Phật Thuyết Kinh Tọa Thiền Tam Muội - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TỌA THIỀN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN BẢY  

Lại nữa, chưa đoạn được các kết sử, chưa đạt được tâm vô lượng, trí tuệ vô lậu, vì thế nên gọi là thiểu trí. Lại nữa, siêng năng tinh tấn, nhất tâm hội nhập vào Niết Bàn, quan sát hiểu rõ năm ấm, bốn đế, mười sáu hành. Khi ấy, tâm không thiếu sót, không hối tiếc, không thoái lui, ưa thích lạc, nhập vào pháp nhẫn gọi là thiện căn của nhẫn.

Thế nào là nhẫn?

Tùy theo bốn đế gọi là nhẫn. Thiện căn có ba loại thuộc ba thời thượng, trung, hạ.

Thế nào gọi là nhẫn?

Quán xét năm ấm vô thường, khổ, không, vô ngã. Tâm nhẫn chịu không thoái lui gọi là nhẫn.

Lại nữa, quán xét thế gian đều là khổ, không, chẳng có vui. Khổ ấy nhân nơi tập là các phiền não như ái… trí của tập ấy duyên tận gọi là pháp thượng, lại không có pháp gì cao hơn nữa. Tám chánh đạo có khả năng khiến cho người hành trì đạt được Niết Bàn, không có gì hơn nữa.

Lòng tin chắc chắn như vậy, không hối tiếc, không nghi ngờ gọi là nhẫn. Trong đó lại có nhẫn mà các kết sử, tất cả phiền não nghi ngờ, hối tiếc không nhập vào tâm, không thể phá hoại. Ví như núi đá có vô số gió, nước không thể chuyển động.

Cho nên gọi là nhẫn, đạt được những việc như vậy gọi là bậc dã nhân chân thật, như trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

Chánh kiến vượt thế gian

Có ai đạt được nhiều

Cho đến ngàn vạn năm

Trọn không đọa đường ác.

Như vậy, chánh kiến của thế gian gọi là thiện căn của nhẫn. Người ấy đa phần dốc lòng tinh tấn, rất nhàm chán hành nơi thế gian, muốn hiểu rõ tướng bốn đế, hướng đến Niết Bàn. Như vậy, trong nhất tâm gọi là pháp bậc nhất của thế gian thế đệ nhất.

Một khi trụ vào bốn hành: vô thường, khổ, không, vô ngã, thì nên quán khổ pháp nhẫn của một đế trong bốn đế.

Do đâu phải quán năm thọ ấm, vô thường, khổ, không, vô ngã của Cõi Dục?

Trong đó tâm nhẫn nhập vào tuệ, cũng là tâm tương ưng với các pháp của tâm.

Đó là pháp nhẫn về khổ.

Các hành: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và tâm không tương ưng. Cửa ngõ đầu tiên của tất cả pháp vô lậu từ hiện tại đến vị lai đều gọi là pháp nhẫn về khổ. Kế đến, phát sinh pháp trí về khổ. Pháp nhẫn về khổ đoạn trừ các kết sử thì pháp trí về khổ liền chứng đắc.

Ví như một người cắt cỏ, một người bó lại. Cũng như dao bén chặt tre, gặp gió liền ngã. Vì công phu của nhẫn trí nên việc ấy được hoàn thành, đoạn được mười kết sử trói buộc của Cõi Dục. Bấy giờ, các trí khác được trí vô lậu nhưng chưa được tuệ vô lậu.

Khi ấy, hoàn thành được một trí. Trong tâm thành tựu pháp trí thứ hai.

Khổ trí, đẳng trí qua tâm thứ ba và tâm thứ tư thì thành tựu bốn trí: Khổ trí, pháp trí, tỷ trí, đẳng trí.

Trong pháp trí của tập, diệt, đạo, nếu mỗi một trí tăng, người ly dục nhận biet tâm của người khác thì trí thành tựu tăng trưởng. Tỷ nhẫn về khổ và tỷ trí về khổ đoạn được mười tám kết sử thì bốn tâm nơi khổ đế có thể chứng được pháp nhẫn về tập, pháp trí về tập, đoạn trừ bảy kết sử của Cõi Dục.

Tỷ nhẫn về tập và tỷ trí về tập đoạn trừ mười ba kết sử trói buộc nơi Cõi Sắc và Vô Sắc.

Pháp nhẫn về diệt và pháp trí về diệt đoạn trừ bảy kết sử trói buộc của Cõi Dục.

Tỷ nhẫn về diệt và tỷ trí về diệt đoạn trừ mười hai kết sử trói buộc của Cõi Sắc và Vô Sắc.

Pháp nhẫn về đạo và pháp trí về đạo đoạn tám kết sử trói buộc của Cõi Dục.

Tỷ nhẫn về đạo và tỷ trí về đạo đoạn mười bốn kết sử trói buộc của Cõi Sắc và Vô Sắc.

Tỷ trí về đạo gọi là quả Tu Đà Hoàn.

Các pháp tướng của thật trí là mười sáu tâm hay trong mười lăm tâm. Hàng lợi căn gọi là tùy pháp hành. Hàng độn căn gọi là Tùy tín hành. Thứ hai, người chưa ly dục gọi là hướng đến sơ quả, trước chưa đoạn kết sử đắc mười sáu tâm gọi là Tu Đà Hoàn.

Nếu trước đã đoạn được sáu phẩm kết sử, đắc mười sáu tâm gọi là Tư Đà Hàm. Nếu trước đoạn chín phẩm kết sử, đắc mười sáu tâm gọi là A Na Hàm. Nếu người trước chưa ly dục, đoạn tám mươi tám kết sử gọi là Tu Đà Hoàn.

Lại nữa, được thiện căn của quả vô lậu nên gọi là Tu Đà Hoàn. Hàng lợi căn gọi là Kiến Đắc. Hàng độn căn gọi là Tín Ái. Người chưa đoạn trừ tư duy, kết sử thì còn bảy lần sinh trở lại.

Nếu đoạn trước ba thứ kết sử, tư duy thì gọi là Gia gia ba lần tái sinh. Ba mươi bảy phẩm, tám phần Thánh Đạo gọi là hướng đến Niết Bàn. Tùy theo sự tu tập tiến triển ấy, nên gọi Tu Đà Hoàn là mầm mống, công đức ban đầu để thành Phật. Thoát khỏi đường ác, ba kết sử được đoạn trừ, ba độc giảm bớt gọi là Tư Đà Hàm.

Lại nữa, chín thứ kết sư ở Cõi Dục, kiến đế đoạn trừ, tư duy đoạn trừ. Nếu phàm phu trước hết dùng đường hữu lậu đoạn trừ sáu thứ kết sử trói buộc ở Cõi Dục để đi vào đường Kiến đế trong mười sáu tâm gọi là Tư Đà Hàm, còn đoạn tám thứ để vào đường Kiến đế trong tâm thứ mười sáu thì được gọi là quả Tư Đà Hàm hướng đến A Na Hàm.

Nếu đệ tử Phật được quả Tu Đà Hoàn, riêng đoạn ba kết sử Cõi Dục thì được Tư Đà Hàm. Tư duy này đoạn trừ trói buộc nơi Cõi Dục gồm chín loại kết sử, sáu loại đoạn kiến. Đó gọi là tám loại đoạn kiến của quả Tư Đà Hàm, là một loại quả Tư Đà Hàm hướng đến A Na Hàm.

Nếu người phàm phu đoạn trừ chín loại kết sử trói buộc của Cõi Dục thì nhập vào đường kiến đế trong tâm thứ mười sáu, gọi là A Na Hàm. Nếu được Tư Đà Hàm thì tiến lên đoạn ba loại kết sử tư duy, đạt giải thoát đạo thứ chín gọi là A Na Hàm.

A Na Hàm có chín loại: Đời này nhập vào Niết Bàn A Na Hàm: Thân trung ấm nhập vào Niết Bàn A Na Hàm. Sinh rồi nhập vào Niết Bàn A Na Hàm. Ân cần cầu nhập Niết Bàn A Na Hàm. Không ân cần cầu nhập Niết Bàn A Na Hàm. Bậc thượng hạnh nhập Niết Bàn A Na Hàm. Đến Cõi Trời Sắc cứu cánh nhập Niết Bàn A Na Hàm. Đến cõi Vô Sắc định nhập Niết Bàn A Na Hàm. Thân chứng A Na Hàm.

Thực hành hướng đến A La Hán, A Na Hàm nơi Cõi Sắc, Vô Sắc có chín loại kết sử. Dùng tam muội kim cang vô ngại đạo thứ chín để phá tan tất cả kết sử, dùng trí tuệ giải thoát đạo tận thứ chín để tu tập tất cả căn lành. Đó gọi là quả A La Hán.

A La Hán này có chín loại. Đó là thoái pháp, bất thoái pháp, tử pháp, thủ pháp, trụ pháp, tất tri pháp, bất hoại pháp, tuệ thoát, cộng thoát. Trí tuệ tăng tiến dần dần thực hành năm loại pháp bị thoái chuyển gọi là thoái pháp.

Trí tuệ lanh lợi, nhanh nhẹn thực hành năm pháp không bị lui sụt, gọi là bất thoái pháp. Trí tuệ tăng tiến lên, tư duy nhàm chán, tự giết thân mình gọi là tử pháp. Trí tuệ tăng tiến mạnh mẽ, tự bảo vệ thân gọi là thủ pháp. Trí tuệ bậc trung, tiến bậc trung, trụ trong chỗ không tăng không giảm, goi là trụ pháp.

Trí tuệ ít nhanh nhẹn, dốc sức tinh tấn có thể được giải thoát không hoại tâm, gọi là tất tri pháp. Trí tuệ lanh lợi, tiến mạnh mới được giải thoát không hoại tâm, gọi là bất hoại pháp. Không thể nhập vào các Thiền, chưa đến các lậu tận nơi trung địa gọi là tuệ giải thoát. Đắc các Thiền cũng diệt sạch các lậu của Thiền gọi là cộng giải thoát.

Có A La Hán thường chán đủ tất cả pháp hữu vi, càng không cầu công đức, chỉ chờ đợi lúc nhập Niết Bàn.

Có A La Hán cầu bốn thiền, bốn Định Vô Sắc, bốn đẳng tâm, tám giải thoát, tám thắng xứ, mười nhất thiết nhập, chín thứ đệ, sáu thần thông, tam muội Nguyện trí, A Lan Nhã Na, tam muội Siêu việt, huân tập ba môn giải thoát của thiền và các điều phóng xả. Lại tạo tuệ lợi, cần tinh tấn. Hội nhập công đức các thiền như vậy gọi là được pháp bất thoái, pháp bất hoại. Khi Phật không xuất hiện ở đời thì không có Phật Pháp, không đệ tử.

Lúc ấy, người lìa dục thì Bích Chi Phật xuất hiện.

Bích Chi Phật có ba loại: Thượng, trung, hạ. Bậc hạ là vốn chứng được Tu Đà Hoàn hoặc Tư Đà Hàm. Tu Đà Hoàn này ở trong đời sống thứ bảy, khi không có Phật Pháp thì không làm đệ tử, lại không ứng với đời sống thứ tám.

Bấy giờ, làm Bích Chi Phật đời sống thứ hai, hoặc Tư Đà Hàm. Khi ấy, không có Phật Pháp, không được làm đệ tử, lại không ứng với đời sống thứ ba, làm Bích Chi Phật. Có người nguyện làm Bíchchi Phật, khi gieo trồng thiện căn của Bích Chi Phật không có Phật Pháp, thiện căn đã thuần thục, nhàm chán thế tục, xuất gia chứng đạo gọi là Bích Chi Phật. Đó goi là Bích Chi Phật bậc trung.

Có người cầu Phật đạo, do nhân duyên lui sụt nên trí lực và tấn lực ít. Bấy giờ, Đức Phật không xuất hiện ở đời, không có Phật Pháp, cũng không có đệ tử, nhưng thiện căn tu hành thuần thuc, làm Bích Chi Phật, có tướng tốt hoặc nhiều, hoặc ít, nhàm chán thế tục, xuất gia chứng đạo. Đó gọi là Bích Chi Phật bậc thượng.

Đối với các pháp, trí tuệ hội nhập cạn cợt gọi là A La Hán, nhập vừa gọi là Bích Chi Phật, nhập sâu gọi là Phật. Như từ xa nhìn cây thì không thể phân biệt được cành lá, đến gần có thể phân biệt cành lá, nhưng không phân biệt được cánh hoa, đến ngay dưới cây thì có thể phân biệt biết được cành lá, hoa quả của cây.

Hàng Thanh Văn có thể nhận biết tất cả các hành là vô thường, tất cả các pháp là vô chủ, chỉ Niết Bàn là an ổn, tốt đẹp. Hàng Thanh Văn có thể quán như vậy chứ không thể nhập sâu, nhận biết rõ. Hàng Bích Chi Phật có thể phân biệt chút ít nhưng cũng không thể nhập sâu, nhận biết rõ. Đức Phật biết các pháp, phân biệt rốt ráo, nhập sâu, nhận biết rõ.

Như Vua nước Ba La Nại, khi mùa hè nóng bức, ở trên lầu cao, ngồi giường bảy báu, sai nô tỳ xoa thân bằng hương ngưu đầu chiên đàn. Cánh tay của nô tỳ đeo nhiều vòng xuyến, khi xoa vào thân Vua, những cái xuyến kêu vang. Vua rất sợ chúng bèn bảo lần lượt tháo ra, xuyến ít thì tiếng nhỏ, khi chỉ còn một cái xuyến thì im lặng không có tiếng nữa.

Khi ấy, Nhà Vua giác ngộ và nói: Quốc Gia, thần dân, cung nhân, mỹ nữ, nhiều sự thì nhiều phiền não cũng như vậy. Tức thì, Nhà Vua lìa dục, ở một mình tư duy chứng được quả vị Bích Chi Phật, râu tóc tự rụng, mặc áo bình thường, từ lâu đài đi ra, dùng sức thần túc của mình ra khỏi nhà, vào trong núi. Nhân duyên như vậy là Bích chiPhật bậc trung.

Nếu hành giả cầu Phật đạo, nhập thiền định, trước hết phải chú tâm chuyên nhớ nghĩ sinh thân của Chư Phật ba đời khắp mười phương, đừng nhớ nghĩ đến đất, nước, lửa, gió, núi rừng, cỏ cây, trong trời đất các loại có hình tướng và các pháp khác, tất cả đều chớ nhớ nghĩ, chỉ nhớ nghĩ đến sinh thân của Chư Phật ở trong hư không.

Ví như núi lớn Tu Di bằng vàng ở giữa nước sạch của biển cả. Như trong đêm tối đốt ngọn lửa lớn. Như cờ bảy báu ở trong đền thờ lớn. Như vậy, thân Phật có ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp, thường ở trong tướng hư không màu xanh phóng ra vô lượng hào quang thanh tịnh. Thường nhớ nghĩ thân Phật như vậy thì hành giả liền được Chư Phật ba đời khắp mười phương hiện ở trước mặt và thấy rõ tất cả tam muội. Nếu tâm duyên theo nơi khác thì thu giữ tâm trở lại, khiến niệm trụ nơi thân Phật.

Khi ấy, lại thấy ba trăm ngàn vạn ức vô lượng Chư Phật ở phương Đông. Như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn hướng, trên dưới, tùy theo đối tượng nhớ nghĩ phương nào liền thấy tất cả Phật. Như người ban đêm nhìn thấy các vì sao, trăm ngàn, vô lượng vì sao đều thấy được. Bồ Tát được tam muội này trừ diệt tội nặng nơi vô lượng kiếp, tội nặng làm cho nhẹ, tội nhẹ làm cho diệt hết.

Được tam muội này rồi phải nhớ nghĩ đến vô lượng công đức, nhất thiết trí, nhất thiết giải nhất thiết kiến, nhất thiết công đức của Chư Phật, được đại từ, đại bi tự tại, tự mình mới ra khỏi màn vô minh đạt bốn vô sở úy, năm nhãn, mười lực, mười tám pháp bất cộng, có thể đoạn trừ vô lượng khổ, cứu nỗi lo sợ về lão tử, cùng với Niết Bàn thường lạc, Đức Phật có vô lượng công đức như vậy.

Suy nghĩ như thế rồi, tự phát lời nguyện: Đến khi nào đó con sẽ được thân như Phật, công đức rộng lớn như Phật?

Lại phát lời đại thệ nguyện: Tất cả phước quá khứ, tất cả phước hiện tại, đem hết cầu Phật đạo chứ không cầu quả báo khác.

Lại suy nghĩ: Tất cả chúng sinh rất đáng thương xót, công đức thân Phật rộng lớn như vậy, cớ sao chúng sinh lại cầu nghiệp khác mà không cầu Phật. Ví như người con đui mù của nhà giàu sang bị rớt xuống hầm sâu lớn, đói khổ vô cùng, ăn phân, bùn. Người cha rất thương con, tìm cách cứu nó, cứu vớt khỏi hầm sâu, cho con ăn thức ăn thượng vị.

Hành giả suy nghĩ: Hai loại thân công đức cam lồ của Phật như vậy mà chúng sinh bị rớt vào hố sâu sinh tử, ăn các thứ bất tịnh, con sẽ dùng tâm đại bi cứu vớt tất cả chúng sinh, khiến họ được Phật đạo, vượt khỏi bờ sinh tử, dùng đủ loại pháp vị công đức của Phật làm cho họ no đủ.

Tất cả Phật Pháp nguyện cầu đều chứng được, nghe, đọc, tụng, thọ trì, thưa hỏi, quan sát, thực hành, chứng quả làm bậc thang, lập thệ chính yếu, mặc áo giáp ba nguyện, ngoài diệt các ma, trong cột giặc kết sử, vào thẳng không trở lại, ba nguyện như vậy so với vô lượng các nguyện, nguyện đều được trụ vào chúng vì cứu độ chúng sinh được Phật đạo. Suy nghĩ như vậy, nguyện như vậy là pháp niệm Phật tam muội của Bồ Tát.

Người hành đạo Bồ Tát, đối với ba độc nếu dâm dục nhiều thì trước tiên tự xem xét thân mình có tám tưởng và ba mươi sáu thứ bất tịnh như: Xương, thịt, da, da ngoài, gân, mạch máu, máu, gan, phổi, ruột, dạ dày, phân, nước tiểu, nước mũi, nước miếng.

Chú tâm nhập quán, không theo niệm khác. Nếu niệm theo các duyên bên ngoài thì thâu giữ trở lại. Như người cầm ngọn đuốc vào kho ngũ cốc, phân biệt từng loại đậu, lúa mì lúa gạo, bắp ngô đều biết rõ ràng.

Lại nữa, quán sáu phần của thân. Cứng là phần đất, ướt là phần nước, nóng là phần lửa, động là phần gió, lỗ hổng là phần không, nhận biết là phần thức.

Cũng như mổ bò làm thành sáu phần: Thân, đầu, bốn chân… mỗi thứ khác nhau. Thân có chín lỗ thường chảy ra thứ bất tịnh, là cái túi da đựng nước dãi, thường nên quán như vậy, không khởi niệm khác. Nếu niệm theo các duyên bên ngoài thì thâu giữ trở lại. Nếu được nhất tâm, ý sinh nhàm chán, lo sợ thì cầu xa lìa thân này, muốn mau diệt độ, sớm nhập Niết Bàn.

Khi ấy, phải phát tâm đại từ, đại Bi, dùng công đức lớn cứu độ chúng sinh, hưng khởi ba nguyện trước. Vì chúng sinh không nhận biết, không thanh tịnh nên tạo tác tội cấu. Con sẽ dẫn dắt vào quả vị giải thoát.

Lại nữa, chúng sinh Cõi Dục ham thích bất tịnh như chó ăn phân. Con sẽ độ thoát họ đưa đến đạo thanh tịnh.

Lại nữa, con sẽ cầu học tướng thật của pháp: Không thường, không vô thường, chẳng tịnh, chẳng bat tịnh.

Cớ sao con phải đắm vào sự bất tịnh này?

Trí quán bất tịnh từ nhân duyên sinh. Như pháp này của con là phải cầu tướng thật.

Làm sao nhàm chán, lo sợ sự bất tịnh trong thân mà chứng được Niết Bàn?

Phải như voi lớn vượt qua dòng nước chảy xiết, đến tận cùng nguồn cội, được tướng pháp thật, diệt độ nhập Niết Bàn. Lẽ nào như loài khỉ, thỏ khiếp sợ dòng nước chảy mạnh, nên chỉ tự độ mình. Nay con sẽ học theo pháp của Bồ Tát, thực hành pháp quán bất tịnh, trừ bỏ dâm dục, giáo hóa khắp chúng sinh làm cho xa lìa khổ hoạn dục, không thực hành quán bất tịnh thì bị nhàm chán, chìm đắm.

Lại nữa, đã quán bất tịnh thì nhàm chán sinh tử, phải quán pháp mon thanh tịnh, chú tâm vào ba chỗ: Chóp mũi, giữa hai lông mày và trên trán, nên ở trong pháp môn ấy lấy ra một tấc da, bỏ hết máu thịt, chú tâm vào xương trắng, không khởi niệm khác. Nếu niệm theo các duyên bên ngoài thì thâu giữ trở lại. Chấp vào trong ba duyên thường cùng tâm chống đối như hai người đánh nhau. Nếu hành giả thắng tâm thì không bằng chế ngự nó an trụ. Đó gọi là nhất tâm.

Nếu vì nhàm chán, lo sợ mà phát khởi tâm đại bi thương nhớ đến chúng sinh, vì chỗ xương rỗng không này mà xa lìa Niết Bàn, rơi vào ba đường ác thì con sẽ dùng hết sức lực làm các công đức giáo hóa chúng sinh khiến cho hiểu được tưởng của thân là không, xương nhờ da bao bọc, tích tụ sự bất tịnh tạo thành chúng sinh.

Từ từ sẽ phân biệt tướng của các pháp ấy, có tướng ít bất tịnh thì chúng sinh tham chấp, tướng nhiều bất tịnh thì sinh nhàm chán, lo sợ, có xuất ra tướng của pháp cho nên sinh ra pháp thật. Trong tướng thật của các pháp chẳng tịnh, chẳng bất tịnh, cũng chẳng che đậy, cũng không xuất quán về các pháp, không thể hủy hoại, không thể lay động. Đó gọi là tướng thật của các pháp.

Người hành đạo Bồ Tát, nếu nhiều sân hận thì phải thực hành tâm từ, nhớ nghĩ đến chúng sinh ở phương Đông. Tâm từ thanh tịnh không oán ghét, không sân giận, rộng lớn vô lượng, thấy các chúng sinh đều ở trước mặt.

Phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng, trên, dưới cũng như vậy. Chế phục tâm, thực hành tâm từ không khởi niệm khác. Nếu niệm theo các duyên khác thì thâu giữ trở lại, giữ tâm vào đề mục, quan sát tất cả chúng sinh đều thấy rõ ràng ở trước mặt.

Nếu được nhất tâm thì nên phát lời nguyện: Con vì pháp thanh tịnh, thật Niết Bàn, độ thoát chúng sinh khiến được niềm vui chân thật mà tu hành tam muội từ. Tâm như đấy là đạo của Bồ Tát.

Trụ vào tam muội từ để quán tướng thật của các pháp là thanh tịnh, chẳng hủy hoại, chẳng lay động, nguyện cho tất cả chúng sinh đều được pháp lợi ích này. Dùng tam muội từ này nhớ nghĩ đến tất cả chúng sinh ở phương Đông khiến được mọi an lạc của Phật. Mười phương cũng như thế, tâm không loạn động. Đây là pháp môn tam muội từ của Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần