Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Năm - Phẩm ưu Ba Tư Na - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM BỐN MƯƠI NĂM

PHẨM ƯU BA TƯ NA  

PHẦN MỘT  

Thuở ấy, ba anh em Ca Diếp có người cháu kêu bằng cậu là Phạm Chí Loa Kế tên Ưu Ba Tư Na nhà Tùy dịch là Tối Thượng Chinh Tướng sống trên một hòn núi tên là A Tu La, thường cùng với hai trăm năm mươi đệ tử Phạm Chí Loa Kế tu học đạo Tiên.

Ưu Ba Tư Na nghe ba người cậu của mình và các đệ tử đi đến bên Đại Sa Môn, tất cả đều cạo bỏ râu tóc xuất gia.

Nghe vậy, vị ấy hết sức kinh ngạc, rất đổi bất bình mà la lên: Các ông cậu ta thật lạ thay! Bao năm nay tế tự Thần lửa, giờ đây bỗng nhiên theo làm đệ tử Sa Môn. Ta nay đến đó quở trách mới được.

Vì cớ gì làm điều bất thiện như vậy?

Rồi vị ấy đi đến chỗ ba người cậu với trong lòng hậm hực, cổ họng nghẹn ngào không nói thành lời. Đến nơi thấy ba người cậu đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa.

Thấy vậy, vị ấy đối với ba người cậu mà nói kệ:

Các cậu thờ lửa chẳng trọn đời

Lại không tu hành pháp khổ hạnh

Ngày nay đồng bỏ pháp tu này

Giống như rắn nọ bị lột da.

Lúc ấy ba người cậu Ca Diếp dùng kệ đáp lại người cháu Ưu Ba Tư Na:

Thần lửa từ xưa nay không thờ

Pháp tu khổ hạnh cũng bỏ qua

Ngày nay chứng ta bỏ pháp ấy

Thật như rắn nọ bị lột da.

Phạm Chí Loa Kế Ưu Ba Tư Na nghe kệ rồi lại hỏi ba cậu: Pháp này tối thắng thật vậy sao?

Ba người cậu trả lời: Pháp này thật tối thắng, nên tu pháp này vì pháp này vi diệu.

Bấy giờ Phạm Chí Loa Kế Ưu Ba Tư Na bảo hai trăm năm mươi vị đệ tử Phạm Chí Loa Kế: Này các đồng tử Phạm Chí, bao nhiêu vật sở hữu chỗ ở của ta như suối, ao và các vật dụng, các ông tùy ý phân chia. Ta nay muốn theo Đại Sa Môn tu phạm hạnh.

Hai trăm năm mươi vị Phạm Chí Loa Kế đồng bạch Phạm Chí Loa Kế Ưu Ba Tư Na: Nếu ngày nay Hòa Thượng muốn theo Đại Sa Môn tu phạm hạnh, chúng con cũng theo Hòa Thượng đồng đi đến Đại Sa Môn cùng tu phạm hạnh. Phạm Chí Ưu Ba Tư Na và đồ chúng đồng đi đến chỗ Đức Phật.

Đến nơi, Phạm Chí bạch Phật: Thưa Đại Đức Sa Môn, ngày nay con cùng đồ chúng xin vào trong pháp của Sa Môn. Đối với tất cả giáo pháp của Ngài, chúng con y theo đó mà vâng giữ.

Đức Thế Tôn bảo các Phạm Chí Loa Kế:

Nếu các ông có thể làm được các việc như thế này: Phải đem tất cả áo da nai của các ông và những dụng cụ tế tự Thần lửa vứt bỏ hoàn toàn.

Các Pham chí thưa: Đúng như lời dạy của Sa Môn, chúng con không dám trái ý. Rồi các Phạm Chí trở về chỗ ở của mình, vứt bỏ tất cả dụng cụ thờ Thần lửa.

Sau khi Phạm Chí đã vứt xong những dụng cụ ấy, liền trở lại chỗ Phật, đến nơi đảnh lễ dưới chân Thế Tôn mà bạch: Thưa Thế Tôn, lành thay! Xin Thế Tôn cho chúng con xuất gia thọ giới cụ túc.

Đức Phật bảo các Phạm Chí: Này các Tỳ Kheo, lại đây! Hãy vào trong pháp của ta tu phạm hạnh để diệt các khổ. Ứng với lời nói của Đức Phật, họ liền thành hai trăm năm mươi Trưởng Lão xuất gia thọ giới cụ túc.

Đức Thế Tôn vì các Trưởng Lão này lại thuyết thêm giáo pháp, cũng lại như trên, dùng ba loại thần thông chỉ dạy, được lợi ích an vui. Lúc ấy các Tỳ Kheo diệt sạch các lậu, ở trong pháp vô vi, tâm được giải thoát.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lần đầu tiên tập họp chúng Tỳ Kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi người, tất cả đều từ dòng Phạm Chí xuất gia, tất cả đều được tự lợi, chứng quả A La Hán, luôn luôn theo hầu bên Phật, có mặt trong các hội thuyết pháp.

Lại nữa, về sau có các Tỳ Kheo bạch Phật: Hay thay! Bạch Thế Tôn, thầy trò các Phạm Chí Loa Kế trong đời quá khứ trồng căn lành gì mà ngày nay được xuất gia thọ giới cụ túc, tất cả đều chứng quả A La Hán?

Xưa tạo nghiệp gì mà ngày nay được phước báo như vậy?

Lại nữa, tại sao Trưởng Lão Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đối với năm trăm vị Phạm Chí Loa Kế, chỉ có một mình Trưởng Lão là người đứng đầu tối diệu, tối thắng, tối thượng, tối tôn?

Tại sao Na Đề Ca Diếp đối với ba trăm đệ tử, người là bậc đứng đầu tuyệt diệu hơn hết?

Tại sao Già Da Ca Diếp đối với hai trăm đệ tử, người là bậc đứng đầu tuyệt diệu hơn hết?

Lại nữa, Trưởng Lão Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp thuở xưa tạo nghiệp gì mà ngày nay Đức Thế Tôn đem các pháp khai thị, giáo hóa khó khăn như vậy?

Ngoài ra các Phạm Chí khác thì giáo hóa dễ dàng?

Thưa lời này rồi, các Tỳ Kheo đứng yên lặng chờ Đức Phật chỉ dạy.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ Kheo: Này các thầy, hãy chú ý lắng nghe. Ta nhớ thuở quá khứ, lại cũng ở trong Diêm Phù Đề này, có một ngàn thương nhân, trong số thương nhân này có ba anh em đều là thương chủ.

Thương chủ thứ nhất cũng có tên là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp chỉ huy năm trăm thương nhân.

Thương chủ thứ hai cũng có tên là Na Đề Ca Diếp chỉ huy ba trăm thương nhân.

Thương chủ thứ ba cũng có tên là Già Da Ca Diếp, cũng chỉ huy hai trăm thương nhân.

Thuở ấy, ba vị đại thương chủ và các thương nhân cùng nhau đi vào biển.

Để cuộc hành trình được an toàn, nên họ phải chuẩn bị lương thực và các dụng cụ trang bị.

Tổn phí cuộc hành trình lên đến ba trăm ngàn vạn tiền vàng gồm: Một trăm ngàn vạn lo về lương thực. Một trăm ngàn vạn lo cho các thương nhân để dùng vào việc trả công mướn tay nghề. Một trăm ngàn vạn dùng vào việc sắm các vật dụng trên thuyền buồm. Trang bị đầy đủ rồi, họ lần lần đi đến bờ biển. Khi đến nơi, thiết lễ cúng tế thần Đại Hải.

Ngoài việc sắm sửa thuyền buồm, còn thuê năm người với giá gấp bội để lo vào các việc là một người có tài sửa chữa tàu bè.

Một người quán sát bốn phương.

Một người chuyên lặn dưới nước.

Một người chuyên bơi ở trên mặt nước.

Một người điều chỉnh buồm.

Sau khi thuê xong năm người như vậy, ba thương chủ đồng xướng lớn tiếng: Ai có khả năng vào biển?

Nói như vậy ba lần. Sau khi xướng lớn tiếng ba lần như vậy, liền ngồi trong thuyền đồng ra khơi.  Vì tìm bảo vật nên đoàn người đã đi sâu vào đại dương.

Bỗng gặp trận cuồng phong, trận gió thổi giạt chiếc thuyền tấp vào một hòn đảo mà tàu vẫn đứng yên ổn.

Lúc ấy thương chủ và các thương nhân đã đến một hải đảo, gặp được đủ thứ châu báu, họ nhặt lấy chứa đầy các thuyền, rồi đoàn người trở lại bờ biển, thu xếp bảo vật, sắp sửa trở về Bổn Quốc.

Trên đường về, gặp được báo Tháp thờ Xá Lợi của Đức Thế Tôn Ca Diếp Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác. Tháp này bị đổ nát, nền móng và các tầng đều bị sụp đổ.

Thấy vậy, vị thương chủ trưởng đoàn bảo hai vị thương chủ kia và các thương nhân: Này các anh em, như các người đã biết, chúng ta vì tìm châu báu nên hy sinh thân mạng đi vào biển cả. Ngày nay ở trên biển ta được nhiều tài lợi. Trên đường về đến đây, nay chúng ta cũng nên cùng nhau tạo nhân duyên thiện nghiệp để lại lợi ích cho đời tương lai.

Như bậc trí đời xưa có kệ dạy:

Sức mạnh phước đức thành nhiều lợi

Thường tình được lợi sinh phóng dật

Phóng dật thì tâm không kiềm chế

Do vậy đời sau đọa địa ngục.

Thương chủ đọc bài kệ như vậy rồi, lại bảo: Các anh em phải biết, do vì nhân duyên này, ngày nay chúng ta động viên tinh thần, tùy ý mỗi người đóng góp ít nhiều tiền của để lo trùng tu ngôi Bảo Tháp của Đức Phật Ca Diếp.

Hai thương chủ kia và các thương nhân đồng thưa vị thương chủ trưởng đoàn: Hay thay! Đại thương chủ, Ngài là người đứng ra thu nhận tiền đóng góp, sẽ đứng ra làm chủ công trình, còn chúng tôi tùy tâm hưởng ứng ít nhiều.

Vị thường chủ trưởng đoàn nói: Một mình ta không đủ sức trông coi việc xây cất.

Vì sao?

Vì ta còn bận nhiều công việc, không thể một mình đứng ra trùng tu ngôi Tháp đổ nát này. Nếu ta đứng ra trông coi việc trùng tu này thì công việc sinh hoạt gia đình ta sẽ bỏ phế.

Hai thương chủ kia và các thương nhân nhiều lần cùng nhau ân cần nài nỉ thưa thỉnh vị thương chủ trưởng đoàn đứng ra coi tái thiết. Lúc ấy các thương nhân hăng hái tùy sức đóng góp nhiều ít tiền của giao nộp cho vị thương chủ trưởng đoàn. Bấy giờ thương chủ Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp lãnh trách nhiệm trùng tu Bảo Tháp.

Tầng thứ nhất riêng Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp trang trí.

Tầng thứ hai do Na Đề Ca Diếp trang trí.

Tầng thứ ba do Già Da Ca Diếp trang trí.

Thứ lớp các tầng Tháp Xá Lợi của Phật Ca Diếp là do tiền của ba thương chủ và các thương nhân cùng nhau xây dựng.

Ngôi Tháp đổ nát lúc ấy đã được hoàn thành hết sức trang nghiêm, không khác nào ngôi Tháp thuở trước.

Xây cất xong, ba thương chủ và các thương nhân phát nguyện: Chúng tôi nguyện ở trong đời vị lai lại cùng nhau gặp được Đức Như Lai như thế này. Sau khi gặp được, sẽ ở trong giáo pháp của Đức Thế Tôn đó, chúng tôi nguyện mau chứng ngộ và nguyện đời đời kiếp kiếp không đọa vào ba ác bốn thú.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo: Các thầy phải biết, ba thương chủ Ca Diếp và một ngàn thương nhân thuở ấy, nay là ba Trưởng Lão và một ngàn Tỳ Kheo này.

Lại nữa, này các thầy Tỳ Kheo, thương chủ Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp thuở ấy do vì nhiều thương nhân ân cần thưa thỉnh mới chịu đứng ra chỉ huy xây dựng Bảo Tháp. Vì nguyên nhân ấy mà ngày nay đối trước mặt ta, ta phải bỏ rất nhiều thời gian người mới nhận sự giáo hóa của ta.

Thuở ấy thương chủ Na Đề Ca Diếp và Già Da Ca Diếp cùng các thương nhân vừa nghe lời nói: Tùy tâm nhiều ít, họ sốt sắng đóng góp tiền của xây dựng Bảo Tháp.

Do nguyên nhân này nên ngày nay họ vâng lãnh sự giáo hóa của ta một cách dễ dàng. Thuở xưa Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp làm vị thương chủ trưởng đoàn, trước tiên dùng bảo vật cúng dường trên tầng Tháp Xá Lợi thứ nhất Đức của Như Lai Thế Tôn Ca Diếp.

Do nhân duyên này, nay được phước báo đối với năm trăm Phạm Chí là người tối thắng, tối diệu, tối tôn đệ nhất. Na Đề Ca Diếp do nhân duyên dùng bảo vật cúng dường tầng Tháp Xá Lợi thứ hai của Đức Như Lai Thế Tôn Ca Diếp nên ngày nay được phước báo đứng đầu trong nhóm ba trăm Phạm Chí.

Già Da Ca Diếp do nhân duyên dụng bảo vật cúng dường tầng Tháp Xá Lợi thứ ba của Đức Như Lai Thế Tôn Ca Diếp nên ngày nay đứng đầu trong nhóm hai trăm Phạm Chí.

Thuở ấy thương chủ và các thương nhân đồng phát nguyện: Ta nguyện đời đời kiếp kiếp ở vị lai không rơi vào các đường ác, cho đến địa ngục. Do nhân duyên này họ được phước báo không đọa vào các đường ác cho đến địa ngục, thường được sinh vào loài Trời và loài người, thọ hưởng khoái lạc. Lại nữa, họ đồng thấy Tháp của Đức Ca Diếp đổ nát, cùng nhau tu sửa được trang nghiêm như cũ.

Và họ lại đồng phát tâm: Chúng tôi nguyện đời vị lai lại gặp được Đức Thế Tôn như vậy. Nếu gặp được rồi, chúng tôi nghe Thế Tôn thuyết pháp mau chứng ngộ. Do vì nhân duyên này, ngày nay họ gặp được ta, liền được xuất gia thọ giới cụ túc, chứng quả A La Hán.

Bấy giờ các Tỳ Kheo lại bạch Phật: Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, tại sao Thế Tôn biết được Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp rơi vào tà đạo nên Thế Tôn mới dùng phương tiện thị hiện năm trăm phép thần thông để giáo hóa, rồi sau đó họ mới chứng quả A La Hán?

Thưa lời này xong, các Tỳ Kheo đứng yên lặng chờ Phật chỉ dạy.

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Này các thầy Tỳ Kheo, chẳng phải chỉ có ngày hôm nay ta mới thấy Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp rơi vào tà đạo mà ta tinh cần dũng mãnh thị hiện năm trăm phép thần thông giáo hóa để thu nhiếp, mà ngay cả trong thời quá khứ Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đã từng rơi vào tà đạo, ta cũng chịu khó nhọc giáo hóa nhiếp phục được.

Các thầy Tỳ Kheo liền bạch Phật: Hay thay! Bạch Thế Tôn, việc ấy thế nào, xin Ngài dạy rõ.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các thầy, hãy chú tâm lắng nghe. Ta nhớ vào thời quá khứ có một Quốc Gia tên là Tỳ Đề Hà nhà Tùy dịch là Phi chánh thân được trị vì bởi dòng Vua Sát Đế Lợi tên là Ương Già Đà nhà Tùy dịch là Thân Phần làm lễ quán đảnh lên ngôi.

Nhà Vua có thế lực mạnh, có nhiều binh chủng, kho tàng đầy ấp của cải, tiền tài, lúa gạo. Thuở ấy Quốc Vương sinh tâm tà kiến. Vào một đêm rằm trăng tròn, ánh sáng chiếu diệu. Đầu đêm hôm ấy, Vua ra lệnh họp các Đại Thần, trong số này có ba vị Đại Thần đứng đầu.

Vị Đại Thần thứ nhất tên là Tỳ Xà Da nhà Tùy dịch là Nan Thắng, vị Đại Thần thứ hai tên là Tô Ma Na nhà Tùy dịch là Thiện Ý, vị Đại Thần thứ ba tên là A La Ba Đa nhà Tùy dịch là Tiền Ngôn.

Nhà Vua ra lệnh triệu tập tất cả các vị Đại Thần rồi phán: Này các khanh, suốt đêm nay chúng ta cùng nhau vui chơi không ngủ và mỗi khanh phải phát biểu ý kiến của mình.

Đai Thần Tiền Ngôn tâu Vua: Theo thiển kiến của hạ thần thì cần phải tổ chức bốn binh chủng một cách hoàn chỉnh. Những lân bang nào chưa hàng phục thì ngày nay phải hàng phục. Còn Quốc Gia nào đã hàng phục rồi thì ngày nay đặt nền thống trị.

Đại Thần Thiện Ý lại tâu Vua: Theo thiển ý của hạ thần, ngày nay đối với tất cả nước thù địch, tất cả đều đã hàng phục xong, không còn gì phải lo sợ, nên việc làm hôm nay của chúng ta là mặc tình thọ hưởng thú vui ngũ dục.

Đại Thần Nan Thắng lại tâu Vua: Đại Vương phải biết, ngũ dục là việc tầm thường, chúng ta thọ hưởng hằng ngày, có gì hy hữu, có gì đặc biệt?

Nhưng ngày nay Đại Vương tìm được một vị Sa Môn hay Bà La Môn trì giới tinh tấn, đầy đủ phạm hạnh, trí tuệ đa văn, nếu tìm được người như vậy, Đại Vương nên tôn thờ, cúng dường.

Tại sao phải làm như vậy?

Do vị này mang sự giác ngộ cho mọi người.

Quốc Vương liền bảo Đại Thần Nan Thắng: Chỉ có lời nói này của khanh là đại thiện, là hay hơn hết. Vậy nay khanh nên quan sát và dò xét tường tận, ở đâu có vị Sa Môn hay Bà La Môn tuyệt hảo, trì giới tinh tấn, trí tuệ đa văn như vậy, trẫm sẽ đến đó tôn thờ, cúng dường.

Đại Thần Tiền Ngôn liền thưa Nhà Vua: Nếu Đại Vương cần người như vậy thì nay hạ thần biết chỗ ở của một người như vậy. Hiện nay ở tại vườn Nai có một vị tinh tấn, đa văn tên là Ca Diếp, thuộc phái tu lõa hình. Người dạy nhiều pháp môn vi diệu. Đại Vương có thể đến đó tôn thờ.

Bây giờ Nhà Vua cho trang hoàng xe tứ mã hết sức lộng lẫy, rồi Nhà Vua ngồi trên xe với y phục màu trắng, thân mang chuỗi anh lạc bằng bạch ngọc. Quần thần hầu hạ hai bên cũng phục sức toàn thân màu trắng theo hầu Nhà Vua.

Chân Nhà Vua mang giày trắng, tay cầm thủ phất trắng, cán được nạm bằng ngọc ma ni trắng để tạo oai thế cho Nhà Vua. Đức Vua cùng các Quần Thần hộ vệ trước sau đồng đi đến chỗ tu sĩ lõa hình Ca Diếp. Khi đến nơi, Nhà Vua cung kính đảnh lễ rồi ngồi về một bên để thưa hỏi những điều chưa biết.

Trước hết Vua Ương Già Đà vấn an tôn sư Ca Diếp lõa hình: Thưa Tôn Giả, Tứ Đại có an ổn không?

Trải qua bốn mùa có hòa thuận không?

Đời sống vật chất có đầy đủ không?

Áo cơm được dễ dàng, không bị thiếu hụt phải không?

Không bị nhiễu loạn phải không?

Lúc ấy tôn sư Ca Diếp lõa hình liền trả lời Vua Ương Già Đà: Thưa Đại Vương, tôi nay hoàn toàn không bị thiếu thốn, thân tôi cũng được an ổn, không có bệnh hoạn.

Còn thân Đại Vương đi lại có được an hòa hay không?

Việc thiện lợi có tăng trưởng không?

Dân chúng trong nước có sung túc, an lạc không?

Việc chính trị của Nhà Vua thi hành có được nghiêm chỉnh công bằng không?

Sau khi Vua Ương Già Đà cùng Đạo Sư hỏi thăm sức khỏe, trong tâm Nhà Vua có điều nghi, người liền thưa hỏi: Thưa Tôn Giả, tất cả các vị Sa Môn, Bà La Môn đều có chủ thuyết riêng của mình. Vậy trong đó có gì chí chân, xin Tôn Giả hãy vì trẫm mà giải bày.

Khi nghe lời hỏi như vậy tôn sư Ca Diếp lõa hình, liền bảo Nhà Vua: Xin Đại Vương chú ý lắng nghe. Đây là nghĩa chân thật trong chỗ chí chân thật của giáo pháp.

Tôi nay sẽ nói mà trong đó có những câu kệ người độn căn không thể hiểu:

Thế gian tăm tối kẻ ngu si

Hoặc thật, hoặc hư, hoặc vọng ngữ

Do vì người đời không trí tuệ

Nói năng không thể luận rõ ràng.

Tất cả nghiệp nhân đều không có

Quả báo thiện ác cũng trống không.

Dạ Xoa các loài cũng chẳng thật

Huống lại Chư Thiên ở Cõi Trời.

Song thân Phụ Mẫu lại cũng không

Đời này đời sau đều dứt tuyệt

Tất cả Sa Môn, Bà La Môn

Hai hạng người này thảy đều không.

Sư trưởng thế gian lại không có

Lại không có gì để điều phục

Hạng người ngu si dạy người làm

Người trí nghe vậy tâm không phục.

Nếu hay khéo gạt lấy của người

Họ thật ngu si khoe rằng trí

Những gì phải chết nó tự chết

Bố thí rồi sau không quả báo.

Thân này tiếp diễn được thường tổn

Nếu nói đoạn diệt thật chẳng đúng

Bao nhiêu đất, nước và gió, lửa

Không khổ, không vui và khổ vui.

Thứ bảy là gốc của sinh mạng

Thứ này làm sao mà sát hại

Ở giữa thân căn và mạng sống

Binh khí từ trong tự vận hành.

Người ngu thế gian không hay biết

Nói rằng tánh mạng bị thương vong

Người ngu không trí sợ như vậy.

Nếu được mệnh danh người trí tuệ

Trải qua tám vạn bốn ngàn đời

Mới được thoát ra vòng luân chuyển

Như vậy phiền não mới diệt trừ.

Giáp vòng tám vạn bốn ngàn đời

Thời gian lưu chuyển không thay đổi

Giống như ba đào nương nước biển

Pháp ấy thứ lớp nói như vậy

Ngày nay Đại Vương cần phải biết.

Đai Thần Tiền Ngôn sau khi nghe bài kệ như vậy liền bạch đại.

Sư Ca Diếp lõa hình: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Thưa Đại Nhân Ca Diếp, đúng như lời Ngài đã nói.

Tại sao như vậy?

Thưa Tôn Giả, vì tôi biết đời trước của tôi: Nhớ thuở xưa tôi ở thành Câu Thiểm Di, từng làm kẻ đồ tể. Lúc ấy tôi sát hại vô lượng vô biên bò, trâu, dê, heo, dê đen, ngựa, bán thịt chúng để sinh sống.

Tôi tạo ác nghiệp như vậy, sau khi bỏ mạng ấy, nay được sinh vào nhà Đại Tướng đầy đủ của cải, vì cớ ấy nên tôi biết không có quả báo thiện ác. Lúc ấy vị Đai Thần thứ nhất của Vua Ương Già Đà tên là Nan Thắng đang đứng sau lưng Nhà Vua, nghe nói lời như vậy buồn khóc rơi lệ, nghẹn ngào ấm ức.

Vua Ương Già Đà mới hỏi Đại Thần: Vì cớ gì khanh buồn khóc như vậy?

Đại Thần Nan Thắng thưa: Tâu Đại Vương, Ngài phải biết ý nghĩa bài kệ của Đạo Nhân Ca Diếp và lời nói của Đại Thần Tiền Ngôn không sai. Đại Vương phải biết, hạ thần cũng nhớ trong thời quá khứ, ở tại thành Câu Thiểm Di, hạ thần đã từng làm vị Trưởng Giả, lại là đại thí chủ.

Có bao nhiêu tiền của đều phân phát cho người khác tiêu dùng và vào các ngày ba mươi, mùng tám, mười bốn và rằm của mỗi tháng không trăng và có trăng, luôn luôn thọ trì bát quan trai giới, siêng năng tinh tấn giữ gìn thân khẩu ý, hạ thần lúc ấy tạo nghiệp thanh tịnh như vậy.

Nay đầu thai trong nhà nô tỳ hạ tiện, lớn lên làm tôi tớ. Đại Vương phải biết, do đó hạ thần nghe lời nói của hai vị Đạo Nhân Ca Diếp và Đại Thần Tiền Ngôn, liền buồn khóc không cầm được nước mắt. Thế nên biết thế gian không có thiện đạo.

Vua Ương Già Đà nghe Đạo Nhân Ca Diếp lõa hình nói lời như vậy liền rời chỗ ngồi trở về Hoàng Cung.

Qua hôm sau nhóm họp tất cả Đại Thần bá quan mà bảo: Này ba Đại Thần và tất cả các khanh, ta nay tuyển chọn ba vị Đại Thần Nan Thắng, Thiện Ý và Tiền Ngôn làm người thay thế cho ta lo việc triều chính vì ba vị này trí tuệ thông minh. Từ nay trở đi, nếu có các việc thiện ác, trộm cắp xảy ra, nhớ chớ tâu ta.

Vua Ương Già Đà tuyên bố lời như vậy rồi, Nhà Vua vào sống trong một cung điện tên là Diệu Sắc. Nơi đây Nhà Vua trải qua bảy ngày mặc tình thọ hưởng thú vui ngũ dục.

Mãn sau bảy ngày, công chúa Ý Hỷ của Vua Ương Già Đà với y phục màu sắc sặc sỡ cùng với chuỗi anh lạc bằng bảy báu trang điểm trên thân, đi đến cung điện Diệu Sắc, nơi Phụ Vương đang ở. Đến nơi, công chúa đảnh lễ dưới chân Phụ Vương rồi lui ra ngồi một bên giữ vẻ im lặng.

Khi ấy Vua Ương Già bảo công chúa: Hay thay! Này ái nữ Ý Hỷ, con đã từng du ngoạn trong hoa lâm viên hay chưa?

Trong đó có nhiều hoa thơm cỏ lạ, cây côi nặng trĩu hoa quả, lại có nhiều cầm thú kêu hót.

Ý con có thích vào trong đó không?

Ý con muốn những gì hãy nói cho cha biết, cha sẽ làm vừa lòng con. Nhà Vua hỏi những sự cần dùng của công chúa như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần