Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Cung Kính Bồ Tát

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

PHẨM CUNG KÍNH BỒ TÁT  

Đức Phật bảo A Nan: Này A Nan! Nếu Bồ Tát không lìa hạnh bát nhã Ba la mật thì ác ma sẽ buồn khổ, giống như bị tên bắn vào tim, nên chúng liền phóng mưa đá, sấm chớp muốn làm cho vị Bồ Tát đó hoảng sợ rợn cả người, làm cho tâm vị ấy bị thoái lui Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, cho đến một niệm cũng bị thác loạn.

Này A Nan! Ác ma không cần phải làm não loạn tất cả Bồ Tát đó.

Bạch Thế Tôn! Những Bồ Tát nào bị ác ma làm não loạn?

Này A Nan! Có Bồ Tát đời trước nghe nói pháp bát nhã Ba la mật mà không thể tin hiểu và thọ trì thì người ấy sẽ bị ác ma làm não loạn.

Lại nữa, này A Nan! Nếu Bồ Tát khi nghe pháp bát nhã Ba la mật thâm sâu lại sinh tâm nghi ngờ: Không biết là có bát nhã Ba la mật thâm sâu ấy hay không.

A Nan! Bồ Tát như vậy cũng bị ác ma làm não loạn.

Lại nữa, này A Nan! Nếu Bồ Tát xa lìa vị thiện tri thức, bị lệ thuộc ác tri thức nên Bồ Tát này không nghe thật nghĩa thâm sâu trong bát nhã Ba la mật.

Do không nghe nên vị ấy không thấy và không biết phải hành bát nhã Ba la mật như thế nào?

Tu tập bát nhã Ba la mật ra sao?

A Nan! Bồ Tát này bị ác ma làm não loạn.

Lại nữa, này A Nan! Nếu Bồ Tát thọ trì pháp sai lầm thì vị ấy cũng bị ác ma làm não loạn.

Ác ma ấy nghĩ: Người này đã giúp đỡ ta, cũng có thể làm cho người khác giúp đỡ ta. Thế là nguyện của ta đã thành tựu.

A Nan! Người này cũng bị ác ma làm não loạn.

Lại nữa, này A Nan! Thế nào là Bồ Tát làm cho ác ma được dịp thuận tiện?

Nếu có Bồ Tát nghe bát nhã Ba la mật rồi đi nói với Bồ Tát khác: bát nhã Ba la mật thâm sâu đó chúng tôi còn chưa có thể hiểu hết, các người nghe để làm gì?

Người ấy sẽ bị ác ma làm não loạn.

Này A Nan! Nếu có Bồ Tát khinh các Bồ Tát khác: Tôi là người tu hạnh viễn ly, còn các người thì không có những công đức này. Khi ấy, bọn ác ma rất vui mừng và phấn khởi.

Này A Nan! Nếu có Bồ Tát được ác ma khen ngợi danh hiệu của mình, do được khen danh hiệu ấy nên vị ấy khinh chê các Bồ Tát khác có thiện tâm thanh tịnh.

Những hạng ấy không có tướng mạo và công đức bậc không thoái chuyển mà dối trá nói rằng mình có công đức không thoái chuyển, chỉ tăng thêm phiền não, rồi họ tự đề cao mình mà khinh khi người khác: Chỉ có tôi mới được công đức ấy, còn ông thì không có việc đó.

Khi ấy ác ma rất vui mừng và nghĩ: Cung điện của ta sẽ không trống rỗng và địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sẽ tăng thêm.

A Nan! Do ác ma gia tăng thêm thần lực của mình vào lời nói của Bồ Tát ấy nên mọi người nghe đều tin thọ.

Tin thọ rồi, họ học theo cái mình thấy và thực hành theo lời nói của Bồ Tát ấy. Khi họ học theo cái mình thấy và thực hành theo lời nói ấy rồi họ càng tăng thêm phiền não. A Nan, những người như vậy do tâm họ điên đảo mà gây ra từ nghiệp thân, khẩu, ý mới đưa đến quả báo chịu khổ não. Vì lý do đó mà địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh càng tăng thêm.

Này A Nan! Ác ma thấy lợi ích ấy nên chúng rất vui mừng.

Này A Nan! Nếu Bồ Tát cầu Phật đạo mà cùng tranh cãi với các vị Thanh Văn thì ác ma sẽ nghĩ: Người này tuy xa lìa nhất thiết trí mà thật sự chưa xa lìa.

A Nan! Bồ Tát nào cùng tranh cãi với Bồ Tát khác thì bọn ác ma rất vui mừng và nghĩ: Người này xa lìa nhất thiết trí, nhưng không thường xa lìa.

A Nan! Nếu ai chưa được thọ ký Bồ Tát mà sân giận với người đã được thọ ký, rồi cùng nhau tranh cãi, ác khẩu, mắng nhiếc. Nếu người ấy còn luyến tiếc nhất thiết trí thì cứ theo một niệm họ khởi lên như vậy sẽ diệt trừ một kiếp. Như vậy, người ấy mới được phát đại trang nghiêm trở lại.

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người mắc tội như vậy có thể sám hối được không?

Và cần phải giảm bớt bao nhiêu kiếp theo từng niệm ấy thì họ mới phát đại trang nghiêm trở lại?

Phật dạy: Này A Nan! Ta nói có phương pháp xuất tội cho Bồ Tát và Thanh Văn chứ không phải không có.

A Nan! Nếu Bồ Tát cùng tranh cãi với Bồ Tát khác, ác khẩu mắng chửi nhau, không xin lỗi nhau mà kết hận trong lòng thì ta không nói có phương pháp xuất tội cho người này. Người này nếu còn luyến tiếc nhất thiết trí thì phải giảm hết số kiếp theo niệm ác đó thì họ mới phát đại trang nghiêm trở lại.

Này A Nan! Nếu Bồ Tát cùng tranh cãi với Bồ Tát khác, ác khẩu mắng chửi rồi hối hận xin lỗi nhau, sau đó không còn tái phạm nữa và nghĩ: Ta nên nhường nhịn với tất cả chúng sinh. Nếu ta còn sân giận tranh cãi thì chỉ thêm oán hận cho người còn bị tội lớn.

Ta nên làm chiếc cầu cho tất cả chúng sinh, với Bồ Tát khác ta còn chưa dám khinh khi, huống gì gây thêm sự thù oán. Ta nên giống như người đui điếc để không bị tổn hại thâm tâm của mình. Khi được chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác ta sẽ độ cho họ thì tại sao ta còn nổi sân hận với họ để tổn hại cho mình chứ.

Này A Nan! Người nào cầu Bồ Tát đạo thì đối với hàng Thanh Văn cho đến một niệm cũng không nên sân giận.

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát cùng sống chung với Bồ Tát khác thì phải như thế nào?

Phật dạy: Này A Nan! Nếu Bồ Tát cùng sống chung với Bồ Tát khác thì phải xem nhau như Phật, như Đại Sư của mình, phải đồng ngồi một xe, phải cùng đi một đường. Nếu người kia học thứ gì thì ta học thứ ấy. Người kia nếu học tạp nhạp thì ta không nên học theo. Nếu người kia học thanh tịnh hợp với niệm nhất thiết trí thì ta cũng nên học như vậy. Bồ Tát nào học như vậy thì gọi là đồng học.

Khi ấy, Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát nào học vô tận là học nhất thiết trí.

Học vô sinh, học viễn ly, học tịch diệt cũng là học nhất thiết trí?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Như lời ông nói, Bồ Tát học vô tận là học nhất thiết trí, học vô sinh, học viễn ly, học tịch diệt là học nhất thiết trí chăng.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Nếu Như Lai dùng Như để được gọi là Như thì Như đó chẳng phải vô tận, chẳng phải viễn ly và chẳng phải tịch diệt ư?

Bạch Thế Tôn, đúng vậy!

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát học như vậy gọi là học nhất thiết trí, học nhất thiết trí là học bát nhã Ba la mật, học Phật địa mười lực của Phật, bốn vô sở úy, học mười tám pháp bất cộng.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào học như vậy thì sẽ đạt đến cái học bờ bên kia. Nếu Bồ Tát học như vậy thì ma và dân ma không thể hàng phục.

Vị nào học như vậy thì sẽ mau chứng địa vị không thoái chuyển, học như vậy sẽ mau ngồi Đạo Tràng, học như vậy là học chỗ tự mình thực hành, học như vậy là học pháp cứu hộ, học như vậy là học đại từ, đại bi, học như vậy là học ba chuyển và mười hai tướng pháp luân, học như vậy là học độ chúng sinh, học như vậy là học không đoạn mất hạt giống Phật, học như vậy là học mở cửa cam lồ.

Này Tu Bồ Đề! Đối với hạng phàm phu còn thấp kém thì không thể nào học được như vậy. Nếu Bồ Tát muốn điều ngự tất cả chúng sinh thì phải học như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào học như vậy sẽ không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng không sinh vào nơi biên địa, người học như vậy sẽ không sinh vào dòng họ Chiên Đà La, không sinh vào nhà tranh lá, không sinh vào nhà hốt phân dơ, không sinh vào các nhà nghèo hèn khác.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào học như vậy thì không bị đui mù, lé, không bị tật lùn, câm, ngọng, đần độn, tàn tật mà thân thể được đầy đủ.

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát học được như vậy thì không đoạt mạng sống của người khác, không trộm cướp vật của người khác, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói lời vô ích, không tham lam ganh ghét, không sân giận, không tà kiến, không sống bằng nghề tà mạng, không nuôi quyến thuộc tà kiến và không nuôi quyến thuộc phá giới.

Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát học như vậy thì không sinh lên Cõi Trời Trường Thọ nữa.

Vì sao vậy?

Vì Bồ Tát này đã thành tựu sức phương tiện.

Những gì là phương tiện?

Đó gọi là từ bát nhã Ba la mật khởi lên. Tuy nhập vào thiền nhưng không theo thiền sinh ra.

Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát học như vậy thì sẽ đạt được lực thanh tịnh và vô úy thanh tịnh của Phật.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp vốn là tướng thanh tịnh thì Bồ Tát sẽ đạt được những pháp thanh tịnh gì?

Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Nếu tất cả pháp vốn là tướng thanh tịnh thì Bồ Tát sẽ ở trong pháp tướng thanh tịnh đó thực hành bát nhã Ba la mật mà không hề khinh nghi, sợ sệt, không thoái lui. Đó gọi là bát nhã Ba la mật thanh tịnh.

Tu Bồ Đề! Hạng phàm phu không thấy, không biết tất cả pháp vốn là tướng thanh tịnh. Thế nên, hàng Bồ Tát nỗ lực tinh tấn theo học trong pháp đó mới đạt được thanh tịnh các lực và các sự không sợ hãi.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào học như vậy thảy đều có thể thông đạt tất cả sự hoạt động của tâm và tâm sở của chúng sinh.

Tu Bồ Đề! Ví như ít có chỗ đất sinh ra vàng Diêm Phù Đàn, trong số đông chúng sinh rất ít người có thể học theo bát nhã Ba la mật như vậy. Ví như ít có chúng sinh có thể tạo nghiệp để làm Vua chuyển luân, phần nhiều chúng sinh chỉ tạo nghiệp để làm Vua các nước nhỏ.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Ít có chúng sinh có thể thực hành đạo bát nhã Ba la mật, phần nhiều chỉ phát tâm Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Tu Bồ Đề! Ít có chúng sinh có thể phát tâm học Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Ở trong số người học Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì có ít người có thể thực hành đúng như pháp. Đối với số người thực hành đúng như pháp thì ít có người có thể học theo bát nhã Ba la mật. Ở trong số người học bát nhã Ba la mật thì ít có người nào đạt được địa vị không thoái chuyển.

Thế nên, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào muốn trở thành người ít nhất trong số ít đó thì phải học bát nhã Ba la mật và phải tu tập bát nhã Ba la mật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần