Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Dặn Dò Và Giao Phó

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM HAI MƯƠI CHÍN

PHẨM DẶN DÒ VÀ GIAO PHÓ  

Bấy giờ Phật bảo Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Khi Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đắc sáu trăm vạn pháp môn tam muội rồi, liền thấy Chư Phật hằng hà sa thế giới khắp mười phương, cùng cả chúng Đại Tỳ Kheo cung kính vây quanh và tất cả đều dùng văn tự, chương cú, tướng mạo để nói bát nhã Ba la mật.

Cũng như hiện nay ta đang ở trong tam thiên đại thiên thế giới này cùng cả các đại chúng cung kính vây quanh đều dùng văn tự, chương cú, tướng mạo để nói bát nhã Ba la mật đó vậy.

Từ đó về sau, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân được trí tuệ đa văn không thể nghĩ bàn, như nước trong biển lớn, đời đời sinh ra chỗ nào cũng không bao giờ xa lìa Chư Phật. Trong đời hiện tại, vị ấy thường sinh ra chỗ Chư Phật và đoạn trừ tất cả các nạn.

Này Tu Bồ Đề! Ông phải biết nhờ nhân duyên của bát nhã Ba la mật này mà vị ấy mới đầy đủ đạo Bồ Tát.

Thế nên, các Bồ Tát nào muốn được tất cả trí tuệ thì phải tin hiểu và thọ trì bát nhã Ba la mật rồi đọc tụng, nhớ nghĩ chân chánh và thực hành đúng như pháp cùng đem giảng nói rộng rãi cho mọi người. Cũng nên hiểu rõ việc biên chép quyển Kinh, rồi đem các thứ hoa hương, anh lạc, hương bột, hương xoa, tràng phan và trổi các thứ kỹ nhạc để cung kính cúng dường, tôn trọng và ngợi khen. Đó là lời dạy của ta.

Khi ấy Phật bảo A Nan: Ý ông thế nào?

Phật là Đại Sư của ông phải không?

A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Phật là Đại Sư của con. Như Lai là Đại Sư của con.

Phật bảo A Nan: Ta là Đại Sư của ông, ông là đệ tử của ta. Nếu ngay trong đời hiện tại này, ông đem ba nghiệp thân, khẩu, ý để cúng dường, cung kính và tôn trọng ta thì sau khi ta diệt độ, ông cũng phải lấy đó mà cúng dường, cung kính và tôn trọng bát nhã Ba la mật như vậy!

Phật nói như thế lần thứ hai, lần thứ ba rồi bảo: Này A Nan! Nay ta đem bát nhã Ba la mật này phó chúc cho ông, ông hãy cẩn thận giữ gìn, chớ để quên mất. Đừng làm người đoạn mất hạt giống sau cùng.

Này A Nan! Cứ theo thời gian nào bát nhã Ba la mật còn ở đời thì ông phải biết lúc đó sẽ có Phật ở đời thuyết pháp.

Này A Nan! Nếu có người nào biên chép bát nhã Ba la mật, rồi thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ chân chánh, thực hành đúng như pháp và thuyết giảng rộng rãi cho mọi người thì người ấy đã đem hoa hương, cho đến trổi các kỹ nhạc để cung kính, cúng dường, tôn trọng và ngợi khen bát nhã Ba la mật. Phải biết người này thường được gặp Phật, thường được nghe pháp và thường gần gũi Phật.

Đức Phật nói bát nhã Ba la mật xong, các Đại Bồ Tát như Đức Di Lặc…, các chúng Thanh Văn như Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp…, trong thế gian tất cả Trời, Người, A Tu La…, nghe Đức Phật thuyết pháp rồi liền hoan hỷ và tin thọ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần