục Tham Tiền Thân Indriya
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG TÁM PHẨM TÁM BÀI KỆ
CHUYỆN UY LỰC DỤC THAM
TIỀN THÂN INDRIYA
Người nào tuân lệnh dục tham. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự quyến rủ của người vợ cũ đối với một Tỳ Kheo.
Chuyện kể rằng một thiện gia nam tử ở Sàvatthi Xá Vệ nghe giáo pháp của bậc Ðạo Sư và nghĩ rằng thật khó cho một người tại gia có thể sống đời phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ và thanh tịnh, nên ông quyết định xuất gia tu hành theo giáo lý cứu độ để diệt tận khổ ưu.
Vì thế ông để lại tài sản, nhà cửa cho vợ con, và thỉnh cầu bậc Ðại Sư truyền giới xuất gia cho mình. Bậc Ðạo Sư chấp thuận.
Vì ông chỉ là Sa Di trẻ tuổi lúc khất thực cùng các vị Giáo Thọ, Sư Trưởng và Tăng Chúng lại đông, nên ông không có được ghế ngồi trong nhà Cư Sĩ hoặc trong trai đường, mà chỉ có một ghế thấp nhỏ hoặc ngồi ở dãy ghế dài cuối chỗ các Sa Di.
Thức ăn chỉ được múc vội vã cho ông bằng cái muỗng lớn: Ông nhận món cháo tấm, các món cứng thì hôi hám hoặc hư nát, hoặc các cọng rau đã khô héo, cháy sém và phần ăn này không đủ nuôi sống ông.
Ông liền đem các món ăn nhận được về cho người vợ cũ mà ông đã rời bỏ. Nàng cầm lấy bình bát, kính chào ông, đổ hết các thứ ấy ra và thay vào món cháo nấu thật ngon và cơm trộn sốt cà ri. Vị Tỳ Kheo bị lòng ham thích các hương vị ấy lôi cuốn nên không thể rời vợ.
Nàng suy nghĩ rằng nàng sẽ thử thách tình cảm của ông. Một hôm, nàng bảo một trai làng chải chuốt sạch sẽ và đến nhà nàng ngồi cùng một đám người nhà của y mà nàng đã mời, và nàng cho cả bọn ăn uống vài thứ.
Cả bọn ngồi ăn chơi thỏa thích. Nàng lại bảo buộc đôi bò vào xe và chiếc xe đợi sẵn sàng ở cửa nhà. Còn chính nàng ngồi ở nhà sau nấu nướng bánh mứt. Chồng nàng đi đến đứng ở cửa. Thấy vậy, một lão bộc trình bà chủ rằng có một Tỳ Kheo ở cửa.
Nàng bảo: Hãy ra chào vị ấy và bảo vị ấy qua nhà khác. Nhưng dù y đã làm vậy nhiều lần, y thấy vị Tỳ Kheo vẫn đứng yên nên y lại trình bà chủ.
Nàng bước ra, vén tấm rèm lên nhìn và kêu lớn: Ðây là cha bầy trẻ con tôi. Nàng bước ra chào ông, vừa cầm lấy bình bát vừa mời ông bước vào, nàng đem thực phẩm cúng dường.
Khi ông đã ăn xong, nàng lại kính lễ và nói: Thưa Tôn Giả, nay Tôn Giả là một Bậc Thánh, trước kia chúng ta đã luôn chung sống cùng nhau trong ngôi nhà này. Song giờ đây, cuộc sống tại gia lại không thể thiếu người chủ nhà, vì vậy chúng ta sắp dời qua nhà khác và đi xa về vùng quê. Xin Tôn Giả hãy nhiệt tâm làm thiện sự và tha thứ cho thiếp nếu thiếp làm điều sai trái.
Trong một lúc, chồng cũ của nàng cảm thấy như thể trái tim tan vỡ!
Rồi ông đáp: Ta không thể rời nàng, xin nàng đừng đi. Ta sẽ trở lại đời thế tục. Hãy đưa cho ta y phục của người Cư Sĩ tại chỗ nọ, ta sẽ bỏ y bát và trở về với nàng.
Nàng đồng ý ngay. Khi vị Tỳ Kheo về Tinh Xá, trả bộ y bát lại cho vị giám hộ và giáo thọ, và khi được hỏi lý do, ông giải thích là ông không thể rời vợ và sắp trở lại đời thế tục. Dù ông không muốn, các vị ấy vẫn dẫn ông đến bậc Ðạo Sư và kể cho Ngài nghe rằng ông thối thất và muốn trở về đời thế tục.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
Chuyện này có thật chăng?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Ai làm cho ông thối thất?
Vợ cũ của con.
Này Tỳ Kheo, nữ nhân ấy là nguyên nhân gây tác nghiệp của ông. Chính vì kẻ ấy mà ngày xưa ông đã sa đọa khỏi bốn cảnh giới thiền định, và rất khốn khổ. Sau nhờ ta, ông được giải thoát cảnh khổ và tái tạo công năng thiền định mà ông đã mất.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa. Ngày xưa khi Vua Brahmadatta trị vì Ba La Nại, Bồ Tát được sinh làm con trai vị Tế Sư Hoàng Gia và bà vợ vị ấy cũng là nữ nhân Bà La Môn. Vào ngày Ngài ra đời, có làn ánh sáng của binh khí lóe sáng khắp Kinh Thành vì thế Ngài được đặt tên Jotipàla người hộ trì ánh sáng hay Hộ Minh.
Khi lớn lên, Ngài học đủ mọi ngành nghề nghệ thuật tại Takkasilà và chứng tỏ tài năng trước Vua. Nhưng Ngài lại từ giã địa vị của Ngài không báo cho ai biết, Ngài ra đi bằng cổng sau, vào rừng trở thành vị khổ hạnh ở thảo am Kavitthaka, được gọi là Sakkadatiya. Ngài chứng đắc thiền định viên mãn.
Trong khi trú tại đó, hàng trăm vị Trí Giả đến tham kiến hầu cận Ngài. Ngài được một hội chúng đông đảo theo học và bảy đệ tử. Trong số ấy, Trí Giả Sàlissara rời thảo am Kavitthaka để đến xứ Surrattha và trú bên bờ sông Sàtodikà cùng hội chúng vài ngàn Trí Giả khác.
Mendissara cùng vài ngàn Trí Giả sống gần thị trấn Lambacùlaka trong Quốc Độ của Vua Pajaka. Pabbata cùng vài ngàn Trí Giả sống trong một xứ ở miền rừng núi.
Kàladevala cùng vài ngàn Trí Giả sống trong núi rừng ở Avanti và Decan. Kisavaccha sống độc cư ở gần Kinh Thành Kumbhavati, trong ngự viên của Vua Dandaki.
Anusissa là thị giả của Bồ Tát ở chung với Ngài. Nàrada, em của Kàladevala độc cư trong thạch thất giữa Quốc Độ Aranjara có nhiều núi non ở vùng Trung thổ.
Bấy giờ không xa nước Aranjara có một thị trấn rất trù phú. Thị trấn này có con sông cả, nơi nhiều đàn ông đến tắm. Dọc theo bờ, các kỹ nữ xinh đẹp thường ngồi quyến rủ đám mày râu.
Vị khổ hạnh Nàrada thấy một nàng kỹ nữ, đâm ra si tình, mất hết thiền lực và héo mòn vì không ăn uống gì cả, cứ nằm dài trong lưới tình trói buộc suốt bảy ngày liền. Vị huynh trưởng Kàladevata nhờ quan sát biết nguyên nhân việc kia, liền phi hành qua không gian, vào biến động. Nàrada thấy vị ấy liền hỏi tại sao đến đây.
Vị ấy đáp: Ta biết hiền đệ bị bệnh nên đến chăm sóc đệ đây.
Nàrada giả dối bảo vị ấy đi về: Ðại huynh chỉ nói chuyện không đâu, toàn là hư vọng, hão huyền. Nhưng vị kia từ chối ra đi và còn đem theo ba vị Sàlissara, Mendissara và Pabbatissara đến đó nữa. Nàrada lại bảo tất cả ra về theo cách trên.
Kàladevala liền bay đi tìm Ðạo Sư Sarabhanga và dẫn thầy đến đó. Khi bậc Ðạo Sư đến, Ngài thấy Nàrada đã rơi vào lưới kềm tỏa của tham dục và hỏi có đúng vậy không. Nàrada đứng lên nghe lời Ngài, kính lễ thầy và thú nhận sự việc.
Bậc Ðạo Sư bảo: Này Nàrada, ai rơi vào lưới tham dục sẽ suy tàn trong khổ đau ở đời này và đời kế bị tái sinh vào địa ngục.
Rồi Ngài ngâm vần kệ đầu:
Người nào tuân lệnh dục tham,
Mất hai Thế Giới, đời tàn về sau.
Nghe vậy, Nàrada đáp: Bạch Tôn Sư, mưu cầu tham dục là hạnh phúc.
Tại sao Tôn Sư lại gọi hạnh phúc ấy là khổ đau?
Ðạo Sư Sarabhanya đáp: Vậy hãy nghe đây.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Hân hoan cùng với khổ đau
Vẫn thường dẫm bước lên nhau chẳng ngừng,
Con từng thấy chúng chuyển luân,
Hãy tìm hạnh phúc thật chân nhiệm mầu.
Nàrada đáp: Bạch Tôn Sư, khổ đau này thật khó chịu đựng. Con không thể kham nhẫn nó được.
Bậc Ðại Sĩ bảo: Này Nàrada, khi khổ đau đến cần phải chịu đựng.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ ba:
Người nào kham nhẫn đối đầu
Gian lao nhiếp phục khổ sầu bao phen,
Là người vững mạnh tiến lên
Niết Bàn, cực lạc, dứt phiền não xưa.
Song Nàrada vẫn đáp: Bạch Tôn Sư, hạnh phúc của dục tình là hạnh phúc tối cao, con không thể nào rời bỏ nó được.
Bậc Ðạo Sĩ bảo: Không thể vì bất cứ lý do gì mà ta từ bỏ giới hạnh.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ tư:
Con đừng phá hủy tiêu ma
Quãng đời thanh hạnh, sa đà công năng,
Chỉ vì dục vọng tham sân
Cầu mong lợi dưỡng, đau buồn nhỏ, to.
Sau khi Ðạo Sư Sarabhanga đã tuyên thuyết chánh pháp qua bốn vần kệ, Trí Giả Làladevala muốn khuyến giáo tiểu đệ liền ngâm vần kệ thứ năm:
Biết đời phiền lụy lo âu,
Thức ăn uống phải phát cho nhiều người.
Chẳng ham tích trữ tiền tài,
Chẳng sầu khi chúng hết thời tiêu tan.
Vần kệ thứ sáu do bậc Ðạo Sư ngâm phát xuất từ trí tuệ Tối Thắng của Ngài liên hệ đến lời khuyến giáo của Devala đối với Nàrada:
De va Trí Giả Hắc Nhan
Giờ đây khuyên nhủ khôn ngoan nhất đời:
Ta không hề thấy có người
Kém hơn kẻ chịu vâng lời dục tham.
Sau đó Thánh giả Sarabhanga cảnh báo:
Này Nàrada hãy nghe đấy: Kẻ nào trước tiên không muốn làm những gì đáng làm, về sau sẽ kêu khóc than van như chàng trai đi vào rừng thuở xưa. Rồi Ngài kể một câu chuyện quá khứ. Ngày xưa trong một thị trấn ở thành Kàsi có một thanh niên Bà La Môn, đẹp trai, mạnh khỏe, lực lưỡng như voi.
Chàng suy nghĩ: Tại sao ta phải nuôi cha mẹ bằng cách làm ruộng, hoặc phải lấy vợ sinh con, hoặc làm các thiện sự nọ kia?
Ta chẳng muốn nuôi ai hoặc làm thiện sự gì cả, mà ta chỉ muốn vào rừng nuôi bản thân bằng cách săn nai. Thề rồi với năm thứ vũ khí, chàng vào Tuyết Sơn giết nai ăn thịt rất nhiều. Ở vùng Tuyết Sơn chàng thấy một thung lũng rộng lớn tứ bề có núi bao bọc, bên cạnh bờ sông Vidhavà, chàng liền sống ở đó với thịt thú săn được và nấu trên than hồng.
Chàng lại suy nghĩ: Ta sẽ không được khỏe mạnh mãi đâu, khi ta già yếu, ta sẽ không phiêu bạc trong rừng. Nay ta muốn bắt nhiều loại thú hoang vào trong thung lũng này, làm cổng rào lại và chẳng cần phải lang thang trong rừng nữa, ta cũng sẽ giết chúng và ăn thỏa thích. Và chàng đã làm như vậy.
Thời gian trôi qua, chính điều ấy phải xảy ra, mọi thực tế của cuộc đời xuất hiện, chàng không còn sức điều khiển nổi tay chân, chàng không thể đi lại tự do đây đó, chàng không thể tìm được thức ăn uống, thân thể gầy gò khô héo như một bóng ma, lộ rõ mọi nếp nhăn nheo khắp mình như mặt đất mùa nắng.
Chàng trở nên dị tướng, nhăn nheo, rã rời và vô cùng khổ sở. Cũng như chàng kia, theo thời gian, Vua nước Sìvi, mệnh danh là Sìvi, ước mong hưởng món thịt rừng nướng trên than hồng trong rừng già, liền giao phó Quốc Độ cho các Đại Thần, đem theo năm món vũ khí, đi vào rừng săn thịt nai để ăn. Vừa lúc Vua đến chỗ ấy liền thấy người kia. Dù sợ hãi, Vua cũng cố thu hết can đảm hỏi người kia là ai.
Chàng đáp: Tâu chúa công, tôi là một bóng ma đang hưởng nghiệp quả do tôi đã tạo.
Thế chúa công là ai?
Ta là Vua nước Sìvi.
Tại sao chúa công đến đây?
Ðể ăn thịt nai.
Tâu Ðại Vương, tôi đã trở thành con ma trên đất vì tôi đã đến đây với mục đích ấy.
Rồi chàng kể đầy đủ chi tiết câu chuyện của chàng và để giải thích nỗi bất hạnh của mình, chàng ngâm các vần kệ cuối cùng:
Chính tôi đây, hỡi Quân Vương,
Khác nào giữa chốn đấu trường địch quân,
Công lao, nghề nghiệp, tài năng,
Vợ con, nhà ở bình an một thời,
Ðã tiêu tan hết cả rồi,
Tôi mang nghiệp quả ngay đời thế gian.
Giờ tôi tồi tệ muôn vàn
Không người quyến thuộc, lang thang không nhà.
Từ đời chân chánh lạc xa,
Tôi như một cái bóng ma đọa đày.
Nay tôi phải sống cảnh này
Vì tôi tạo khổ não thay vui mừng.
Quanh tôi như đám lửa bừng,
Tôi không cảm thấy trong lòng hân hoan.
Cùng với các vần kệ ấy, chàng nói thêm: Tâu Ðại Vương, do ham muốn dục lạc tôi đã tạo khổ đau cho nhiều loài khác và trở thành bóng ma ngay tại đời này. Xin Ðại Vương đừng gây ác nghiệp, xin hãy trở về Kinh Đô của Ðại Vương và thực hành thiện sự, bố thí cùng các phước nghiệp khác. Nhà Vua làm theo lời ấy và hoàn thành con đường lên Thiên Giới.
Vị khổ hạnh xúc động vì lời tường thuật của Ðạo Sư Sarabhanga về câu chuyện trên. Vị ấy được cảm hóa, rồi sau khi kính lễ Tôn Sư và được Ngài tha thứ, nhờ các pháp môn chân chánh, vị ấy tái tạo năng lực thiền định đã mất. Ðạo Sư Sarabhanga không cho phép đệ tử ở lại đó nữa và đưa vị ấy cùng Ngài về thảo am xưa.
Sau pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, vị Tỳ Kheo thối thất đã được an trú vào Sơ Quả Dự Lưu.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy Nàrada là Tỳ Kheo thối thất này, Sàlissara là Sàriputta Xá Lợi Phất, Mendissara là Kassapa Ca Diếp, Kaccàna Ca Chiên Diên, Anusissa là Ànanda A Nan, Kisavaccha là Moggallàna Mục Kiền Liên và Đạo Sư Sarabhanga chính là Ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Mười Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Thập Hạnh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Bảy