Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Một - Phẩm Tựa - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM MỘT
PHẨM TỰA
TẬP HAI
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Bồ Tát học như vậy, cũng không học nhất thiết trí, học như vậy cũng gọi là học nhất thiết trí, thành tựu nhất thiết trí.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có ai hỏi người huyễn học nhất thiết trí sẽ thành tựu nhất thiết trí không thì con sẽ trả lời như thế nào?
Đức Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ta hỏi ông tùy ý trả lời.
Ý ông thế nào?
Huyễn khác sắc, sắc khác huyễn, huyễn khác thọ, tưởng hành, thức không?
Tu Bồ Đề thưa: Huyễn không khác sắc, sắc không khác huyễn, huyễn tức là sắc, sắc tức là huyễn, huyễn không khác thọ, tưởng, hành, thức. Thức không khác huyễn, huyễn tức là thức, thức tức là huyễn.
Đức Phật bảo: Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Năm thọ ấm gọi là Bồ Tát được không?
Tu Bồ Đề bạch Phật: Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát học Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, nên học như người huyễn.
Vì sao vậy?
Phải biết năm ấm tức là huyễn.
Vì sao?
Vì nói sắc như huyễn, nói thọ, tưởng, hành, thức như huyễn, thức là lục tình năm ấm.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát mới phát tâm nghe lời nói đó sẽ không kinh sợ và thoái lui chăng?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu người mới phát tâm Bồ Tát, theo ác tri thức thì sẽ kinh sợ mai một, thoái thất, nếu gần gũi bạn lành được nghe lời nói ấy thì không kinh sợ mai một, thoái thất.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Những gì là bạn ác của Bồ Tát?
Phật dạy: Những ai dạy ta xa lìa bát nhã Ba la mật làm cho không ưa thích bồ đề. Lại dạy ta tập tánh chấp giữ hình tướng, phân biệt trang sức những bài tụng văn hoa hòe. Lại dạy ta học Kinh Pháp Thanh Văn và Bích Chi Phật, làm các việc ma. Đây gọi là bạn ác của Bồ Tát.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Những gì là bạn lành của Bồ Tát.
Phật dạy: Người nào dạy ta học bát nhã Ba la mật là chỉ cho ta việc ma và các tai họa của ma. Sau đó dạy ta xa lìa các việc ma và các tai họa của ma.
Này Tu Bồ Đề! Đây gọi là bạn lành của Đại Bồ Tát phát tâm đại thừa và đại trang nghiêm.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Gọi là Bồ Tát, vậy Bồ Tát có ý nghĩa gì?
Đức Phật dạy: Đó là người học tất cả pháp không chướng ngại và cũng biết tất cả pháp như thật là nghĩa Bồ Tát.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu biết tất cả pháp thì gọi là nghĩa của Bồ Tát, còn nghĩa gì gọi là Ma Ha Tát?
Đức Phật dạy: Làm người đứng đầu đại chúng nên gọi là nghĩa Ma Ha Tát.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con muốn nói về nghĩa Ma Ha Tát.
Đức Phật bảo: Con hãy nói đi.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bồ Tát nào thuyết ra pháp để đoạn trừ ngã kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, nhân kiến, hữu kiến, vô kiến, đoạn kiến, thường kiến… và đó gọi là nghĩa Ma Ha Tát. Tâm không chấp trước trong pháp đó gọi là nghĩa Ma Ha Tát.
Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Tại sao đối với sự việc này tâm không chấp trước.
Tu Bồ Đề thưa: Không tâm cho nên trong sự việc này tâm không chấp trước.
Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát phát tâm đại thừa đại trang nghiêm. Đó gọi là nghĩa Ma Ha Tát.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đã nói là Bồ Tát phát khởi đại trang nghiêm.
Vì sao gọi là phát khởi đại trang nghiêm?
Đức Phật dạy: Bồ Tát suy nghĩ: Ta nên độ vô lượng, vô biên, vô số chúng sinh. Độ chúng sinh rồi, không có chúng sinh diệt độ.
Vì sao?
Vì tướng của các pháp như vậy.
Ví như nhà ảo thuật đứng ngã tư đường hóa làm những người bị đứt đầu, ý ông thế nào?
Há có người bị thương hay bị chết không?
Tu Bồ Đề thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn!
Đức Phật dạy: Bồ Tát cũng như vậy. Độ vô lượng, vô số chúng sinh rồi, không có chúng sinh diệt độ, hoặc Bồ Tát nghe việc này rồi không lo, không sợ, nên biết Bồ Tát này phát đại trang nghiêm.
Tu Bồ Đề thưa: Như con hiểu rõ giáo nghĩa của Đức Phật thuyết ra nên biết đây là Bồ Tát phát đại trang nghiêm, mà tự trang nghiêm mình.
Vì sao vậy?
Nhất thiết trí là pháp không tạo tác, cũng không dấy khởi, nhưng vì chúng sinh nên phát khởi đại trang nghiêm. Chúng sinh này cũng là pháp không làm không phát sinh.
Vì sao vậy?
Vì sắc không trói, không mở, nên thọ, tưởng, hành, thức cũng không trói, không mở.
Phú Lâu Na nói với Tu Bồ Đề: Sắc không trói, không mở.
Thọ, tưởng, hành, thức không trói, không mở phải không?
Tu Bồ Đề nói: Sắc không trói, không mở. Thọ, tưởng, hành, thức không trói, không mở.
Phú Lâu Na nói: Những gì là sắc không trói, không mở?
Những gì là thọ, tưởng, hành, thức không trói, không mở?
Tu Bồ Đề nói: Sắc của người huyễn này không trói, không mở. Thọ, tưởng, hành, thức của người huyễn là không trói, không mở. Không chỗ có nên không trói, không mở. Xa lìa nên không trói, không mở. Vô sinh nên không trói không mở. Đó gọi là Bồ Tát phát đại trang nghiêm mà tự trang nghiêm mình.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại thừa?
Thế nào là Bồ Tát có xu hướng đại thừa?
Thừa này trụ ở chỗ nào và từ đâu mà ra?
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Đại thừa là không có lường, không đếm được.
Thừa này từ chỗ nào mà ra?
Trụ ở chỗ nào?
Thừa này ở trong ba cõi mà ra, ở nơi nhất thiết trí. Không thừa chính là nơi xuất ra thừa.
Vì sao?
Vì pháp xa lìa và người xa lìa đều không sở hữu thì pháp nào không xa lìa.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ma Ha Diễn nghĩa là vượt lên tất cả thế gian Trời, Người, A tu la.
Bạch Thế Tôn! Ma Ha Diễn sánh bằng với hư không. Như hư không thọ nhận vô lượng, vô số chúng sinh. Ma Ha Diễn cũng như vậy, thọ nhận vô lượng chúng sinh, như hư không, không có chỗ đến, chỗ đi, chỗ dừng lại. Ma Ha Diễn cũng vậy, không phân biệt đời trước, đời giữa và đời sau. Vì vậy gọi là Ma Ha Diễn.
Đức Phật khen ngợi Tu Bồ Đề: Lành thay, lành thay! Các vị Đại Bồ Tát Ma Ha Diễn đúng như lời ông nói.
Lúc ấy Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài bảo Tu Bồ Đề thuyết bát nhã Ba la mật mới nói là Ma Ha Diễn.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Điều con nói đó không xa lìa bát nhã Ba la mật chăng?
Không, Tu Bồ Đề! Lời ông đã nói tùy thuận với bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Con không có được các Bồ Tát ở đời quá khứ, cũng không thấy có được các Bồ Tát ở đời hiện tại, đời vị lai. Sắc là vô biên nên Bồ Tát cũng vô biên. Thọ, tưởng, hành, thức vô biên nên Bồ Tát cũng vô biên.
Bạch Thế Tôn! Như thế tất cả nơi chốn, tất cả thời gian, tất cả chủng loại, Bồ Tát không thể có được, vậy nên dạy bát nhã Ba la mật cho Bồ Tát nào. Con không thể không thấy Bồ Tát, vậy nên dạy pháp nào mà vào bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Gọi là Bồ Tát thì chỉ có danh tự. Ví như đã nói ngã, pháp ngã nhưng rốt ráo là không sinh.
Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp tánh cũng như vậy. Những gì ở trong đây là sắc, thì không chấp trước, không sinh thọ, tưởng, hành thức nào là không trước không sinh. Sắc là Bồ Tát thì không thể được. Thọ, tưởng, hành, thức là Bồ Tát thì không thể được, không thể được cũng không thể được.
Bạch Thế Tôn! Tất cả xứ, tất cả thời, tất cả các Bồ Tát không thể có được. Vậy nên dạy pháp nào mà vào bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Bồ Tát chỉ có danh tự như ngã rốt ráo không sinh, các pháp tánh cũng như vậy. Ở đây những gì là sắc thì không chấp trước không sinh. Những gì là thọ, tưởng, hành, thức thì không chấp trước không sinh. Các pháp tánh cũng như vậy, tánh này cũng không sinh, không sinh cũng không sinh.
Bạch Thế Tôn! Con dạy các pháp không sinh vào bát nhã Ba la mật có được không?
Vì sao?
Vì xa lìa pháp không sinh, thì không thể được Bồ Tát thực hành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Nếu Bồ Tát nghe nói như vậy mà không lo sợ, nên biết Bồ Tát này thực hành bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Bồ Tát khi thực hành bát nhã Ba la mật, quán sát như vậy thì các pháp đối với pháp không chấp nhận là sắc.
Vì sao?
Vì sắc không sinh thì chẳng phải là sắc, sắc không diệt thì chẳng phải là sắc, không sinh, không diệt, không hai, không phân biệt. Nếu nói sắc tức là pháp không hai.
Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật này không thọ nhận thọ, tưởng, hành, thức.
Vì sao?
Vì thức không sinh, tức chẳng phải là thức, thức không diệt tức chẳng phải là thức, không sinh, không diệt, không hai không phân biệt, nếu nói thức tức là pháp không hai.
Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Như tôi hiểu rõ nghĩa Tu Bồ Đề nói. Bồ Tát tức là không sinh. Nếu Bồ Tát là không sinh.
Vì sao vậy?
Vì chúng sinh mà thọ nhận hành động khó làm nên chịu khổ não.
Tu Bồ Đề nói: Ta không muốn cho Bồ Tát có hành động khó làm.
Vì sao?
Vì sinh ý tưởng khó làm và ý tưởng khổ hạnh, nên không có thể lợi ích, cho vô lượng, vô số chúng sinh. Đối với chúng sinh phải sinh ý nghĩ dễ dãi, ưa thích, như cha mẹ, như con, như của mình thì có thể làm lợi ích cho vô lượng, vô số chúng sinh. Như pháp của ta, tất cả xứ, tất cả thời, tất cả các loại đều không thể được. Bồ Tát nên sinh ý nghĩ đối với pháp trong ngoài như vậy. Nếu Bồ Tát dùng tâm thực hành như vậy gọi là khó làm.
Như Xá Lợi Phất đã nói: Bồ Tát không sinh.
Như thế Xá Lợi Phất, Bồ Tát thật không sinh!
Xá Lợi Phất nói: Chỉ vì Bồ Tát không sinh nên nhất thiết trí cũng không sinh.
Tu Bồ Đề nói: Nhất thiết trí cũng không sinh.
Xá Lợi Phất nói: Nhất thiết trí không sinh thì phàm phu cũng không sinh.
Tu Bồ Đề nói: Phàm phu cũng không sinh.
Xá Lợi Phất nói với Tu Bồ Đề: Nếu Bồ Tát không sinh thì pháp Bồ Tát cũng không sinh. Nhất thiết trí không sinh thì pháp nhất thiết trí cũng không sinh. Phàm phu không sinh thì pháp phàm phu cũng không sinh. Nay vì không sinh đắc không sinh nên Bồ Tát chứng đắc nhất thiết trí.
Tu Bồ Đề nói: Ta không muốn làm cho pháp vô sinh có chỗ chứng đắc.
Vì sao?
Vì pháp vô sinh không có chỗ chứng đắc.
Xá Lợi Phất nói: Sinh của sinh và sinh của vô sinh, lời ông nói đó là sinh hay là vô sinh.
Tu Bồ Đề nói: Các pháp vô sinh, lời nói cũng vô sinh, nhạo thuyết ưa thích thuyết pháp cũng vô sinh, như thế là vui thích thuyết pháp.
Xá Lợi Phất nói: Lành thay, lành thay, này Tu Bồ Đề! Ở trong số người thuyết pháp, ông là người thuyết pháp bậc nhất.
Vì sao?
Này Tu Bồ Đề! Vì tùy theo điều tôi hỏi, ông đều có khả năng trả lời.
Tu Bồ Đề nói: Pháp là như vậy, đệ tử của Chư Phật nương nơi pháp không y chỉ mà trả lời câu hỏi.
Vì sao?
Vì tất cả pháp không định.
Xá Lợi Phất nói: Lành thay, lành thay! Đây là năng lực của Ba la mật nào?
Tu Bồ Đề nói: Đây là năng lực của bát nhã Ba la mật.
Xá Lợi Phất nói: Khi Bồ Tát nghe nói và bàn luận như vậy, không nghi ngờ, không hối hận, không lấy làm khó, nên biết: Bồ Tát hành đúng hạnh này, không rời niệm này.
Xá Lợi Phất nói: Nếu Bồ Tát không xa lìa hạnh này, không xa lìa ý nghĩ này. Tất cả chúng sinh cũng không xa lìa hạnh này không xa lìa ý nghĩ này. Tất cả chúng sinh cũng sẽ là Bồ Tát.
Vì sao?
Vì chúng sinh không xa lìa ý nghĩ này.
Tu Bồ Đề nói: Lành thay, lành thay, Xá Lợi Phất! Ông muốn xa lìa ngã mà thành tựu nghĩa ngã.
Vì sao vậy?
Vì chúng sinh không có tánh, nên biết niệm không có tánh. Chúng sinh xa lìa nên niệm cũng xa lìa. Chúng sinh không nắm bắt được nên niệm cũng không nắm bắt được.
Này Xá Lợi Phất! Tôi muốn làm cho Bồ Tát dùng niệm này để thực hành bát nhã Ba la mật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Dụ Hoa Hương - Thí Dụ Hai Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Khen Ngợi Công đức Của Chư Phật - Phần Một
Phật Thuyết Những Kinh Do Tăng Già La Sát Tập Thành - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tứ đồng Tử Tam Muội - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Năm - Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký - Phần Hai