Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Hai - Phẩm Hai Kệ - Phẩm Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP TÁM

TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ  

CHƯƠNG HAI

PHẨM HAI KỆ  

PHẨM HAI  

Trong thời Đức Phật tại thế, Ngài sanh ở nước Magadha Ma Kiệt Đà, làng Nàlaka, con của nữ Bà La Môn Rùpusàri và em trai của Sàriputta. Ngài theo gương anh, xuất gia, và sau một thời gian tinh cần tu hành, chứng đuợc quả A La Hán.

Phấn khởi với quả chứng của mình và đời sống viễn ly, Ngài nói lên bài kệ:

Khéo nghe, nghe tăng trưởng,

Nghe tăng trưởng, phát tuệ,

Nhờ tuệ biết ý nghĩa,

Nghĩa được biết, lạc đến.

Hãy trú chỗ xa vắng,

Hãy sống, thoát kiết sử,

Tại đấy, hỷ chưa đạt,

Hãy sống giữa Chúng Tăng,

Tự ngã được chế ngự,

An trú trong chánh niệm.

Trong thời Đức Phật tại thế, Ngài sanh làm con một Bà La Môn giàu có, ở xứ Pàdiyattha, được đặt tên là Jotidàsa. Khi đến tuổi trưởng thành, một hôm, Ngài thấy Tôn Giả Ðại Ca Diếp Mahà Kassapa đi khất thực, Ngài đón Tôn Giả tại nhà và nghe Tôn Giả thuyết pháp.

Trên một ngọn đồi gần làng, Ngài dựng lên một Tinh Xá lớn cho Tôn Giả, cúng dường Tôn Giả bốn vật dụng cần thiết. Bị xúc động với lời dạy của Tôn Giả, Ngài xuất gia và không bao lâu chứng được sáu Thắng trí.

Sau mười năm, Ngài học ba Tạng, đặc biệt là Luật tạng, hầu hạ Tăng Chúng và đi Sàvatthi cùng với một số đông Tỳ Kheo để yết kiến Đức Phật.

Trên đường đi, Ngài đi đến vườn của một Ẩn Sĩ, thấy một Bà La Môn hành trì khổ hạnh năm pháp Ngài hỏi: Này Bà La Môn, sao ông không đốt với một thứ lửa khác?

Vị Bà La Môn tức giận trả lời: Này kẻ trọc đầu kia, ngọn lửa khác là gì?

Trưởng Lão trả lời:

Sân, tật đố, ác hạnh

Mạn, kiêu và tranh chấp,

Tham ái và vô minh,

Lòng ưa muốn tái sanh,

Những pháp này đốt cháy,

Thiêu đốt cả thân ông.

Rồi Ngài thuyết pháp cho người ấy, và tất cả những người tin vào Phạm Thiên xin Ngài được xuất gia.

Khi từ giã Sàvatthi, Ngài đến thăm gia đình cũ của Ngài và giáo giới các bà con như sau:

Những ai dùng dây thừng,

Hành cướp giật nhiều cách,

Những dân họ hung bạo,

Làm não hại người khác,

Như vậy, họ gieo hại,

Vì nghiệp không tiêu mất.

Người nào làm nghiệp gì,

Nghiệp thiện hay nghiệp ác,

Họ thừa tự nghiệp ấy,

Loại nghiệp họ đang làm.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh làm con một tay sai của Vua Kosala và cầm đầu bọn cướp. Khi phụ thân Ngài mất, Ngài thừa tự chức vụ ấy.

Ðược cảm hóa khi chứng kiến lễ Đức Phật tiếp nhận Jetavana Kỳ Viên, Ngài cho người em trai thế chức vụ. Ngài xuất gia, không bao lâu chứng quả A La Hán.

Rồi Ngài tìm cách khuyên em Ngài từ bỏ nghề cũ, và thấy em Ngài thích thú nghề của mình, Ngài khích lệ em với bài kệ như sau:

Ðêm ngày chạy, trôi qua,

Mạng sống bị tổn giảm

Tuổi thọ người hủy diệt,

Như nước dòng suối con.

Kẻ ngu làm ác hạnh,

Không hiểu việc mình làm,

Về sau bị khổ đau,

Khi ác nghiệp chín muồi.

Nghe lời khuyên của Ngài, người em xin phép Vua nghỉ việc, xuất gia và không bao lâu được giải thoát. Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Benares trong một gia đình Bà La Môn, được đặt tên là Somamitta. Ngài trở thành một vị thông hiểu ba tập Vệ Đà, và được Trưởng Lão Vimala cảm hóa, Ngài xuất gia, Ngài sống gần gần vị Trưởng Lão, làm trọn bổn phận của mình.

Nhưng vị Trưởng Lão trở thành biếng nhác và ham ngủ, Somamitta suy nghĩ: Ai có thể có giới đức, sống gần một người biếng nhác?

Rồi Ngài đi đến Tôn Giả Mahà Kassapa Ðại Ca Diếp nghe thuyết giảng, phát triển thiền quán, không bao lâu chứng quả A La Hán.

Rồi Ngài chỉ trích Vimala với những câu kệ như sau:

Như leo trên ván nhỏ,

Giữa biển lớn bị chìm,

Cũng vậy đến kẻ khác,

Người hạnh tốt cũng chìm.

Do vậy hãy bỏ nó,

Kẻ làm biếng làm nhác.

Hãy sống gần Bậc Thánh,

Bậc viễn ly, tinh cần,

Thiền định, thường tinh tấn,

Bậc Hiền trí sáng suốt.

Nghe vậy, Trưởng Lão Vimala rất xúc động, phát triển thiền quán, tự minh tinh tấn để được giải thoát, không bao lâu chứng đạt được mục đích.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh trong một gia đình Bà La Môn ở Sàvatthi, được đặt tên là Sabbamitta. Chứng kiến lễ dâng cúng Tinh Xá Kỳ Viên, Ngài thấy được uy nghi đức độ của Đức Phật, xuất gia, lựa chọn một đề tài để thiền quán, Ngài sống tại một khu rừng.

Sau mùa mưa, Ngài đi đến Sàvatthi để đảnh lễ Đức Phật, trên đường đi, Ngài thấy một con nai con bị sa vào bẫy người thợ săn, con nai mẹ tuy không bị lưới chụp nhưng vì thương con nai con nên không đi xa cũng không dám đến gần cái bẫy, con nai con lăn lộn qua lại, kêu lên những tiếng thảm thiết.

Vị Trưởng Lão suy nghĩ: Ôi, tình thương đã đem lại sự đau khổ cho các loài hữu tình!

Ði xa hơn nữa, Ngài thấy nhiều tên cướp đang lấy rơm cột vào một người chúng bắt được để đem thiêu sống. Nguời ấy la lên và vị Trưởng Lão cảm thấy sầu khổ đối với hai sự việc ấy, liền nói lên bài kệ để cho các tên cướp nghe.

Người trói buộc vào người,

Người bám víu vào người,

Người bị người làm hại,

Và người làm hại người.

Lợi ích gì người ấy?

Hay con cháu người sanh?

Hãy bỏ người ấy đi,

Người làm hại nhiều người.

Nói vậy, Ngài đạt đến thiền quán, chứng quả A La Hán. Còn các tên cướp, nghe lời giáo giới của Ngài, cảm thấy xúc động, từ bỏ thế tục, và thực hành chánh pháp.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở thành Setavyà, trong gia đình một người lái buôn, được đặt tên là Mahàkàla. Khi đến tuổi trưởng thành và sống ở nhà, Ngài đem theo năm trăm xe hàng hóa để buôn bán ở Sàvatthi. Khi đang nghỉ vào buổi chiều, Ngài thấy các cư sĩ đem hương hoa đi đến Tinh Xá Jetavana Kỳ Viên và Ngài đi theo.

Tại đấy Ngài nghe Đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin xuất gia, quyết định lựa chọn nghĩa địa làm đề tài thiền quán, Ngài sống ở trong nghĩa địa.

Một hôm, một người đàn bà làm nghề thiêu đốt thân thể, để cho vị Trưởng Lão một đề tài thiền quán, nên chặt tay và chân của một thân mới thiêu, lấy sọ đầu làm bình bát đựng sữa, sắp đặt tay chân đặt chúng gần bậc Trưởng Lão để Ngài có thể thiền quán và ngồi xuống một bên.

Vị Trưởng Lão thấy vậy liền tự sách tấn mình với những bài kệ như sau:

Nữ Kàlì, đẫy đà,

Dung sắc như quạ đen,

Bẻ gẫy một bắp vế,

Lại bẻ bắp vế nữa,

Bẻ gẫy một cánh tay,

Lại bẻ cánh tay nữa,

Lại bẻ gẫy cái đầu,

Như bát đựng sữa đông.

Này Kàlì ngồi xuống,

Với lòng tin sẵn sàng.

Ai không rõ biết vậy,

Lại tác thành sanh y,

Kẻ ngu bước đi đến,

Chịu khổ đau liên tục,

Do vậy ai hiểu biết,

Không tạo nên sanh y,

Ta sẽ không nằm xuống,

Với đầu bị bẻ nát.

Trong Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Ràjagaha Vương Xá, trong một gia đình Bà La Môn, tên là Tissa và trở thành một chuyên viên về ba tập Vệ Đà.

Giảng bùa chú cho hơn năm trăm Bà La Môn trẻ, và danh tiếng đồn vang. Khi Thế Tôn đến Ràjagaha Vương Xá, Tissa thấy uy nghi đức độ của Đức Phật, khởi lòng tin, xuất gia, về sau chứng quả A La Hán, do phát triển thiền quán.

Nhờ vậy, Ngài trở thành có danh tiếng nữa. Có một số Tỳ Kheo thiên về thế lợi, thấy Ngài có được trọng vọng, nên không thể chịu nổi.

Ngài biết như vậy, nói lên sự nguy hiểm của danh vọng và sự thoát ly của Ngài đối với danh vọng, ngang qua những bài kệ này:

Vị trọc đầu, đắp y,

Ðược nhiều kẻ thù oán

Khi nhận đồ ăn uống,

Vải mặc và chỗ nằm.

Biết nguy hiểm như vậy,

Biết có sợ hãi lớn,

Trong cung kính cúng dường.

Vị Tỳ Kheo xuất gia,

Nhận ít, không tham đắm,

Luôn luôn giữ chánh niệm.

Ngài gặp Đức Phật, xúc động, xuất gia đã được nói trong chương một, với câu kệ: Như bị cảm hóa bởi sức mạnh. Ở đây, vị Trưởng Lão sống thân thiết với các bạn, các Tôn Giả Anuruddha, Bhaddiya.

Trong vườn trúc phía Ðông,

Các Thích tử thân hữu,

Từ bỏ những tài sản,

Không phải là ít oi,

Vui thích với những gì,

Nhận được từ bình bát.

Siêng, tinh cần, tinh tấn,

Thường kiên trì hăng hái,

Ưa thích lạc pháp vị,

Từ bỏ lạc thế gian.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Kapilavatthu, con Vua Suddhodana Tịnh Phạn và bà Mahàpajàpati, vì đem lại hoan hỷ cho bà con nên được gọi là Nanda. Khi đến tuổi trưởng thành, Bậc Ðạo Sư chuyển bánh xe pháp đi đến Kapilavatthu, với lòng từ mẫn độ chúng sanh. Nhân có dịp Trời mưa, Thế Tôn kể chuyện Tiền Thân Vessantara.

Trong ngày thứ hai, với câu Kệ: Hãy đứng dậy! Thế Tôn giúp cho phụ thân chứng quả Dự Lưu.

Với câu Kệ: Hãy sống theo phạm hạnh. Thế Tôn giúp bà Mahàpajàpati cũng chứng quả Dự Lưu, rồi Thế Tôn giúp phụ thân chứng thêm quả Nhất Lai.

Ngày thứ ba khi đi khất thực tại phòng đăng quang, lúc mọi người đang chúc mừng Hoàng Tử Nanda trong ngày lễ đám cưới, bậc Ðạo Sư đưa bình bát, đi theo bậc Ðạo Sư đến Tinh Xá và Đức Phật độ cho Nanda xuất gia, dầu Ngài không bằng lòng.

Từ lúc ấy, biết được Nanda không ưa thích đời sống xuất gia, Bậc Ðạo Sư tiếp tục giáo hóa cho đến khi Nanda, nhờ thiền định, phát triển thiền quán và đạt được quả A La Hán.

Về sau, hưởng thọ lạc giải thoát, Ngài nói: Ôi tuyệt diệu thay pháp môn Phật dạy. Nhờ vậy ta thoát khỏi sa lầy vào đầm tái sanh, đứng được trên bãi cát Niết Bàn.

Phấn khởi với suy nghĩ này, Ngài nói lên những bài kệ:

Không như lý tác ý,

Ta chuyên trang sức ngoài,

Ta thô tháo dao động,

Say đắm trong tham dục.

Với phương tiện thiện xảo,

Ta, bà con mặt trời,

Ðược hướng về chánh lý,

Làm ta thoát sanh hữu.

Thế Tôn, biết được quả chứng tự tu, tự luyện của Ngài, tuyên bố Ngài là bậc tự chế ngự đệ nhất trong các đệ tử của Thế Tôn. Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Sàvatthi Xá Vệ, trong nhà một thị dân, được đặt tên là Sirimat, vì gia đình Ngài được luôn luôn may mắn, và thành công.

Em trai của Ngài, tăng trưởng tài sản được đặt tên là Sirivaddha tăng trưởng sự may mắn. Cả hai thấy được uy nghi đức độ của Đức Phật khi Kỳ Viên được dâng cúng Đức Phật, khởi lòng tin xuất gia, Sirivaddha dầu chưa chứng được pháp thượng nhân, nhưng được hàng Cư Sĩ, hàng xuất gia tôn kính hoan nghênh.

Nhưng Sirimat, vì nghiệp không được tốt đẹp nên ít được cung kính, tuy vậy, luôn luôn tu tập về chỉ và quán, Ngài chứng được sáu Thắng trí.

Các Tỳ Kheo tầm thường và các Sa Di không biết Ngài chứng được Thánh Quả, tiếp tục khinh thường Ngài và cung kính em của Ngài.

Rồi Ngài đọc lên bài kệ, nói lên sự sai lầm của họ:

Người khác tán thán nó,

Kẻ tự ngã chưa định,

Người khác khen sai lầm,

Kẻ tự ngã chưa định.

Người khác chỉ trích nó,

Kẻ tự ngã đã định,

Người khác chê sai lầm,

Kẻ tự ngã khéo định.

Rồi Sirivaddha nghe bài kệ, tâm sanh dao động, phát triển thiền quán, không bao lâu đạt được chơn giải thoát. Và những ai chỉ trích bậc Trưởng Lão, chúng tôi xin lỗi Ngài.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần