Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Mười Sáu - Phẩm Hai Mươi Kệ - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP TÁM

TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ  

CHƯƠNG MƯỜI SÁU

PHẨM HAI MƯƠI KỆ  

PHẦN HAI  

Ðời sống của Ngài được ghi trong chương ở trên khi bậc Trưởng Lão đã chứng quả A La Hán, nói lên bài kệ để dạy cho các bà con về con đường.

Nhưng trong những bài kệ này, bậc Trưởng Lão chưa chứng quả A La Hán, hỏi Thế Tôn về giáo lý vắn tắt, và được Thế Tôn trả lời: Này Màlunkyaputta, ông nghĩ thế nào?

Những pháp mà ông chưa bao giờ thấy nghe, ngửi, nếm, cảm xúc, và nhận thức, hiện tại ông không có lãnh thọ và đối với chúng, ông cũng không muốn có cảm thọ và suy tưởng, vậy ông có ước muốn, tha thiết được chúng hay không?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ở đây, này Màlunkyaputta, khi ông không có cảm thọ, cảm tưởng chúng, ông chỉ có thọ và tưởng thuần túy. Nếu là như vậy, thời ông không có tham, sân, si. Do vậy, ở đây hay tại chỗ nào, hay đời sau chính như vậy, như vậy là sự chấm dứt đau khổ.

Rồi Màlunkyaputta, nêu rõ Ngài đã thâu nhận giáo lý được giảng dạy này, Ngài nói lên trong những bài kệ như sau:

Thấy sắc, niệm say mê,

Nếu tác ý ái tưởng,

Tâm tham đắm cảm thọ,

Tâm nhập và an trú.

Thọ người ấy tăng trưởng,

Nhiều loại, do sắc sanh,

Tham, hại tâm lớn mạnh,

Chúng gia hại tâm nó,

Khổ chất chứa như vậy,

Rất xa vời Niết Bàn.

Nghe tiếng, niệm say mê,

Nếu tác ý ái tưởng,

Tâm tham đắm cảm thọ,

Xâm nhập và an trú.

Thọ người ấy tăng trưởng,

Nhiều loại, do tiếng sanh,

Tham, hại tâm lớn mạnh,

Chúng gia hại tâm nó,

Khổ chất chứa như vậy,

Rất xa vời Niết Bàn.

Ngửi hương, niệm say mê,

Nếu tác ý ái tưởng,

Tâm tham đắm cảm thọ,

Xâm nhập và an trú.

Thọ người ấy tăng trưởng,

Nhiều loại do hương sanh,

Tham, hại tâm lớn mạnh,

Chúng gia hại tâm nó.

Khổ chất chứa như vậy,

Rất xa vời Niết Bàn.

Nếm vị, niệm say mê,

Nếu tác ý ái tưởng,

Tâm tham đắm cảm thọ,

Xâm nhập và an trú.

Thọ người ấy tăng trưởng,

Nhiều loại do vị sanh,

Tham, hại tâm lớn mạnh,

Chúng gia hại tâm nó,

Khổ chất chứa như vậy,

Rất xa vời Niết Bàn.

Cảm xúc, niệm say mê,

Nếu tác ý ái tưởng,

Tâm tham đắm cảm thọ,

Xâm nhập và an trú.

Thọ người ấy tăng trưởng,

Nhiều loại, do xúc sanh,

Tham, hại tâm lớn mạnh,

Chúng gia hại tâm nó,

Khổ chất chứa như vậy,

Rất xa vời Niết Bàn.

Biết pháp, niệm say mê,

Nếu tác ý ái tưởng,

Tâm tham đắm cảm thọ,

Xâm nhập và an trú.

Thọ người ấy tăng trưởng,

Nhiều loại do ý sanh,

Tham, hại tâm lớn mạnh,

Chúng gia hại tâm nó,

Khổ chất chứa như vậy,

Rất xa vời Niết Bàn.

Không tham nhiễm các sắc,

Thấy sắc, giữ chánh niệm,

Tâm không tham cảm thọ,

Không xâm nhập, an trú.

Thấy sắc như thế nào,

Như vậy có cảm thọ,

Từ bỏ không tích lũy,

Chánh niệm, hành trì vậy.

Như vậy, không chứa khổ,

Ðược gọi gần Niết Bàn,

Không tham nhiễm các tiếng,

Nghe tiếng, giữ chánh niệm,

Tâm không tham cảm thọ,

Không xâm nhập an trú.

Nghe tiếng như thế nào,

Như vậy có cảm thọ,

Từ bỏ không tích lũy,

Chánh niệm, hành trì vậy.

Như vậy không chứa khổ,

Ðược gọi gần Niết Bàn.

Không tham nhiễm các hương,

Ngửi hương, giữ chánh niệm,

Tâm không tham cảm thọ,

Không xâm nhập an trú.

Ngửi hương như thế nào,

Như vậy, có cảm thọ,

Từ bỏ, không tích lũy,

Chánh niệm, hành trì vậy,

Như vậy, không chứa khổ,

Ðược gọi, gần Niết Bàn.

Không tham nhiễm các vị,

Nếm vị, giữ chánh niệm,

Tâm không tham cảm thọ,

Không xâm nhập, an trú.

Nếm vị như thế nào,

Như vậy, có cảm thọ,

Từ bỏ, không tích lũy,

Chánh niệm, hành trì vậy.

Như vậy không chứa khổ,

Ðược gọi, gần Niết Bàn.

Không tham nhiễm các xúc,

Cảm xúc giữ chánh niệm,

Tâm không tham cảm thọ,

Không xâm nhập, an trú.

Cảm xúc như thế nào,

Như vậy, có cảm thọ,

Từ bỏ, không tích lũy,

Chánh niệm, hành trì vậy.

Như vậy không chứa khổ,

Ðược gọi, gần Niết Bàn.

Không tham nhiễm các pháp,

Biết pháp, giữ chánh niệm,

Tâm không tham cảm thọ,

Không xâm nhập, an trú.

Cảm xúc như thế nào,

Như vậy, có cảm thọ,

Từ bỏ, không tích lũy,

Chánh niệm, hành trì vậy.

Như vậy, không chứa khổ,

Ðược gọi, gần Niết Bàn.

Rồi vị Trưởng Lão đứng dậy, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ra đi không bao lâu sau đó, phát triển thiền quán, Ngài chứng quả A La Hán.

Ðược sanh trong thời Đức Phật hiện tại ở Anguttaràpa, trong một gia đình Bà La Môn, tại một làng Bà La Môn ở Apana, Ngài được đặt tên là Sela.

Khi đến tuổi trưởng thành, Ngài sống ở đấy, rất giỏi về ba tập Vệ Đà và về nghệ thuật Bà La Môn, dạy các Mantrà Thần Chú cho ba trăm thanh niên Bà La Môn. Trong khi ấy Thế Tôn rời bỏ Sàvatthi, đang du hành ở Anguttaràpa với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo.

Biết được tám tánh thuần thục của Sela và các đệ tử của Ngài, Đức Phật dừng lại tại một khu rừng. Rồi ẩn sĩ Keniya, sau khi mời bậc Ðạo Sư với chúng Tỳ Kheo dùng cơm vào ngày sau, đang sửa soạn rất nhiều món đồ ăn.

Rồi Sela với ba trăm đệ tử đến thăm am thất và hỏi có phải Keniya đang sửa soạn để đón mừng vị Ðại thần của Vua. Khi Keniya trả lời là sửa soạn thức ăn để mời Đức Phật, Sela cảm thấy hết sức xúc cảm với chữ Đức Phật, đi đến gặp ngay Đức Phật với các thanh niên đệ tử của mình.

Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm, Ngài chiêm ngưỡng các tướng tốt Đức Phật và nghĩ rằng: Một vị có những tướng tốt như vậy, một là sẽ thành vị Chuyển Luân Thánh vương, hai là sẽ thành Phật. Một vị Phật khi nghe tán thán về mình sẽ lộ rõ chân tướng Phật của mình. Còn nếu chưa thành Phật, khi nghe tán thán về Đức Phật sẽ cảm thấy khó chịu và bất mãn.

Ngài quyết định nói lên lời tán thán Đức Phật như sau:

Thân trọn đủ, chói sáng,

Khéo sanh và đẹp đẽ,

Thế Tôn sắc vàng chói,

Răng trơn láng, tinh cần.

Ðối với người khéo sanh,

Những tướng tốt trang trọng,

Ðều có trên thân Ngài,

Tất cả Ðại nhân tướng.

Mắt sáng, mặt tràn đầy,

Cân đối, thẳng, hoàn mỹ,

Giữa chúng Sa Môn Tăng,

Ngài chói như Mặt Trời.

Vị Tỳ Kheo đẹp mắt,

Da sáng như vàng chói,

Với hạnh Sa Môn Ngài,

Cần gì sắc tối thượng.

Ngài xứng bậc Ðại Vương,

Chuyển Luân, xa Luân chủ,

Chiến thắng khắp bốn phương,

Bậc chúa tể Diêm Phù.

Vương tộc, hào phú vương,

Là Chư Hầu của Ngài,

Là Vua giữa các Vua,

Là giáo chủ loài người,

Hãy trị vì quốc độ,

Tôn Giả Gotama!

Thế Tôn vâng theo ý muốn của Sela, trả lời:

Sela, ta là Vua!

Bậc Pháp Vương, Vô Thượng,

Ta chuyển bánh xe pháp,

Bánh xe chưa từng chuyển.

Phạm Chí Sela nói:

Ngài tự nhận giác ngộ.

Bậc Pháp Vương, Vô Thượng,

Ta chuyển bánh xe pháp,

Gotama nói vậy.

Ai sẽ là tướng quân?

Là đệ tử Tôn Giả?

Ai theo giữ truyền thống,

Xứng đáng bậc Ðạo Sư?

Sau Ngài ai sẽ chuyển,

Pháp luân Ngài đã chuyển?

Tôn giả Sàriputta đang ngồi bên phải Thế Tôn, đầu chói sáng đẹp đẽ như một đống vàng.

Thế Tôn chỉ Sàriputta và nói:

Thế Tôn: Này Sela,

Ta chuyển bánh xe pháp,

Bánh xe pháp vô thượng,

Chính Sàriputta,

Chuyển bánh xe chánh pháp,

Thừa tự Như Lai vị.

Cần biết, ta đã biết,

Cần tu, ta đã tu,

Cần đoạn, ta đã đoạn,

Do vậy, ta là Phật,

Hỡi này Bà La Môn.

Còn gì nghi ở ta,

Hãy gác bỏ một bên,

Hãy giải thoát khỏi chúng.,

Hỡi này Bà La Môn.

Thấy được bậc Chánh Giác,

Thật thiên nan vạn nan,

Bậc Chánh Giác ra đời,

Thật thiên nan vạn nan,

Ta là bậc Chánh Giác,

Bậc Y Vương Vô Thượng,

Hỡi này Bà La Môn.

Là Phạm Thiên khó sánh,

Nhiếp phục các Ma quân,

Hàng phục mọi đối nghịch,

Ta hân hoan không sợ.

Bà La Môn Sela hoàn toàn tin tưởng vào Thế Tôn, muốn xuất gia và thưa rằng:

Chư Tôn Giả hãy nghe!

Như bậc có mắt giảng,

Bậc Y Vương Ðại hùng,

Sư rử rống trong rừng!

Thấy Phạm Thiên vô tỷ,

Nhiếp phục các ma quân,

Ai lại không tín thành,

Cho đến kẻ hạ tiện.

Ai muốn, hãy theo ta,

Không muốn hãy đi ra,

Ở đây ta xuất gia,

Với bậc tuệ tối thượng.

Các thanh niên Bà La Môn, vì đã đạt được những điều kiện cần thiết, trả lời:

Nếu Tôn giả tín thành,

Giáo pháp bậc Chánh Giác,

Chúng con cũng xuất gia,

Với bậc Tuệ tối thắng!

Sela hoan hỷ thấy các thanh niên Bà La Môn san sẻ chí nguyện của mình, đưa chúng đến trước mặt Thế Tôn và xin được xuất gia:

Ba trăm Phạm Chí ấy,

Chấp tay xin được phép,

Chúng con sống phạm hạnh,

Do Thế Tôn lãnh đạo.

Rồi Thế Tôn, thấy được Sela trong các đời quá khứ, Sela cũng đã dạy cho ba trăm đệ tử này trông các giống phước và nay trong đời cuối cùng, đã tạo được tuệ quán cho mình và cho các đệ tử, thấy rằng chúng đã thuần thục để xuất gia:

Thế Tôn đáp: Sela,

Phạm hạnh được khéo giảng,

Thiết thực ngay hiện tại,

Vượt khỏi thời gian tính,

Ở đây sự xuất gia,

Không uổng công, hoang phí,

Với ai không phóng dật,

Tinh tấn chuyên tu học.

Thế Tôn nói: Hãy đến, Tỳ Kheo! Rồi với thần lực của Bổn Sư, tất cả đều có y và bình bát, đảnh lễ Đức Phật, bắt đầu học thiền quán và chứng quả A La Hán vào ngày thứ bảy.

Rồi các vị ấy đến Đức Phật, nói lên trí giác của mình, và Sela thưa:

Kính bạch bậc pháp nhãn,

Cách đây trước tám ngày,

Chúng con đã đến Ngài,

Xin phát nguyện quy y,

Thế Tôn trong bảy đêm,

Ðã nhiếp phục chúng con,

Ðã chế ngự chúng con,

Trong giáo lý của Ngài.

Ngài là bậc Giác giả,

Ngài là bậc Ðạo Sư,

Ngài là bậc Mâu Ni,

Ðã chiến thắng quân ma,

Sau khi đã đoạn trừ,

Vượt qua biển sanh tử,

Ngài giúp quần sanh này,

Cùng vượt qua bể khổ.

Sanh y Ngài vượt qua,

Lậu hoặc Ngài nghiền nát,

Ngài là sư tử chúa,

Không chấp, không sợ hãi.

Ba trăm Tỳ Kheo này,

Ðồng chấp tay đứng thẳng,

Ôi anh hùng chiến thắng,

Hãy duỗi chân bước tới,

Hãy để các Đại Nhân,

Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư.

Sanh trong thời Đức Phật hiện tại, ở Kapilavatthu, trong một dòng họ Sàkya, Ngài được đặt tên là Bhaddiya.

Khi đã trưởng thành, Ngài từ bỏ gia đình, cùng với Anuruddha và bốn vị hoàng tộc khác, khi bậc Ðạo Sư đang ở trong vườn xoài, tại Anupiy.

Khi xuất gia, Ngài chứng được quả A La Hán. Ngài được Đức Phật xác chứng là đệ nhất trong những Tỳ Kheo thuộc về hoàng tộc.

Mỗi khi Ngài hưởng lạc giải thoát, lạc Niết Bàn trong lúc ở trong rừng, dưới một gốc cây, trong cảnh rừng tịch tịnh, Ngài thường thốt ra lời: Ôi hạnh phúc làm sao! Ôi, hạnh phúc làm sao!

Ðược Đức Phật hỏi vì sao Ngài thốt ra lời ấy, Ngài trả lời khi Ngài trị vì Quốc Độ của Ngài, dầu Ngài được bảo vệ chặt chẽ, Ngài vẫn cảm thấy sợ hãi, hoảng hốt. Nhưng nay Ngài đã từ bỏ tất cả, Ngài không còn trong trạng thái sợ hãi nữa.

Rồi trước mặt Thế Tôn, Ngài rống lên tiếng rống con sư tử:

Khi ta ngồi cổ voi,

Mang đồ mặc tế nhị,

Ăn gạo thật ngon thơm,

Với món thịt khéo nấu.

Nay hiền thiện, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Áo lượm rác, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Thường khất thực, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Mặc ba y, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Ði từng nhà, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Ăn một bữa kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Ăn trong bát, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Không ăn thêm, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Sống trong rừng, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Ngồi gốc cây, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Sống ngoài trời, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Trú nghĩa địa, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Tùy xứ trú, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Sống thường ngồi, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Ham muốn ít, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Sống biết đủ, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Hạnh viễn ly, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Không giao du, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Sống tinh cần, kiên trì,

Vui đồ ăn đặt bát,

Thiền tư, không chấp trước,

Là con của Gôdha.

Từ bỏ bát quý giá,

Bằng vàng, bằng nhựa quý,

Ta lấy bát bằng đất,

Ðây quán đảnh thứ hai.

Vòng thành cao bảo vệ,

Vọng lâu, cửa kiên cố,

Với lính tay cầm gươm,

Ta đã sống sợ hãi.

Nay hiền thiện, không sợ,

Bỏ run sợ kinh hãi,

Thiền tư, vào rừng sâu,

Là con của Gôdha.

An trú trên giới uẩn,

Chánh niệm, tu tuệ quán,

Thứ lớp ta đạt được,

Mọi kiết sử đoạn diệt.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh làm con một Bà La Môn tên Bhaggava, giữ chức cố vấn Tôn Giáo cho Vua nước Kosala.

Trong đêm Ngài sanh, các binh khí trong thành phố rực sáng, các binh giáp của Vua cũng rực sáng, thành thử khi Vua nằm trên giường thấy như vậy nên không thể ngủ được, thao thức và sợ hãi. Vị cố vấn nghi lễ tìm hiểu các vì sao và kết luận con mình đã sanh trúng đám sao ăn trộm.

Sáng sớm, ông đến chầu Vua và hỏi Vua ngủ có an giấc không?

Vua trả lời Vua ngủ không an giấc được, vì cả đêm thấy áo giáp chói sáng và hỏi điềm ấy là điềm gì?

Vị cố vấn trả lời là do mình sanh đứa con, áo giáp cả thành phố đều chói sáng, và khi được biết đứa con sau này có thể trở thành tên tướng cướp độc thân có thể chế ngự được, nên Vua tha cho khỏi bị giết.

Vì Ngài sanh, làm tâm Vua phiền muộn nên được gọi là Himsaka, và sau không thấy Ngài làm hại ai nên được gọi là Ahimasaka. Do nghiệp đời trước, Ngài có sức mạnh của bảy con voi.

Khi Ngài học với vị Giáo Sư đầu tiên ở takhasilà, Ngài hầu hạ rất thành kính vị Giáo Sư và bà vợ, nên thường được thấy Ngài bên cạnh vị Giáo Sư và bà vợ trong những bữa ăn, vì vậy khiến các thanh niên Bà La Môn khác ganh ghét, và xúi vị Giáo Sư chống lại Ahimsaka.

Vì học trò mình có sức mạnh phi thường, vị giáo sự tìm một kế để ám hại học trò mình bằng cách bảo Ahimsaka trả tiền học phí cho mình bằng một ngàn ngón tay phải, nghĩ rằng nếu Ahimsaka đem lại một ngón tay thời cũng đủ làm hại đệ tử mình rồi.

Lòng hung ác đè nén của Ahimsaka được nổi dậy, Ngài mặc áo giáp, đi vào rừng Jàlinì ở Kosalu núp trên một đồi núi, theo dõi người đi đường, và khi nào thấy người đi qua, liền chạy xuống, chặt ngón tay họ, treo trên một cây cho đến khi các loài diều hâu rứt ăn hết thịt.

Rồi dùng các ngón tay làm một vòng hoa, Ngài đeo nơi cổ và từ đó được gọi là Angulimàlà kẻ đeo vòng hoa bằng ngón tay. Khi vì hành động ấy, đường sá trở thành vắng người, Ngài đi vào trong làng và làng trở thành trống không. Vua bèn sai một lực lượng quân đội đi bắt Angulimàlà.

Mẹ của Angulimàlà khuyên chồng nên đi để bảo Angulimàlà hãy chấm dứt hành động như vậy, nhưng người chồng từ chối, không muốn liên hệ với một người con như vậy nên để mặc nhà Vua làm.

Bà mẹ vì thương con, khi thấy chồng từ chối liền soạn đồ lương thực và đi tìm Angulimàlà để ngăn chận không cho làm điều ác.

Rồi Thế Tôn suy nghĩ rằng, nếu Angulimàlà gặp mẹ, sẽ giết mẹ cho đủ một ngàn ngón tay.

Nay là đời sống cuối cùng của Angulimàlà, nếu Đức Phật không can thiệp thời sẽ có thiệt hại lớn. Sau bữa ăn Đức Phật đi trên con đường dẫn đến rừng Jàlinì dầu có nhiều người ngăn cản.

Khi Angulimàlà thấy mẹ, Ngài tính lấy ngón tay của mẹ cho đủ số một ngàn ngón tay, thời Đức Phật đến và đi giữa Angulimàlà và người mẹ, Angulimàlà liền bỏ ý định giết mẹ và quyết định giết vị Sa Môn cho đủ túc số.

Angulimàlà liền rút gươm đuổi theo Đức Phật, nhưng dầu Ngài cố gắng thế nào cũng không làm sao đuổi kịp, dầu Đức Phật vẫn đi khoan thai nhẹ nhàng.

Angulimàlà yêu cầu Đức Phật đứng lại, Đức Phật trả lời Đức Phật đã đứng rồi, chính Angulimàlà cần phải đứng lại.

Câu trả lời làm Angulimàlà khó hiểu, tin rằng các Sa Môn bao giờ cũng nói thật nên Ngài hỏi Đức Phật:

Này Sa Môn, Ngài đi,

Lại nói: ta đứng rồi.

Ta đứng, Ngài lại nói:

Sao nhà ngươi chưa đứng?

Sa Môn, ta hỏi Ngài,

Về ý nghĩa việc này,

Sao Ngài đã đứng lại,

Còn ta lại còn đi.

Thế Tôn trả lời:

Angulimàlà,

Ta luôn luôn đã đứng,

Với tất cả chúng sanh,

Ta từ bỏ gậy trượng,

Còn ông đối hữu tình,

Chưa có tự chế ngự,

Do vậy ta đã đứng,

Còn ông thời chưa đứng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần