Phật Thuyết Kinh Tọa Thiền Tam Muội - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TỌA THIỀN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN BA  

Hỏi: Tất cả người trí là minh. Tất cả người ngu là vô minh.

Trong đó, thế nào là vô minh?

Đáp: Vô minh là không biết gì hết. Vô minh ở đây là có thể tạo sinh tử cho đời sau. Việc có cho là không, việc không cho là có, bỏ các pháp thiện, giữ lấy các pháp ac, phá các tướng chân thật, chấp vào tướng hư vọng.

Như trong phẩm vô minh tướng đã nêu:

Không biết pháp lợi ích

Không hiểu nẻo đạo đức

Nên tạo nhân kết sử

Như lửa cọ xát sinh.

Pháp ác mà tâm chấp

Lìa bỏ các pháp lành

Đoạt chúng sinh, rõ giặc

Suốt quá khứ, vị lai.

Tưởng, thường, lạc, ngã, tịnh

Chấp nơi thân năm ấm

Pháp khổ, tập, diệt, đạo

Cũng lại không thể biết.

Đường hiểm nhiều khổ não

Người mù đi trong đó

Phiền não: Nghiệp chứa nhóm

Nên nghiệp khổ xoay vần.

Không nên lấy, lại lấy

Nên lấy lại xả bỏ

Theo tối, đi sai đường

Vấp cây, liền té ngã.

Có mặt mà không trí

Dụ này cũng như vậy

Nhân duyên kia tiêu diệt

Trí sáng mới hiển bày.

Như thế, lược nêu từ vô minh cho đến lão tử cũng như vậy.

Hỏi: Trong Phật Pháp, lý nhân duyên là rất sâu xa, vậy làm sao người nhiều ngu si có thể quán xét về nhân duyên được?

Đáp: Có hai hạng người ngu si: Một là như súc vật. Hai là nhiều tà kiến, là người ngu si bị tà kiến mê lầm tối tăm che lấp.

Đức Phật vì hạng người này mà thuyết giảng pháp quán nhân duyên để tu tập tam muội.

Thứ tư: Pháp môn đối trị lo nghĩ.

Nếu người nhiều lo nghĩ thù nên tu tập pháp môn tam muội quán hơi thở.

Có ba hạng người tu học: Người mới tu tập, người đã tu tập và người đã tu tập lâu ngày.

Nếu người mới tu tập thì nên dạy: Nhất tâm đếm hơi thở ra vào, hoặc dài hoặc ngắn, đếm từ một đến mười.

Nếu người đã tu tập thì nên dạy: Đếm hơi thở từ một đến mười, tùy theo hơi thở ra vào, niệm cùng với hơi thở, dưng tâm ở một chỗ.

Nếu người đã tu tập lâu ngày thì nên dạy các pháp: Sổ, tùy, chỉ, quán, chuyển quán và thanh tịnh.

Tam Muội quán hơi thở sáu pháp, chia làm mười sáu đề mục.

Thế nào là nhất tâm đếm hơi thở vào?

Hơi thở vào xong thì đếm một. Hơi thở ra xong thì đếm hai. Nếu thở chưa xong mà đếm thì chẳng phải là sổ. Nếu đếm từ hai đến chín mà lẫn lộn thì phải đếm lại từ đầu là một.

Ví như người tính toán: Một cộng một bằng hai, hai cộng hai bằng bốn, ba nhân ba bằng chín.

Lại hỏi: Vì sao phải đếm?

Đáp: Vì quán vô thường dễ đạt được, cũng dễ dứt trừ các suy nghĩ,

nên được nhất tâm. Thân tâm sinh diệt vô thường, giống như liên tục nên khó thấy. Nhờ hơi thở ra vào mà sinh diệt vô thường dễ biết, dễ thấy. Lại nữa, nếu tâm buộc ở chỗ đếm hơi thở thì dứt trừ được những suy nghĩ. Đó là suy nghĩ về dục, về giận dữ, về phiền não, suy nghĩ về bà con, xóm làng, về đất nước, về sự bất tử.

Người muốn cầu tâm thanh tịnh để hội nhập chánh đạo thì trước hết phải trừ bỏ ba thứ lo nghĩ thô, rồi đến trừ bỏ ba thứ lo nghĩ vi tế. Trừ bỏ sáu thứ suy nghĩ đó rồi thì sẽ được tất cả pháp thanh tịnh. Ví như người đãi vàng, trước hết lựa bỏ những viên sỏi lớn, sau đó loại bỏ cát sạn nhỏ, rồi mới được những hạt vàng.

Lại hỏi: Thế nào là bệnh thô?

Thế nào là bệnh tế?

Đáp: Suy nghĩ về dục, về giận dữ, về phiền não gọi là ba bệnh thô. Lo nghĩ về bà con, về xóm làng, đất nước, về sự bất tử, gọi là ba bệnh tế.

Trừ bỏ hết những thứ lo nghĩ này thì sẽ đạt được tất cả các pháp thanh tịnh.

Lại hỏi: Người chưa đắc đạo, các kết sử chưa đoạn trừ, sáu thứ suy nghĩ mạnh mẽ từ tâm dấy khởi, tạo loạn động, thì làm sao có thể đoạn trừ?

Đáp: Tâm nhàm chán thế gian, tu quán chân chánh thì có thể ngăn chận mà chưa nhổ sạch. Sau khi chứng đạo vô lậu mới có thể nhổ sạch hết mọi gốc rễ kết sử.

Hỏi: Thế nào là quán chân chánh?

Đáp: Thấy người nhiều dục, cầu dục khổ

Được rồi giữ gìn, cũng là khổ

Mất đi lo buồn, là khổ lớn

Khi tâm được dục, vẫn còn khổ?

Nhân của dục, vô thường, khổ, không

Đủ các thứ ấy, biết nên bỏ

Như rắn độc vào nơi nhà người

Không mau diệt nó, tất bị hại.

Không định, không thật, không quý trọng

Cầu mong đủ thứ vui điên đảo

Như A La Hán đủ sáu thông

Dạy bảo đệ tử biết các dục.

Ông không phá giới, giới thanh tịnh

Không cùng người nữ ở chung phòng

Rắn độc tham dục đầy nhà tâm

Vui, ái trói buộc chẳng lìa nhau.

Đã biết giới thân không phá hủy

Tâm ông cùng lửa dục ở chung

Ông là người xuất gia cầu đạo

Sao tâm phóng dật đến như vậy?

Cha Mẹ sinh ra, nuôi dưỡng ông

Thân thuộc yêu thương, cùng tác thành

Họ đều rơi lệ thương tiếc ông

Ông đành xa lìa không đoái tưởng.

Mà tâm luôn nghĩ nhớ đến dục

Vui đùa cùng dục, không nhàm chán

Thường thích cùng ở chung lửa dục

Vui vẻ, yêu thích, không hề lìa.

Như thế là các cách chê trách tham dục và những pháp quán chân chánh để diệt trừ tham dục.

Hỏi: Thế nào là diệt trừ suy nghĩ về giận dữ?

Đáp: Thọ thai, sinh ra luôn bị khổ.

Như vậy chúng sinh chớ giận dữ

Nếu giận khởi lên, từ bi diệt

Từ bi, sân giận không cùng sánh.

Ông niệm từ bi, giận dữ dứt

Ví như sáng tối không cùng chung

Nếu giữ giới tịnh, nhớ sân giận

Người đó tự hủy hoại pháp lợi.

Ví như đàn voi vào nước tắm

Lại lấy đất bùn trây khắp thân

Tất cả đều bị già, bệnh, chết

Vô số roi đánh trăm ngàn khổ.

Vì sao người hiền nhớ chúng sinh

Mà lại tăng thêm lòng giận dữ

Nếu khởi tâm sân muốn hại người

Chưa hại được người, trước hại mình.

Nên thường nhớ nghĩ hành từ bi

Trong không sinh niệm ác, sân, não

Người luôn nhớ nghĩ hành pháp thiện

Tâm ấy thường làm điều Phật nghĩ.

Do đấy không nên nghĩ bất thiện

Thường nghĩ pháp thiện, tâm vui thích

Đời này, đời sau đều an lành

Chứng đạo thường, lạc là Niết Bàn.

Nếu tâm tích chứa nghĩa bất thiện

Tự mình mất lợi, hại kẻ khác

Gọi là người, mình đều bất thiện

Người có tâm tịnh cũng chìm mất.

Ví như đạo nhân ở chốn vắng

Đưa tay kêu gào giặc cướp tôi.

Có người hỏi: Ai cướp ông?

Đáp: Giặc cướp của cải, tôi không sợ, tôi không chứa của cải để mong cầu lợi lạc ở đời thì giặc cướp của nào hại được tôi?

Tôi tích tập căn lành và các Pháp Bảo, giặc giác quán đến phá hoại lợi ích của tôi. Nếu là giặc cướp của cải thì có thể tránh xa vì có nhiều nơi để cất giấu, còn giặc cướp pháp lành thì không có chốn ẩn lánh.

Như thế là những cách quở trach giận dữ và các pháp chánh quán để dứt trừ suy nghĩ về giận dữ.

Hỏi: Làm thế nào để trừ suy nghĩ về phiền não?

Đáp: Thế gian trăm ngàn loại chúng sinh

Các bệnh thay nhau đến não hại

Giặc chết luôn rình rập muon giết hại

Vô lượng các khổ: Tự chìm đắm.

Vì sao lại bức não người hiền?

Chê bai, mưu hại chẳng nhân từ

Chưa hại được người lại mang họa

Người đời gây hại có thể tha.

Thế gian việc ấy là nhân ác

Cũng không tự nói ta tu thiện

Người xuất gia cầu đạo thanh tịnh

Mà sinh giận dữ, tâm ganh ghét.

Trời tạnh trong mây phóng lửa độc

Nên biết ác ấy tội rất nặng

Người ở thanh vắng sinh đố kỵ

Bậc La Hán chứng tha tâm trí.

Dạy quở trách rằng sao ngu vậy

Ganh ghét tự phá cội công đức

Mong cầu cúng dường nên tự hợp

Các gốc công đức trang nghiêm thân.

Nếu không trì giới, thiền, đa văn

Dối mặc y nhuộm, hoại pháp thân

Thật kẻ xin ăn, người tệ ác

Sao cầu cúng dường để lợi thân?

Đói khát, nóng lạnh, trăm ngàn khổ

Chúng sinh thường bị các khổ ấy

Thân tâm khổ sở không cùng tận

Tại sao lại làm hại người hiền?

Ví như ung nhọt dùng kim chích

Như người tu đang bị tra khảo

Khổ sở trói thân, phiền não nhóm

Sao Từ bi lại làm khổ thêm?

Như thế là các cách quở trách về sự suy nghĩ đối với phiền não và các phương pháp quán chân chánh diệt trừ chúng.

Hỏi: Làm thế nào để diệt trừ sự suy nghĩ về xóm làng, thân thuộc?

Đáp: Nên nghĩ như vậy: Trong Thế Giới sinh tử, do nghiệp duyên lôi kéo thì đâu là thân thuộc, đâu là chẳng thân thuộc?

Chỉ vì ngu si nên sinh tâm tham đắm cho là thân thuộc của ta. Đời quá khứ chẳng phải là thân thuộc, cho là thân thuộc. Đời vị lai chẳng phải là thân thuộc, cho là thân thuộc. Đời hiện tại là thân thuộc, nhưng quá khứ chẳng phải là thân thuộc.

Ví như đàn chim tối về đậu trên một cây, sáng sớm tùy theo duyên mỗi con bay đi một hướng. Trong gia đình, xóm làng, thân thuộc cũng lại như vậy. Sinh ra trong Thế Giới, nhưng tâm mỗi người mỗi khác, duyên hội ngộ thì trở thành thân thuộc, duyên tan rã thì thành xa lạ, không có quả báo của nhân duyên cố định để cùng gần gũi với nhau mãi.

Ví như cát khô nhờ tay nắm lấy, duyên nắm cho yên hợp thành, duyên thả cho nên tan rã. Cha mẹ nuôi con, đến tuổi già thì được báo đáp. Con nhờ cha mẹ bảo bọc, nuôi dưỡng nên phải báo ân. Nếu thuận theo ý của cha mẹ là thân, nếu trái ý của cha mẹ là giặc. Có người thân thuộc, không thể tạo lợi ích, mà lại còn gây hại.

Có người chẳng phải là thân thuộc, không gây tổn hại mà còn đem lại lợi ích lớn. Con người do nhân duyên, nên sinh tham ái, cũng do nơi tham ái mà phải chia lìa. Ví như họa sĩ vẽ hình người nữ rồi tự mình yêu thích, ở đây cũng như vậy, tự sinh ái nhiễm rồi tham đắm vật bên ngoài.

Trong đời quá khứ, ông có xóm làng thân thuộc, đời hiện tại ông sẽ làm thế nào?

Ông cũng không thể làm lợi ích cho người thân trong quá khứ. Người thân trong quá khứ cũng không tạo lợi ích gì cho ông, cả hai đều không giúp ích cho nhau, nên không nghĩ rằng ai là thân hay không thân, trong Thế Giới không hạn lượng, không nhất định.

Như vị A La Hán chỉ dạy cho đệ tử mới xuất gia còn quyến thuộc người thân, nói: Như kẻ xấu ác nôn ra thức ăn, rồi muốn ăn lại ông cũng như vậy.

Đã xuất gia, vì sao lại còn tham đắm sắc dục?

Cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc là tướng giải thoát, mà còn chấp vào xóm làng, thân thuộc, đã không được giải thoát trở lại bị ái dục trói buộc.

Ba Cõi vô thường thay đổi, không nhất định, hoặc thân thuộc, hoặc chẳng thân thuộc, tuy nay là xóm làng thân thuộc nhưng lâu dần thì không còn nữa. Như vậy là chúng sinh lưu chuyển, luân hồi trong mười phương, làng xóm thân thuộc không cố định, thì chẳng phải là thân thuộc của ta.

Người khi sắp chết thì tâm thức không còn, mắt nhìn thẳng không nhấp nháy, hơi thở tắt, mạng song chấm dứt, như rơi vào hầm tối, khi ấy gia đình, xóm làng thân thuộc còn đâu! Nếu khi mới sinh, đời trước chẳng phải là thân thuộc, nay tạm hòa hợp làm thân thuộc. Hoặc khi sắp chết thì người thân thuộc trở thành không thân thuộc.

Suy nghĩ như thế thì không nên quyến luyến về thân thuộc. Như đứa trẻ chết, cùng một lúc cha mẹ của ba nơi đều khác. cha mẹ, vợ con nơi Cõi Trời, cõi người, cõi rồng đều khóc giả dối. Quán xét đúng theo những cách thức như vậy để diệt trừ sự suy nghĩ về xóm làng, thân thuộc.

Hỏi: Làm thế nào để diệt trừ sự suy nghĩ về cõi nước?

Đáp: Hành giả nếu nhớ nghĩ về cõi nước thịnh vượng, an ổn, có nhiều người tốt, nên thường bị những suy nghĩ như trên ràng buộc, lôi kéo, nên phải trừ bỏ tâm suy tư lỗi lầm như vậy. Nếu là người trí thì không nên tham vướng vào suy nghĩ.

Vì sao?

Vì mọi thứ lỗi lầm trong nước ấy như được thiêu đốt nên hoàn cảnh chuyển đổi, cũng có cảnh đói khát, người bị khổ cực, tất cả cõi nước đều không thường, an ổn.

Lại nữa, sự khổ của già, bệnh, chết thì mỗi mỗi nước nào mà không có. Ở chỗ này thân khổ, đến chỗ khác thân cũng khổ, khắp thảy cõi nước không đâu là không khổ. Giả như có cõi nước an ổn thịnh vượng mà có tâm oán kết, phiền não sinh khổ nạn thì chẳng phải là cõi nước tốt. Nếu có thể diệt trừ những thứ xấu ác nơi cõi nước, có the làm giảm thiểu các kết sử, khiến tâm không còn khổ não thì đó gọi là cõi nước tốt đẹp.

Tất cả chúng sinh có hai thứ khổ: Khổ của thân và khổ của tâm, nên thường bị khổ não, không cõi nước nào mà không có hai thư khổ não ấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần