Phật Thuyết Kinh Tọa Thiền Tam Muội - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TỌA THIỀN TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN MỘT
Khó gặp Đạo Sư dạy
Nghe rồi vui cũng khó
Bậc Thánh Nhân thích nghe
Kẻ trí kém lại chán.
Chúng sinh thật đáng thương
Rơi đường hiểm già chết
Nô lệ cho ái dục
Chỗ sợ, ngu chẳng sợ.
Thế Giới lớn hoặc nhỏ
Các pháp không thường còn
Tất cả chẳng bền chắc
Tạm hiện như tia chớp.
Thân này thuộc già chết
Chỗ quy tụ các bệnh
Da mỏng che vật bẩn
Ngu, lầm bị lừa dối.
Người thường bị giặc già
Tiêu diệt sức trẻ, mạnh
Như tràng hoa héo khô
Tàn tạ, hết tươi tốt.
Công Đức Vua Đảnh Sinh
Cùng chung tòa Đế Thích
Phước báo thật vô kể
Ngày nay còn gì đâu.
Vua ấy, Cõi Trời người
Dục lạc là hơn hết
Lúc chết rất thống khổ
Do đó nên tỉnh ngộ.
Các dục ban đầu vui
Về sau thành khổ lớn
Như oán lúc đầu thiện
Sau thành họa diệt tộc.
Thân là vật chứa bẩn
Chín lỗ thường thải uế
Như ghẻ nhọt Na Lợi
Thuốc hay chẳng trị lành.
Xương, sức xe yếu kém
Gân mạch buộc thức chuyển
Người cho là xe tốt
Tham đắm không hổ thẹn.
Nơi chứa thây người chết
Phơi đầy khắp gò nổng
Khi sống được nuông chiều
Lúc chết đều vất bỏ.
Thường nên nghĩ như vậy
Nhất tâm quán, không loạn
Trừ tối tăm, ngu si
Cầm đuốc để soi sáng.
Nếu lìa bốn niệm chỉ
Ác nào tâm không tạo
Như voi thoát móc sắt
Không theo sự chăn dắt.
Ngày nay tạo nghiệp này
Ngày mai tạo nghiệp khác
Tham vui không thấy khổ
Bất chợt giặc chết tới.
Hối hả làm việc mình
Việc khác cũng chẳng xong
Giặc chết không chờ đợi
Đến thì không thoát khỏi.
Như nai vì khát nước
Nên tìm đến dòng suối
Thợ săn không thương xót
Chẳng cho uống, lại giết.
Người ngu cũng như vậy
Chuyên làm đủ các việc
Chết đến chẳng hẹn trước
Ai sẽ giúp cho ngươi?
Tâm người ưa giàu sang
Năm dục lòng chưa đủ
Các vị đại Quốc Vương
Cũng không khỏi nạn ấy.
Tiên Nhân trì chú thuật
Cũng không thoát sinh tử
vô thường voi lớn giẫm
Đạp sâu, kiến thành đất.
Cho đến tất cả người
Chư Phật Bậc Chánh Giác
Vượt khỏi dòng sinh tử
Lại cũng chẳng thường còn.
Vì vậy phải nên biết
Những gì ngươi ưa thích
Đều nên sớm xa lìa
Dốc lòng cầu Niết Bàn.
Sau khi bỏ thân này
Ai sẽ chứng biết ta?
Lại được gặp pháp báu
Và người không được gặp.
Mặt trời Phật xuất hiện
Diệt trừ mọi tối tăm
Phóng các luồng ánh sáng
Dạy người đạo, phi đạo.
Ta từ chốn nào đến
Rồi sẽ sinh vào đâu?
Ở đâu được giải thoát
Nghi này ai sẽ rõ?
Phật Đấng Nhất Thiết Trí
Lâu lắm mới xuất hiện
Nhất tâm chớ buông lung
Trừ nghi ngờ cho ông.
Chẳng ưa thích lợi lộc
Tham đắm tâm xấu ác
Vì nuôi dưỡng chúng sinh
Nên cầu tướng pháp thật.
Ai biết được khi chết
Sẽ sinh cảnh giới nào?
Ví như đèn trước gió
Chẳng biết lúc nào tắt.
Đến đạo pháp chẳng khó
Bậc Thánh đã chỉ dạy
Giảng trí và nơi trí
Cả hai chẳng nương ngoài.
Nếu ông không buông lung
Một lòng thường hành đạo
Không lâu chứng Niết Bàn
Chốn an lạc bậc nhất.
Bậc trí gần người hiền
Hết lòng kính pháp Phật
Chán thân uế, bất tịnh
Lìa khổ được giải thoát.
Thanh vắng, tu tịch tĩnh
Ngồi kiết già giữa rừng
Giữ tâm, không buông lung
Ý tỏ rõ các duyên.
Nếu trong hữu không chán
Ngủ yên không tự tỉnh
Không nghĩ đời vô thường
Đáng sợ mà không sợ.
Phiền não sâu không đáy
Biển sinh tử không bờ
Thuyền vượt biển chưa tạo
Sao an vui ngủ nghỉ?
Do vậy nên giác ngộ
Chớ vì ngủ che tâm
Trong bốn việc cúng dường
Biết lượng, biết vừa đủ.
Nỗi sợ lớn chưa thoát
Nên phải dốc tinh tấn
Khi các khổ ập tới
Hối hận không kịp nữa.
Đắp y ngồi bên cây
Đúng pháp mà thọ thực
Chớ vì tham vị ngon
Mà dẫn đến tự hoại.
Ăn xong rõ vị, xứ
Ngon, dở đều không khác
Ưa thích sinh buồn khổ
Vì vậy chớ tham vướng.
Hành nghiệp trong thế gian
Tốt đẹp, xấu đều thay đổi
Tất cả đã nhận đủ
Vậy nên tự điều phục.
Nếu ở loài súc sanh
Nhai cỏ làm vị ngon
Địa ngục nuốt thỏi sắt
Nung cháy nóng hừng hực.
Hoặc loài quỷ Bệ Lệ
Máu mủ và phân giải
Đủ các thứ uế tạp
Cho đó là vị ngon.
Hoặc nơi cung điện trời
Xem đủ loại bảy báu
Ăn toàn vị Tô Đà
Thiên nữ tạo vui thú.
Sinh cõi người giàu sang
Đầy đủ bảy vị ngon
Đều đã từng trải qua
Sao nay còn tham luyến?
Qua lại trong thế gian
Nhàm chán việc vui, khổ
Tuy chưa được Niết Bàn
Nên dốc cầu an lạc.
Người học thiền mới đến gặp thầy, thầy nên hỏi: Ông có trì giới thanh tịnh?
Chẳng phạm tội trọng, tà, ác gì chăng?
Nếu đáp: Giới luật của năm chúng đều giữ thanh tịnh, không phạm tội trọng, tà, ác, thì sau đấy mới chỉ dạy về đạo pháp.
Nếu đáp: Đã phá giới, thì vị thầy phải hỏi: Ông đã phá giới nào?
Nếu trả lời: Đã phạm giới trọng.
Thì thầy nên dạy: Như người bị cắt mất tai, mũi, không cần phải soi gương nữa. Hãy trở về siêng năng tụng Kinh, khuyến khích tạo phước, có thể gieo trồng nhân duyên đạo pháp cho đời sau, đời này xem như đã bỏ. Ví như cây khô dù có tưới nước, chăm sóc cũng không thể ra lá, đơm hoa và kết trái.
Nếu phá các giới khác thì thầy nên dạy người ấy đúng như pháp sám hối. Nếu đã được thanh tịnh, như vị thầy chứng được thiên nhãn, hoặc tha tam trí, thì theo bệnh mà thuyết giảng pháp, dẫn đến với đạo.
Nếu thầy chưa chứng đạt thần thông thì nên xét xem hình tướng, hoặc hỏi người đó:
Trong ba thứ độc, ông vướng vào loại nào?
Dâm dục nhiều chăng?
Giận dữ nhiều chăng?
Ngu si nhiều chăng?
Làm thế nào để quán xét về tướng mạo?
Nếu là tướng nhiều dâm dục thì người đó nhanh nhẹn, có nhiều thê thiếp, lắm lời, dễ tin, dáng dấp phong lưu, nói năng lưu loát, dễ hiểu, ít khi giận dữ và lo buồn.
Có nhiều năng khiếu về kỹ thuật, lãnh hội tốt, kiến thức rộng, ưa thích văn chương, khéo biện luận, thường quán xét về lòng người, có nhiều lo sợ. Ở trong nhà ưa thích mặc áo mỏng, ham muốn về nữ sắc… tham vướng về đồ nằm, y phục, trang sức hương hoa.
Tâm ý mềm mỏng, hay yêu thương, lời lẽ hoa mỹ, thích làm việc phước thiện. Ý muốn sinh lên Cõi Trời, không còn các nạn khổ, phân biệt kẻ đẹp người xấu, ưa tín nhiệm phụ nư, lửa dục luôn nung nấu, tâm nhiều thay đổi, hối tiếc, thích tự trang sức, ưa xem tranh vẽ nhiều màu, keo kiệt đối với vật của mình, tham cầu vật của người.
Thích giao kết với bạn bè, không thích ở một mình, chú trọng về chỗ ở, chạy theo thế tục, chợt kinh, chợt sợ, tâm chí như khỉ vượn, nhận thức cạn cợt, làm việc không suy nghĩ, xem nhẹ việc làm, hành động theo sở thích.
Thích khóc thích cười, thân thể ưa tiếp xúc sự mềm mại, không kham noi những khổ cực, lạnh nóng, dễ chán nản, dễ ưa thích, không thể nhẫn đối với các việc, được ít vui nhiều, mất ít sầu lớn, tự bày ra rồi tự che giấu.
Thân ấm, mồ hôi hôi, da mỏng, tóc mềm, mặt nhiều nếp nhăn, nhiều điểm trắng, cắt móng tay, cạo râu nhẵn, đánh răng kỹ, đi ra ưa mặc đồ sạch sẽ, học thì không chuyên cần, thích dạo chơi đây đó, đa tình, nhiều mong cầu, chấp vào thường kiến, nương nơi người có đức, vồn vã thăm hỏi, thích sử dụng lời nói của kẻ khác, gượng vui.
Ra vẻ chịu đựng, nghe sự việc chóng hiểu, nhanh nhẹn trong công việc, phân biệt tốt xấu, thương xót người nghèo khổ, tự đại, hiếu thắng, không chịu sự lấn lướt, ưa thích bố thí, dẫn dắt người làm thiện, được thức ăn ngon thì ban cho mọi người, không để tâm việc nhỏ gần chỉ để chỗ lớn xa, mắt tham đắm nơi sắc, công việc ít khi hoàn thành.
Không có suy nghĩ sâu kín, biết phong tục, tập quán ở đời, quán xét về nhan sắc, dò biết mặt trái nơi lòng người, lời nói hoa mỹ, trí tuệ ưa biện giải, kết bạn không bền, tóc thưa, ít ngủ nghỉ, đi, đứng, nằm, ngồi không mất oai nghi, của cải hiện có thường đem cứu giúp, sau đó lại hối tiếc, thích làm điều nghĩa, vội vàng làm cho được, nhưng lại mau quên, nơi mọi cử động khó tự cải đổi, khó xa lìa tham dục, gây các tội nhỏ.
Những thứ tướng trạng như vậy là tướng dâm dục.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên - Phẩm Hai - Phẩm Nhất Thiết Thí
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Năm - Kinh đôi Chim Bồ Câu
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số tám
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Nhất Hướng Xuất Sinh Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Ba - Phẩm Thích đề Hoàn Nhân
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Tám - Tám Pháp - Phẩm Hai - Phẩm Lớn - Phần Năm - Các Cấu ô Uế
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Xóm Ngựa - Phần Ba - Hộ Trì Các Căn